Sign In

Một số điểm bất cập của Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT- BTP-BTC ngày 10/6/2016 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách Nhà nước để thi hành án và hướng hoàn thiện pháp luật

07/09/2020

I. MỘT SỐ ĐIỂM BẤT CẬP CỦA THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 07/2016/TTLT- BTP-BTC
Bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án là việc ngân sách nhà nước hỗ trợ tài chính cho cho cơ quan, tổ chức hoạt động hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước để bảo đảm nghĩa vụ thi hành đối với bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp cơ quan, tổ chức này đã áp dụng mọi biện pháp tài chính cần thiết để thi hành án mà vẫn không có khả năng thi hành xong nghĩa vụ theo bản bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên.
Bảo đảm tài chính được quy định tại Điều 65 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (các điều từ 39-42); Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước hoặc các cơ quan nhà nước thực hiện theo cơ chế tài chính đặc thù được cấp có thẩm quyền quyết định sau khi đã sử dụng kinh phí tiết kiệm, chênh lệch thu chi hoặc các đơn vị sự nghiệp công lập đã sử dụng kinh phí giao tự chủ tài chính theo quy định của Chính phủ hoặc khoản kinh phí tiết kiệm được sử dụng từ nguồn kinh phí hoạt động hàng năm theo quy định tại Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/09/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Để cụ thể hóa Điều 65 Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác bảo đảm tài chính để thi hành án và việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại dẫn đến Nhà nước phải bảo đảm tài chính để thi hành án, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC ngày 10/6/2016 hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án (TTLT số 07/2016/TTLT-BTP-BTC). Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện, một số quy định của Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP- BTC, không còn phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan và thực tiễn, dẫn đến những vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt là trong việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại dẫn đến Nhà nước phải bảo đảm tài chính, cụ thể:
1. Về trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp nhiều người thi hành công vụ cùng có lỗi gây thiệt hại.
Qua thực tiễn công tác thi hành án dân sự, có trường hợp Ngân sách nhà nước phải bảo đảm tài chính để thi hành án do hành vi hành vi trái pháp luật của một người thi hành công vụ gây ra thiệt hại nhưng cũng có trường hợp do nhiều người thi hành công vụ cùng gây ra thiệt hại. Tại khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC quy định về việc thành lập Hội đồng xác định người có lỗi và trách nhiệm hoàn trả của người có lỗi gây ra thiệt hại có đề cập đến trường hợp có nhiều người có lỗi thuộc các cơ quan khác nhau cùng gây ra thiệt hại thì đại diện lãnh đạo các cơ quan này phải tham gia Hội đồng. Tuy nhiên, toàn bộ các quy định khác của Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC không có nội dung nào quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại trong trường hợp do nhiều người gây thiệt hại. Điều đó dẫn đến việc cơ quan, tổ chức phải thi hành án gặp khó khăn, lúng túng khi áp dụng pháp luật để thu tiền hoàn trả của người thi hành công vụ trong trường hợp vụ việc bảo đảm tài chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự do nhiều người thi hành công vụ gây ra.
2. Về căn cứ xác định trách nhiệm hoàn trả
Khoản 5 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC quy định:
Việc xác định mức hoàn trả được thực hiện trên cơ sở xem xét mức độ lỗi; mức tiền thuộc trách nhiệm phải thi hành án; điều kiện kinh tế của người gây ra thiệt hại và theo nguyên tắc sau đây:
a) Trường hợp người có lỗi vô ý gây ra thiệt hại
Trường hợp số tiền ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án dưới 30 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định là tối đa không quá 01 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả;
Trường hợp số tiền ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 01 tháng lương và tối đa không quá 02 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả;
Trường hợp số tiền ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án trên 100 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 01 tháng lương và tối đa không quá 03 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.
b) Trường hợp người có lỗi cố ý gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trường hợp số tiền ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án dưới 100 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 03 tháng lương và tối đa không quá 12 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả;
Trường hợp số tiền ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 12 tháng lương và tối đa không quá 24 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả;
Trường hợp số tiền ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án trên 500 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 24 tháng lương và tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.
c) Trường hợp xác định người có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bảo đảm tài chính cho cơ quan, tổ chức phải thi hành án
Theo quy định, căn cứ xác định trách nhiệm hoàn trả (mức hoàn trả) dựa trên 3 yếu tố: mức độ lỗi của người thi hành công vụ (vô ý, cố ý), mức tiền thuộc trách nhiệm phải thi hành án và điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ.
Về mức tiền để làm căn cứ xác định mức hoàn trả của người thi hành công vụ, ngay trong khoản 5 Điều 3 đưa ra 2 khái niệm đó là: (1) mức tiền thuộc trách nhiệm phải thi hành án; (2) số tiền ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án (quy định tại điểm a và điểm b khoản 5 Điều 3). Vậy 2 khái niệm này có đồng nhất với nhau hay không?
Thực tế, hai khái niệm này không hoàn toàn đồng nhất với nhau:
(1) Mức tiền thuộc trách nhiệm phải thi hành án chính là số tiền mà bản án, quyết định của tòa án buộc cơ quan, tổ chức phải thi hành;
(2) Số tiền ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án: đây là số tiền Ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức để thi hành án sau khi cơ quan, tổ chức phải thi hành án đã yêu cầu người có lỗi thi hành nghĩa vụ mà người đó không thể thi hành được hết và sử dụng kinh phí tiết kiệm được của cơ quan, tổ chức để thi hành nhưng vẫn không đủ để thi hành án.
Số tiền ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án có thể bằng với mức tiền thuộc trách nhiệm phải thi hành án (trong trường hợp người có lỗi và cơ quan, tổ chức phải thi hành án thực hiện mọi biện pháp tài chính mà vẫn không thi hành được khoản nào) hoặc thấp hơn mức tiền thuộc trách nhiệm phải thi hành án (trong trường hợp người có lỗi và cơ quan, tổ chức phải thi hành án đã thi hành được một phần nghĩa vụ thi hành án).
Như vậy, ngay trong quy định tại khoản 5 Điều 3 về căn cứ xác định trách nhiệm hoàn trả đã có sự không thống nhất, trên thực tế, các cơ quan, tổ chức phải thi hành án thường áp dụng số tiền ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án để làm căn cứ xác định trách nhiệm hoàn trả.
3.Về mức hoàn trả
Xét về bản chất, người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại dẫn đến việc Nhà nước phải cấp kinh phí bảo đảm tài chính để thi hành án hay cấp kinh phí để chi trả bồi thường (trong bồi thường nhà nước) cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại là như nhau. Tuy nhiên, so sánh về mức hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại trong trường hợp bảo đảm tài chính khá thấp so với mức hoàn trả trong trường hợp bồi thường nhà nước. Cụ thể:
Về mức hoàn trả của người thi hành công vụ trong trường hợp bảo đảm tài chính: Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC: nếu người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại thì mức hoàn trả không quá 03 tháng lương của người thi hành công vụ; trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả tối đa không quá 36 tháng lương của người thi hành công vụ.
Về mức hoàn trả của người thi hành công vụ trong trường hợp bồi thường nhà nước:Theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP, mức hoàn trả của người thi hành công vụ lần lượt là: tối đa không quá 05 tháng lương với lỗi vô ý gây thiệt hại và tối đa không quá 50 tháng lương của người thi hành công vụ với lỗi cố ý gây thiệt hại.
4. Về khoản người có lỗi gây thiệt hại đã thi hành xong
Tại khoản 3 Điều 11 của Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC có quy định Quyết định hoàn trả phải ghi rõ mức hoàn trả, thời hạn hoàn trả, khoản người có lỗi đã thi hành xong theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư này và khoản tiếp tục phải hoàn trả”. Theo quy định trên, người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại nếu đã thực hiện một phần nghĩa vụ thi hành án thì khi ra quyết định hoàn trả sẽ được khấu trừ phần đã thi hành. Thực chất, người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Trong trường hợp người đó đã thực hiện hết khả năng mà không thi hành được hoặc chỉ thi hành được một phần thì cơ quan phải thi hành án dân sự lập hồ sơ đề nghị và được Nhà nước cấp kinh phí bảo đảm tài chính để thi hành bản án. Do đó, khoản người đó đã nộp để thi hành án không thể coi là khoản hoàn trả ngân sách nhà nước để được khấu trừ khi Thủ trưởng cơ quan quản lý người thi hành công vụ ra quyết định hoàn trả. Mặt khác, trường hợp số tiền người thi hành công vụ đã nộp để thi hành án nhiều hơn khoản họ phải hoàn trả. VD: người thi hành công vụ đã nộp 50 triệu đồng để thi hành án, sau khi Nhà nước cấp kinh phí bảo đảm tài chính, mức hoàn trả của người đó là 20 triệu đồng thì sẽ tính mức còn phải hoàn trả như thế nào? Trường hợp này Nhà nước có khấu trừ và trả lại họ 30 triệu hay không?. Đây chính là điểm bất cập của Thông tư số liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC, tạo ra những vướng mắc trên thực tế của cơ quan quản lý người thi hành công vụ khó thi hành trên thực tế, đồng thời cũng tạo ra sự không bình đẳng giữa những người thi hành công vụ cùng có lỗi gây thiệt hại khi áp dụng trách nhiệm hoàn trả theo pháp luật về bảo đảm tài chính và pháp luật về bồi thường nhà nước.
5.Về miễn, giảm trách nhiệm hoàn trả
Tại khoản 3 Điều 11 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC có đề cập đến việc miễn, giảm mức hoàn trả đó là quy địnhQuyết định về vic miễn, giảm mức hoàn trả phải nêu rõ căn cứ pháp lý và lý do giải quyết”.Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 13 của Thông tư liên tịch chỉ quy định về một trường hợp được miễn trách nhiệm hoàn trả đó là trường hợp người có trách nhiệm hoàn trả chết mà không có tài sản thừa kế thì cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm xác minh, lập thành văn bản và có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú khi còn sống về việc người đó không còn di sản. Ngay sau khi hoàn thành việc xác minh, cơ quan, tổ chức phải thi hành án phải ra quyết định miễn thực hiện trách nhiệm hoàn trả. Ngoài ra, Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLL-BTP-BTC không có quy định cụ thể về các trường hợp được giảm mức hoàn trả. Điều này, dễ tạo ra sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật.
Bên cạnh đó, tại Điều 11 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC có quy định: Quyết định hoàn trả phải được gửi cho người có lỗi gây ra thiệt hại và những người có liên quan để thực hiện. Trong trường hợp có đơn yêu cầu được miễn, giảm mức hoàn trả, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Quyết định về vic miễn, giảm mức hoàn trả phải nêu rõ căn cứ pháp lý và lý do giải quyết. Theo đó, để được miễn thực hiện trách nhiệm hoàn trả thì phải có đơn đề nghị mà Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC chỉ quy định duy nhất trường hợp được miễn thực hiện trách nhiệm hoàn trả là trường hợp người thi hành công vụ chết không có tài sản thừa kế. Quy định phải có đơn yêu cầu được miễn thực hiện trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp này chưa thực sự phù hợp vì người phải hoàn trả đã chết không thể viết đơn đề nghị.
6. Về Hội đồng xác định lỗi và xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ
Về thời điểm thành lập Hội đồng, Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC quy định:Trường hợp chưa có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định người có lỗi, thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm ban hành quyết định thành lập Hội đồng xác định người có lỗi và trách nhiệm hoàn trả của người có lỗi gây ra thiệt hại
Theo quy định trên thì Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC chỉ quy định thời điểm thành lập Hội đồng xác định lỗi và xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án chưa xác định lỗi của người thi hành công vụ. Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã xác định lỗi của người thi hành công vụ thì không có quy định về thời điểm thành lập Hội đồng.
Về nhiệm vụ của Hội đồng, khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC quy định:
“3. Hội đồng có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Xem xét, xác định người có lỗi và trách nhiệm hoàn trả của người có lỗi gây ra thiệt hại;
b) Xác định điều kiện kinh tế của người có lỗi gây ra thiệt hại;
c) Kiến nghị với thủ trưởng cơ quan, tổ chức phải thi hành án về mức hoàn trả và phương thức hoàn trả”
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 11 quy định:Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong việc chi trả tiền thi hành án, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm ra quyết định về mức hoàn trả, thời hạn hoàn trả trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quy định tại Điều 3 của Thông tư này thu hồi số tiền hoàn trả của người gây thiệt hại để nộp ngân sách nhà nước.Với quy định trên, có thể hiểu là trong trường hợp bản án, quyết định đã xác định lỗi của người thi hành công vụ thì Hội đồng xác định trách nhiệm hoàn trả cũng được thành lập tại thời điểm trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có quyết định thi hành án và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ cũng không rõ được xác định từ thời điểm nào?. Thực tế, các cơ quan quản lý người thi hành công vụ thường thành lập Hội đồng xác định lỗi và xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định thi hành án; Hội đồng không chỉ xác định lỗi của người thi hành công vụ mà còn xác định luôn cả trách nhiệm hoàn trả của họ và yêu cầu họ nộp khoản tiền đó để thi hành án, sau khi được cấp kinh phí bảo đảm tài chính thì coi như người có lỗi đã thực hiện xong số tiền hoàn trả.
Theo quan điểm của tác giả, Hội đồng xác định lỗi và xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ, tùy vào từng trường hợp sẽ được thành lập vào các thời điểm khác nhau và thực hiện các nhiệm vụ khác nhau theo giai đoạn:
Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án chưa xác định lỗi của người thi hành công vụ: Hội đồng sẽ được thành lập trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định thi hành án theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP- BTC. Tại thời điểm này, Hội đồng có nhiệm vụ xác định lỗi của người thi hành công vụ và kiến nghị để Thủ trưởng cơ quan phải thi hành án yêu cầu người thi hành công vụ phải thi hành bản án.
Sau khi được Nhà nước cấp kinh phí bảo đảm tài chính để thi hành án và đã thực hiện xong việc chi trả tiền thi hành án, Hội đồng tiếp tục xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP_BTC và kiến nghị để Thủ trưởng cơ quan phải thi hành án ra quyết định hoàn trả.
Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã xác định lỗi của người thi hành công vụ: Hội đồng sẽ được thành lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong việc chi trả tiền thi hành án và Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC và kiến nghị để Thủ trưởng cơ quan phải thi hành án ra quyết định hoàn trả.
II. HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT   
Để tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn thực hiện pháp luật do những bất cập của Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC nêu trên, tác giả đề xuất sửa đổi một số nội dung của Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong trường hợp nhiều người thi hành công vụ cùng có lỗi gây thiệt hại. Có thể quy định giống với trường hợp nhiều người thi hành công vụ cùng có lỗi gây thiệt hại trong vụ việc bồi thường nhà nước được quy định tại Điều 64, 65 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước và Điều 27 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP.
Thứ hai, về số tiền làm căn cứ xác định trách nhiệm hoàn trả, cần sửa theo hướng bỏ căn cứ là mức tiền thuộc trách nhiệm thi hành án và quy định thống nhất căn cứ vào số tiền ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án.
Thứ ba, về mức hoàn trả của người thi hành công vụ, để đảm bảo sự công bằng giữa những người thi hành công vụ khi thi hành bản án, quyết định của tòa án theo cơ chế bồi thường nhà nước và bảo đảm tài chính cần nâng mức hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại khi thi hành theo cơ chế bảo đảm tài chính tương đương với mức hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại khi thi hành theo cơ chế bồi thường nhà nước.
Thứ tư, cần sửa quy định về việc khấu trừ tiền nộp để thi hành án của người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại vào nghĩa vụ hoàn trả bởi bản chất của hai khoản này hoàn toàn khác nhau như đã phân tích ở phần trên.
Thứ năm, cần sửa đổi, bổ sung thêm quy định về các trường hợp được miễn, giảm trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại. Theo đó:
Về trường hợp miễn trách nhiệm hoàn trả: Theo quy định tại Điều 72 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 thì “Trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết thì quyết định hoàn trả chấm dứt hiệu lực tại thời điểm người đó chết”. Quy định này thể hiện tính nhân văn của pháp luật. Như đã phân tích ở phần trên, về bản chất, người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại dẫn đến việc Nhà nước phải cấp kinh phí bảo đảm tài chính để thi hành án hay cấp kinh phí để chi trả bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại là như nhau. Do đó, để đảm bảo tính công bằng giữa những người thi hành công vụ khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành theo cơ chế bảo đảm tài chính và cơ chế bồi thường nhà nước thì cần sửa đổi khoản 2 Điều 13 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC với trường hợp người thi hành công vụ chết sau khi có Quyết định hoàn trả (dù có tài sản thừa kế hay không) thì trách nhiệm hoàn trả của người đó cũng chấm dứt. Và việc ra quyết định miễn thực hiện trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp này do cơ quan phải thi hành án chủ động ban hành không cần phải căn cứ vào đơn đề nghị miễn.
Về trường hợp giảm mức hoàn trả: có thể bổ sung thêm các điều kiện để  được giảm mức hoàn trả như: người thi hành công vụ đã chủ động khắc phục hậu quả, đã hoàn trả được trên 50% số tiền phải hoàn trả, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (người thi hành công vụ gây thiệt hại là người lao động duy nhất của gia đình mà nếu phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ hoàn trả thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của gia đình và thuộc một trong các trường hợp: phải nuôi con chưa thành niên hoặc nuôi con thành niên bị tàn tật, không có khả năng lao động; nuôi vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; nuôi bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; bị thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, bị bệnh hiểm nghèo…)
Thứ sáu, cần quy định rõ về thời điểm thành lập và nhiệm vụ của Hội đồng xác định lỗi và xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ với trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã xác định lỗi hoặc chưa xác định lỗi của người thi hành công vụ để tránh những hiểu lầm dẫn đến thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Theo đó:
Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án chưa xác định lỗi của người thi hành công vụ thì sẽ thành lập Hội đồng xác định lỗi người thi hành công vụ sau khi có quyết định thi hành án để xác định lỗi của người thi hành công vụ và kiến nghị để thủ trưởng cơ quan quản lý người thi hành công vụ yêu cầu người đó thực hiện nghĩa vụ thi hành bản án.
Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã xác định lỗi của người thi hành công vụ thì sẽ thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ sau khi có chi trả xong tiền thi hành án để xác định mức hoàn trả của người thi hành công vụ và kiến nghị để thủ trưởng cơ quan quản lý người thi hành công vụ ban hành Quyết định hoàn trả.

Nguyễn Thị Mai Loan

Các tin đã đưa ngày: