Mở đầu cho buổi Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập các cơ quan Thi hành án dân sự Tỉnh, các đại biểu được xem lại những chặng đường phát triển của Ngành qua đoạn phim tài liệu dài hơn 20 phút.
Tại buổi Lễ kỷ niệm, thay mặt cho các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh nhà, Phó Cục trưởng Bùi Văn Khanh đã đọc diễn văn ôn lại lịch sử 30 năm hình thành, phát triển của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh. Diễn văn đã nêu lại những dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh, đặc biệt là ngày 14/01/2004, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2005/NĐ-CP, thời điểm này các cơ quan Thi hành án dân sự được thành lập ở địa phương với tên gọi Thi hành án dân sự cấp tỉnh và Thi hành án dân sự cấp huyện, đã cơ bản tách ra thành cơ quan độc lập không còn trực thuộc Sở Tư pháp và các Phòng Tư pháp như trước đây; năm 2007 Thi hành án dân sự Tỉnh có thêm các Phòng chuyên môn theo Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-BTP-BNC của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ. Đến năm 2008, với sự ra đời của Luật Thi hành án dân sự, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất từ trước tới nay, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự. Theo đó, hệ thống tổ chức cơ quan Thi hành án dân sự được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, qua đó ghi nhận bước trưởng thành quan trọng, tạo nên một vị thế mới cho cơ quan Thi hành án dân sự. Cũng từ đó, hệ thống tổ chức các cơ quan Thi hành án dân sự không ngừng được củng cố, phát triển, từng bước khẳng định rõ vị trí, vai trò của công tác thi hành án dân sự trong đời sống xã hội. Ngoài ra, để tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, ngày 25/11/2014 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động thi hành án dân sự, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới.
Tại tỉnh Đồng Tháp, cách đây 30 năm, ngày 08/6/1993, Bộ Tư pháp đã quyết định thành lập 12 cơ quan Thi hành án, với số lượng 35 công chức. Các công chức này đã có kinh nghiệm thực tiễn làm công tác thi hành án, nhưng về trình độ pháp lý thì phần lớn chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định, chỉ có 28% Chấp hành viên, công chức có trình độ đại học Luật và tương đương; cơ cấu tổ chức cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều đơn vị chỉ có Thủ trưởng hoặc chỉ có người phụ trách, Chấp hành viên rất ít, có 04 đơn vị không có Chấp hành viên. Chính vì vậy, việc củng cố, kiện toàn tổ chức là cấp bách, rất cần thiết, nên đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu, chú trọng tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ công chức thi hành án luôn được xác định là khâu đột phá. Qua 30 năm xây dựng, tổng số công chức các cơ quan THADS trong tỉnh đã tăng gấp hơn bốn lần so với năm 1993, hiện có 157 công chức gồm 71 Chấp hành viên (trung cấp 36, sơ cấp 35), 20 Thẩm tra viên (02 Thẩm tra viên chính, 18 Thẩm tra viên) và 66 chức danh khác), trong đó lớn tuổi nhất sinh năm 1964 và trẻ tuổi nhất sinh năm 1999, cơ cấu tổ chức của các đơn vị cơ bản hoàn thiện, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn. Nhìn chung, với lực lượng công chức hiện nay, hầu hết đều được rèn luyện, trưởng thành, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp và có năng lực đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Từ đó đã tạo tiền đề quan trọng cho việc đảm bảo hiệu quả thi hành án dân sự ở địa phương thời gian qua. Để có được những kết quả này, từ những ngày đầu thành lập, lớp thế hệ cán bộ thi hành án dân sự đầu tiên đã gánh vác công việc kiến thiết, xây dựng ngành, đội ngũ cán bộ ngày ấy đã nỗ lực phấn đấu vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức để sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng ngành được như ngày nay. Chúng ta phải luôn ghi nhớ về những công lao, cống hiến của lớp thế hệ cán bộ thi hành án đầu tiên, đã xây dựng nền tảng vững chắc, góp phần quan trọng vào việc phát triển các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh được như hiện nay.
Trong cảm xúc, niềm vui sum họp của các thế hệ công chức làm công tác Thi hành án dân sự qua các thời kỳ, thay mặt những công chức đã nghỉ hưu ông Nguyễn Xuân Nhạc – nguyên Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Tháp phát biểu cảm tưởng ôn lại những kỷ niệm từ khi cơ quan thi hành án dân sự được tách ra từ Tòa án và ông là một trong những người đầu tiên đã tích cực tham gia xây dựng Ngành, đội ngũ công chức ngày ấy đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức để học tập, nghiên cứu, vận dụng pháp luật, sắp xếp tổ chức bộ máy, thi hành pháp luật, vận động chấp hành pháp luật với ý thức xây dựng Ngành, đất nước, tỉnh nhà và phục vụ nhân dân. Nhìn lại ngày nay ông đã thấy được sự hoàn thiện của bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh, đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, ngày càng được cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tin tưởng, tín nhiệm. Đó cũng là niềm vui chung của các đồng chí đã không còn làm công tác thi hành án dân sự cũng như các đồng chí đã nghỉ hưu như ông.
Thay mặt Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đã ghi nhận, biểu dương những đóng góp, thành tích của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh suốt thời gian qua. Song song đó, nhấn mạnh phía trước của ngành vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, trong tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa đã mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng mang đến không ít khó khăn, thách thức, những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến Ngành Thi hành án dân sự ngày càng phức tạp và khó khăn hơn. Chính vì thế Chủ tịch mong rằng trong thời gian tới, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát huy truyền thống, kế thừa những thành tựu đã đạt được, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, từng bước đổi mới tổ chức và hoạt động, tổ chức thi hành nghiêm, đúng pháp luật các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là phải thường xuyên giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực của đội ngũ công chức, Chấp hành viên, bảo đảm thật sự trong sạch, làm việc với tinh thần tận tụy, sáng tạo, khách quan, công tâm, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và sự tín nhiệm của Nhân dân và để có những bước phát triển mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn và giành được nhiều thành tựu to lớn hơn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, của đất nước.
Tại buổi Lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đã trao tặng Bằng khen của Ủy ban nhân dân Tỉnh cho 02 tập thể, 03 cá nhân, và Cục trưởng Vũ Quang Hiện tặng giấy khen của Cục Thi hành án dân sự cho 6 tập thể và 16 cá nhân nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Phòng Thi hành án dân sự Tỉnh.
Kết thúc buổi Lễ, Cục trưởng Vũ Quang Hiện đã bày tỏa sự tự hào về truyền thống Thi hành án dân sự và sự nhận thức sâu sắc các yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao trong tình hình mới, nhân buổi họp mặt Cục trưởng Vũ Quang Hiện đã kêu gọi toàn thể công chức, người lao động các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Tháp hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy trong công việc và phục vụ nhân dân, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết, quyết tâm thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.
Ngọc Thật