Sign In

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH VỀ THAM NHŨNG, KINH TẾ

09/08/2020

1.Đặc điểm việc thi hành án TN-KT

Nhóm tội phạm về tham nhũng được quy định tại mục 1 Chương XXIII của BLHS năm 2015 gồm 7 điều, từ Điều 353 đến Điều 359. Đó là các tội: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và giả mạo trong công tác. Ngoài ra, BLHS 2015 còn có những quy định liên quan đến một số chính sách xử lý đặc thù đối với tội phạm tham nhũng tại phần các quy định chung của Bộ luật.
Cụ thể là mở rộng nội hàm khái niệm tội phạm về chức vụ để có thể xử lý một số hành vi tham nhũng xảy ra trong khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, chủ thể thực hiện tội phạm tham nhũng không chỉ trong khu vực Nhà nước, những người có chức vụ trong khi thực hiện công vụ mà còn mở rộng sang khu vực ngoài Nhà nước. Tội phạm về chức vụ ở khu vực ngoài Nhà nước áp dụng đối với 4 tội danh là: “Tội tham ô tài sản”, “Tội nhận hối lộ”, “Tội môi giới hối lộ” và “Tội đưa hối lộ”. Trong đó, tội danh tham nhũng có hai tội là: “Tội tham ô tài sản” quy định tại khoản 6, Điều 353 và “Tội nhận hối lộ” quy định tại khoản 6, Điều 354. Luật này cũng bổ sung việc xử lý hình sự đối với hành vi hối lộ công chức nước ngoài, công chức các tổ chức quốc tế công. Đồng thời mở rộng nội hàm "của hối lộ" cho phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Theo quy định của BLHS năm 1999, "của hối lộ" chỉ bao gồm tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá được bằng tiền. BLHS năm 2015 đã bổ sung “lợi ích phi vật chất” vào các cấu thành định tội đối với tội nhận hối lộ, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Hành vi đưa hối lộ được quy định cụ thể hơn: “Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ” (Điều 354, khoản 1).
Ngoài ra, BLHS năm 2015 nâng mức định lượng về giá trị tiền, tài sản tại các điều khoản có liên quan so với Bộ luật năm 1999. Cụ thể, đối với nhóm tội liên quan đến hối lộ, nâng giá trị tiền, tài sản làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khung 1 các Điều 345 (tội nhận hối lộ), Điều 364 (tội đưa hối lộ), Điều 365 (tội môi giới hối lộ) từ “hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng” (BLHS năm 1999 quy định “từ hai triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng”)...

Để tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ luật còn bổ sung một số chính sách mới liên quan đến việc xử lý tội phạm tham nhũng, như: Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp tham ô tài sản đặc biệt nghiêm trọng; hành vi nhận hối lộ đặc biệt nghiệm trọng. Đối với các trường hợp này, bất kể thời điểm nào phát hiện được tội phạm, kể cả khi người phạm tội đã về hưu, nghỉ việc đều bị đưa ra xử lý. Mặt khác, nhằm hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình, khuyến khích người phạm tội tham nhũng khắc phục hậu quả, Bộ luật năm 2015 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nếu “người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Thời gian gần đây Tòa án liên tục đưa ra xét xử, tuyên án các vụ “đại án” hình sự về TN-KT có giá trị phải thi hành rất lớn dẫn đến việc thi hành án tăng nhanh về số lượng, giá trị phải thi hành án. Từ 1/10/2017 đến 30/9/2018 các cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã phải tổ chức thi hành 118 việc/2.193.150.869.000đ về án TN-KT. Trong đó, có điều kiện thi hành là 110 việc/1.720.989.239.000đ; thi hành xong 72 việc/216.265.950.000đ; đình chỉ 3 việc/152.138.357.000đ; hoãn thi hành 1 việc/381.294.059.000đ; chưa có điều kiện 7 việc/90.867.571.000đ. Đạt tỷ lệ 68,18% về việc và 21,41% về tiền. Kết quả này cho thấy việc thi hành án đối với án TN-KT gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp và thường có một số đặc điểm như sau: 

Thứ nhất: Đối tượng phải thi hành án trong các vụ án TN-KT thường là những đối tượng phạm tội có trình độ, có học thức và ý thức phạm tội, che giấu hành vi phạm tội trong thời gian dài, tẩu tán tài sản tinh vi, có quan hệ phức tạp. Có người đã từng giữ những chức vụ rất cao trong bộ máy Đảng và nhà nước.

Thứ hai, trong một vụ việc thi hành án TN-KT, người được thi hành án là nhà nước hoặc các tổ chức còn người phải thi hành án thì phần lớn đang chấp hành hình phạt tù dài hạn, khoản phải thi hành án lớn, không có tài sản để thi hành án; Chấp hành viên thường phải thi hành nhiều quyết định thi hành án cùng một lúc, tính chất vụ việc phức tạp với nhiều đương sự và người liên quan. Quá trình tống đạt quyết định về thi hành án mất rất nhiều thời gian và công sức.

Thứ ba, nghĩa vụ phải thi hành án trong các Bản án, quyết định thường là các nghĩa vụ liên đới. Trong khi có nhiều đối tượng ở nhiều địa phương khác nhau, và theo quy định thì phải xử lý xong tài sản ở địa phương này mới có thể ủy thác để xử lý tài sản ở địa phương khác dẫn đến chậm quá trình thu hồi tài sản cho ngân sách.

Thứ tư, tài sản do các cơ quan tố tụng kê biên, phong tỏa có giá trị rất ít so với nghĩa vụ phải thi hành án hoặc có tình trạng pháp lý không rõ ràng, chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng hoặc đang thế chấp với số tiền vay rất lớn.. Một số vụ việc có số lượng tài sản kê biên lớn, đa dạng với nhiều chủng loại khác nhau, thậm chí có tài sản có đặc thù trong xử lý. Việc xác minh điều kiện THA, truy tìm, xử lý tài sản của người phải thi hành án hết sức khó khăn.

2.Thủ tục thi hành án Tham nhũng-Kinh tế (TN-KT)

2.1. Ra quyết định thi hành án trong các vụ việc TN-KT

Việc ra quyết định thi hành án đối với các việc thi hành án TN-KT được thực hiện theo quy định chung tại Điều 36 Luật THADS; Điều 6, Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và Điều 1 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC.

Trong việc thi hành án TN-KT các khoản chủ động thi hành án thường là các khoản thu cho ngân sách nhà nước. Cơ quan THADS áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật THADS, Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để ra quyết định thi hành án chủ động.

Việc ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu trong các bản án, quyết định về TN-KT được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật THADS, Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; Điều 1 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC. Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP Thủ trưởng cơ quan THADS ra một quyết định thi hành án cho mỗi yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, do đặc điểm riêng của thi hành án KT-TN là thường có nhiều người phải thi hành án có nghĩa vụ liên đới. Khi ra quyết định thi hành án Thủ trưởng cơ quan THADS cần chú ý vận dụng Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để ra quyết định thi hành án cho phù hợp.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 62/2015/NĐ-CP: Trường hợp thi hành  quyền, nghĩa vụ liên đới thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên đới.

  Ví dụ: Bản án số 553/2017/HSPT ngày 18/8/2017 của TAND cấp cao

 tại HN tuyên: Buộc GKĐ, TVL và TVK phải liên đới bồi thường trả cho tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam số tiền 260.506.950.830đồng chia theo kỷ phần GKĐ phải bồi thường số tiền 255.624.891.138đ, TVL phải bồi thường số tiền: 3.109.739.692đ, TVK phải bồi thường 1.772.320.000đ”. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ngày 02/8/2018, tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam gửi đơn đến Cục THADS TPHN  yêu cầu GKĐ, TVL và TVK  phải bồi thường theo quyết định của bản án. Trường hợp này, Cục THADS TPHN  ra chung 01 quyết định thi hành án đối với cả 3 người phải thi hành án nói trên.

  Ngoài ra, cần lưu ý: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định 62/CP: Chủ động ra quyết định thi hành án:
Các khoản thu khác cho nhà nước quy định tại điểm c khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự thuộc diện chủ động ra quyết định thi hành án bao gồm các khoản truy thu thuế; khoản viện trợ cho Nhà nước và các khoản bồi thường cho Nhà nước trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; các khoản thu khác nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước.

Như vậy, đối với việc ra quyết định thi hành án khoản bồi thường trong các Bản án TN-KT không phải trường hợp nào cũng phải có đơn yêu cầu thi hành án mới ra quyết định thi hành án. Mà có những khoản bồi thường cho nhà nước trong các Bản án TN-KT cơ quan thi hành án phải ra quyết định chủ động thi hành án theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định 62/CP.

2.2. Thông báo thi hành án

Việc thông báo thi hành án trong các việc thi hành án TN-KT cũng được thực hiện theo trình tự thủ tục chung được quy định tại Điều 39, Điều 40, Điều 41, Điều 42, Điều 43 Luật THADS, Điều 12 Nghị định 62/2015/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC. Tuy nhiên, đối với việc thi hành án TN-KT, Chấp hành viên lưu ý một số tình huống thường xảy ra đối với việc thi hành án TN-KT để có cách thức thông báo thích hợp, cụ thể như sau:

  Do tính chất và đối tượng phải thi hành án của việc thi hành án TN-KT liên quan đến sự phối hợp của các cơ quan hữu quan rất nhiều, cụ thể như Trại tạm giam, tạm giữ, Viện kiểm sát ND, Công an….; người phải thi hành án phải chấp hành hình phạt tù lâu dài như chung thân hoặc 15, 20 năm khi tuổi đời đã ngoài 50 có người trên 60 tuổi thường có thái độ bất hợp tác với cơ quan thi hành án. Do đó, khi thực hiện thông báo thi hành án Chấp hành viên nên phối hợp tốt với cán bộ trại giam trong quá trình tiến hành thông báo thi hành án. 

  Trong trường hợp người phải thi hành án ngoài việc đang chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật thì đang trong thời gian bị điều tra, truy tố một hồ sơ khác. Việc tống đạt thông báo trực tiếp cho họ cũng rất phức tạp. Chấp hành viên phải có thông tin về địa chỉ trại giam mà người phải thi hành án đang bị giam giữ, liên hệ với điều tra viên đang thụ lý vụ việc mới để phối hợp, thống nhất thời gian cho phép gặp người phải thi hành án để tống đạt các quyết định, văn bản về thi hành án.

2.3. Xác minh điều kiện thi hành án

Khi thực hiện xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc, yêu cầu về nội dung và trình tự xác minh điều kiện thi hành án được quy định tại Điều 44 Luật THADS, Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và Điều 3 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC.  Chấp hành viên cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, về nguồn thông tin xác minh: Trước khi tiến hành xác minh, Chấp hành viên cần nghiên cứu kỹ bản án và các tài liệu liên quan để nắm được nội dung vụ việc. Các vụ việc thi hành án TN-KT thường có những tình tiết mà cơ quan tố tụng đã điều tra, nhận định, xem xét trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Do đó việc khai thác thông tin từ bản án có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng xác minh của chấp hành viên. Đồng thời, các vụ việc thi hành án TN-KT thường trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các cơ quan tố tụng đã áp dụng một số biện pháp phong tỏa tài sản của người phải thi hành án như kê biên nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, tài khoản, tài sản khác v v… Chấp hành viên cần phải thu thập đầy đủ các tài liệu liên quan đến việc kê biên, phong tỏa của các cơ quan tố tụng để từ đó có biện pháp xử lý phù hợp với quy định của luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật hiện hành.

Ví dụ: Bản án số 298/2018/HSPT ngày 14/5/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại HN quyết định: Buộc ĐLT, PĐT, NQK, VĐT…. Phải liên đới bồi thường cho Tập đoàn DK số tiền: 117.804.660.196đ. Tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản của cơ quan anh ninh điều tra Bộ công an để đảm bảo cho việc thi hành án: Biệt thự số AD04-16 khu độ thị sinh thái Vinhomes….phong tỏa chứng khoán do TXT đứng tên, không cho chuyển nhượng để đảm bảo thi hành án.

Để giải quyết hồ sơ thi hành án này, Chấp hành viên, ngoài việc phải thực hiện các trình tự thủ tục về thi hành án thông thường thì cần phải thu thập đầy đủ tài liệu như lệnh kê biên tài sản của cơ quan anh ninh điều tra Bộ công an đối với Biệt thự số AD04-16 khu độ thị sinh thái Vinhomes( Giấy CNQSDĐ nếu có do cơ quan điều tra thu giữ); tài liệu về việc phong tỏa chứng khoán … để có căn cứ thực hiện các bước tiếp theo, nhằm sớm thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước đúng qquy định của pháp luật.

Thứ hai, về hiện trạng tài sản: Trong bản án về TN-KT, có những tài sản do các cơ quan tố tụng kê biên, phong tỏa chưa được xác định rõ ràng về nguồn gốc, vị trí và đặc điểm. Vì vậy, khi xác minh Chấp hành viên tập trung xác minh hiện trạng tài sản có bị thay đổi hay di biến động so với nội dung đã tuyên trong bản án hay không; người đang trực tiếp quản lý tài sản, hiện trạng tài sản có đúng với bản án, quyết định của Toà án đã tuyên hay không. Trong trường hợp là tài sản chung vợ chồng, Chấp hành viên phải xác minh rõ tài sản được xác lập quyền sở hữu vào thời gian nào ( Trước hay trong thời kỳ hôn nhân...).

Ngoài ra, việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án trong các bản án TN-KT cũng vô cùng phức tạp. Bởi xuất phát từ đối tượng phải thi hành án là người có trình độ, có học thức và ý thức phạm tội, che giấu hành vi phạm tội trong thời gian dài, tẩu tán tài sản tinh vi. Chấp hành viên phải rất thận trọng, chuyên cần, hiểu biết về các quy định của các luật chuyên ngành thì mới xác minh, phân loại chính xác.

Thứ ba, xác minh về nhân thân của người phải thi hành án: Trong thi hành án TN-KT, việc xác minh nhân thân của người phải thi hành án và những người liên quan là hết sức quan trọng. Chấp hành viên phải xác minh rõ mối quan hệ giữa  người phải thi hành án và các thành viên khác trong gia đình của họ. Các thông tin này có ý nghĩa quan trọng trong việc vận động, thuyết phục các thành viên khác trong gia đình người phải thi hành án ( Cha, mẹ, vợ, con ) để vận động những người này tự nguyện nộp tiền, khắc phục hậu quả thay cho người phải thi hành án.

  2.4. Thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án

Do tính chất phức tạp của các vụ việc thi hành án TN-KT, việc vận động thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án là vô cùng cần thiết và quan trọng. Trong quá trình thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án, Chấp hành viên phải vận dụng rất nhiều kiến thức pháp luật và “kỹ năng mềm” để vận động đương sự. Chấp hành viên cần khai thác các vấn đề liên quan như: đặc điểm nhân thân của người phải thi hành án; vận dụng sự ủng hộ của thành viên gia đình họ đối với việc thi hành án, chú ý đến dư luận xã hội về vụ việc đang thi hành….Khi vận động, Chấp hành viên cần nắm vững các quy định pháp luật về thừa kế, hôn nhân gia đình để  có thể giải thích cho đương sự, giúp đương sự hiểu các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, quyền và nghĩa vụ của đương sự trong quá trình thi hành án, hậu quả pháp lý của việc không tự nguyện thi hành án. Có những người phải thi hành án đã chấp hành xong hình phạt tù, Chấp hành viên cần phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội...để tiến hành vận động người phải thi hành án đạt hiệu quả.

  Việc thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng trong các việc thi hành án TN-KT cũng được thực hiện và ghi nhận theo các nguyên tắc chung quy định tại Điều 74 Luật THADS và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.

  2.5. Áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án

Khi tổ chức thi hành việc thi hành án TN-KT, Chấp hành viên có quyền được áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án đã được quy định tại Điều 66, Điều 67, Điều 68, Điều 69 Luật THADS và Điều 13, Điều 18, Điều 19, Điều 20 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.

 Do đặc thù của thi hành án TN-KT, nghĩa vụ thi hành án thường là nghĩa vụ trả tiền nên biện pháp bảo đảm thường được áp dụng nhất là biện pháp “Tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản”. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm này Chấp hành viên áp dụng theo quy định tại Điều 66, Điều 69 Luật THADS.

  Trong quá trình tổ chức thi hành án TN-KT, Chấp hành viên có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án quy định tại Điều 71 Luật THADS. Việc thực hiện cưỡng chế thi hành án cũng tuân thủ các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đã được quy định tại Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành.

  Trong thi hành án TN-KT, biện pháp cưỡng chế thường được áp dụng là biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản (khoản 3 Điều 71 Luật THADS)  và  cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản, thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ 3 giữ (Điều 76, 80, 81 Luật THADS). Đối với các vụ việc thi hành án TN-KT, khi tổ chức cưỡng chế thi hành án Chấp hành viên lưu ý: Trong quá trình chuẩn bị tổ chức cưỡng chế thi hành án, Chấp hành viên cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật với nhiều hình thức như: Tuyên truyền gặp gỡ, trao đổi với các thành viên trong gia đình, phối hợp với chính quyền và các ban ngành ở địa phương tổ chức các buổi vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án

Đối với các việc thi hành án TN-KT mà phát sinh việc xử lý tài sản gắn liền với đất được chuyển giao, chấp hành viên lưu ý quy định tại Điều 117 Luật THADS, việc xử lý tài sản gắn liền với đất được chia làm hai trường hợp phụ thuộc vào thời điểm hình thành nên tài sản. Do vậy, khi tổ chức thi hành án nếu biết được có tài sản trên đất thì CHV cần phải xác minh làm rõ tài sản  đó là của ai, hình thành vào thời điểm nào và việc hình thành có hợp pháp hay không để có biện pháp giải quyết thích hợp.

Đối với các tài sản cơ quan tố tụng đã kê biên thì không ban hành quyết định kê biên mà xác minh làm rõ và khẩn trương xử lý theo quy định.

2.6Thanh toán tiền trong thi hành án TN-KT

Việc thanh toán tiền trong thi hành án TN-KT cũng tuân thủ nguyên tắc về thanh toán tiền thi hành án được quy định tại Điều 47 Luật THADS, Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC, đồng thời Chấp hành viên lưu ý các trường  hợp sau:

*Trường hợp Bản án tuyên:Kê biên tài sản của người phải thi hành án để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án: Đối với trường hợp này thì khi xử lý xong tài sản

Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014, cụ thể: (1) Chi phí thi hành án; (2) Khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật THADS; (3) Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần;(4)Tiền án phí, lệ phí Tòa án; (5) Thanh toán cho những người được thi hành án theo tỉ lệ số tiền mà họ được thi hành án.

*Trường hợp Bản án tuyên:Kê biên tài sản của người phải thi hành án để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường:
Việc thanh toán sẽ được thực hiện cho các nghĩa vụ bồi thường theo thứ tự nêu trên.
* Trường hợp bản án, quyết định đang do cơ quan THADS tổ chức thi hành xác định nhiều người được thi hành án nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu thi hành án: Căn cứ theo quy định tại Điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS, khoản 1 Điều 49 Nghị định 62/2015/NĐ-CP và khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC thì Chấp hành viên thực hiện thanh toán tiền thi hành án như sau:

 Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán;

  Khoản 1 Điều 49 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định trong trường hợp bản án, quyết định đang do cơ quan THADS tổ chức thi hành xác định nhiều người được thi hành án nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu thi hành án mà tài sản của người phải thi hành án không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo bản án, quyết định thì cơ quan THADS thanh toán cho người đã yêu cầu thi hành án theo tỷ lệ mà họ được nhận, số tiền còn lại gửi vào ngân hàng theo loại tiền gửi kỳ hạn 01 tháng, đồng thời thông báo và ấn định thời hạn không quá 01 tháng cho những người được thi hành án chưa yêu cầu về quyền yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp đã hết thời hiệu.

  Hết thời hạn thông báo mà cơ quan THADS không nhận được yêu cầu thi hành án thì số tiền đã gửi và tiền lãi được thanh toán tiếp cho những người đã có yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm hết thời hạn thông báo. Số tiền còn lại (nếu có) được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán hoặc trả lại cho người phải thi hành án.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC: Trường hợp thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS và khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP  thì cơ quan THADS xác định rõ những bản án, quyết định đang trực tiếp tổ chức thi hành có trước thời điểm có quyết định cưỡng chế thi hành án mà có nhiều người được thi hành án để xác định người đã yêu cầu thi hành án, người chưa yêu cầu thi hành án; số tiền được thi hành ánnh toán của người đã yêu cầu thi hành án và của người chưa yêu cầu thi hành án theo các bản án, quyết định đó.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tiền, cơ quan THADS chi trả cho người đã yêu cầu thi hành án số tiền theo tỷ lệ mà họ được nhận, đồng thời thông báo cho những người được thi hành án chưa yêu cầu thi hành bản án, quyết định đó về quyền yêu cầu thi hành án. Việc thông báo được thực hiện theo địa chỉ có tại bản án, quyết định qua dịch vụ bưu chính bằng thư bảo đảm.

Trong thời hạn đã ấn định mà tiếp tục nhận được yêu cầu thi hành án thì cơ quan THADS ra quyết định thi hành án theo quy định và chi trả cho họ số tiền đã gửi, tiền lãi theo tỷ lệ đã được xác định, số tiền của những người không yêu cầu thi hành án còn lại được thanh toán tiếp cho những người đã có yêu cầu thi hành bản án, quyết định đó tính đến thời điểm hết thời hạn thông báo. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán.

Sau khi thanh toán theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS, số tiền còn lại (nếu có) được trả cho người phải thi hành án.

* Trường hợp đã thu tiền của người phải thi hành án nhưng người được thi hành án không đến nhận

  Đối với trường hợp thi hành án TN-KT mà cơ quan THADS đã thu được tiền của người phải thi hành án và thực hiện thông báo hợp lệ cho người được thi hành án nhưng người được thi hành án không đến nhận tiền, tài sản, Chấp hành viên làm đầy đủ thủ tục thông báo theo quy định và xử lý theo Điều 126 Luật THADS, Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.

  Khoản 2 Điều 126 Luật THADS quy định sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, Chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận tiền thì Chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự.

Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì Chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định tại các Điều 98, Điều 99 và Điều 101 của Luật THADS và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự.

Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan THADS làm thủ tục sung quỹ nhà nước.

* Trường hợp cơ quan THADS đã thu được tiền nhưng việc thi hành án KT-TN bị hoãn, tạm đình chỉ để xem xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC trong trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại mà cơ quan THADS chưa chi trả số tiền thi hành án đã thu được (kể cả trường hợp thu qua việc bán tài sản của người phải thi hành án) thì cơ quan THADS làm thủ tục đứng tên gửi số tiền thi hành án đã thu được vào Ngân hàng theo kỳ hạn 01 tháng. Phần lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ được cộng vào số tiền gửi ban đầu để thực hiện theo bản án, quyết định mới có hiệu lực pháp luật.

2.7. Cách tính phí thi hành án

Trong thi hành án thừa kế việc thu phí thi hành án được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 3, Điều 60 Luật THADS; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; Thông tư số 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí THADS(Thông tư số 216/2016/TT-BTC).

Các vụ việc về TN-KT đang có xu hướng ngày càng gia tăng; tính chất các vụ việc đa phần là phức tạp và đặc biệt là đối tượng phải thi hành án đa số là những người có học thức, trình độ học vấn cao, ý thức cố ý vi phạm pháp luật và các đối tượng phạm tội đều là người có chức quyền, có mối quan hệ sâu rộng. Quy định pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự  nói chung và thi hành án TN-KT nói riêng vẫn còn nhiều điểm bất cập, như: Thẩm quyền của cơ quan thi hành án, chấp hành viên; về trình tự thủ tục thi hành án, đặc biệt là về cưỡng chế, xử lý đối với các tài sản đặc thù, giấy tờ có giá; các quy định về quản lý thu nhập, kê khai tài sản còn bất cập khó kiểm soát được thu nhập, tài sản của những cá nhân có chức quyền, của tổ chức, cá nhân dẫn đến đối tượng phạm tội có thể rửa tiền, tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho việc áp dụng các biện pháp xác minh,phong tỏa, kê biên, xử lý tài sản của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tiến hành tố tụng cũng như quá trình tổ chức thi hành án…

Để việc tổ chức thi hành án TN-KT đạt hiệu quả cao, đòi hỏi Chấp hành viên không chỉ am hiểu các quy định pháp luật về THADS, các pháp luật chuyên ngành khác như luật HNGĐ, Luật Đất đai, Luật Chứng khoán… mà còn phải có những “kỹ năng mềm” khéo léo, linh hoạt khi tổ chức thi hành án. Trong quá trình thi hành án, cần lưu ý những đặc điểm riêng của loại việc thi hành án TN-KT từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án đối với các bản án, quyết định về TN-KT có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác THADS.
Nguyễn Kiều Nhung

Các tin đã đưa ngày: