Sign In

CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ CÁC GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ.

08/10/2019

      Tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ trong tất cả các nhiệm vụ trọng yếu khác của cơ quan thi hành án dân sự, đòi hỏi công chức được phân công nhiệm vụ cần phát huy tinh thần trách nhiệm, kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục. Tại Hệ thống THADS tỉnh Gia Lai, tập thể Lãnh đạo Cục rất coi trọng công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Năm 2019, công tác này đã được tổ chức thực hiện một cách nề nếp, hiệu quả.
      1. Công tác tiếp công dân
Thực hiện Luật Tiếp công dân, trong những năm qua công tác tiếp dân của Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai đã được quan tâm, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Theo đó, đã sửa đối, ban hành thống nhất Quy chế về công tác tiếp dân từ năm 2019 Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện đều phân công công chức trực tiếp công dân tất cả các ngày làm việc trong tuần và Lãnh đạo thực hiện việc tiếp công dân định kỳ vào ngày 10 hàng tháng. Trong năm 2019,  toàn tỉnh đã tiếp 67 lượt người đến trụ sở cơ quan thi hành án để phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác thi hành án dân sự.
      2. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Toàn tỉnh tiếp nhận 97 đơn (84 đơn khiếu nại và 13 đơn tố cáo). Số đơn kỳ trước chuyển sang 02 đơn, số đơn nhận trong kỳ 95 đơn. Trong đó:
Tại Cục: 56 đơn (50 đơn khiếu nại, 06 đơn tố cáo)
+ Đơn khiếu nại: Tiếp nhận 50 đơn. (Thuộc thẩm quyền giải quyết 11 đơn, chuyển Chi cục cấp dưới 28 đơn, xử lý khác 11 đơn).
+ Kết quả xử lý:
Đối với 50 đơn khiếu nại: Đã giải quyết  xong 11/11 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền (đình chỉ 06 đơn, khiếu nại đúng toàn bộ 01 đơn, khiếu nại sai toàn bộ 01 đơn, chuyển kì sau: 0 đơn), đạt tỷ lệ 100%. Chuyển 28 đơn cho Chi cục cấp huyện giải quyết. Xử lý khác 11 đơn (trả lời bằng công văn 07 đơn, lưu đơn 02 đơn, thu hồi quyết định giải quyết khiếu nại 02 đơn).
+ Đối với đơn tố cáo: Thụ lý mới 06 đơn tố cáo.(Thuộc thẩm quyền giải quyết 02 đơn, xử lý khác 04 đơn).
+ Kết quả xử lý:
Đã giải quyết 02/02 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền (tố cáo đúng toàn bộ 01 đơn, tố cáo sai toàn bộ 01 đơn), đạt tỷ lệ 100%. Xử lý khác 04 đơn tố cáo (lưu đơn 02 đơn, chuyển cơ quan khác 01 đơn, đang phân loai xử lý 01 đơn)
Tại Chi cục: Tiếp nhận 34 đơn khiếu nại, 07 đơn tố cáo.
+ Đối với 34 đơn khiếu nại (cũ chuyển sang 01 đơn, thụ lý mới 33 đơn). Thuộc thẩm quyền giải quyết 28 đơn, xử lý khác 06 đơn.
Kết quả xử lý: đối với 34 đơn khiếu nại (đã giải quyết 25/28 đơn (đình chỉ 07 đơn, khiếu nại đúng toàn bộ 03 đơn, khiếu nại sai toàn bộ 15 đơn, chuyển kì sau 03 đơn), đạt tỷ lệ 90%. Xử lý khác 06 đơn khiếu nại (trả lời bằng công văn 04 đơn, lưu đơn 02 đơn).
+ Đối với 06 đơn tố cáo (cũ chuyển sang 01 đơn, thụ lý mới 05). Thuộc thẩm quyền giải quyết 05 đơn, xử lý khác 01 đơn.
Kết quả xử lý: Đã giải quyết xong 02/06 đơn (tố cáo sai toàn bộ 02 đơn, chuyển kì sau 04 đơn), đạt tỷ lệ 33%. Xử lý khác 01 đơn (không thụ lý đơn tố cáo).
      Nhận xét, đánh giá chung: Phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết triệt để, được hướng dẫn, giải thích một cách cặn kẽ; công dân không khiếu nại, tố cáo tiếp; thực hiện sự chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và tôn trọng quyền công dân, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai đã kiên trì trực tiếp tiếp công dân định kỳ vào ngày 10 hàng tháng; hàng ngày khi có vụ việc phức tạp đều trực tiếp đối thoại để nghe tâm tư, nguyện vọng, giải thích hướng dẫn và đều được người dân đồng tình, ủng hộ, nhất trí cao. Tuy nhiên, có một số trường hợp như: Bà Phùng Thị Kim Oanh, ông Đoàn Văn Phúc và bà Lê Thị Lập,… sau khi được trả lời, giải quyết đúng quy định của pháp luật, “hợp tình, hợp lý” nhưng các đối tượng này vẫn không thỏa mãn, cố tình không tuân thủ pháp luật, thậm chí có đối tượng vẫn có quyền khiếu nại, tố cáo tiếp lên cấp trên nhưng họ không thực hiện (như trường hợp ông Đoàn Văn Phúc và bà Lê Thị Lập), mà thường xuyên đến cơ quan nhằm mục đích gây rối, chửi bới, nhục mạ lãnh đạo, công chức của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, gây tác động xấu đến tâm lý của cán bộ, công chức, làm ảnh hưởng đến thời gian, hiệu quả công tác.
Toàn tỉnh khiếu nại, tố cáo đúng toàn bộ là 05 việc (04 việc khiếu nại, 01 việc tố cáo). Trong đó, 02 việc khiếu nại Chấp hành viên chậm tổ chức thi hành án, 01 vụ việc khiếu nại Chấp hành viên không kê biên xử lý tài sản để thi hành án và không áp dụng biện pháp ngăn chặn việc xuất nhập cảnh đối với người phải thi hành án. Sau khi chấp nhận khiếu nại đã yêu cầu Chấp hành viên nghiêm túc tổ chức thi hành án theo quy định. Đối với 01 việc khiếu nại Quyết định cưỡng chế kê biên thi hành án, đã yêu cầu Chi cục cấp dưới hủy quyết định giải quyết khiếu nại và thu hồi quyết định cưỡng chế kê biên không đúng quy định. Đối với Kết luận tố cáo đúng toàn bộ, Cục THADS tỉnh Gia Lai đang yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của Chấp hành viên, khắc phục sai phạm do quyết định thi hành án không phù hợp với nội dung bản án, quyết định cưỡng chế kê biên không tương ứng với nghĩa vụ thi hành án.
       Năm 2019, trong Hệ thống các cơ quan Thi hành dân sự tỉnh Gia Lai, đặc biệt là các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cụ thể:
- Một số Chi cục chưa bố trí nơi tiếp công dân riêng, chưa cử công chức thường trực tiếp dân, chưa thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ hỗ trợ cho người trực tiếp tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo tại đơn vị. Tại nơi tiếp công dân chưa có nội qui tiếp công dân, lịch tiếp công dân theo qui định pháp luật.
- Chưa mở đầy đủ các loại sổ như sổ tiếp công dân, sổ theo dõi đơn thư, sổ thụ lý đơn, hầu hết các loại sổ đều cập nhật vào một sổ duy nhất làm cho việc theo dõi đơn, thư khó khăn, không khoa học, chưa đúng qui định. Việc phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về thi hành án dân sự chưa đảm bảo chính xác, từ đó dẫn đến chất lượng giải quyết chưa cao.Thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa tuân thủ các trình tự, thủ tục theo qui định của pháp luật; Quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận tố cáo nội dung còn sơ sài, không đầy đủ.
- Một số lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự trên địa bàn chưa thực sự coi trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do vậy, chưa bố trí người có năng lực, trình độ để làm công tác tiếp dân và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chưa chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay khi mới phát sinh tại cơ sở dẫn đến việc khiếu nại vượt cấp và kéo dài.
Những hạn chế, tồn tại trên do nhiều nguyên nhân như: Pháp luật về giải quyết  khiếu nại, tố cáo còn qui định ở nhiều văn bản khác nhau chưa thành hệ thống nên khó áp dụng (như thời hạn thụ lý KN, TC giữa pháp luật chung và luật chuyên ngành có khác nhau…); trong đó còn có nguyên nhân là số lượng công chức (Thẩm tra viên) trực tiếp làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo còn rất mỏng (nhiều Chi cục cấp huyện còn thiếu chức danh Thẩm tra viên như: Chi cục Chư Sê, Phú Thiện, Krông Pa, Ia Pa, Kông Chro, Đak Đoa, Đức Cơ), chưa được bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc dẫn đến quá tải; chưa nắm vững qui trình, nghiệp vụ xác minh giải quyết khiếu nại, khiếu nại tố cáo; vẫn còn có lãnh đạo đơn vị chưa thật sự đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo dẫn đến hiệu quả, hiệu lực, chất lượng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có nơi, có lúc chưa đạt yêu cầu nhiệm vụ.
      Từ những tồn tại, hạn chế và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự tại địa bàn, Phòng kiểm tra GQKNTC có những đề xuất, kiến nghị để góp phần nâng cao kết quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong toàn Hệ thống THADS cụ thể như sau:
 - Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự, về khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự cho công dân. Tạo điều kiện thuận lợi để công dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự, giúp họ tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong lĩnh vực thi hành án dân sự.
- Tăng cường, quán triệt sự lãnh đạo của Đảng trong nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự cho Thủ trưởng, Chấp hành viên và công chức làm công tác thi hành án dân sự, nhất là đối với Thủ trưởng các đơn vị. Bởi vì, Thủ trưởng có quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thì mới có kế hoạch, biện pháp thúc đẩy nhiệm vụ này.
- Đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối; khiếu nại, tố cáo sai sự thật thì phải tiến hành làm rõ để xử lý và đề nghị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Cần quy định chế tài đối với hành vi cố tình khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật. Điều này giúp cho người khiếu nại, tố cáo thận trọng hơn về việc khiếu nại, tố cáo của mình, chỉ khi nào thật sự cần thiết, chắc chắn rằng quyết định, hành vi đó của Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên có căn cứ là trái pháp luật, họ mới tiến hành việc khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, điều này cũng góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức về pháp luật thi hành án dân sự đối với đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Khắc phục sự bất cập của những qui định pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành để thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự.
- Chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thời hạn, đúng pháp luật ngay từ cơ sở, hạn chế đến mức thấp nhất khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, khiếu nại vượt cấp.
- Tăng cường tập huấn cho cán bộ, công chức làm công tác thi hành án, nhất là những cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện đúng những quy định của pháp luật về thi hành án, hạn chế đến mức thấp nhất những khiếu nại, tố cáo phát sinh trong quá trình tổ chức việc thi hành án.
- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc về thi hành án dân sự, nhất là những nơi có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.
- Cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng và có cơ chế bảo đối với cán bộ, công chức trực tiếp thực  hiện công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.    
 Hiện nay,công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hệ thống Thi hành án dân sự, làm tốt nhiệm vụ này, các cơ quan thi hành án dân sự tại địa bàn tỉnh Gia Lai sẽ đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của ngành, của địa phương. Muốn đạt được kết quả như vậy, các cơ quan thi hành dân sự trên địa bàn phải thực sự coi trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời phải khắc phục kịp thời những bất cập, tồn tại trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đối với mỗi cán bộ, công chức từng đơn vị cần phải thường xuyên học tập, trau dồi đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh sự nổ lực của cán bộ, công chức thi hành án dân sự thì lãnh đạo các Cấp ủy, Chính quyền địa phương cần có những cơ chế, chính sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Thi hành án dân sự để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành của địa phương trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thi hành án dân sự nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao./.
PHẠM VĂN ĐỀ - TRƯỞNG PHÒNG KIỂM TRA GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO
 

Các tin đã đưa ngày: