Sign In

Hoàn thiện quy định về kiểm sát thi hành án hành chính

28/09/2021

Kiểm sát thi hành án hành chính (THAHC) có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình giải quyết vụ án hành chính nói chung và đối với hoạt động THAHC nói riêng. Thông qua việc thực hiện hoạt động này, Kiểm sát viên sẽ kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình THAHC để đưa ra những yêu cầu, kiến nghị người có thẩm quyền xử lý hoặc khắc phục các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm cho các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được thi hành nghiêm minh1. Tuy nhiên hiện nay, còn thiếu các quy định pháp luật chuyên biệt điều chỉnh hoạt động kiểm sát thi hành án hành chính, làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức cũng như hiệu quả của công tác kiểm sát này.
Việc kiểm sát thi hành án hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 315 Luật Tố tụng Hành chính ( TTHC) năm 2015; Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014; Nghị định 71/2016/NĐ-CP quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án;Qui chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự(THADS), thi hành án hành chính ( THAHC) ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của VKSND Tối cao( gọi tắt là Quy chế 810/QĐ-VKSTC).
Theo Điều 3 Quy chế số 810/QĐ-VKSTC, khi thực hiện công tác kiểm sát thi hành án dân sự (THADS), hành chính, Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp Luật của Tòa án, Cơ quan THADS, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại và Thừa phát lại từ khi bản án, quyết định dân sự, hành chính có hiệu lực thi hành cho tới khi kết thúc việc thi hành án; việc khiếu nại, tố cáo về THADS, hành chính được giải quyết xong, có căn cứ và đúng quy định của pháp Luật.Viện kiểm sát kiểm sát THAHC tập trung vào một số nội dung như:Kiểm sát việc phân công Chấp hành viên thực hiện theo dõi việc thi hành án hành chính;Kiểm sát việc ra thông báo về việc tự nguyện thi hành án;Kiểm sát biên bản làm việc với người phải thi hành án; Kiểm sát việc ban hành Kiến nghị đối với người chậm thi hành án;Kiểm sát việc yêu cầu giải thích bản án;Kiểm sát việc lập hồ sơ theo dõithi hành án hành chính; Kiểm sát việc đăng tải thông tincông khai Quyết định buộc THAHC trên Trang thông tin điện tử của Cục THADS tỉnh, tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục THADS và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ trong trường hợp người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chấm dứt công khai thông tin trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thi hành xong…
Tuy nhiên, thực tiễn kiểm sát THAHC cho thấy, một số quy định của pháp luật hiện nay về kiểm sát THAHC vẫn còn bất cập, cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.
Một là: Còn thiếu các quy định pháp luật hướng dẫn về công tác kiếm sát THAHC
Công tác kiểm sát THAHC của Viện Kiểm sát mới chỉ đuợc quy định chung tại Điều 315 Luật TTHC năm 2015 và quy định lồng ghép tại Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014. Các điều luật này chỉ quy định các nội dung mang tính cơ bản về kiếm sát THAHC mà chưa có các quy định chi tiết, cụ thể để điều chỉnh. Chính điều này dẫn đến công tác kiểm sát THAHC của Kiểm sát viên gặp nhiều khó khăn và phần nào cũng làm giảm hiệu quả tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đuợc thi hành trên thực tế. Do đó, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên sâu về kiểm sát THAHC để bảo đảm hiệu quả của hoạt động kiểm sát THAHC.
Hai là: Quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát thi hành quyết định buộc thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án còn hạn chế.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 312 Luật TTHC năm 2015 thì Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định buộc THAHC. Quyết định buộc thi hành án phải được gửi cho người phải thi hành án, người được thi hành án, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án và Viện kiểm sát cùng cấp. thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án theo quy định của pháp luật. Quyết định buộc thi hành án cũng phải gửi cho cơ quan THADS nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc THAHC theo quyết định của Tòa án. Như vậy, theo quy định trên đối với những chủ thể đuợc gửi quyết định buộc thi hành án đều có quyền hạn nhất định để bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được thi hành. Trong khi đó, điều luật này không quy định Viện kiểm sát đuợc thực hiện quyền gì khi nhận được quyết định của Tòa án. Nếu căn cứ vào Điều 315 Luật TTHC năm 2015 về kiểm sát THAHC thì Viện kiểm sát đuợc thực hiện quyền kiến nghị để bảo đảm cho phán quyết của Tòa án được thực thi một cách hiệu quả. Tuy nhiên, do không có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn nội dung này nên việc triển khai thực hiện trên thực tế sẽ gặp không ít khó khăn. Mặt khác, việc kiểm sát người phải thi hành án là UBND hoặc Chủ tịch UBND còn khá mới mẻ với với công tác kiểm sát THAHC....
Mặc dù Quy chế 810/QĐ-VKSTC đã có quy định về kiểm sát THADS, Hành chính, tuy nhiên việc THAHC có những đặc thù riêng, không giống với các việc THADS thông thường. Việc thiếu các quy định pháp luật chuyên biệt điều chỉnh hoạt động kiểm sát THAHC, cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức về chức năng nhiệm vụ trong kiểm sát THAHC cũng như hiệu quả của công tác kiểm sát THAHC, do đó, cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật chuyên sâu về vấn đề này.
Ths. Hoàng Thanh Hoa
Chi cục THADS huyện Phú Xuyên, Hà Nội

Các tin đã đưa ngày: