Sign In

VẤN ĐỀ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CHẤP HÀNH VIÊN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

08/07/2016

Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Trong điều kiện của nước ta hiện nay, có thể khẳng định, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước, xây dựng đội ngũ cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Bởi vậy, trong bất cứ thời kỳ nào, ở từng giai đoạn lịch sử của đất nước, Đảng và Nhà nước ta cũng luôn luôn chú trọng, quan tâm chăm lo đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung.
Chấp hành nghiêm chỉnh, đầy đủ và kịp thời các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật là một yêu cầu, đòi hỏi mang tính bắt buộc đối với các chủ thể có liên quan và nó đã trở thành một nguyên tắc mang tính hiến định, được quy định cụ thể trong Hiến pháp. Cụ thể tại Điều 106 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã khẳng định: "Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.  Để nguyên tắc này được thực hiện trên thực tế một cách triệt để thì hoạt động thi hành án nói chung và thi hành án dân sự nói riêng giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Theo đó, thi hành án là hoạt động nhằm đưa các bản án, quyết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành trên thực tế; thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và xã hội; góp phần giữ vững an ninh trật tự, ổn định chính trị - xã hội; qua đó tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước trong quản lý, điều hành xã hội.
Với vị trí, vai trò và tầm quan trọng như vậy, hoạt động thi hành án, đặc biệt là thi hành án dân sự đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và đưa ra nhiều chủ trương, định hướng, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự. Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã quy định cụ thể về: Cơ cấu tổ chức và hoạt động của cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, các cơ quan thi hành án dân sự, trình tự, thủ tục về việc bổ nhiệm Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký Thi hành án dân sự… Pháp luật về thi hành án dân sự đã không ngừng được củng cố và hoàn thiện cho phù hợp với đòi hỏi thực tế xã hội hiện nay và trong tương lai.
Trong hoạt động thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay, Chấp hành viên được coi là trung tâm, là người trực tiếp tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, làm cho nó được thi hành trên thực tế, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy đội ngũ Chấp hành viên ngày càng được củng cố và tăng cường về số lượng, chú trọng về chất lượng, đó là không ngừng giáo dục về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, do vậy kết quả thi hành án năm sau cao hơn năm trước, hàng năm đã tổ chưc thi hành hàng trăm nghìn việc thi hành án, thu về cho ngân sách Nhà nước và cho tổ chức, công dân hàng nghìn tỷ đồng, nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp kéo dài được giải quyết dứt điểm; góp phần mang lại niềm tin của nhân dân và xã hội vào các cơ quan thực thi pháp luật nói chung và cơ quan thi hành án dân sự nói riêng. Bên cạnh đó, chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ Chấp hành viên trong thi hành án dân sự hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Vẫn còn một bộ phận Chấp hành viên chưa thực sự chịu khó trong việc tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, thực hiện không đúng các bản án, quyết định của Tòa án, do vậy làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; tiêu cực, gây khó dễ cho các đương sự trong quá trình thi hành án nhằm trục lợi cá nhân làm ảnh hưởng đến uy tín, vị thế của Ngành… Các tồn tại này bị tác động bởi nhiều nguyên nhân, bao gồm nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, như: Cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự vẫn còn có sự bất cập, thiếu đồng bộ; sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương đối với hoạt động thi hành án dân sự còn chưa đúng mức; việc thực hiện pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động thi hành án dân sự có lúc, có nơi còn chưa triệt để.
Để hoạt động thi hành án dân sự theo tinh thần cải cách Tư pháp ngày càng hoàn thiện, phát huy được đúng vai trò, vị trí của hoạt động thi hành án dân sự trong đời sống xã hội, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động thi hành án dân sự, trong đó việc xây dựng đội ngũ Chấp hành viên thi hành án dân sự là một đòi hỏi khách quan, có ý nghĩa quyết định trong thi hành án dân sự.
Các giải pháp cơ bản về xây dựng đội ngũ Chấp hành viên Thi hành án dân sự:
- Hoàn thiện các quy định pháp luật về thi hành án dân sự nói chung và pháp luật liên quan đến xây dựng đội ngũ Chấp hành viên thi hành án dân sự nói riêng
Pháp luật là cơ sở nền tảng cho hoạt động của đội ngũ Chấp hành viên thi hành án dân sự. Do đó, việc hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự để phân định rõ nhiệm vụ nào Chấp hành viên phải làm và trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng đội ngũ Chấp hành viên. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 ra đời và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015; ngày 18/7/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2015), tuy nhiên Chính phủ và các bộ, ngành trước mắt cần sớm ban hành thêm các thông tư, thông tư liên tịch quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự, cụ thể quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan trong việc phối hợp với cơ quan THADS và CHV trong hoạt động  THADS; quy định cụ thể hơn thẩm quyền của cơ quan THADS và CHV, phân định rõ trách nhiệm giữ CHV và trách nhiệm của cơ quan THA. Đồng thời về lâu dài nên xây dựng Bộ Luật Thi hành án để đưa thi hành án hình sự và thi hành án dân sự về một đầu mối.

Hôội thi CHV giỏi tỉnh Thanh Hóa lần thứ nhất năm 2016
Cùng với việc hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự thì việc hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến việc xây dựng đội ngũ Chấp hành viên thi hành án dân sự cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng, trong đó cần tập trung hoàn thiện pháp luật quy định về tổ chức thi tuyển Chấp hành viên thi hành án dân sự một cách thuận lợi nhất. Hàng năm, Bộ Tư pháp cần tổ chức thi tuyển Chấp hành viên thường xuyên, cụ thể cần sớm ban hành các văn bản mới cho phù hợp với Luật Thi hành án dân sự và điều kiện thực tế, đó là quy định về trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm CHV, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng và các chế độ, chính sách khác đối với CHV.
-Tiếp tục nâng cao năng lực và tăng cường số lượng Chấp hành viên cao cấp, Chấp hành viên trung cấp
Với số lượng các vụ việc THADS tăng cả về số lượng và tính chất  khó khăn, phức tạp, do vậy đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, năng lực Chấp hành viên và tăng số lượng Chấp hành viên ở ngạch cao cấp, trung cấp. Yêu cầu này xuất phát từ các lý do cơ bản như  tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp hơn, sự cản trở, chống đối của đương sự ngày càng  quyết liệt hơn, yêu cầu thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực thi hành án dân sự ngày càng chặt chẽ hơn vì những lý do đảm bảo dân chủ, công bằng khách quan vì con người và bảo vệ tốt nhất quyền con người trong nhà nước pháp quyền. Bất kỳ một hành vi, quyết định hành chính nào của chấp hành viên cũng cần tuyệt đối tuân thủ đúng pháp luật, nếu thiếu hoặc sai đều đứng trước nguy cơ bị kiện cáo, kỷ luật, bồi thường hoặc thôi việc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó để đảm bảo Chấp hành viên có thể yên tâm làm việc, không bị áp lực, quá tải trong công việc thì đòi hỏi phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của CHV và tăng số lượng ở ngạch Chấp hành viên cao cấp, trung cấp. Nâng cao năng lực cho Chấp hành viên bằng cách phải chuẩn hoá đội ngũ Chấp hành viên ngay từ khi thi tuyển, tiếp nhận công chức cho đến việc tuyển chọn, bổ nhiệm CHV, điều kiện để trở thành Chấp hành viên bắt buộc phải có bằng Cử nhân chuyên ngành Luật, hệ chính quy, đã qua lớp đào tạo nghiệp vụ Chấp hành viên, phải có kinh nghiệm công tác nhất định trong lĩnh vực pháp luật, lĩnh vực thi hành án dân sự.
- Cần phân công hợp lý công việc cho Chấp hành viên
Việc phân công công việc nói chung và phân công công việc cho CHV nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, điều này thể hiện tính lôgíc, khoa học đảm bảo cho CHV tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công một cách có hiệu quả. Hiện nay cơ cấu các chức danh trong biên chế các CQ THADS bao gồm: Chấp hành viên, thẩm tra viên, thư ký, kế toán, chuyên viên, cán sự, thủ kho, thủ quỹ, nhân viên phục vụ, lái xe... Chấp hành viên bao gồm cả Chấp hành viên giữ chức vụ Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Chi cục trưởng, Phó chi cục trưởng hoặc Trưởng, Phó trưởng phòng các phòng chuyên môn thuộc Cục THADS; Thẩm tra viên có Thẩm tra chính, Thẩm tra viên; kế toán có kế toán viên chính, kế toán viên, kế toán viên trung cấp và có kế toán được bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc giao phụ trách kế toán về ngân sách và về nghiệp vụ THA. Như vậy, có đến gần 20 các chức danh, chức vụ khác nhau trong một CQ THA. Nhất là sau khi Luật THADS năm 2008 được thông qua, theo quy định có ba ngạch CHV, đó là CHV cao cấp, CHV trung cấp, CHV sơ cấp thì các chức danh THADS lại nhiều hơn. Vấn đề được đặt ra ở đây làm sao phân biệt rạch ròi, rõ ràng, cụ thể đâu là nhiệm vụ của CHV và đâu là nhiệm vụ của các chức danh còn lại, công đoạn nào, thủ tục nào, loại văn bản nào thì CHV thực hiện. Chỉ khi xác định được rõ ràng như vậy thì các CHV mới thực sự thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả, chất lượng thi hành án được nâng lên và qua đó có cơ sở để xác định trách nhiệm nếu để xảy ra sai sót, chậm tiến độ, gây thiệt hại trong quá trình tổ chức thi hành án. Về vấn đề này, cần thực hiện như sau: Sau khi đã được Thủ trưởng CQ THADS giao việc cho CHV thì quá trình tổ chức từ đầu đến khi kết thúc THA trách nhiệm chính thuộc về CHV. Chấp hành viên phải chịu trách nhiệm về tính đúng, sai của việc thi hành bản án, quyết định. Tuy nhiên, tùy từng công việc và thời điểm cụ thể mà CHV có thể yêu cầu phân công cho các chức danh khác thực hiện với tư cách là người giúp việc cho CHV. Nếu để xảy ra sai sót thì các chức danh này có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngoài ra, thường xuyên định kỳ hàng tháng, quý, năm các CHV phải đánh giá, kiểm điểm, tổ chức rút kinh nghiệm từ những việc đã làm được và chưa làm được; qua đó từng bước nâng cao hiệu quả công tác thi hành án.
Có thể khẳng định, trong hoạt động thi hành án dân sự, Chấp hành viên giữ vai trò trung tâm, được Nhà nước giao nhiệm vụ trực tiếp thi hành án phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự; các bản án, quyết định dân sự, kinh tế, thương mại… và các quyết định khác theo quy định của pháp luật; đưa các bản án, quyết định của toà án vào thực tế cuộc sống, góp phần bảo vệ trật tự pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Với vị trí, vai trò và tầm quan trọng như vậy, trong những năm qua hoạt động thi hành án dân sự  cũng như việc xây dựng đội ngũ Chấp hành viên luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên trong thời gian tới rất mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của Đảng, Nhà nước để  hoạt động thi hành án dân sự nói chung và việc xây dựng đội ngũ Chấp hành viên nói riêng tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trước mắt và lâu dài.
                                                  Phòng TCCB Cục THADS tỉnh

Các tin đã đưa ngày: