Sign In

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái: Công tác thi hành án dân sự đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận

20/12/2022

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái: Công tác thi hành án dân sự đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận
(PLVN) - Năm vừa qua, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác THADS. Để hiểu rõ hơn về những kết quả và nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2023, Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái.

-Thưa Tổng cục trưởng, năm 2022 là năm đầu tiên sau 02 năm ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, công tác THADS có thể nói đã trở lại bình thường. Xin ông cho biết rõ hơn về kết quả THADS đạt được trong năm vừa qua?

Năm 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, thích ứng an toàn, phục hồi phát triển của Chính phủ, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của hệ thống THADS nên công tác THADS về cơ bản đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là vượt chỉ tiêu về việc và về tiền theo Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định giao chỉ tiêu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, số tiền thi hành xong đạt cao nhất từ trước đến nay.

Các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 539.000 việc tương ứng với trên 75 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 82,50% về việc và 45,42% về tiền, vượt chỉ tiêu được Quốc hội giao. Đây là kết quả cao nhất mà hệ thống THADS đạt được trong vòng 05 năm trở lại đây.

Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tiếp tục được tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, ghi nhận, cụ thể, đã thu hồi được gần 16.000 tỷ đồng, tăng hơn 11.000 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021.

Công tác theo dõi THAHC đã đi vào nền nếp, cơ bản thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm theo quy định. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC đã có sự chuyển biến.

-Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “tiếp tục tăng cường tiến độ, chất lượng THADS; thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW”. Vậy toàn ngành THADS trong năm qua đã thực hiện chỉ đạo này như thế nào, thưa Tổng cục trưởng?

Xác định công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nên trong năm qua Bộ Tư pháp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao đối với công tác này và chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04-CT/TW, Kết luận số 05-KL/TW.

Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS kịp thời quán triệt, chỉ đạo các cơ quan THADS khẩn trương áp dụng quy định mới của Luật THADS về ủy thác thi hành án; phối hợp với TAND tối cao để xử lý tài sản trong các bản án tuyên tiếp tục kê biên để bảo đảm thi hành án; tăng cường đôn đốc, kiểm tra; tiếp tục duy trì Tổ công tác của Tổng cục THADS tại phía Nam (đặt trọng tâm theo dõi, hỗ trợ, đôn đốc việc thi hành án liên quan đến án tham nhũng, kinh tế). Cùng với các bộ, ngành trung ương, Ban chỉ đạo THADS các địa phương (thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...), Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án.

Bộ Tư pháp đã tiến hành tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 liên quan đến công tác THADS theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời báo cáo Ban Nội chính Trung ương kết quả thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế và tiến độ xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện BCĐTW về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Các cơ quan THADS đã tập trung xử lý tài sản kê biên bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định; chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ hiện trạng, tình trạng pháp lý của tài sản để đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản để thu hồi tiền cho Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt. Nhiều địa phương có kết quả thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế cao như: Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi được 14.077 tỷ đồng; Hà Nội thu hồi được 710 tỷ đồng, Đà Nẵng thu hồi được 461 tỷ đồng…

Các cơ quan THADS đã chủ động và phát huy hiệu quả công tác phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh/thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế. Ví dụ như Thành uỷ và UBND thành phố Đà Nẵng đã thường xuyên, trực tiếp chỉ đạo nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế trên địa bàn thành phố, kịp thời đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để sớm tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc như Phạm Công Danh, Phan Văn Anh Vũ, Trần Văn Minh…; Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND Thành phố, các sở, ban, ngành Thành phố phối hợp chặt chẽ với Cục THADS Thành phố trong việc xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

-Năm 2023, toàn ngành THADS cần tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nào để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, THAHC, thưa Tổng cục trưởng?

Năm 2023, số việc, tiền mà cơ quan THADS thụ lý ngày càng tăng, tính chất pháp lý ngày càng phức tạp. Do vậy, để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, toàn Hệ thống THADS cần tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp cụ thể.

Theo đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành hiệu quả các văn bản pháp luật về THADS, THAHC. Nghiên cứu, đề xuất thể chế hoá các định hướng, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến THADS, THAHC trong Nghị quyết số 27-NQ/TW. Tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đấu giá tài sản, đất đai, tín dụng, phá sản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ để giải quyết vướng mắc trong thực tiễn. Tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấp hành pháp luật TTHC và THAHC.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, theo dõi THAHC. Tập trung nguồn lực, thực hiện quyết liệt việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, ưu tiên thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, kiểm soát chặt chẽ tiến độ, kết quả xử lý tài sản. Chủ động phối hợp, đề nghị các cơ quan liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, tương trợ tư pháp về hình sự từ công tác điều tra, truy tố, xét xử đến giai đoạn thi hành án để đảm bảo hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành đối với các vụ việc thu hồi tài sản cho nhà nước, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, vị trí việc làm cơ quan THADS theo Nghị định số 98/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Thực hiện nghiêm các nghị quyết chuyên đề, văn bản mới về công tác cán bộ. Rà soát, sắp xếp, thay thế công chức yếu kém, nhất là người đứng đầu. Đặt trọng tâm, thực hiện tốt công tác quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý giai đoạn 2021-2026 và giai đoạn 2026-20301. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ lãnh đạo.

Tiếp tục chỉ đạo, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, vi phạm, đặc biệt là Quy định số 69-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị. Thực hiện nghiêm túc Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp, Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên.

Cùng với đó, tăng cường hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính. Triển khai kịp thời, hiệu quả dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng Đề án “Biên lai điện tử thu tiền trong hoạt động THADS”. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu THADS tích hợp với các cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào tháng 6/2023. Tập trung nghiên cứu các giải pháp cải cách hành chính nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí trong quá trình THADS.

Trân trọng cảm ơn ông!

Các tin đã đưa ngày: