Sign In

TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ THI HÀNH ÁN: Việc xử lý tiền tạm giữ theo quyết định của Tòa án sao cho phù hợp?

25/07/2019

      Căn cứ Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2018/HSST ngày 28/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện A, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện A (Chi cục) đã ban hành Quyết định thi hành án số 235/QĐ-CCTHADS ngày 08/01/2019 buộc ông Huỳnh Trung D phải các thi hành khoản: Án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng và phạt sung công 5000.000 đồng. Bên cạnh đó, ông D được hoàn trả số tiền 4.550.000đ (do Chi cục tạm giữ tại Kho bạc) nhưng cần tạm giữ để đảm bảo việc thi hành hình phạt bổ sung theo Quyết định thi hành án số 236/QĐ-CCTHA số 08/01/2019 . Chấp hành viên (CHV) được phân công tổ chức thi hành đã tiến hành các trình tự thủ tục THA (THA) để giải quyết vụ việc theo qui định.
      Nội dung tác nghiệp của Chấp hành viên: CHV của Chi cục đã căn cứ khoản 3, Điều 71 và Điều 81 Luật Thi hành án dân sự 2008 (Luật THADS) để áp dụng biện pháp cưỡng chế thu tiền của người THA do người thứ ba giữ làm cơ sở để xử lý số tiền tạm giữ nêu trên. Ngày 10/01/2019 CHV đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-CCTHADS về việc thu tiền của người phải thi hành do người thứ ba giữ (theo mẫu C24-THADS của Thông tư 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016) đối với số tiền 4.550.000đ. CHV đã tiến hành tống đạt quyết định cưỡng chế trên cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện A (đại diện Chi cục ký nhận quyết định là Thủ quĩ của đơn vị). Sau đó, CHV lập thủ tục đề nghị trích chuyển số tiền 4.550.000đ được hoàn trả cho ông Dũng để thi hành khoản án phí và phạt sung công theo quyết định THA số 235 ngày 08/01/2019.
      Qua tác nghiệp của Chấp hành viên cho thấy: Việc căn cứ Điều 71 và Điều 81 Luật THADS để ban hành Quyết định cưỡng chế về việc thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ của Chấp hành viên đối với khoản tiền hoàn trả cho người phải THA đang tạm giữ tại Chi cục là không phù hợp theo qui định tại khoản 1, Điều 126 Luật THADS. Đồng thời, CHV xác định chủ thể “Người thứ ba” là Chi cục Thi hành án dân sự huyện A để thực hiện việc tống đạt và cưỡng chế THA là bất hợp lý. Bởi Lẽ: Điều 81, Mục 3 Cưỡng chế thi hành án tài sản là tiền của Luật THADS quy định: “Trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án. Người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án có nghĩa vụ giao nộp tiền cho Chấp hành viên để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền, cấp biên lai cho người thứ ba đang giữ tiền và thông báo cho người phải thi hành án. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng”. Và theo qui định tại Điều 23 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015: “Khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản làm việc hoặc có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản giao nộp cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án.
      Tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc giao nộp số tiền, tài sản đó thì bị áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành án. Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án chịu.
      2. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên mà giao tiền, tài sản đó cho người phải thi hành án hoặc người khác dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được thi hành án thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
      3. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân đang phải trả tiền, tài sản cho người phải thi hành án mà khoản tiền, tài sản đó đã được xác định bằng bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu tổ chức, cá nhân đó giao nộp số tiền, tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án. Nếu tổ chức, cá nhân đó không thực hiện thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án cần thiết đối với tổ chức, cá nhân đó để thu tiền, tài sản thi hành án. Chi phí cưỡng chế thi hành án trong trường hợp này do tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế thi hành án chịu.
      Từ những qui định trên cho thấy việc Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế THA đối với số tiền tạm giữ của người phải THA tại Chi cục là không  phù hợp. Trong trường hợp này, Chấp hành viên nên lập biên bản giải quyết thi hành án đối với ông Huỳnh Trung D để giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của ông D theo các quyết định THA. Sau đó, CHV cần phải xử lý khoản tiền hoàn trả theo qui định tại khoản 1 Điều 126 Luật THADS: “ Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ trong trường hợp bản án, quyết định tuyên trả lại tài sản cho đương sự. Trường hợp người được trả lại tiền, tài sản tạm giữ đồng thời là người phải thi hành nghĩa vụ trả tiền không tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên xử lý tiền, tài sản đó để thi hành án…”. Việc xử lý số tiền tạm giữ để đảm bảo thi hành nghĩa vụ bổ sung của người phải THA trong trường hợp này không cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế như Chấp hành viên đã tác nghiệp, mà Chấp hành viên chỉ cần tiến hành thủ tục đề nghị trích chuyển tiền hoàn trả sang thu án phí, sung công là mới đảm bảo phù hợp theo qui định nêu trên.


Theo Nguyễn Hữu Đức - Phòng KTGQKNTC

Các tin đã đưa ngày: