Tuy nhiên, sau ly hôn, chị T. phải một mình gồng gánh nuôi con, gia đình lâm vào hoàn cảnh ngày càng khó khăn. Trong khi đó, người chồng của chị, người phải thi hành án hàng tháng phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con chung lại “tránh né”, thậm chí có dấu hiệu tẩu tán tài sản. Chị T. chỉ còn biết trông chờ vào cơ quan Thi hành án và nhiều lần khiếu nại đến Chi cục THADS huyện Gò Dầu.
Ðược sự ủy quyền về phát ngôn của Cục trưởng Cục THADS tỉnh, ngày 4/7/2018, Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Gò Dầu Nguyễn Thành Sang thẳng thắn xác nhận có việc thi hành án chậm, cơ quan đã tiến hành xử lý trách nhiệm đối với chấp hành viên phụ trách giải quyết trường hợp của chị Thơm. “Hướng giải quyết sắp tới, nếu người phải thi hành án vẫn cố tình không hợp tác, Chi cục sẽ cưỡng chế kê biên và bán đấu giá tài sản để thi hành bản án cho chị Ðặng Thị T.”.
Đây chỉ một trong số rất nhiều việc thi hành án về cấp dưỡng gặp khó khăn trên thực tiễn, có những vụ việc phải thi hành mãi cho đến khi nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt mới kết thúc được hồ sơ. Tương tự anh Tr., nhiều trường hợp đối tượng phải thi hành án có đủ điều kiện nhưng họ không tự nguyện thi hành; cơ quan Thi hành án đôi khi cũng không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế. Bởi THADS về cấp dưỡng đa số là loại việc thi hành dần, số tiền cấp dưỡng chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng/ tháng/ một cháu là rất ít so với giá trị tài sản kê biên. Do đó, không thể tiến hành kê biên một tài sản có giá trị lớn (nhà ở, quyền sử dụng đất…) để khấu trừ hết một lần số tiền phải thi hành án mà chỉ có thể kê biên tài sản như ti vi, xe máy… để khấu trừ trong một giai đoạn thi hành án.
Để kết thúc nhanh và đúng quy trình pháp luật đối với loại việc thi hành về cấp dưỡng, một chấp hành viên chia sẻ kinh nghiệm là phải áp dụng biện pháp vận động, thuyết phục các bên đương sự tự nguyện thỏa thuận thi hành trực tiếp với nhau không qua cơ quan Thi hành án. Hoặc có những vụ việc, chấp hành viên vận động bên cấp dưỡng nộp đủ một lần số tiền cấp dưỡng của một giai đoạn cấp dưỡng nào đó, đồng thời thuyết phục bên được cấp dưỡng nhận và thỏa thuận từ bỏ quyền lợi được hưởng ở giai đoạn cấp dưỡng tiếp theo (thay vì họ chỉ được nhận số tiền rất ít của hàng tháng dần dần cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng). Có như vậy, cơ quan THADS mới có cơ sở kết thúc nhanh hồ sơ vụ việc.
Nếu ủy thác, sẽ xử lý như thế nào?
Một điểm vướng khác của loại án khá “nhạy cảm” này đã được nhiều địa phương phản ánh là khi ủy thác việc thi hành án cấp dưỡng theo định kỳ, cơ quan THADS nơi nhận ủy thác hay cơ quan THADS nơi đã thực hiện ủy thác sẽ ra quyết định đối với các nghĩa vụ thi hành án của các năm tiếp theo?
Tổng cục THADS cho biết, về nguyên tắc ra quyết định thi hành án đối với bản án, quyết định tuyên thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo định kỳ, thời hạn khác nhau, khoản 6 Điều 1 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định: “Đối với bản án, quyết định về cấp dưỡng theo định kỳ hàng tháng thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra một quyết định thi hành đối với những nghĩa vụ đã đến hạn hoặc sẽ đến hạn trong năm thi hành án”. Đồng thời, pháp luật về THADS cũng đã có những quy định, hướng dẫn về ủy thác thi hành án nhằm xử lý những trường hợp ủy thác khi chưa ra quyết định thi hành án và ủy thác khi đã ra quyết định thi hành án.
Mặt khác, để hướng dẫn ra quyết định thi hành án theo định kỳ trong trường hợp đã ủy thác thi hành án, sau khi trao đổi, thống nhất với Vụ 11 - VKSNDTC và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã ban hành Công văn số 1103/TCTHADS-NV1. Theo đó, hướng dẫn “trường hợp cơ quan THADS có thẩm quyền đã ủy thác toàn bộ các nghĩa vụ theo các kỳ hạn mà bản án, quyết định đã tuyên thì cơ quan THADS nơi nhận ủy thác có thẩm quyền ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành”. Trường hợp cơ quan thi hành án nơi ủy thác chỉ thực hiện ủy thác đối với kỳ hạn đã đến hạn hoặc các kỳ hạn sẽ đến hạn trong năm thi hành án thì cơ quan THADS nơi ủy thác thực hiện việc ra quyết định đối với các kỳ tiếp theo.