Sign In

NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC RA QUYẾT ĐỊNH TRẢ ĐƠN YÊU CẦU THI HÀNH ÁN

31/08/2015

Về nguyên tắc, cơ quan thi hành án dân sự phải chịu trách nhiệm đảm bảo việc thi hành các Bản án, Quyết định của Toà án, Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của người phải thi hành án của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và Quyết định của Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công việc, cơ quan thi hành án phải tuân thủ và áp dụng đúng các quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 và cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân hữu quan.
 Trả đơn yêu cầu thi hành án là việc Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra Quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án, sau khi Chấp hành viên đã tổ chức thi hành, nhưng xét thấy người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành và sẽ làm chấm dứt một việc thi hành án đối với một cá nhân hay tổ chức nào đó cho đến khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành, khi đó “người có quyền yêu cầu thi hành án” có quyền yêu cầu thi hành án lại và sẽ được tổ chức thi hành bằng một việc thi hành án mới.
Luật thi hành án dân sự năm 2008 có quy định một số trường hợp trả đơn yêu cầu thi hành án như sau:
1. Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án;
2. Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình;
3. Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án;
4. Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được mà đương sự không có thỏa thuận khác.
Qua thực tiễn áp dụng Luật Thi hành án dân sự, xét thấy việc trả đơn yêu cầu thi hành án đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc nhất định, xin được cùng trao đổi .
1. Những bất cập trong việc thỏa thuận thi hành án với trả đơn
 Bộ luật dân sự có quy định hẳn một chương về những nguyên tắc cơ bản (từ Điều 4 đến Điều 13 của Bộ luật dân sự). Trên tinh thần đó, tại Điều 6 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có quy định:
a. Đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái với đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận.
Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thỏa thuận về thi hành án.
b. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thỏa thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.
Tuy nhiên, sự thỏa thuận của các bên đương sự đôi khi chưa được tôn trọng đúng theo tinh thần của Luật.
Xin dẫn chứng: Vụ việc người được thi hành án đã làm đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan Thi hành án đang tổ chức thi hành và người phải thi hành án có tài sản, có điều kiện thi hành án, nhưng qua động viên thuyết phục của Chấp hành viên, vì tình yêu thương con người, lòng vị tha, muốn tạo mối quan hệ gắn bó, cộng đồng, hoặc có khi là tình cảm huyết thống gia đình ….. Người được thi hành án thống nhất yêu cầu Thủ trưởng cơ quan Thi hành án ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho họ, để họ tự theo dõi và tự thi hành việc trả nợ với nhau. Người được thi hành án chỉ yêu cầu trả đơn, để khi người phải thi hành án không thực hiện đúng thỏa thuận thì người được thi hành án còn có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung Bản án, Quyết định cho họ. Chứ người được thi hành án không thỏa thuận yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, để rồi đình chỉ thi hành án (theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 50), sau này người phải thi hành án không thực hiện đúng thỏa thuận thì họ không có quyền yêu cầu thi hành án lại. Xét về nội dung yêu cầu trả đơn của người được thi hành án là không trái với quy định của Bộ luật dân sự và cũng không trái với đạo đức xã hội, nhưng Luật Thi hành án dân sự không quy định trả đơn trong trường hợp này. Đây là một trong những nguyên nhân tồn đọng án.
2. Những khó khăn trong việc trả đơn yêu cầu thi hành án do người phải thi hành án làm đơn yêu cầu.
Tại khoản 1 Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có quy định “người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án”. Như vậy, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định không chỉ người được thi hành án mới có quyền yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án vẫn có quyền yêu cầu thi hành án và Luật Thi hành án dân sự cũng quy định, trả đơn yêu cầu thi hành án là do người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành. Do vậy, tại Điều 3 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cũng cần đưa thêm thuật ngữ “người có quyền yêu cầu thi hành án”để làm rõ hơn và cụ thể hơn.
Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều vụ việc người phải thi hành án tự nguyện yêu cầu thi hành án, trong quá trình tổ chức thi hành cũng gặp không ít khó khăn trong việc xử lý án, dẫn đến tồn đọng kéo dài, có thể dẫn chứng một vài trường hợp như sau:
Trường hợp thứ nhất.
Theo quyết định công nhận thuận tình ly hôn, về con chung: ông A và bà B tự nguyện thỏa thuận, bà B tiếp tục nuôi dưỡng cháu C, ông A phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung mỗi tháng 500.000đ/ 01 tháng, thời gian cấp dưỡng từ tháng 6/2012 cho đến khi cháu C trưởng thành đủ 18 tuổi tự lao động sinh sống được. Khi Quyết định thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật, ông A tự nguyện yêu cầu thi hành án để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con và cơ quan Thi hành án đã thụ lý, ra Quyết định thi hành án, tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật. Ông A thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đến tháng 9/2013, từ tháng 10/2013 đến nay ông A không tiếp tục thi hành, ông A cho rằng do hiện tại ông không có việc làm ổn định, không có tài sản và chưa có điều kiện thi hành án, Chấp hành viên xác minh thực tế cũng đúng như lời ông A đã trình bày, bà B cũng không chứng minh được tài sản hay thu nhập gì khác của ông A (xem như đủ điều kiện trả đơn).
Do Luật Thi hành án dân sự và các Văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể trong trường hợp thụ lý theo yêu cầu của người phải thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra quyết định trả đơn lại cho ai? (ông A hay bà B). Đây là vấn đề đang vướng mắc.
Trường hợp thứ hai.
Đối với việc giao con chưa thành niên cho vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi dưỡng, người phải thi hành án tự nguyện yêu cầu thi hành án, cơ quan Thi hành án đã thụ lý ra quyết định thi hành án (xem như thủ tục thụ lý và ra Quyết định thi hành án đảm bảo theo quy định) trong quá trình tổ chức thi hành thì người con đã chết.
Đối chiếu các trường hợp đình chỉ thi hành án được quy định tại Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, thì không có căn cứ để ra quyết định đình chỉ thi hành án. Vậy có nên áp dụng là ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án?
Tại điểm d, khoản 1, Điều 51 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có quy định: Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được mà đương sự không có thỏa thuận khác. Thuộc trường hợp này thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án có quyền ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án (quy định là vật đặc định còn thực tiễn là con người).
Do vậy, không thể đánh đồng giữa vật đặc định với con người là một. Do vậy Luật cần quy định bổ sung Điều 51 thêm một trường hợp trả đơn như thực tiễn đã diễn ra, để làm cơ sở pháp lý thực hiện trong quá trình thi hành Bản án.
Trường hợp thứ ba.
Cũng trường hợp giao con chưa thành niên cho vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi dưỡng, tương tự như trường hợp hai, trong quá trình tổ chức thi hành thì người được thi hành án đã đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài (xem như việc xác minh người được thi hành án đã đi nước ngoài là hoàn chỉnh, đầy đủ). Chấp hành viên có hướng dẫn cho đương sự người phải thi hành án khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét thay đổi việc nuôi con, nhưng người phải thi hành án không nhất trí, thống nhất, cứ kiên quyết đòi giao con cho người được thi hành án đúng như Bản án đã tuyên.
Nếu là tài sản thông thường hoặc vật đặc định thì cơ quan Thi hành án dân sự có thể nhận hoặc thuê người bảo quản, sau đó xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhưng ở đây là con người thì khác, cơ quan thi hành án dân sự không thể áp dụng như tài sản thông thường hoặc vật đặc định được.
Trong phạm vi bài viết này, tôi đề cập đến vướng mắc khi áp dụng Điều 51 của Luật Thi hành án dân sự và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn đọng án, ảnh hưởng phần nào đến kết quả và chỉ tiêu kế hoạch công tác hàng năm và cũng là một trong số các vấn đề đang được tranh luận để tìm cách xử lý đúng pháp luật.


Theo Hoàng Toàn

Các tin đã đưa ngày: