Hội nghị do Cục trưởng Cục THADS Vũ Quang Hiện chủ trì, với sự tham dự của các thành viên Ban Chỉ đạo THADS Tỉnh; Ban Nội chính tỉnh uỷ; Uỷ ban MTTQ Việt Nam Tỉnh; Toà án nhân dân Tỉnh và lãnh đạo các Phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục THADS các huyện, thành phố.
Hội nghị thông qua 02 dự thảo báo cáo: Báo cáo tổng kết 14 năm thi hành Luật THADS (từ 01/7/2029 – 30/6/2023); Báo cáo tổng kết hơn 06 năm thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác THADS. Theo đó, Luật THADS năm 2008 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và năm 2022. Qua 14 năm thực hiện Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra hành lang pháp lý cơ bản đảm bảo cho công tác thi hành án hiệu lực, hiệu quả; vị trí, vai trò của các cơ quan THADS được tăng cường; hiệu quả công THADS được nâng cao; trình tự thủ tục THADS được quy định đầy đủ, cụ thể hơn, dễ thực hiện hơn, mối quan hệ phối hợp trong THADS, nhận thức và chấp hành pháp luật về THADS của các cá nhân, tổ chức được nâng lên. Bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án được thực thi trên thực tế, đồng thời đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân theo quy định pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác THADS đã có nhiều tác động tích cực đối với công tác THADS trên địa bàn tỉnh, nhận thức của các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của công tác THADS được nâng lên rõ rệt; công tác THADS nhận được sự quan tâm hơn của cấp ủy, chính quyền địa phương thông qua việc các cơ quan THADS có trách nhiệm trực tiếp báo cáo công tác THADS trước HĐND cùng cấp; tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan THADS được củng cố, kiện toàn và ngày càng có chất lượng hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn; công tác phối hợp liên ngành trong THADS tiếp tục được tăng cường và phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực để hoàn thành các nhiệm vụ THADS được giao hàng năm.
Tuy nhiên qua thực tiễn triển khai thi hành và áp dụng thực hiện Luật THADS cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, nhiều quy định của Luật chưa được hoàn thiện, nhiều quy định của Luật với các văn bản hướng dẫn thi hành hoặc với các quy định pháp luật có liên quan thiếu đồng bộ, thống nhất làm cho công tác THADS gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; vị trí, vai trò của các cơ quan THADS chưa đúng, chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ; nhiều quy định của Luật THADS chưa phù hợp như: quy định một số quyền của đương sự chưa đúng bản chất của quan hệ dân sự là tự do, tự nguyện, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động THADS, đáng lẽ ra thuộc về người dân (đương sự) trên nguyên tắc bình đẳng, tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm, tự chứng minh nhưng pháp luật THADS lại quy định thuộc về cơ quan nhà nước, thuộc về cơ quan thi hành án, thuộc về Chấp hành viên; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên còn bất cập; một số quy định về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án chưa phù hợp; Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể phối hợp trong THADS chưa đầy đủ…; Ngoài ra, còn quy định mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật THADS và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan (Luật Đất đai; Luật Tố tụng dân sự, Luật Công chứng, Luật đấu giá...).
Về thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác THADS, còn một số hạn chế khó khăn, vướng mắc như: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về THADS để nâng cao nhận thức trong nhân dân chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu lồng ghép thông qua quá trình tổ chức thi hành án mà chưa có hình phức phù hợp để chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về THADS đến nhân dân; Công tác phối hợp với các ngành và đơn vị có liên quan trong hoạt động tổ chức thi hành các vụ việc có lúc, có việc còn hạn chế; công tác hỗ trợ, phối hợp, tham gia công tác THADS của một số đơn vị, cơ quan chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định; Công tác quản lý THADS bằng các ứng dụng công nghệ thông tin đã được triển khai nhiều năm, tuy nhiên việc sử dụng, khai thác chưa hiệu quả, thiết thực; Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án chưa cao, thiếu ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án, còn có biểu hiện cố tình chây ỳ, chống đối, tẩu tán tài sản, thay đổi hiện trạng tài sản, không tự nguyện thi hành án. Đồng thời, chỉ ra các nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến những tồn tại, hạn chế.
Tại Hội nghị các đại biểu tham dự hội nghị đã tham gia rất trách nhiệm, sâu sắc các nội dung trong Báo cáo, đánh giá, phân tích những vướng mắc, bất cập các quy định trong Luật THADS hiện hành và đề xuất các giải pháp với cơ quan có thẩm quyền khi sửa Luật THADS và đưa ra các giải pháp cụ thể để tiếp tục tổ chức có hiệu quả Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác THADS, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS tại địa phương, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Kết thúc Hội nghị, đ/c Cục trưởng Cục THADS Vũ Quang Hiện cảm ơn sự tham dự và đóng góp ý kiến tích cực của các đại biểu tại Hội nghị. Các ý kiến góp ý ngày hôm nay, Cục THADS tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của đại biểu để hoàn chỉnh báo cáo về Tổng cục THADS theo dõi, tổng hợp./.
Thanh Việt