Sign In

Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Quy chế số 14 về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự

29/11/2015

Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Quy chế số 14 về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự
     Được sự thống nhất của Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh, sáng ngày 25/11/2015, đồng chí Lê Trọng Nguyên, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh chủ trì Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế số 14 ngày 09/10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về phối hợp liên ngành thi hành án dân sự
     Sau 02 năm thực hiện quy chế phối hợp liên ngành, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động dần đi vào nề nếp, giúp cho cơ quan Thi hành án dân sự hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Tất cả các đơn vị và hầu hết các cá nhân được phân công tham gia đều bám sát theo quy chế và luôn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của từng ngành. Bên cạnh đó, các ngành thường xuyên phối hợp, trao đổi, thống nhất hướng giải quyết, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác thi hành án dân sự trên địa bàn.
 

     Tại Hội nghị, các đại biểu đã phân tích kết quả thực hiện nhiệm vụ, những tồn tại hạn chế trong việc phối hợp giữa các ngành trong công tác thi hành án dân sự. Qua trao đổi, các đại biểu thống nhất đề ra phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới như sau:
     1. Lãnh đạo liên ngành và địa phương tiếp tục triển khai quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thi hành án dân sự cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của từng ngành, của địa phương trong công tác phối hợp; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cán bộ được phân công phối hợp trong thi hành án dân sự để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn.
     2. Đối với cơ quan thi hành án dân sự: quán triệt và xác định rõ việc phối hợp trong công tác thi hành án dân sự là công việc thường xuyên và không thể thiếu trong tác nghiệp; phải tích cực, chủ động đề xuất nội dung phối hợp; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc đến các cơ quan phối hợp. Tăng cường công tác tự kiểm tra của cơ quan Thi hành án dân sự 02 cấp.
     3. Đối với Toà án nhân dân: kịp thời chuyển giao bản án, quyết định, trả lời những kiến nghị, giải thích án cho cơ quan thi hành án dân sự đúng thời gian quy định. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc xét xử để khắc phục việc tuyên án không rõ ràng, không chính xác hoặc không khả thi dẫn đến khó thi hành trên thực tế.
     4. Đối với cơ quan Công an: chỉ đạo Trại tạm giam, Nhà tạm giữ thường xuyên tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự để phạm nhân biết rõ và thực hiện trách nhiệm phải thi hành án dân sự; kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự biết về kết quả thu tiền, tài sản của phạm nhân; thông báo cho các cơ quan thi hành án dân sự biết về các đợt xét miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và đặc xá đối với người phải thi hành án dân sự là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù để kịp thời phối hợp. Phân công lực lượng bảo vệ cưỡng chế theo quy định của pháp luật và quy chế đã ký kết.
     5. Đối với Viện Kiểm sát nhân dân: tăng cường công tác kiểm sát thi hành án dân sự, công tác xét xử của Toà án nhằm kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm và thực thiện đúng quy định. Từng bước tổ chức kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với người phải thi hành án, người được thi hành án và những cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến việc thi hành án dân sự theo Điều 28 Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
QVP

Các tin đã đưa ngày: