Trong phạm vi quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của mình, thủ trưởng cơ quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh thực hiện kiểm tra đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới, để kịp thời phát hiện những sai sót, vi phạm trong quá trình hoạt động. Từ đó, có biện pháp xử lý kịp thời, nhằm nâng cao hiệu quả thi hành án và góp phần đảm bảo tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong toàn Hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự. Với tầm quan trọng của công tác kiểm tra thi hành án dân sự như đã nêu trên, ngày 28/01/2015 Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quyết định ban hành Quy trình kiểm tra công tác thi hành án dân sự. Đây là cơ sở, nền tảng để công tác kiểm tra trong Hệ thống thi hành án dân sự đảm bảo được thực hiện một cách bài bản theo qui trình, đúng pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động quản lý nhà nước về thi hành án dân sự. Quá trình thực hiện, để phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công tác kiểm tra, ngày 25/01/2019 Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Quyết định số 171/QĐ-TCTHADS cho ban hành Qui trình kiểm tra về công tác thi hành án dân sự để thay thế Qui trình kiểm tra theo Quyết định số 83/QĐ-CTHADS ngày 28/01/2015.
Tại địa bàn tỉnh Gia Lai, từ năm 2015 đến nay, công tác kiểm tra thi hành án dân sự luôn được lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh chú trọng. Hàng năm, căn cứ tình hình hoạt động và kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác thi hành án dân sự ngay từ đầu năm. Từ đó, Cục đã tiến hành thành lập các Đoàn kiểm tra và thực hiện kiểm tra toàn diện hoặc kiểm tra chuyên đề đối với các Chi cục thi hành án dân sự trực thuộc (Chi cục) trên địa bàn, cụ thể:
+ Năm 2015, kiểm tra 06 Chi cục gồm: Pleiku; Krông Pa; Chư Pah; Đức cơ; Mang Yang và Đak Đoa.
+ Năm 2016, kiểm tra 07 Chi cục gồm: Kông Chro; Phú Thiện; An Khê; Ia Grai; Đak Pơ; Chư Pưh và Pleiku.
+ Năm 2017,kiểm tra 08 Chi cục gồm: Mang Yang; Kbang; Ia Pa; Chư Prông; Phú Thiện; Đak Pơ; Ia Grai và An Khê.
+ Năm 2018, kiểm tra 12 Chi cục gồm: Ayun Pa; Đak Đoa; Kông Chro; Chư Sê; Krông Pa; Đak Pơ; Chư Pah; Đức Cơ; Ia Grai; Phú Thiện; Ia Pa và Kbang.
+ 06 tháng đầu năm 2019 đã kiểm tra tại Chi cục Chư Prông; Mang Yang và Chư Pưh.
Thông qua công tác kiểm tra, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai đã phát hiện những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các Chi cục như: Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; công tác nghiệp vụ và tổ chức thi hành án; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; công tác kế toán nghiệp vụ thi hành án... Từ đó, giúp các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện chấn chỉnh, khắc phục và rút kinh nghiệm những sai phạm để nâng cao kết quả thi hành, góp phần đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành trong hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Nhìn chung, sau khi có Kết luận kiểm tra, các Chi cục đã thực hiện nghiêm nội dung Kết luận kiểm tra; khắc phục ngay những vi phạm, hạn chế; tổ chức họp để tiến hành việc kiểm điểm trách nhiệm đối với công chức có sai phạm và kịp thời báo cáo kết quả thực hiện Kết luận, kiến nghị của Đoàn Kiểm tra.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra hoạt động thi hành án dân sự của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai vẫn còn tồn tại, hạn chế như:
- Một số công chức; lãnh đạo Chi cục, Phòng chuyên môn thuộc Cục nhận thức chưa đầy đủ chức năng cũng như tầm quan trọng của công tác kiểm tra, tự kiểm tra thi hành án dân sự trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành dẫn đến chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, tự kiểm tra chưa thật sự đảm bảo đáp ứng yêu cầu.
- Các Phòng Chuyên môn thuộc Cục phối hợp chưa tốt trong việc tham mưu thành lập các Đoàn kiểm tra; chưa chú trọng việc cử công chức, thành viên tham Đoàn kiểm tra; một vài thành viên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ đó ảnh hưởng đến chất lượng kiểm tra.
- Một vài Chi cục chưa thực hiện kịp thời, đầy đủ nội dung Kết luận kiểm tra; báo cáo giải trình, khắc phục sai phạm sơ sài chưa đảm bảo theo yêu cầu; việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm công chức vi phạm chưa nghiêm; không thực hiện triệt để kết luận, kiến nghị của Đoàn Kiểm tra.
- Nội dung Kết luận, kiến nghị của Đoàn kiểm tra đôi lúc chưa cụ thể, rõ ràng, chưa cá thể hóa cá nhân có vi phạm; việc xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm chưa đảm bảo triệt để.
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra thi hành án dân sự, góp phần đảm bảo tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành trong Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Gia Lai cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất: Lãnh đạo các đơn vị thuộc hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác kiểm tra, tự kiểm tra trong thi hành án dân sự, xác định đây là hoạt động hữu hiệu phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành . Ngay từ đầu năm chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra và thực hiện kiểm tra, đôn đốc thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời những sai phạm để có biện pháp chấn chỉnh và xử lý.
Thứ hai: Sau khi có Kết luận kiểm tra, lãnh đạo đơn vị được kiểm tra cần thực hiện nghiêm Kết luận kiểm tra, tổ chức thực hiện ngay việc khắc phục những sai phạm, tiến hành kiểm điểm và có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, công chức để xảy ra sai phạm.
Thứ ba: Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các thành viên của Đoàn kiểm tra cần nâng cao trách nhiệm, thực sự công tâm, không ngại va chạm, tránh nể nang, kiên quyết đề nghị xử lý đối với cá nhân, đơn vị thường xuyên để xảy ra vi phạm; Việc xử lý trách nhiệm đối với công chức, lãnh đạo đơn vị có sai phạm phải nghiêm minh và triệt để.
Thứ tư: Kiến nghị Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp hàng năm cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về công tác kiểm tra, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra thi hành án dân sự./.
Theo Nguyễn Hữu Đức - Phó trưởng Phòng Kiểm tra GQKNTC