Có thể hiểu Ứng xử là một biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ của con người nhằm đạt kết quả tốt trong mối quan hệ giữa con người với nhau và Văn hóa ứng xử là sự thể hiện triết lý sống, lối sống, lối suy nghĩ, lối hành động của một cộng đồng người trong việc ứng xử và giải quyết mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với xã hội. Bản chất của văn hóa ứng xử là đạo đức, tình cảm, là lý trí và sự nhẫn nhịn, nhường nhịn. Còn biểu hiện của văn hóa ứng xử gồm có văn hóa nói và văn hóa hành động. Trong khi đó, nghệ thuật ứng xử luôn xuất phát từ cuộc sống chân thực, lối sống chất phác, thái độ nhân văn và tâm lý sâu sắc. Có thể nói, nếu một người có trái tim nhân hậu của người mẹ hiền, có bộ não uyên bác của nhà khoa học, có tâm hồn lãng mạn của một nghệ sỹ, có bàn tay khéo léo của một nghệ nhân, thì nghệ thuật ứng xử sẽ tự nhiên ngấm vào cuộc sống hàng ngày của họ. Nhưng nghệ thuật ứng xử không tự nhiên mà có, nó càng không thể xây dựng trên một nền tảng tâm hồn và trí tuệ nghèo nàn, mà là kết quả của cả một quá trình nhận thức và rèn luyện không ngừng của bản thân.
Với cách hiểu về văn hóa ứng xử nói chung như vậy thì văn hóa ứng xử của Chấp hành viên là văn hóa giao tiếp, ứng xử, văn hóa nghề nghiệp, văn hóa ăn mặc, phát ngôn của Chấp hành viên. Văn hóa ứng xử của Chấp hành viên thường xuất hiện trong mọi mối quan hệ giao tiếp với người khác (có thể là với dân, với đồng nghiệp, với các cá nhân, tổ chức, cơ quan khác) trong tác phong và ý thức của Chấp hành viên. Có thể nói, văn hóa ứng xử của Chấp hành viên chính là thước đo sự văn minh của mỗi Chấp hành viên hay nói khác đi nó phản ánh sự nhận thức cũng như ý thức của mỗi Chấp hành viên trong khi thực hiện quyền lực Nhà nước. Văn hóa ứng xử của Chấp hành viên là một phần không thể thiếu trong các quy định của chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên được ban hành theo Quyết định số 51/2002/QĐ- BTP ngày 27/02/2002 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Là một chức danh tư pháp, chịu trách nhiệm tổ chức thi hành những bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực thi hành, Chấp hành viên ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật còn phải tuân thủ đầy đủ văn hóa nơi công sở, văn hóa ứng xử của Chấp hành viên chính là văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức. Trước tiên, văn hóa ứng xử của Chấp hành viên được thể hiện trong các mối quan hệ giao tiếp với người khác, đó là:
Thứ nhất, đặc trưng của hoạt động thi hành án là trực tiếp giải quyết các yêu cầu của tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm thực hiện các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của người dân trên thực tế. Do đó, trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chấp hành viên thường xuyên phải tiếp xúc với đương sự (hay gọi chung là dân).Trong mối quan hệ với dân, Chấp hành viên phải thể hiện là người có văn hóa, đồng thời gần gũi với dân, hiểu được tâm tư, hoàn cảnh và nguyện vọng của họ để có cách xử sự vừa đúng pháp luật, vừa đúng đạo lý, vừa thực hiện tốt việc phục vụ dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của hoạt động thi hành án dân sự.
Nếu như ở giai đoạn xét xử, mâu thuẫn, xung đột giữa các đương sự chỉ được thể hiện trên giấy thì sang giai đoạn thi hành án, mâu thuẫn, xung đột giữa các bên được thể hiện trên thực tế. Ở giai đoạn này, nhiều trường hợp người phải thi hành án thường cố tình trốn tránh, chây ì, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án, thậm chí coi thường pháp luật. Đối với những trường hợp như vậy, Chấp hành viên phải kiên nhẫn tìm hiểu, cố gắng tìm cách giải thích, hướng dẫn, thuyết phục đương sự để họ hiểu được trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của họ trong bản án, quyết định của Tòa án và tự nguyện thực hiện các nghĩa vụ đó. Lấy giáo dục, thuyết phục là chính để đương sự tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình, chỉ áp dụng các biện pháp cưỡng chế nếu thấy thực sự cần thiết và không còn biện pháp nào khác. Đồng thời, trong quá trình giải quyết vụ việc, Chấp hành viên phải là trung tâm hòa giải mâu thuẫn, xung đột giữa các đương sự. Do đó, Chấp hành viên không được quan liêu, hách dịch, sách nhiễu, phiền hà với đương sự.
Thứ hai, văn hóa ứng xử của Chấp hành viên trong quan hệ với đồng nghiệp là phép đối nhân, xử thế của Chấp hành viên với các cán bộ, công chức khác trong đơn vị và ngoài đơn vị mình công tác. Đối với đồng nghiệp trong đơn vị phải trên dưới một lòng vì nhiệm vụ chung, tạo điều kiện, giúp đỡ nhau tiến bộ. Không vì những cái yêu, ghét, cảm tình cá nhân hoặc vì những động cơ khác mà có những xử sự không đúng làm ảnh hưởng đến công việc. Chấp hành viên phải giữ gìn đoàn kết nội bộ, góp phần xây dựng đội ngũ thi hành án trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tôn trọng và tin cậy của xã hội, của nhân dân.
Hơn nữa, Chấp hành viên phải có thái độ thân ái và tôn trọng đồng nghiệp. Việc phê bình đồng nghiệp được thực hiện một cách thận trọng, khách quan, đúng nơi, đúng lúc với tinh thần xây dựng. Thái độ thân ái và tôn trọng đồng nghiệp thể hiện văn hóa ứng xử của Chấp hành viên. Chấp hành viên phải có phương pháp phê bình đồng nghiệp một cách đúng đắn, hiệu quả bảo đảm sự đoàn kết đơn vị. Chấp hành viên có ý thức hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như trong cuộc sống, góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái… Điều quan trọng nữa là Chấp hành viên cần nhận thức rõ ràng và xác định đúng các ranh giới không được thực hiện với đồng nghiệp như xúc phạm danh dự hoặc hạ thấp uy tín của đồng nghiệp; lợi dụng những hạn chế của đồng nghiệp để dèm pha, đổ lỗi cho đồng nghiệp…
Thứ ba, Điều 106 Hiến pháp năm 2013 quy định “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Vì vậy trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Chấp hành viên không “đơn thương độc mã ” mà luôn có sự chỉ đạo của cấp trên, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nên văn hóa ứng xử của Chấp hành viên còn được thể hiện trong mối quan hệ với lãnh đạo, với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan như Tòa án, Viện kiểm sát, Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân, Trại giam, Trại tạm giam, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác, Cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm và cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhân dân, cá nhân có liên quan khác…Thực tế cho thấy, các mối quan hệ này không chỉ phụ thuộc vào năng lực, uy tín mà còn phụ thuộc vào văn hóa ứng xử của Chấp hành viên. Khi thực hiện nhiệm vụ, Chấp hành viên phải tiếp xúc, trao đổi, làm việc với cá nhân hoặc người đại diện của tổ chức, cơ quan hữu quan nên văn hóa ứng xử của Chấp hành viên được thể hiện ở việc tôn trọng người khác, thái độ lịch sự, hành động chuẩn mực đồng thời tạo mọi thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho phép để việc phối hợp giữa Chấp hành viên với các cá nhân hoặc người đại diện của tổ chức, cơ quan hữu quan đạt hiệu quả. Nếu không có sự phối hợp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan sẽ dẫn đến việc Chấp hành viên gặp bất lợi và khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, văn hóa ứng xử cũng thể hiện rõ trong tác phong và ý thức gương mẫu của Chấp hành viên. Khi thực hiện nhiệm vụ, Chấp hành viên phải mặc trang phục lịch sự và theo đúng quy định. Thậm chí, khi không thực hiện nhiệm vụ nhưng tiếp xúc với dân Chấp hành viên cũng phải mặc trang phục thể hiện sự tôn trọng của mình đối với nhân dân. Ngoài ra, không nên để bản thân sa đà bia, rượu và các thói hư tật xấu khác làm ảnh hưởng đến tư cách người công chức. Trong cơ quan, Chấp hành viên phải là người gương mẫu về thực hiện kỷ luật lao động, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, là người trung thực trong công tác. Ngoài đời thường, Chấp hành viên phải tuân thủ xử sự phù hợp với các chuẩn mực chung của xã hội nhưng cũng phải là người có lối sống, phong cách người “công bộc” của dân với các đức tính cần, kiệm, liêm, chính…
Như vậy, xây dựng văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức nói chung và Chấp hành viên nói riêng mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực góp phần tạo dựng niềm tin vào công lý của nhân dân và việc xây dựng văn minh công sở trong thời đại hội nhập hiện nay của thành phố và đất nước./.
Theo Lê Thị Ngời- CHV Chi cục THADS Huyện An Dương