Sign In

Cần bổ sung đối tượng được xét miễn nghĩa vụ thi hành án phần án phí

23/05/2022

1. Chính sách miễn án phí đối với người khuyết tật, người cao tuổi trong giải quyết các vụ án dân sự
Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14) có quy định mới là miễn nghĩa vụ phải chịu án phí, lệ phí đối với người cao tuổi, người khuyết tật.
So với Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 (gọi tắt Pháp lệnh số 10) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án thì Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án đã bổ sung đối tượng được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí đối với một số đối tượng là người người cao tuổi và người khuyết tật (theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14).
Việc bổ sung quy định miễn án phí đối với đối tượng là: Người cao tuổi, người khuyết tật vừa thể hiện tính nhân văn của pháp luật nước ta, vừa thể hiện chính sách hỗ trợ, tương trợ của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi, người khuyết tật. Đồng thời, quy định này nhằm bảo đảm tính thống nhất trong các quy định của pháp luật giữa chính sách miễn án phí và chính sách mang tính chất đặc thù các luật chuyên ngành khác như: Luật Người cao tuổi năm 2009, Luật Người khuyết tật năm 2010. Theo đó, chính sách miễn, tạm ứng phí và án phí đối với người khuyết tật, người cao tuổi được thực hiện với thủ tục và điều kiện rất đơn giản, chỉ cần có đơn xin miễn tạm ứng án phí hoặc án phí là được Tòa án chấp nhận cho miễn.
2. Quy định về miễn nghĩa vụ thi hành án đối với phần án phí
Quy định về xét miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự cho người phải thi hành án đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành án, đã góp phần giải quyết tình trạng án tồn đọng, đồng thời, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người phải thi hành án.
Khoản 1 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự và Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước quy định: Người phải thi hành án được xét miễn nghĩa vụ thi hành án nói chung và nghĩa vụ thi hành án đối với phần án phí nói riêng khi có đủ các điều kiện sau đây:
“a) Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng;
b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng”.
Như vậy, điều kiện để các đối tượng là người phải thi hành án được miễn thi hành án đối với phần án phí gồm hai điều kiện là:
(i) Điều kiện về kinh tế (tài sản, khả năng thi hành án) của người phải thi hành án không có khả năng, điều kiện thi hành án…;
(ii) Thời hạn thi hành án kể từ ngày ra quyết định thi hành án đến ngày được đề nghị xét miễn nghĩa vụ thi hành án.
3. Xung đột pháp luật giữa quy định về miễn án phí và xét miễn nghĩa vụ thi hành án đối với phần án phí đối với người cao tuổi và người khuyết tật
So sánh về điều kiện áp dụng miễn án phí và điều kiện xét miễn nghĩa vụ thi hành án phần án phí tại hai giai đoạn là hoàn toàn khác nhau. Ở giai đoạn thi hành án thì điều kiện để xét miễn nghĩa vụ thi hành án đối với người khuyết tật, người cao tuổi có quy định khắc khe hơn và xung đột với chính sách đối với người khuyết tật, người cao tuổi nói chung và chính sách miễn án phí nói riêng. Bởi vì, theo quy định của Luật Người cao tuổi năm 2009, Luật Người khuyết tật năm 2010 thì họ đều được miễn một phần hoặc toàn bộ các khoản đóng góp xã hội. Ngược lại, họ còn được hưởng trợ cấp xã hội đối với những người bị mất sức lao động theo một tỷ lệ nhất định nào đó. Thực tiễn nghiên cứu cho thấy, khi áp dụng quy định về miễn nghĩa vụ thi hành án đối với phần án phí cho người phải thi hành án là người cao tuổi và người khuyết tật còn một số tồn tại, bất cập sau:
Trường hợp thứ nhất: Theo Bản án dân sự số 75/2021/DS-ST ngày 17/11/2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh T đã có hiệu lực pháp luật thì ông Nguyễn Văn T phải có nghĩa vụ trả cho ông Nguyễn Văn H số tiền là 80.000.000 đồng và ông Nguyễn Văn T phải chịu 4.000.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định. Đến tháng 12/2021, ông T bị tai nạn giao thông và tỷ lệ mất sức lao động 61% theo giấy giám định của cơ quan chức năng; ông T được chính quyền địa phương xác định là người khuyết tật theo dạng khuyết tật vận động và được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật. Do bị tai nạn giao thông nên ông T đã nộp đơn xin Chi cục Thi hành án dân sự xét miễn nghĩa vụ thi hành đối với khoản án phí nhưng không được chấp nhận vì không đủ điều kiện xét theo quy định.
Nhận xét: Từ quy định trên cho thấy nếu đương sự là người khuyết tật tại thời điểm thực hiện thủ tục tố tụng tại Tòa án và có đơn xin miễn án phí thì họ đương nhiên được miễn, không cần các điều kiện về kinh tế và thời gian thi hành án. Trường hợp, nếu người phải thi hành án là người khuyết tật trong giai đoạn thi hành án thì họ chỉ được miễn thi hành án nghĩa vụ án phí khi đủ các điều kiện theo khoản 1 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự. Việc không xét miễn nghĩa vụ thi hành án đối với phần án phí của ông T là điều bất hợp lý vì ông T đã mất sức lao động 61% thì ông T đương nhiên được hưởng chính sách trợ cấp xã hội và các chính sách khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thứ hai: Theo Bản án dân sự số 136/2021/DS-ST ngày 23/12/2021 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh C đã có hiệu lực pháp luật, bà Trần Thị B có nghĩa vụ trả cho ông Nguyễn Văn P số tiền là 40.000.000 đồng và bà B phải chịu 2.000.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Tại thời điểm thực hiện các thủ tục tố tụng bà B là người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi nhưng do thiếu hiểu biết pháp luật và không được thẩm phán giải thích rõ quyền được đề nghị miễn án phí của người cao tuổi nên bà B không làm đơn đề nghị miễn án phí. Trong giai đoạn thi hành án, bà B đã nộp đơn đề nghị xét miễn nghĩa vụ thi hành án đối với phần án phí mà bà B phải nộp nhưng không được chấp nhận do không đủ điều kiện.
Nhận xét: Cùng là đối tượng người cao tuổi, cùng có đơn yêu cầu miễn án phí và miễn nghĩa vụ thi hành án phần án phí nhưng trong giai đoạn tố tụng tại Tòa án thì đương sự sẽ đương nhiên được miễn, còn trong giai đoạn thi hành án thì không được miễn do không đảm bảo các điều kiện về kinh tế và thời hạn thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự.
Trường hợp thứ ba: Theo bản án số 80/2021/DS-ST ngày 23/11/2021 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh K đã có hiệu lực pháp luật thì ông Cao Văn T có trách nhiệm trả cho bà Nguyễn Thị M số tiền là 60.000.000 đồng và ông T phải chịu 3.000.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Tại thời điểm ban hành bản án sơ thẩm thì ông T được 59 năm, 11 tháng tuổi; chưa được 60 tuổi để được miễn án phí theo quy định. Sau khi bản án có hiệu lực thì ông T vừa tròn 60 tuổi và ông T đã nộp đơn yêu cầu xét miễn nghĩa vụ thi hành án phí nhưng không được chấp nhận vì không đủ điều kiện.
Nhận xét: Ông T có ý thức chấp hành phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm nên không thực hiện quyền kháng cáo đối với bản án sơ thẩm. Trường hợp này, nếu ông T thực hiện kháng cáo bản án sơ thẩm thì đến giai đoạn phúc thẩm ông T hoàn toàn được miễn án phí vì đến thời điểm đó ông T đã là người cao tuổi. Nên việc không miễn án phí cho ông T trong trường hợp này là bất cập, không khuyến khích ông T chấp hành phán quyết của cấp sơ thẩm.
4. Kiến nghị, đề xuất
Trước hết, cần khẳng định rằng, việc miễn án phí đối với người cao tuổi và người khuyết tật theo quy định của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 là quy định rất tiến bộ, mang đầy tính nhân văn của hệ thống pháp luật của nước ta. Quy định này còn thể hiện chính sách hỗ trợ, tương trợ; truyền thống tương thân, tương ái của đất nước và con người Việt Nam. Trong các quy định của Luật Người cao tuổi và Luật Người khuyết tật đều có quy định miễn toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ đóng góp cho xã hội; cũng như quy định về các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và người khuyết tật. Đặc biệt, là các quy định thể hiện có chính sách trợ cấp cho những đối tượng này nhằm bảo đảm cuộc sống của họ. Do đó, hệ thống pháp luật đã bổ sung, trao cho người cao tuổi và người khuyết tật một đặc quyền là “được miễn án phí” (nghĩa vụ đối với nhà nước) thông qua các quy định của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.
Trong khi đó, các quy định về xét miễn nghĩa vụ thi hành án đối với phần án phí được quy định trong Luật Thi hành án dân sự đang trong thời gian thực hiện Pháp lệnh số 10 về án phí, lệ phí Tòa án trước thời điểm Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 có hiệu lực pháp luật đến nay chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14. Do đó, quy định về xét miễn nghĩa vụ thi hành án đối với phần án phí đã lỗi thời, chưa cập nhật đúng chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi và người khuyết tật. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần bổ sung đối tượng người thi hành án là người cao tuổi, người khuyết tật; thay đổi điều kiện xét miễn nghĩa vụ thi hành án đối với phần án phí trong việc xét miễn nghĩa vụ thi hành án đối với người phải thi hành án là người cao tuổi và người khuyết tật theo hướng áp dụng các quy định của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14./.
ThS. Lê Thị Hồng Thắm
Khoa Sư phạm và Xã hội Nhân văn, Trường Đại học Kiên Giang
Huỳnh Minh Khánh
Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang


Theo Tạp chí dân chủ và pháp luật

Các tin đã đưa ngày: