Sign In

Hỏi đáp về hành nghề đấu giá viên, đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản

01/09/2018

Đây là nội dung được nhiều người quan tâm trong thời gian qua
1. Để trở thành một đấu giá viên thì cần những tiêu chuẩn gì? Những tiêu chuẩn đó được quy định ra sao?
Để trở thành đấu giá viên thì cần phải có đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 10 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 như sau: Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt; có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng; tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá quy định tại Điều 11 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, trừ trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá quy định tại Điều 12 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016; đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá. 
2. Pháp luật quy định những người nào được miễn đào tạo nghề đấu giá? 
Theo Điều 12 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì những người được miễn đào tạo nghề đấu giá bao gồm: Người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên; người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên
3. Hình thức hành nghề của đấu giá viên được quy định như thế nào?

Theo Điều 18 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định hình thức hành nghề của đấu giá viên gồm có ba hình thức: Thứ nhất, hành nghề tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản. Thứ hai, hành nghề tại doanh nghiệp đấu giá tài sản. Thứ ba, hành nghề tại tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Việc hành nghề của đấu giá viên theo các hình thức nêu trên được quy định cụ thể: Đấu giá viên hành nghề theo hình thức thứ nhất được thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về viên chức; Đấu giá viên hành nghề theo hình thức thứ hai thực hiện thông qua việc thành lập hoặc tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp đấu giá tài sản. Mỗi đấu giá viên chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một doanh nghiệp đấu giá tài sản hoặc ký hợp đồng lao động với một doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan; đấu giá viên hành nghề theo hình thức thứ ba thì thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và pháp luật về lao động. 
4. Về trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản tại Sở Tư pháp được quy định như thế nào?
Theo Điều 25 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định về thủ tục đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản tại Sở Tư pháp được quy định như sau: Doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Điều 23 của Luật Đấu giá tài sản gửi một bộ hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động đấu giá tài sản đến Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và nộp phí theo quy định của pháp luật. Hồ sơ bao gồm: Giấy đề nghị đăng ký hoạt động; điều lệ của doanh nghiệp đối với công ty đấu giá hợp danh; bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu chứng chỉ hành nghề đấu giá của chủ doanh nghiệp đấu giá tư nhân, chứng chỉ hành nghề đấu giá của thành viên hợp danh, tổng giám đốc hoặc giám đốc của công ty đấu giá hợp danh; giấy tờ chứng minh về trụ sở của doanh nghiệp đấu giá tài sản, cam kết bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho hoạt động đấu giá tài sản.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động cho doanh nghiệp đấu giá tài sản; trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Doanh nghiệp bị từ chối cấp giấy đăng ký hoạt động có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp đấu giá tài sản hoạt động kể từ ngày được cấp giấy đăng ký hoạt động. 


Theo http://baosoctrang.org.vn/

Các tin đã đưa ngày: