Sign In

Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp xử lý tài sản là quyền sử dụng đất trong thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

23/08/2021

          Trong thời gian qua, công tác THADS trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, cấp ủy và chính quyền địa phương cũng như sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan THADS thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, kết quả công tác tổ chức thi hành án trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả khả quan, giải quyết dứt điểm một số vụ việc phức tạp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với các cơ quan liên quan nói chung, với cơ quan quản lý đất đai trong việc xử lý tài sản bảo đảm thi hành án là quyền sử dụng đất nói riêng, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả tổ chức thi hành án, cụ thể như sau:

Một là, khó khăn trong phối hợp thu thập, xác lập sơ đồ hiện trạng quyền sử dụng đất làm căn cứ kê biên định giá, bán đấu giá. Để có căn cứ kê biên định giá, bán đấu giá, giao tài sản trúng đấu giá là quyền sử dụng đất thì Chấp hành viên phải xác minh rõ vị trí thửa đất, lập sơ đồ hiện trạng sử dụng đất. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết án trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhất là các khu vực địa bàn chưa có bản đồ chính quy, vẫn còn bản đồ 299 (bản đồ không ảnh) thì việc xác định vị trí, lập sơ đồ hiện trạng là khó khăn cho Chấp hành viên khi kê biên, bởi:

- Cơ quan đăng ký đất đai yêu cầu phải có những chủ đất giáp tứ cận ký xác nhận thì mới đo đạc theo yêu cầu của cơ quan THADS. Người phải thi hành án (là chủ đất) không hợp tác, vì muốn kéo dài thời gian thi hành án; đặc thù đất rẫy, đất canh tác thì việc xác định chủ đất liền ranh là khó khăn, bởi chủ sử dụng đất không thường xuyên có mặt tại nơi có đất. Ví dụ: người phải thi hành án có đất ở Tân Châu, Tân Biên nhưng sinh sống tại thị xã Hòa Thành hoặc thành phố Hồ Chí Minh; họ có tiền mua đất, thuê người canh tác…có khi địa phương không biết mặt chủ đất nên rất khó khăn trong việc phối hợp xác định ranh đất.

Vụ việc cụ thể: vụ Nguyễn Thị Thanh Thúy, địa bàn Tân Châu đang xử lý, vụ việc đã bán đấu giá thành nhưng đến nay chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá do thực tế thiếu 10.000m2 đất; hiện các cơ quan chuyên môn về quản lý đất đai, UBND huyện vẫn chưa trả lời 10.000m2 đất có trên thực tế hay không, ở vị trí nào. Nguyên nhân đầu tiên của việc này là do Chấp hành viên không thực hiện việc đo vẽ trước khi kê biên làm các thủ tục tiếp theo. Cục THADS đã tham mưu Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh chỉ đạo thành lập tổ công tác xác định đất có hay không, vị trí cụ thể để xử lý dứt điểm vụ việc.

- Hiện trạng sử dụng đất so với dữ liệu thông tin do cơ quan đăng ký cùng cấp không trùng khớp, nên việc sai thửa, sai vị trí; ranh thực tế sử dụng so với ranh bản đồ không khớp nhau…

Vụ việc cụ thể: Vụ Nguyễn Thị Hiền– Trần Văn Hên (ngụ thị trấn Tân Biên) hiện cơ quan THADS đang đối diện việc phải bồi thường nhà nước, với lý do là trước đây Chấp hành viên kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản của người phải thi hành án (đây là tài sản được ghi nhận trong bản án hôn nhân) nhưng chưa làm rõ đất có đúng vị trí được cấp hay không mà căn cứ trên Giấy CNQSDĐ và nội dung bản án (chia tài sản hôn nhân);mặc dù buổi cưỡng chế kê biên có tham gia của công chức địa chính, các cơ quan chuyên môn về đất đai (Văn phòng đăng ký, Phòng Tài nguyên và Môi trường…). Thực tế là vị trí nhà, đất được tuyên trongbản án chênh lệch so với giấy CNQSDĐ.

Hai là, về đăng ký biến động quyền sử dụng đất. Đối với quyền sử dụng đất đã hết hạn sử dụng, khi cơ quan THADS đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện thủ tục chỉnh lý thì không thực hiện được; do Văn phòng đăng ký đất đai yêu cầu người chủ sử dụng đất (là người phải thi hành án) đến làm thủ tục chỉnh lý gia hạn thời gian sử dụng đất thì mới thực hiện thủ tục chuyển quyền, trong khi người phải thi hành án luôn né tránh không hợp tác hoặc bỏ đi khỏi địa phương không xác định được địa chỉ cư trú.

Đối với các loại đất là đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm...thì có thời hạn sử dụng đất, tại thời điểm cưỡng chế kê biên thì thời hạn sử dụng đất đã hết. Theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 thì đất này không đủ điều kiện thực hiện các giao dịch, cần phải được làm thủ tục gia hạn.
Khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai quy định “…Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu”.

Ba là, quá trình kê biên, xử lý tài sản thì người phải thi hành án tẩu tán tài sản, giấy CNQSDĐ đã cấp cho người khác, người được thi hành án khởi kiện. Kết quả xét xử Tòa án tuyên giao dịch của người phải thi hành án vô hiệu, hủy giấy CNQSDĐ đã cấp để cấp lại cho người phải thi hành án.

Vụ việc cụ thể: Vụ Hồ Thị Bắc và Huỳnh Văn Kiếm (ngụ tại thành phố Tây Ninh). Quá trình thi hành án bà Bắc, ông Kiếm tặng cho quyền sử dụng đất cho con trai Huỳnh Văn Đông. Kết quả xét xử Tòa án tuyên bố hợp đồng tặng cho vô hiệu, kiến nghị cơ quan đăng ký đất đai cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Bắc, ông Kiếm. Cơ quan THADS phối hợp thực hiện để làm thủ tục thu hồi giấy CNQSDĐ để cấp lại cho bà Bắc, ông Kiếm làm căn cứ xử lý tiếp (định giá, bán đấu giá…) nhưng việc thực hiện rất khó khăn. Văn phòng đăng ký đất đai yêu cầu Chấp hành viên phải thực hiện các thủ tục như một chủ sử dụng đất, mất nhiều thời gian.

Bốn là, trên giấy CNQSDĐ ghi là cấp cho hộ gia đình, nhưng bản chất thực tế là cấp cho cá nhân, cụ thể là người phải thi hành án.

Tổng cục THADS đã có hướng dẫn xử lý tài sản quyền sử dụng đất của hộ gia đình, tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là thực tế hồ sơ xin cấp giấy CNQSD đất tại thời điểm kê khai, đăng ký là đề nghị cấp cho cá nhân, nhưng quá trình cấp giấy là hộ gia đình (theo mẫu). Đây là vấn đề làm chậm quá trình xử lý từ khâu phối hợp xác minh, khởi kiện, xác định quyền sở hữu…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc như trên. Về khách quan, do đặc thù đất đai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh rất phức tạp, để làm rõ các thông tin cần thiết khi xử lý tài sản phải mất rất nhiều thời gian; hơn nữa, khối lượng công việc của của các cơ quan đăng ký đất đai rất nặng nề nên chưa kịp thời trong công tác phối hợp với cơ quan THADS. Về phía các cơ quan THADS trong tỉnh, hàng năm phải thụ lý thi hành lượng việc rất lớn (trên 28.000 việc/năm) trong điều kiện còn thiếu nhiều biên chế công chức và biên chế Chấp hành viên nên luôn trong tình trạng quá tải công việc. Do áp lực công việc và chỉ tiêu được phân bổ, Chấp hành viên tập trung giải quyết các hồ sơ mới thụ lý hoặc có khả năng xử lý dứt điểm mà chưa dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý đối với các hồ sơ có khó khăn, vướng mắc (đặc biệt là các hồ sơ tồn đọng, có sai phạm khó khắc phục…) Về chủ quan, một số vụ việc trước đây Chấp hành viên có sai sót trong quá trình kê biên, xử lý quyền sử dụng đất (không xác minh, đo đạc trên thực tế…) dẫn đến việc khắc phục hậu quả mất rất nhiều thời gian. Chấp hành viên mới tiếp nhận hồ sơ chưa kịp thời nghiên cứu, chủ động tham mưu đề xuất biện pháp xử lý tiếp theo.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp THADS, nâng cao hiệu quả xử lý tài sản là quyền sử dụng đất trên địa bàn, các cơ quan THADS tỉnh Tây Ninh tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:

- Quán triệt, tăng cường trách nhiệm của Chấp hành viên phối hợp với cơ quan hữu quan. Bồi dưỡng kỹ năng kiến thức pháp luật về đất đai, kỹ năng giải quyết các vụ việc liên quan đến đất đai. Thực hiện nghiêm túc việc viết nhật ký thi hành án, báo cáo đầy đủ các khó khăn vướng mắc để Lãnh đạo đơn vị kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo phối hợp giải quyết.

- Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành giữa Cục THADS và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh. Quá trình thực hiện có trao đổi, thống nhất sửa đổi Quy chế cho phù hợp với tình hình mới. Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản chỉ đạo các Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc dành 01 ngày làm việc trong tuần để hỗ trợ, phối hợp với cơ quan THADS.

- Phát huy vai trò của Ban chỉ đạo THADS hai cấp, đặc biệt là cấp tỉnh. Với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo, Cục THADS chủ động tham mưu xử lý các vụ việc thi hành án phức tạp liên quan đến đất đai, thường xuyên báo cáo, tham mưu văn bản để Trưởng ban có ý kiến chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ cơ quan THADS. Điển hình như tham mưu cho UBND tỉnh thành lập tổ công tác xử lý vụ 10.000m2 đất trong vụ Nguyễn Thị Thanh Thúy.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, công tác phối hợp xử lý tài sản là quyền sử dụng đất để thi hành án ngày càng đi vào nề nếp, khắc phục được một số khó khăn, vướng mắc. Kết quả là thời gian vừa qua những vướng mắc trong gia hạn thời gian quyền sử dụng đất, chỉnh lý biến động về đất đai cơ bản được giải quyết tốt hơn theo đề nghị của cơ quan THADS; việc cung cấp thông tin, đo vẽ được giải quyết kịp thời hơn, đã giúp rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án.

Từ thực tiễn công tác phối hợp trong xử lý tài sản là quyền sử dụng đất để thi hành án trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất một số nội dung như sau:

- UBND tỉnh tiếp tục quan tâm có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan THADS theo Quy chế phối hợp liên ngành trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi xử lý tài sản là quyền sử dụng đất nhưng chưa có giấy CNQSDĐ hoặc giấy CNQSDĐ ghi cấp cho hộ gia đình, nhưng thực tế do cá nhân đăng ký và các khó khăn, vướng mắc khác có liên quan đến việc xử lý QSDĐ của người phải thi hành án nhằm sớm tổ chức thi hành án dứt điểm vụ việc, không để kéo dài, gây bức xúc của đương sự.

- Tổng cục THADS tham mưu Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi quy chế phối hợp để phù hợp thực tế (công tác chỉnh lý theo yêu cầu của cơ quan THADS).

- Tổng cục THADS có quy chế phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chỉnh lý biến động khi người phải thi hành án không phối hợp thực hiện./.

 
Phạm Lê Tuấn An

Các tin đã đưa ngày: