Sign In

Một số điểm mới trong quy định về thỏa thuận thi hành án

24/06/2020

Là một biện pháp tổ chức thi hành án hiệu quả, thỏa thuận thi hành án không chỉ đảm bảo tối ưu quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự mà còn có ý nghĩa xã hội to lớn. Để nâng cao hiệu quả của thỏa thuận thi hành án, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) đã có những sửa đổi, bổ sung khá chi tiết, rõ ràng về thỏa thuận thi hành án.
Về hình thức của văn bản thỏa thuận: Mục 2 khoản 3 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP quy định rõ: Trường hợp cơ quan THADS đã ra quyết định thi hành án, đương sự vẫn có quyền tự thỏa thuận thi hành án. Thỏa thuận phải bằng văn bản thể hiện rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, thời hạn thực hiện thỏa thuận, hậu quả pháp lý đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung đã thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia. Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã quy định rõ ràng hình thức của thỏa thuận phải “bằng văn bản” và các nội dung cần thể hiện trong biên bản thỏa thuận. Quy định rõ ràng như trên là rất cần thiết để các cơ quan THADS thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.
Nghị định số 33/2020/NĐ-CP cũng quy định rõ trách nhiệm của đương sự khi thực hiện thỏa thuận thi hành án.  Đương sự phải chịu trách nhiệm về nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án.
Trường hợp các bên không tự nguyện thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận thì cơ quan THADS căn cứ nội dung quyết định thi hành án và kết quả đã thi hành theo thỏa thuận, đề nghị của đương sự để tổ chức thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Đối với trường hợp cơ quan THADS đang tổ chức thi hành án mà đương sự thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan THADS tiếp tục thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP cũng đã có quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Trước đây, việc đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại mới chỉ được thể hiện tại Biểu mẫu số D51- THADS ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp. Luật THADS cũng chưa quy định về việc đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại khi có Quyết định đình chỉ thi hành án dẫn đến việc áp dụng pháp luật còn nhiều vướng mắc
Hiện nay, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã quy định rõ: Trường hợp cơ quan THADS đang tổ chức thi hành án mà đương sự thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan THADS tiếp tục thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với nội dung thỏa thuận đó theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật THADS.
Trường hợp đương sự thỏa thuận đình chỉ thi hành án sau thời điểm tài sản đã được bán đấu giá thành hoặc đã bán cho đồng sở hữu hoặc người được thi hành án đã đồng ý nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án mà chưa giao được tài sản cho họ thì việc thỏa thuận phải được sự đồng ý của người trúng đấu giá, người mua tài sản hoặc người nhận tài sản.
Sau khi có quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan THADS, đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại đối với nội dung đã đình chỉ thi hành. Quy định rõ ràng tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP về vấn đề này là rất quan trọng và cần thiết để đương sự hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình.
Về việc chứng kiến thỏa thuận thi hành án: Trước đây Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP có quy định về trường hợp đương sự yêu cầu chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận bên ngoài trụ sở cơ quan THADS. Hiện nay Mục 3 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP quy định: Khi đương sự có yêu cầu, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận trong trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Việc chứng kiến thỏa thuận phải được thực hiện tại trụ sở cơ quan THADS. Đồng thời, Điều luật cũng bỏ quy định về chi phí chứng kiến thỏa thuận thi hành án. Trước đây Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP có quy định:“ Người yêu cầu chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận ngoài trụ sở cơ quan THADS mà phát sinh chi phí thì phải thanh toán các chi phí hợp lý cho cơ quan THADS”, tuy nhiên điều luật lại chưa có các quy định giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể thế nào là chi phí hợp lý ví dụ chi phí đi lại (khoảng cách bao nhiêu, chi phí như thế nào); khoảng thời gian chứng kiến và mức chi phí tương ứng…dẫn đến khó khăn trong việc thanh toán các chi phí này.
Nghị định số 33/2020/NĐ-CP cũng quy định rõ hơn về từ chối chứng kiến thỏa thuận. Trường hợp phát hiện thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án thì Chấp hành viên từ chối chứng kiến thỏa thuận nhưng phải nêu rõ lý do từ chối vào biên bản thỏa thuận.
Có thể thấy Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã có những sửa đổi, bổ sung cần thiết liên quan đến thỏa thuận thi hành án. Tuy nhiên vẫn cần có các quy định về hiệu lực của việc thỏa thuận trong THADS, trong trường hợp đương sự vi phạm thỏa thuận (do cơ quan THADS chứng kiến) thì ngoài việc tiếp tục tổ chức theo bản án, quyết định, bên bi phạm thỏa thuận có phải chịu trách nhiệm nào khác không? Đồng thời quy định những chế tài cần thiết trong trường hợp đương sự cố tình vi phạm thỏa thuận, gây thiệt hại hoặc kéo dài thời gian tổ chức thi hành án
ThS. Hoàng Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội


Theo cổng thông tin điện tử tổng cục thi hành án dân sự

Các tin đã đưa ngày: