Sign In

Nhiều thách thức qua các kỳ chuyển giao trong Thi hành án dân sự

02/06/2016

     Từ khi thành lập cho đến nay, Thi hành án dân sự (THADS)  đã qua 3 lần thay đổi tên gọi khác nhau (từ Phòng Thi hành án, Đội THADS rồi đến Thi hành án dân sự tỉnh, Thi hành án dân sự huyện nay trở thành Cục THADS, Chi Cục THADS) và mỗi lần đổi thay, đã nâng THADS tỉnh nhà lên 1 vị thế mới nhưng cũng đặt cơ quan THADS trước nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, sự thiếu thốn về vật chất và việc kiện toàn tổ chức là vấn đề lớn mà hệ thống THADS trong tỉnh phải đối mặt.
 
     Giai đoạn Thực hiện theo pháp lệnh THADS năm 1993
 
     Sau khi có nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa IX, ngày 6-10- 1992 về việc chuyển giao công tác THADS từ Tòa án nhân dân các cấp sang  các cơ quan của Chính phủ, cơ quan THADS trên toàn quốc được thành lập nói chung và Phòng THADS tỉnh cũng được thành lập với 7 Đội thi hành án huyện, thị xã. Theo pháp lệnh, cơ quan THADS tỉnh có tên gọi là Phòng Thi hành án trực thuộc Sở Tư pháp và cơ quan THADS huyện, thị xã thuộc tỉnh có tên gọi là Đội thi hành án trực thuộc Phòng Tư pháp. Trong thời gian đầu khi tách ra từ cơ quan Tòa án, công tác THADS gặp rất nhiều khó khăn về nhân sự (toàn tỉnh có 16 nhân sự nhưng chỉ có 4 Chấp hành viên), cơ sở vật chất, trang thiết bị thì thiếu thốn, trụ sở làm việc chưa được ổn định phải ở nhờ cơ quan khác. Năm 1994, số lượng Chấp hành viên nâng được quan tâm nâng lên con số 13 nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn “ì ạch” nên dù rất cố gắng các cơ quan THADS cũng chỉ thi hành đạt tỷ lệ trên 43% về việc và gần 47% về tiền.
 
     Giai đoạn Thực hiện theo pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004.
 
     Năm 2004, Pháp Lệnh THADS ra đời thay thế pháp lệnh THADS năm 1993 và các văn bản pháp luật khác được ban hành tiếp theo thì THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là THADS cấp tỉnh), THADS huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là THADS cấp huyện). Thời điểm đó, trên địa bàn tỉnh đã được thành lập thêm 2 Đội THADS cấp huyện ( Đội THADS huyện Ngã Năm và Đội THADS huyện Cù Lao Dung ) và nâng tổng số THADS cấp huyện lên 9 Đội. Với biên chế hiện có là 58 đồng chí thì có 20 Chấp hành viên và 38 cán bộ, công chức khác; còn cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn ở tình trạng “âu sầu” .    

     Năm 2005, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1148/QĐ-BTP, ngày 18-5-2005  về việc ban hành Quy chế uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thi hành án huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong thời gian được ủy quyền, THADS tỉnh tham mưu giúp Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ như tuyển dụng bổ sung biên chế, bổ nhiệm, đào tạo, nâng lương, khen thưởng.... Đặc biệt, việc thành lập 2 phòng chuyên môn thuộc THADS tỉnh (Phòng Tổ chức hành chính, tổng hợp và tài vụ; Phòng nghiệp vụ kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo thi hành án) để tham mưu cho Trưởng THADS tỉnh giải quyết những công việc có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của phòng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chung của ngành.   

     Dù hằng năm, ngành THADS luôn được Bộ Tư pháp quan tâm bổ sung biên chế và đến cuối năm 2008 toàn tỉnh là 108 biên chế (THADS tỉnh đã thực hiện được 89 biên chế; trong đó, có 27 chấp hành viên) nhưng vẫn chưa tương xứng so với khối lượng công việc. Vì cơ quan Tòa án cấp huyện được tăng thẩm quyền xét xử mới nên kéo theo khối lượng công việc của THADS cấp huyện cũng tăng lên đáng kể. Chính vì thế, cán bộ, chấp hành viên của ngành THADS phải làm việc với “công suất” gấp đôi để hoàn thành tốt chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao.

     Giai đoạn thực hiện theo Luật THADS:  
 
     Năm 2008, Luật THADS ra đời và theo đó, hệ thống tổ chức THADS cũng có những thay đổi. Ở Trung ương là Tổng cục THADS; ở cấp tỉnh là Cục THADS; ở cấp huyện là Chi Cục THADS. Ở Sóc Trăng được sự sâu sát từ trung ương và chỉ đạo kịp thời ở địa phương, đến nay về tổ chức biên chế và cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ được giao. Hiện, Cục THADS có 11 đơn vị Chi cục THADS cấp huyện trực thuộc, với tổng biên chế được giao là 111 và đã thực hiện được 96, số lượng Chấp hành viên là 33. Về cơ sở vật chất, đã có 9/11 trụ sở làm việc của các cơ quan THADS được xây dựng mới, khang trang đáp ứng đủ phòng làm việc cho cán bộ, công chức. Trang thiết bị phục vụ cho công tác cơ bản đã đáp ứng cho công việc như: xe ô tô, máy photocopy, máy vi tính….Trong các lần chuyển giao, cán bộ “ngon” được giữ lại...., cán bộ “.....” đưa qua cơ quan thi hành án.
 
     Theo đồng chí Lư Minh Énh-Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, trong các giai đoạn chuyển giao, THADS tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn nhưng với lòng quyết tâm cao của tập thể các cơ quan THADS trong tỉnh đã nỗ lực, phấn đấu không ngừng thực hiện tốt nhiệm vụ được cấp trên giao và hoàn thành nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Tuy nhiên, cũng do cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được trang bị đầy đủ, hiện nay còn 2 đơn vị vẫn chưa được xây dựng trụ sở; công tác tổ chức cán bộ đôi lúc chưa thật sự được quan tâm đúng mức... Nói chung, một ngành “sinh sau, đẻ muộn” đã có sự “yếu thế” hơn so với các cơ quan trong hoạt động tư pháp. Chính vì thế, quá trình thực hiện nhiệm vụ đã xảy ra một số thiếu sót, sai phạm không đáng trong thời gian qua. Nhưng với vị trí, địa vị pháp lý mới như hiện nay, Cục THADS sẽ quyết tâm, nỗ lực kiện toàn tổ chức để nâng cao chất lượng thi hành án bền vững; bởi con người “chất lượng” thì công việc mới “hiệu quả”. Để thực hiện được mục tiêu trên, ngoài sự nỗ lực, phấn đấu của đội ngũ cán bộ ngành THADS còn cần phải có sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của cấp ủy, UBND các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan. Có như vậy, công tác THADS mới có thể hoàn thành tốt chỉ tiêu được giao và khẳng định mình trong hệ thống tư pháp tỉnh nhà.
Sớm mai

Các tin đã đưa ngày: