1. Quy định của pháp luật
Biện pháp kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ đã được quy định từ Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Luật THADS đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 vẫn giữ nguyên quy định này, cụ thể:
Một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án được Luật THADS quy định thì biện pháp thứ ba là “kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ” được quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật THADS. Đồng thời, để có cơ sở tổ chức thi hành, Luật THADS cũng dành một điều luật quy định cụ thể biện pháp này. Theo đó, tại Điều 91 Luật THADS quy định:
“Trường hợp xác định người thứ ba đang giữ tài sản của người phải thi hành án, kể cả trường hợp tài sản được xác định bằng bản án, quyết định khác thì Chấp hành viên ra quyết định kê biên tài sản đó để thi hành án; trường hợp người thứ ba không tự nguyện giao tài sản thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc họ phải giao tài sản để thi hành án.
Trường hợp tài sản kê biên đang cho thuê thì người thuê được tiếp tục thuê theo hợp đồng đã giao kết.”
Quy định này có thể hiểu quá trình tổ chức thi hành án, kết quả xác minh cho thấy người thứ ba đang giữ tài sản của người phải thi hành án (tiền, động sản, bất động sản) thì Chấp hành viên được quyền kê biên, xử lý tài sản đó từ người thứ ba để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án, nếu người thứ ba không tự nguyện giao tài sản thì sẽ bị cưỡng chế buộc giao tài sản đó cho cơ quan THADS.
Để hướng dẫn áp dụng Điều 91 Luật THADS thì khoản 3 Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ (nay là Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020) quy định: “Khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản làm việc hoặc có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản giao nộp cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án”. Nếu tổ chức, cá nhân đó không thực hiện thì sẽ bị áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành án và phải chịu chi phí.
Nếu người thứ ba giao tiền, tài sản đó cho người phải thi hành án hoặc người khác dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được thi hành án thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân đang phải trả tiền, tài sản cho người phải thi hành án mà khoản tiền, tài sản đó đã được xác định bằng bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu tổ chức, cá nhân đó giao nộp số tiền, tài sản cho cơ quan THADS để thi hành án. Nếu tổ chức, cá nhân đó không thực hiện thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án cần thiết đối với tổ chức, cá nhân đó để thu tiền, tài sản thi hành án. Chi phí cưỡng chế thi hành án trong trường hợp này do tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế thi hành án chịu.”
Như vậy, có thể tóm tắt các bước Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện trong trường hợp này như sau:
Bước 1: Xác minh điều kiện thi hành án, thông tin về người thứ ba đang nắm giữ tài sản của người phải thi hành án.
Bước 2: Lập biên bản làm việc hoặc có văn bản yêu cầu người thứ ba giao tiền, tài sản của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự.
Bước 3: Nếu người thứ ba giao tài sản đó cho cơ quan THADS thì Chấp hành viên xử lý theo quy định của Luật THADS như đối với các tài sản thi hành án khác; Nếu người thứ ba không giao thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành án.
Bước 4: Chấp hành viên thực hiện trình tự, thủ tục cưỡng chế đối với tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ và chi phí của việc cưỡng chế này người thứ ba phải chịu; đồng thời, nếu người thứ ba gây thiệt hại thì còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Thực tiễn tổ chức thi hành án, các cơ quan thi THADS đang lúng túng khi áp dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp này vì việc áp dụng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần được quy định cụ thể, thống nhất để đảm bảo quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, đơn vị khi tham gia vào hoạt động thi hành án dân sự. Đồng thời, cũng là cơ chế bảo vệ Chấp hành viên, cơ quan THADS khi thực hiện nhiệm vụ.
2. Thực tiễn áp dụng và khó khăn, vướng mắc
2.1. Về điều kiện áp dụng
Theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì tiền, tài sản của người phải thi hành án (thuộc loại tài sản được kê biên xử lý) đang do người thứ ba nắm giữ thì Chấp hành viên căn cứ khoản 3 Điều 71 và Điều 91 Luật Thi hành án dân sự và Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (nay là Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020) để thực hiện các bước như đã nêu trên. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể điều kiện, thời điểm để áp dụng biện pháp này như: Đối với tiền thì khi có căn cứ xác định người thứ ba đang nắm giữ tiền của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải thực hiện ngay việc yêu cầu nộp tiền đó cho cơ quan thi hành án dân sự, kể cả việc người phải thi hành án đang có điều kiện thi hành án khác. Còn đối với tài sản phải đăng ký, quyền sở hữu, sử dụng thì chỉ xử lý khi người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc không đủ để thi hành án. Do đó, có quan điểm cho rằng Chấp hành viên chỉ kê biên xử lý tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ trong trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án.
Ví dụ 1: Bản án thứ nhất tuyên bà A phải thi hành cho ông B số tiền 500.000.000 đồng và lãi chậm thi hành án do cơ quan thi hành án Quận N, tỉnh M tổ chức thi hành. Quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án của A thì được biết A không có điều kiện để thi hành án. Ông B cung cấp bà A đang được thi hành án của ông C 200.000.000 đồng nhưng bà A chưa làm đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp này, do bà A không còn tài sản nào để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án nên Chấp hành viên phải tiến hành xác minh thông tin của ông B cung cấp, làm việc với ông C để yêu cầu ông C thực hiện nghĩa vụ thi hành cho bà A số tiền 200.000.000 đồng, trường hợp ông C không tự nguyện thì Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án của ông C để thi hành cho bà A.
Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng khi phát hiện người thứ ba đang nắm giữ tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải áp dụng ngay các biện pháp yêu cầu người thứ ba giao nộp, kê biên xử lý theo quy định. Nhưng việc áp dụng này có thể dẫn đến khiếu nại, tố cáo của người thứ ba vì cho rằng người phải thi hành án đang có điều kiện thi hành nhưng cơ quan thi hành án lại xử lý tài sản của người thứ ba là chưa phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Ví dụ 2: Cũng như ví dụ nêu trên, nhưng trong trường hợp này bà A có điều kiện thi hành án là đất và nhà cấp 4 (nơi bà A đang cư trú). Tuy nhiên, do bà A đang được thi hành là tiền từ bản án khác nên phải được ưu tiên xử lý để bảo đảm nhà ở duy nhất là tài sản xử lý cuối cùng. Tuy nhiên, trường hợp này bản án giữa bà A và ông C chưa được cơ quan THADS thụ lý giải quyết nên ông C chống đối không thực hiện các yêu cầu của cơ quan THADS vì ông cho rằng bà A còn có tài sản là nhà đất đang ở nhưng cơ quan THADS không xử lý.
Như vậy, đây cũng là một trong những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng quy định pháp luật của Chấp hành viên, cần có quy định cụ thể về điều kiện áp dụng quy định xử lý tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ để có cơ chế bảo vệ Chấp hành viên khi thực hiện nhiệm vụ.
2.2. Đối với tài sản của người phải thi hành án là tiền
Đối với đối tượng là tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ thì có trường hợp xảy ra như sau:
(i) Quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan THADS phát hiện người thứ ba đang nắm giữ tiền của người phải thi hành án thông qua các tài liệu như: Hợp đồng mà người phải thi hành án được nhận tiền, quyết định của cơ quan nhà nước mà nội dung người phải thi hành án được nhận tiền…, thì Chấp hành viên căn cứ Điều 91 Luật THADS và Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (nay là Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020) để yêu cầu người thứ ba giao khoản tiền đó cho cơ quan THADS.
Ví dụ 1: Cơ quan THADS A đang tổ chức thi hành bản án dân sự phúc thẩm số 34/2018/DSPT ngày 17/10/2018 có nội dung buộc ông N phải trả cho ông M số tiền 750.000.000 đồng và lãi chậm thi hành án. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thi hành án ông N không có điều kiện thi hành án ngoài khoản tiền ông N được nhận bồi thường giải phóng mặt bằng tại Trung tâm quỹ đất thành phố H số tiền 1.200.000.000 đồng. Tuy nhiên, Trung tâm quỹ đất thành phố H cung cấp hiện nay nhà nước chưa cấp kinh phí để thực hiện việc bồi thường nên Trung tâm chưa có khoản tiền 1.200.000.000 để bồi thường cho ông N.
Trường hợp này, cơ quan thi hành án A đã ban hành văn bản đề nghị Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố H phối hợp với cơ quan thi hành án khi có nguồn tiền của ông N thì thông báo cho cơ quan thi hành án để thu theo quy định của Luật thi hành án dân sự (nội dung công văn có thông tin cho Trung tâm quỹ đất thành phố H biết nếu không thực hiện theo yêu cầu của cơ quan thi hành án mà chi trả tiền đó cho người phải thi hành án thì có thể phải bồi thường theo quy định của pháp luật).
Như vậy, có thể thấy trong trường hợp này Chấp hành viên đã thực hiện đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, thực tế phát sinh khó khăn, vướng mắc là đây là nguồn tiền bồi thường của người phải thi hành án, Trung tâm quỹ đất thành phố H không thể căn cứ vào thông báo của cơ quan thi hành án để chi khoản tiền này cho cơ quan thi hành án được vì đó không phải là chứng từ hợp lệ khi cơ quan này thực hiện hạch toán chi trả tiền bồi thường. Do đó, Trung tâm quỹ đất thành phố H chỉ có thể phối hợp với cơ quan thi hành án về việc thông báo cho cơ quan thi hành án biết về việc sẽ chi tiền cho ông N và cơ quan thi hành án phối hợp để thu. Đa số các trường hợp này, đương sự chống đối và đã không ký vào bất kỳ biên lai thu chi của Trung tâm quỹ đất thành phố H cũng như của cơ quan thi hành án.
Ví dụ 2: Trường hợp ông A là người phải thi hành án, ông A được nhận 200 triệu đồng từ hợp đồng dân sự với cơ quan nhà nước B và đã có quyết định chi trả tiền của cơ quan nhà nước đó. Cơ quan Thi hành án dân sự áp dụng khoản 3 Điều 71 và Điều 91 Luật Thi hành án dân sự và Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để thực hiện các thủ tục để thu giữ khoản tiền 200 triệu của ông A từ cơ quan nhà nước B. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước B cho rằng: Trong trường hợp này, mặc dù đã có quyết định chi trả tiền cho ông A của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì khi tiền chưa chi trả vẫn còn trong tài khoản của Kho bạc Nhà nước thì khoản tiền này vẫn thuộc ngân sách nhà nước, chưa thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án nên cơ quan thi hành án dân sự không có căn cứ để yêu cầu cơ quan nhà nước B giao nộp hoặc khấu trừ trong tài khoản tại Kho bạc. Như vậy, có thể thấy quá trình áp dụng pháp luật về thi hành án dân sự vẫn còn phát sinh vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật khác, dẫn đến việc thực hiện chưa dứt điểm.
(ii) Đối với tài sản của người phải thi hành án là tiền và được xác định bằng bản án, quyết định khác đã có hiệu lực pháp luật.
Ví dụ: Cơ quan thi hành án dân sự Thành phố M đang tổ chức thi hành:
(i) Bản án thứ nhất ngày 20/8/2012, có nội dung: “Công ty TNHH P phải hoàn trả lại số tiền 6.000.000.000 đồng cho Công ty H. Công ty H phải giao trả các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản chính) cho Công ty TNHH P”.
Công ty P đã có đơn yêu cầu thi hành án đối với nghĩa vụ của Công ty H phải trả lại các giấy tờ, còn đối với khoản thi hành án “Công ty P phải trả số tiền 6.000.000.000 đồng cho Công ty H” thì Công ty H chưa làm đơn yêu cầu và đến thời điểm hiện tại năm 2020 đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự (5 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật).
(ii) Bản án thứ hai ngày 03/7/2012, có nội dung “Công ty H phải có trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng số tiền 150 tỷ và lãi chậm thi hành án. Nếu Công ty H không thực hiện thì Ngân hàng có yêu cầu phát mãi toàn bộ tài sản thế chấp… Nếu sau khi phát mãi toàn bộ tài sản thế chấp mà không đủ trả nợ nói trên thì Công ty H phải tiếp tục trả nợ cho Ngân hàng đến khi thi hành xong vụ án…”.
Đối với bản án thứ hai, Ngân hàng đã làm đơn yêu cầu và cơ quan thi hành án dân sự Thành phố M tổ chức thi hành, xử lý tài sản bảo đảm của Công ty H để thi hành án án cho Ngân hàng. Tài sản bảo đảm bán đấu giá thành, thu được số tiền 90 tỷ đồng chi trả cho Ngân hàng. Sau khi xử lý xong tài sản bảo đảm thì Công ty H còn phải thi hành cho Ngân hàng 60 tỷ đồng và lãi chậm thi hành án. Chấp hành viên xác minh được biết Công ty H không còn tài sản, đã ngừng hoạt động.
Đối với bản án thứ nhất, Công ty H không thực hiện quyền làm đơn yêu cầu khoản được thi hành án 6 tỷ đồng từ Công ty P, Chấp hành viên đã làm việc với người đại diện của Công ty H nhưng họ không làm đơn yêu cầu thi hành án. Đến nay, đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án (năm (05) năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật) theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự. Vậy, quyền lợi của người được thi hành án (Công ty H) còn hay không và Chấp hành viên có được áp dụng Điều 91 Luật THADS, khoản 3 Điều 23 Nghị định 62/2015/NĐ-CP (nay là Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020) yêu cầu (kể cả việc cưỡng chế) buộc Công ty P giao nộp số tiền 6 tỷ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của Công ty H hay không khi thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết, Công ty H không còn quyền yêu cầu thi hành án nữa.
Có thể thấy rằng, quy định này chưa cụ thể còn nhiều vướng mắc, như:
- Căn cứ bản án, quyết định của toà án để áp dụng quyết định cưỡng chế chưa đảm bảo: Nếu căn cứ bản án giữa Công ty H và Công ty P thì chưa có đơn yêu cầu thi hành án nên không có căn cứ tổ chức thi hành, còn nếu căn cứ bản án giữa ngân hàng với Công ty H thì Công ty P lại không phải là người phải thi hành án.
- Biện pháp cần thiết trong trường hợp này để buộc Công ty P thi hành khoản tiền 6 tỷ là biện pháp nào: Kê biên tài sản của Công ty P để thi hành cho Công ty H hay ban hành quyết định buộc Công ty P thực hiện nghĩa vụ cho Công ty H.
- Nếu kê biên tài sản của Công ty P thì trình tự thủ tục kê biên như thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự cũng như người thứ ba.
Vì vậy, pháp luật về thi hành án dân sự cần có những quy định cụ thể hơn để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho cơ quan thi hành án dân sự trong những trường hợp nêu trên.
2.3. Đối với tài sản khác của người phải thi hành
Trên thực tế, việc tổ chức thi hành án trong trường hợp xác định tài sản khác không phải là tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ chủ yếu được xác định bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Ví dụ 1: Cơ quan thi hành án tỉnh Đ đang tổ chức thi hành Bản án số 156/2015/DSPT có nội dung:
- Buộc bà H phải trả cho bà T số tiền 2 tỷ đồng; bà có nghĩa vụ giao trả cho bà H 976 m2 đất và toàn bộ công trình xây dựng gắn liền với đất thuộc thửa số 123 tờ bản đồ số 28 tại tỉnh Đ;
- Bà H chuyển giao cho bà M toàn bộ 3043 m2 đất thửa 123 tờ bản đồ số 28 tại tỉnh Đ cùng toàn bộ tài sản gắn liền với đất (trong đó bao gồm cả diện tích đất 976 m2 bà T phải giao cho bà H).
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà M làm đơn yêu cầu thi hành án phần buộc bà H chuyển giao toàn bộ 3043 m2. Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Đ ban hành quyết định thi hành án và tổ chức thi hành. Quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án được biết trong tổng diện tích 3043 m2 thì bà T vẫn đang quản lý sử dụng diện tích đất 976 m2, quyền sử dụng đất này được bản án tuyên giao cho bà H tuy nhiên bà H chưa làm đơn yêu cầu thi hành án.
Cơ quan thi hành án đã tổ chức họp liên ngành và thống nhất biện pháp áp dụng Điều 91 Luật Thi hành án dân sự và khoản 3 Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để buộc bà T phải giao quyền sử dụng đất này cho bà M vì bà M là người được thi hành án toàn bộ diện tích 3.043m2 trong đó có cả diện tích đất của bà T phải giao cho bà H.
Tuy nhiên, vụ việc vẫn có quan điểm khác cho rằng: Bản án số 156/2015/DSPT có ba nội dung độc lập, quyền và nghĩa vụ của các đương sự được tuyên cụ thể, trong đó nghĩa vụ phải thi hành án của bà H đối với bà T số tiền 2 tỷ đồng; bà T có nghĩa vụ giao trả cho bà H 976 m2 đất và toàn bộ công trình xây dựng gắn liền với đất là nghĩa vụ độc lập nên việc tổ chức thi hành án cũng phải thực hiện độc lập và phải trên cơ sở đơn yêu cầu thi hành án của đương sự. Trong trường hợp bà M làm đơn yêu cầu thi hành án buộc bà H giao đất nhưng trong tổng số diện tích đất phải giao cho bà M có diện tích đất 976 tuyên bà T phải giao cho bà H (nội dung này H chưa có đơn yêu cầu thi hành án), cơ quan thi hành án chưa tổ chức thi hành, bà T cũng không phải là người thứ ba đang nắm giữ tài sản của người phải thi hành án nên không có căn cứ để buộc bà T giao đất cho bà M. Cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành buộc bà T giao đất cho bà H trước, sau đó mới cưỡng chế buộc bà H giao đất cho bà M.
Vậy, trong trường hợp này bà T có phải là người thứ ba đang nắm giữ tài sản của người phải thi hành án hay không và cơ quan thi hành án dân sự trong trường hợp này có được áp dụng quy định tại Điều 91 Luật THADS để cưỡng chế buộc bà T thi hành án cho bà M vì theo bản án đã xác định diện tích đất của bà T là tài sản thuộc quyền sử dụng của bà H.
Ví dụ 2:
Bản án thứ nhất có nội dung: Ông A phải thi hành án cho ông B số tiền 2 tỷ đồng và lãi chậm thi hành án. Bản án có hiệu lực pháp luật, ông B làm đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án tổ chức thi hành nhưng kết quả xác minh ông A không có điều kiện thi hành án.
Bản án thứ hai có nội dung: Buộc ông C phải giao trả cho ông A quyền sử dụng đất 200m2 tại tỉnh N hiện ông C đang đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông C và ông A có trách nhiệm liên hệ cơ quan có thẩm quyền để thực hiện thủ tục đăng ký biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng theo quy định của Luật Đất đai. Bản án có hiệu lực pháp luật nhưng ông A không làm đơn yêu cầu thi hành án.
Như vậy theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì ông A có điều kiện thi hành án vì ông đang có quyền sử dụng đất 200m2 tại tỉnh N theo nội dung bản án thứ hai. Theo quy định tại Điều 91 Luật Thi hành án dân sự, khoản 3 Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự phải yêu cầu ông C giao diện tích đất 200m2 của ông A để cơ quan thi hành án tổ chức thi hành, trường hợp nếu ông C không thực hiện yêu cầu của cơ quan thi hành án thì Chấp hành viên thực hiện việc cưỡng chế cần thiết để thi hành án. Và việc thực hiện biện pháp cần thiết trong trường hợp này là kê biên, xử lý tài sản đó của ông A. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án phát sinh khó khăn, vướng mắc như sau:
Thứ nhất, hiện tại diện tích đất 200m2 ông C vẫn đang đứng tên chứ không phải ông A. Vậy trình tự, thủ tục để Chấp hành viên thực hiện xử lý tài sản trong trường hợp này là như thế nào, kê biên luôn tài sản của ông C để thi hành án hay yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ông C sang ông A.
Thứ hai, nếu cơ quan thi hành án kê biên xử lý luôn tài sản đứng tên ông C để thi hành án cho bản án thứ nhất thì căn cứ bản án, quyết định nào để tổ chức thi hành (bản án thứ nhất, hay bản án thứ hai); mặt khác, nếu tài sản bán đấu giá thành thì thủ tục hoàn thiện hồ sơ, đăng ký biến động cho người mua trúng đấu giá sẽ thực hiện như thế nào khi tên chủ sử dụng tài sản không phải là người phải thi hành án.
Thứ ba, nếu cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế cần thiết là yêu cầu ông C phải liên hệ cơ quan có thẩm quyền sang tên giấy chứng nhận cho ông A, nhưng ông C không thực hiện. Vậy cơ quan thi hành án căn cứ vào quy định nào để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ông C sang ông A (khi ông A không có đơn yêu cầu thi hành án).
Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự lúng túng trong việc áp dụng các quy định của pháp luật để tổ chức thi hành bản án có hiệu quả. Thực tế cho thấy rằng: Rõ ràng ông A có điều kiện thi hành án, nhưng do ông không phối hợp để giải quyết mà pháp luật thì chưa quy định nên nghĩa vụ thi hành án của ông A với ông B không thể giải quyết dứt điểm.
Như vậy, có thể thấy rằng pháp luật về thi hành án dân sự còn có nhiều quy định gây khó khăn cho chính cơ quan thi hành án trong quá trình áp dụng để thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, đơn vị khi tham gia vào hoạt động thi hành án dân sự và còn dẫn đến hậu quả là vẫn còn nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau của các cá nhân, cơ quan trực tiếp áp dụng các quy định đó. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, trong qúa trình hoàn thiện thể chế cũng chưa dự liệu được xu thế phát triển của xã hội và việc thực tế áp dụng phát sinh khó khăn, vướng mắc là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành hoặc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật là điều cần thiết và phù hợp. Nhất là việc tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để định hướng sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thi hành án dân sự là vấn đề quan trọng hiện nay.
3. Kiến nghị đề xuất
Từ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng quy định tại Điều 91 Luật Thi hành án dân sự và Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ (nay là Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020) như đã phân tích ở trên để quy định này được thực hiện hiệu quả trên thực tế, tác giả bài viết xin nêu ra một số nội dung để đề xuất trong lộ trình sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự như sau:
Xem xét trường hợp tiền, tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ hoặc đã được xác định bằng bản án, quyết định khác đã có hiệu lực pháp luật cần có quy định cụ thể hơn như sau:
(1) Thời điểm áp dụng biện pháp xử lý tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ (là khi có căn cứ xác định người thứ ba đang nắm giữ hay trường hợp người phải thi hành án không còn điều kiện thi hành án nào khác).
(2) Trách nhiệm của người thứ ba trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật (kể cả Cơ quan Nhà nước).
(3) Trình tự, thủ tục cưỡng chế trong trường hợp xử lý tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ, đặc biệt các quy định như:
- Quy định trường hợp người thứ ba không giao nộp khoản tiền đó cho cơ quan thi hành án thì cơ quan thi hành án có quyền xử lý cả tài sản của của người thứ ba để thu hồi khoản tiền này. Trình tự, thủ tục cưỡng chế tài sản của người thứ ba được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Thi hành án dân sự.
- Đối với khoản tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ (không thuộc trường hợp xác định bằng bản án) thì cơ quan thi hành án ban hành quyết định thu giữ khoản tiền đó, người thứ ba có trách nhiệm giao nộp cho cơ quan thi hành án dân sự, nếu người thứ ba không thực hiện dẫn đến thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Đối với tài sản (không phải là tiền) của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ, kể cả trường hợp tài sản được xác định bằng bản án, quyết định khác. Cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu người thứ ba giao nộp tài sản đó để cơ quan thi hành án tổ chức thi hành; trường hợp người thứ ba không thực hiện thì cơ quan thi hành án lựa chọn biện pháp cưỡng chế phù hợp để xử lý tài sản đó thi hành án. Đồng thời, đối với tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất thì cần có điều luật quy định riêng để bảo đảm trong trường hợp cơ quan thi hành án xử lý, bán đấu giá thành thì quyền và lợi ích hợp pháp của người mua trúng đấu giá được bảo vệ (đặc biệt là việc đăng ký biến động tài sản trên giấy chứng nhận từ người thứ ba sang người mua trúng đấu giá).
Theo cổng thông tin điện tử tổng cục thi hành án dân sự