Sign In

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc thăm và làm việc tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk

13/01/2017

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc thăm và làm việc tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk
Ngày 12/01/2017, Đoàn Công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Đăng Thủy, Bí thư Đảng ủy Cục - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk, các đồng chí Phó cục trưởng, Trưởng, Phó phòng chuyên môn và tương đương thuộc Cục.

Tại buổi làm việc với Đoàn, đồng chí Bùi Đăng Thủy, Bí thư Đảng ủy Cục - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk đã báo cáo với Thứ trưởng và Đoàn công tác về kết quả công tác thi hành án dân sự của tỉnh đã đạt được trong năm 2016 và Qúy I năm 2017. Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát và kịp thời của Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự; sự quan tâm, ủng hộ của Cấp ủy và chính quyền địa phương và sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan hữu quan trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức và người lao động của Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh đã từng bước trưởng thành, có tinh thần trách nhiệm trong công tác, có ý thức khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ nên kết quả công tác của năm 2016 đạt được khả quan, thi hành xong về việc đạt tỷ lệ 82,84%, về tiền đạt tỷ lệ 39,60%, tỷ lệ  giảm việc có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau đạt -14,43%, tỷ lệ giảm tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau đạt -1,97%. So với chỉ tiêu được Tổng cục Thi hành án dân sự giao, toàn Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk đã giải quyết xong vượt 11,84% về việc, vượt 7,60% về tiền. Tỷ lệ  giảm việc có điều kiện chuyển kỳ sau vượt 8,93%, tỷ lệ giảm tiền có điều kiện chuyển kỳ sau đạt 1,97% về tiền (thiếu 1%).
Năm 2017, Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk được Tổng cục Thi hành án dân sự giao thi hành xong đạt tỷ lệ 71% về việc, 32% về tiền, tỷ lệ giảm việc chuyển kỳ sau là 8,5% và tỷ lệ giảm tiền chuyển kỳ sau là 7%. Kết quả tổ chức thi hành án trong 03 tháng đầu năm 2017 đạt được như sau: Tổng số việc đã thụ lý: 9.506 việc, với số tiền 1.196.655.011.000 đồng. Trong đó có điều kiện thi hành: 6.786 việc (chiếm 71,67% so với số việc phải thi hành), số tiền có điều kiện thi hành: 999.068.266.000 đồng (chiếm 84,17% so với số tiền phải thi hành). Đã thi hành xong: 3.148 việc, với số tiền thi hành xong là 138.535.332.000 đồng, đạt tỷ lệ 46,39% về việc và 13,87% về tiền có điều kiện thi hành.  Chuyển kỳ sau thi hành 6.303 việc, với số tiền 1.032.096.369.000 đồng (trong đó chưa có điều kiện thi hành 2.682 việc, với số tiền 187.838.008.000 đồng).
Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như:
Số lượng án thụ lý mới có chiều hướng ngày càng tăng cao, trong đó có nhiều việc thi hành án có giá trị lớn, khó thi hành, các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao rất cao nhưng biên chế công chức được giao còn ít, trong nhiều năm liền không những không được giao tăng thêm mà còn bị cắt giảm; lực lượng Chấp hành viên của tỉnh còn mỏng, quá tải về công việc (toàn tỉnh chỉ có 88 Chấp hành viên nhưng bình quân phải giải quyết 17.500 việc/01 năm, với số tiền trên 1.200 tỷ đồng/01 năm, thậm chí như Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Buôn Ma Thuột, một Chấp hành viên phải giải quyết bình quân khoảng 400 việc/01năm), tạo nên  áp lực công việc rất lớn. Trong quý 1/2017, số việc thụ lý bằng 54% tổng số việc thụ lý của cả năm 2016; số tiền thụ lý bằng 105%, lớn hơn tổng số tiền thụ lý của cả năm 2016, cho thấy khối lượng công việc tăng lên rất đáng kể, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2017, trong khi đó chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao ngày càng cao, đặc biệt là chỉ tiêu giảm việc (8,5%), giảm tiền (7%) chuyển kỳ sau rất khó thực hiện, khó hoàn thành.
Các cơ quan Tư pháp khác (Điều tra – Truy tố  - Xét xử) được xây dựng theo quy mô lớn, được bố trí biên chế lớn để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, thì cơ quan Thi hành án dân sự là cơ quan không những phải giải quyết sản phẩm cuối cùng của quá trình tố tụng (Bản án, quyết định của Tòa án), mà còn phải giải quyết các quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại, thực hiện nhiệm vụ thi hành án hành chính, thì lại được bố trí biên chế rất ít và hiện nay hàng năm đang phải thực hiện quy định tinh giản biên chế, giảm 1,5% biên chế được giao, khiến cho tổ chức bộ máy của cơ quan Thi hành án dân sự ngày càng mỏng đi, chưa tương xứng với vị trí, vai trò và yêu cầu nhiệm vụ của công cuộc cải cách Tư pháp trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới.
Quy định về xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành theo quy định tại Điều 104 Luật thi hành án dân sự với quan điểm bán đấu giá tài sản đến cùng dẫn đến nhiều vụ việc bị kéo dài về thời gian tổ chức thi hành án do tài sản phải bán đấu giá nhiều lần, nhiều vụ việc đã giảm giá, bán đấu giá trên 30 lần vẫn không có người mua (thậm chí có vụ việc bán đấu giá tới 44 lần với 43 lần giảm giá, thời gian bán đấu giá kéo dài trong 06 năm mới có người mua).
Không những vậy, quy định về bán đấu giá tài sản đến cùng đã dẫn đến hệ quả là nhiều trường hợp tài sản bán đấu giá giảm giá xuống rất thấp, không phản ánh đúng giá trị thực của nó. Mặt khác, quy định này đã bị một số kẻ lợi dụng để tạo ra thị trường “cò” môi giới dịch vụ tiêu cực trong bán đấu giá tài sản thi hành án và cũng là cơ sở để người được thi hành án lợi dụng để trục lợi, chờ đến khi tài sản của người phải thi hành án giảm rất sâu mới nhận tài sản để khấu trừ tiền thi hành án, với toan tính phần lợi thuộc về mình, làm cho hoạt động này trở nên không lành mạnh và chứa đựng nhiều bất cập,...
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhiều trường hợp người phải thi hành án là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, có tài sản là Nhà ở, đất ở và đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp nhưng việc tổ chức cưỡng chế để thi hành án gặp khó khăn, vì nếu tiến hành xử lý các tài sản này thì sẽ vướng mắc trong việc giải quyết vấn đề về nhà ở, đất ở và đất sản xuất cho họ theo chương trình 134, 135, 167 của Chính phủ.
 

 Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã biểu dương và đánh giá cao kết quả công tác đã đạt được trong năm 2016 và Qúy I/2017của Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk, đồng thời đồng chí cũng yêu cầu tập thể Lãnh đạo và cán bộ, công chức Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, đoàn kết nội bộ, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp của địa phương, quyết liệt trong tổ chức thi hành án để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong năm 2017, tạo chuyển biến căn bản trong công tác thi hành án dân sự của địa phương, củng cố niềm tin của tổ chức và nhân dân vào pháp luật và Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk.
Đối với những đề xuất, kiến nghị cũng như khó khăn, thách thức của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk, Thứ trưởng ghi nhận và sẽ báo cáo với Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và đề nghị Tổng Cục Thi hành án dân sự nghiên cứu, xem xét giải quyết.

Thay mặt cho Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk, đồng chí Bùi Đăng Thủy, Bí thư Đảng ủy Cục - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và Đoàn công tác đã đến thăm, làm việc và có ý kiến chỉ đạo. Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk nghiêm túc tiếp thu và sẽ thực hiện có hiệu quả những chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng, đó là động lực thúc đẩy để Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk quyết tâm phấn đầu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2017./.
Một số hình ảnh khác:


Văn phòng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk

Các tin đã đưa ngày: