Ngày 20/6/2024, tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh (THADS), Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bình Định đã tổ chức giám sát báo cáo kết quả công tác THADS, theo dõi THAHC 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2024. Đây là hoạt động giám sát thường xuyên, nhằm chuẩn bị cho kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 17 (kỳ họp thường lệ), dự kiến diễn ra 03 ngày, từ ngày 09/6/2024 đến ngày 11/6/2024.
Theo báo cáo của Cục THADS tỉnh, bước vào năm 2024 đã tập trung chỉ đạo Hệ thống THADS của tỉnh xây dựng kế hoạch công tác, vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu năm, tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ các mặt công tác; tăng cường rà soát, xác minh, phân loại và tổ chức thi hành án, nhất là các vụ việc có điều kiện thi hành trên 01 năm chưa thi hành xong, các vụ việc có khó khăn, vướng mắc, các vụ việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các vụ việc kinh doanh, thương mại; đôn đốc giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, có khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Trong 6 tháng, toàn tỉnh đã thụ lý, thi hành là 7.991 việc, tăng 472 việc; đã thi hành xong là 3.338 việc/6.006 việc có điều kiện, tăng 159 việc (tăng 5%), đạt tỉ lệ 55,58%. Về tiền, tổng số tiền phải thi hành là 3.573.914.398.000 đồng, tăng 113.041.223.000 đồng (tăng 10,32%); đã thi hành xong: 353.740.490.000 đồng/1.751.622.369.000 đồng, tăng 139.197.808.000 đồng (tăng 64,88%), đạt tỉ lệ 20,20% (tăng 3,25%) so với cùng kỳ năm 2023. Về theo dõi thi hành án hành chính, đã thi hành xong 01 việc, còn 04 việc đang tiếp tục theo dõi thi hành.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo THADS, hoạt động thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm đã phát sinh những khó khăn, thách thức: số lượng án thụ lý mới tăng cao, về việc thụ lý là 4.614 việc, tăng 472 việc (tăng 11,4%), về tiền là 1.203.570.123.000 đồng, tăng 107.841.223.000 đồng (tăng 9,84%) so với cùng kỳ năm trước, nhiều vụ việc phát sinh những khó khăn, vướng mắc, khó thi hành; trong khi đó biên chế công chức ngày càng tinh giản, tạo áp lực trong triển khai, giải quyết công việc. Việc thi hành án liên quan đến thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nhưng người phải thi hành án không điều kiện thi hành án chiếm tỷ lệ cao, có trường hợp cơ quan THADS phải khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung để thi hành án nên kéo dài. Một số vụ việc liên quan đến thi hành bản án phân chia, giao đất ở, nhà ở; các vụ việc bản án tuyên xử lý tài sản đảm bảo để thi hành án, nhưng qua xác minh thực tế thì giới cận đất đai còn chồng lấn, không xác định rõ ràng vị trí, mốc giới; phát sinh tài sản khác trên đất không phải tài sản thế chấp, nên việc giao đất hoặc xử lý tài sản đảm bảo gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; tài sản đưa ra bán đấu giá nhiều lần (có vụ việc 14 lần) nhưng không có người tham gia đấu giá. Còn có trường hợp chưa giao được tài sản bán đấu giá, do còn cơ quan có quan điểm khác nhau. Nhiều vụ việc tài sản thế chấp là tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, giá trị tài sản thế chấp còn lại thấp (khoảng 08% đến 10%), nên sau khi xử lý tài sản để thi hành án, số tiền chưa có điều kiện chuyển sang theo dõi trong tổng số phải thi hành chiếm tỷ lệ lớn; một số vụ việc sau khi xử lý xong tài sản thế chấp là tàu cá, bên được thi hành án tiếp tục yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự xử lý các tài sản khác là nhà ở duy nhất, không phải là tài sản thế chấp nên ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của ngư dân, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn Giám sát cũng đã ghi nhận những khó khăn, vướng mắc phát sinh, đồng thời cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, qua đó tham gia góp ý nhiều nội dung trong công tác THADS của tỉnh. Để làm rõ hơn những nội dung báo cáo, nhất là những hạn chế, tồn tại, theo yêu cầu của Đoàn Giám sát HĐND tỉnh, Lãnh đạo Cục THADS tỉnh đã báo cáo, giải trình các nội dung: Các vụ việc có khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay chậm giải quyết; các vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản cho người đấu giá trúng; một số khó khăn, vướng mắc trong thi hành các vụ việc liên quan đến tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; những vụ liên quan đến thi hành án các vụ việc tín dụng, ngân hàng, trong đó có việc thẩm định tài sản trước khi cho vay chưa phù hợp đặc điểm, giá trị thực tế; các vụ việc liên quan đến án tham nhũng, kinh tế, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước tỷ lệ thi hành xong còn thấp.v.v.... Từ những hạn chế, khó khăn vướng mắc, Cục THADS tỉnh đã đề ra các giải pháp để tổ chức thi hành án trong thời gian đến, như: Tiếp tục chỉ đạo rà soát, lập danh sách các loại việc thi hành án, tập trung công tác xác minh, phân loại án, xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành án, nhất là các vụ việc thi hành án trọng điểm, phức tạp, khó thi hành; rà soát, xin ý kiến cấp có thẩm quyền để tổ chức cưỡng chế giao tài sản đối với các vụ việc đã bán đấu giá thành và các vụ việc có đủ điều kiện tổ chức cưỡng chế thi hành án; có phương án giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, nhất là các vụ việc thi hành án có số tiền phải thi hành án lớn; án có điều kiện trên 01 năm chưa thi hành xong; các vụ việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các vụ việc tín dụng, ngân hàng; kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức thi hành án, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, theo dõi THAHC được giao năm 2024.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị Cục THADS tỉnh trong thời gian đến kịp thời xây dựng các kế hoạch, đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, sớm phối hợp với các cơ quan liên quan thi hành dứt điểm các vụ việc nêu trên.
Công Hoàng