Sign In

Khó khăn trong thực hiện Nghị quyết 42

07/06/2018

Khó khăn trong thực hiện Nghị quyết 42
Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội khóa 14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã giúp các tổ chức tín dụng, Ngân hàng xử lý nợ xấu đạt chỉ tiêu thu hồi tiền. Tuy nhiên từ thực tế triển khai, NQ42 đang tạo ra một số khó khăn cho các cơ quan thi hành án (THA) trong việc xử lý những vụ việc còn tồn đọng đến trước thời điểm Nghị quyết ban hành. Vì vậy vấn đề đặt ra là cần có những biện pháp tháo gỡ kịp thời, tránh dẫn đến việc cơ quan THA dân sự phải bồi thường khi có thiệt hại xảy ra.
Việc thực hiện NQ42 đang đặt ra cho các cơ quan THA dân sự một số khó khăn đặc thù, trước hết là khó khăn trong việc nghĩa vụ nộp thuế (thuế thu nhập cá nhân, các khoản nợ thuế, phí, nợ khác liên quan đến tài sản bảo đảm). Cụ thể, tính đến hết tháng 4/2018, thành phố Hồ Chí Minh có 08 vụ việc THA phát mãi tài sản thu hồi nợ cho Ngân hàng nhưng vướng mắc chưa giải quyết được vì liên quan đến việc chưa nộp được các khoản tiền thuế để làm thủ tục cho người mua trúng đấu giá theo NQ42  về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo đó, về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, Điều 12 NQ42 quy định: “…Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ đi chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm…”. Về chuyển nhượng tài sản bảo đảm, tại khoản 2, Điều 15 NQ42 quy định: “…Việc nộp thuế của bên bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng liên quan đến nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm thực hiện theo quy định pháp luật về thuế. Bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng không phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí khác của bên bảo đảm từ số tiền chuyển nhượng tài sản bảo đảm khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm…”
Do vậy, hiện nay các vụ việc THA xử lý tài sản bảo đảm theo bản án để THA cho các Ngân hàng (không phải trường hợp xử lý tài sản theo Điều 90 Luật THA dân sự), thì Ngân hàng không đồng ý cho cơ quan THA trích từ tiền bán tài sản bảo đảm để nộp thuế thu nhập cá nhân và các loại phí (nếu có) cho chủ tài sản cũ, dẫn đến việc người mua được tài sản không thể thực hiện được thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng và đăng bộ sang tên đối với quyền sử dụng đất trúng đấu giá. Vì vậy, hiện nay nhiều vụ việc bán đấu giá thành, đã giao được tài sản nhưng người mua trúng đấu giá đang khiếu nại gay gắt do không làm được thủ tục sang tên.
Bên cạnh những khó khăn trong việc nghĩa vụ nộp thuế, việc thực hiện NQ42 còn phát sinh một số khó khăn trong việc hỗ trợ tiền thuê nhà 01 năm cho người phải THA trong trường hợp xử lý tài sản là nhà ở duy nhất quy định tại Điều 115 Luật THADS. Cụ thể, theo quy định khoản 5 Điều 115 Luật THADS, Trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải THA cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ THA mà người phải THA không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được THA, Chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải THA thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm. Việc Ngân hàng viện dẫn NQ 42 không đồng ý việc cơ quan THADS trích lại 01 năm tiền thuê nhà cho người phải THA theo quy định, dẫn đến việc cơ quan THADS chưa thanh toán tiền theo quy định, gây thiệt hại quyền lợi ích cho người mua tài sản và các bên đương sự, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Trên thực tế triển khai thực hiện NQ42 còn phát sinh một số khó khăn như: khó khăn trong việc không thu được tiền án phí sau khi xử lý tài sản; Về quy định Ưu tiên tuyệt đối cho NQ42. Việc quy định sau khi xử lý tài sản của người phải THA số tiền thu ưu tiên thanh toán cho tổ chức tín dụng trước khi thi hành khoản án phí tại Điều 12 của NQ42 mà không được áp dụng Điều 47 Luật THADS để thu án phí cho Ngân sách Nhà nước, tiếp tục gây khó khăn, lượng án tồn tăng lên vì người phải THA không còn tài sản để THA, cơ chế miễn giảm trong trường hợp này không phù hợp, việc này tạo áp lực cho các cơ quan THA dân sự, hiệu quả quản lý nhà nước sẽ giảm.
Hay như về quy định Ưu tiên tuyệt đối cho NQ42, Khoản 2 Điều 17 NQ42 quy định, Trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và luật khác về cùng một vấn đề về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thì áp dụng quy định của Nghị quyết này. Vì vậy, quy định này tạo ra phạm vi rộng cho các Ngân hàng, TCTD viện dẫn và yêu cầu cơ quan THADS áp dụng thực hiện. Theo quy định tại Điều 1 NQ42 quy định về  Phạm vi điều chỉnhNghị quyết này quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Điểm c khoản 1 mục II Chỉ thị 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định, Bộ Tư pháp chỉ đạo cơ quan THA các cấp thực hiện các quy định về THA dân sự liên quan đến khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, VAMC theo quy định tại Nghị quyết; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhanh chóng, đúng pháp luật các bản án liên quan đến tín dụng, ngân hàng đã có hiệu lực pháp luật. Việc khó khăn, dẫn đến việc THA không được thi hành đúng trình tự thủ tục. Các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành, được THA theo đúng quy định của Luật THADS, NQ42 áp dụng cho Ngân hàng được tự xử lý và áp dụng NQ42 để thực hiện, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi ích đã được đảm bảo theo quy định của Luật THADS và pháp luật về Thuế hiện hành, đảm bảo thống nhất áp dụng thi hành pháp luật. Mọi công dân và tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật, không thể áp dụng ưu tiên đối với tổ chức này mà không áp dụng với tổ chức, cá nhân khác sẽ tạo tiền lệ không tốt.
Có thể thấy, NQ 42về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ khi ra đời đã giúp các tổ chức tín dụng, Ngân hàng khắc phục rất nhiều vướng mắc, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xử lý nợ xấu. Tuy nhiên từ thực tế triển khai đã phát sinh một số vấn đề  vướng mắc, khó khăn cả về phía các cơ quan THA cũng như cá nhân, tổ chức. Do đó, cần thiết có những biện pháp tháo gỡ kịp thời, sớm để công tác xử lý nợ xấu đi vào hoạt động hiệu quả.
                                                                                                            Cẩm Tú

Các tin đã đưa ngày: