Với những ai làm công tác thi hành án dân sự (THADS) thì ngày 01 tháng 7 năm 1993 là ngày khó quên, một dấu mốc rất quan trọng của ngành, đó là ngày chuyển giao công tác THADS từ cơ quan tòa án sang cơ quan thuộc Chính phủ, từ đây hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự (CQTHADS) từ Trung ương đến địa phương được hình thành và được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, nhiệm vụ mà trước đây thuộc thẩm quyền của cơ quan xét xử.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 2 từ phải sang) trao QĐ bổ nhiệm
chức danh Cục trưởng, các Phó cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Định
Cũng như các địa phương khác, các CQTHADS trong tỉnh Bình Định được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 01 tháng 7 năm 1993 trong điều kiện có nhiều khó khăn về con người, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Tuy nhiên, trải qua từng giai đoạn cụ thể, với sự nỗ lực không ngừng, các CQTHADS đã từng bước tháo gỡ những khó khăn, ổn định về tổ chức, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao. Từ khi hình thành và đi vào hoạt động, ngành THADS của tỉnh đã lớn mạnh từng ngày, đến nay vị thế đã được khẳng định, là một trong những cơ quan quan trọng trong hệ thống các cơ quan Tư pháp.
Những khó khăn, thách thức ban đầu
Ngày 13 tháng 6 năm 1993, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Quyết định thành lập Phòng Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định và 11 Đội Thi hành án dân sự cấp huyện. Biên chế của các CQTHADS sau khi thành lập là 47 người, trong đó Phòng THADS tỉnh lúc này có 08 biên chế, 11 Đội THADS cấp huyện có 39 biên chế; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn do thiếu nguồn, chấp hành viên thiếu. Về cở vật chất, mặc dù được chính quyền địa phương giao trụ sở để làm việc nhưng chủ yếu là các cơ sở cũ, tạm bợ, có nơi chỉ bố trí 01 phòng chật hẹp đủ để các cán bộ, công chức ngồi làm việc. Điều kiện về trang thiết bị phục vụ cho công tác còn thiếu, máy móc, phương tiện gần như chưa được trang bị. Về công tác thi hành án, lượng án toàn tỉnh nhận bàn giao từ tòa án sang 2.253 việc, số tiền khoảng trên 10 tỷ đồng, trong đó nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài nhiều năm tòa án chưa giải quyết được. Pháp lệnh thi hành án năm 1993 và các văn bản hướng dẫn thi hành tuy mới được ban hành nhưng vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát với thực tiễn của nền kinh tế thị trường. Công tác tổ chức cán bộ, nhất là công tác quản lý còn nhiều chồng chéo; một số cán bộ, công chức trình độ chuyên môn chưa được đào tạo cơ bản, năng lực vẫn còn hạn chế. Ngành THADS còn non trẻ, vừa được tách ra từ tòa án, tính chất công việc không kém phần phức tạp, khó khăn, nhiều nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi hành án.
Những nỗ lực không biết mệt mỏi
Trước những khó khăn đó, các CQTHADS mà đứng đầu là Lãnh đạo CQTHADS tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, nắm bắt tình hình đối với các đơn vị cấp dưới, kịp thời chỉ đạo rà soát, xác minh, phân loại, tổ chức thi hành án, vận dụng các biện pháp linh hoạt trong quá trình giải quyết án, thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của ngành cấp trên và cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự trong công tác tổ chức cán bộ, tranh thủ sự chỉ đạo giải quyết các vụ việc khó khăn, phức tạp, những vụ việc có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Chủ động phối hợp với các ngành, các cấp, các cơ quan có liên quan trong công tác thi hành án dân sự. Lãnh đạo Cục, các Chi cục THADS trong tỉnh cũng đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, nguồn hỗ trợ của chính quyền địa phương để xây dựng các trụ sở làm việc, kho vật chứng, mua sắm các phương tiện, tài sản, trang thiết bị để phục vụ cho công tác hàng ngày. Về công tác tổ chức cán bộ, sau khi Luật THADS được ban hành, nhất là khi các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức của ngành được qui định, công tác tuyển dụng, tiếp nhận biên chế đã được dễ dàng hơn, bổ sung kịp thời cho các đơn vị và đến nay các CQTHADS cơ bản đã đủ quân số theo chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao.
Những thành quả sau 22 năm thành lập
Trải qua 22 năm hình thành và phát triển, đến nay Phòng THADS tỉnh trước đây nay được đổi tên thành Cục THADS và được thành lập 04 đơn vị chuyên môn trực thuộc, Đội Thi hành án dân sự cấp huyện nay được gọi là Chi cục THADS. Các tổ chức chính trị, chính trị xã hội được thành lập trong các CQTHADS, như Chi bộ, Công đoàn, Chi Đoàn thanh niên, Chi hội Luật gia. Biên chế từ những ngày đầu thành lập toàn tỉnh chỉ có 47 biên chế, trong đó chỉ có 27 chấp hành viên đến nay tăng lên 154 biên chế, Về cơ sở vật chất, cơ bản đã xây dựng mới, khang trang trụ sở làm việc cho các CQTHADS; phương tiện đi lại, trang thiết bị phục cho yêu cầu công tác cũng được trang bị đầy đủ, đáp ứng với yêu cầu công tác của mỗi đơn vị. Kết qủa THADS, năm sau luôn cao hơn năm trước mặc dù lượng án phát sinh hàng năm rất cao. Từ ngày 01/7/1993 đến ngày 30/9/2014, toàn tỉnh đã thụ lý: 101.960 việc, đã giải quyết xong 99.131 việc, đạt tỷ lệ trên 98% trên tổng số thụ lý, số việc còn chuyển sang năm 2015: 2.829 việc; về tiền, tổng thụ lý thi hành: 2.374.583.672.000đ, đã giải quyết 1.820.564.958.000đ, đạt 78% trên số tiền phải thi hành, số còn lại chuyển sang năm 2015: 554.691.378.000đ. Đây là kết quả tương đối cao, thể hiện sự cố gắng rất lớn của toàn thể cán bộ, công chức ngành. Nhiều vụ việc tồn đọng, có khiếu nại phức tạp, kéo dài cũng đã giải quyết dứt điểm, tạo được sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân ở địa phương. Với sự nỗ lực của toàn ngành, sau 22 năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay hệ thống tổ chức của ngành đã ổn định và phát triển, vị thế ngành THADS của tỉnh đã được khẳng định, công lao và sự đóng góp của ngành đã được ghi nhận và biểu dương.
Với những kết qủa đã đạt được từ năm 1993 đến nay, Ngành THADS tỉnh Bình Định nói chung và từng cơ quan THADS trong tỉnh đã được Đảng và nhà nước tặng nhiều danh hiệu và hình thức khen thưởng cao quý, trong đó: Chủ tịch Nước đã tặng 5 Huân chương lao động hạng 3 cho tập thể, Chính phủ đã tặng 03 cờ thi đua xuất sắc, Thủ tướng Chính phủ đã tặng 07 Bằng khen; Bộ Tư pháp đã tặng 10 Cờ thi đua xuất sắc và nhiều Bằng khen; UBND tỉnh đã tặng 03 Cờ thi đua xuất sắc và nhiều Bằng khen cho Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự trong tỉnh. Ngoài ra, có 08 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3, 10 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 01 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc; nhiều cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành và Bằng khen Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định do có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 1993 đến nay.
Võ Công Hoàng