Sign In

Bài học kinh nghiệm trong công tác vận động, thuyết phục đương sự khi tổ chức thi hành án dân sự

20/05/2020

Bài học kinh nghiệm trong công tác vận động, thuyết phục đương sự khi tổ chức thi hành án dân sự
Trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự thì công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án là phương pháp đầu tiên được Chấp hành viên sử dụng trong các vụ việc dù đơn giản hay phức tạp. Điều này xuất phát từ những ưu điểm mà phương pháp vận động, thuyết phục mang lại.
       Về mặt kinh tế: vận động thuyết phục, hòa giải thành công không chỉ mang lại lợi ích cho người được thi hành án mà người phải thi hành án cũng thoát khỏi những chi phí phát sinh (các chi phí cưỡng chế nếu phải dùng đến biện pháp cưỡng chế). Không những vậy việc các đương sự hoà giải thành, tự nguyện thi hành án còn giúp cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành công việc thuận lợi, nhanh chóng, tránh khỏi những gánh nặng về thời gian, công sức, kinh phí (giảm thực hiện các thủ tục thi hành án hoặc huy động nhiều lực lượng chức năng, phương tiện phục vụ cho công tác cưỡng chế…).
       Về mặt xã hội: vận động, thuyết phục các đương sự tự nguyện thi hành án đã loại trừ được khả năng xảy ra chống đối, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội tại địa phương cũng như các khiếu nại, tố cáo phức tạp sau này. Tuy nhiên, công tác vận động, thuyết phục trong thi hành án dân sự không phải là việc dễ dàng. Khó khăn nhất là ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, chủ yếu là người phải thi hành án còn hạn chế. Nhiều đương sự khi được Chấp hành viên giải thích, vận động đã có thái độ thiếu tôn trọng, không hợp tác, nhiều trường hợp người phải thi hành án cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản, đi khỏi địa phương, khiếu nại vượt cấp, nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án, chống đối quyết liệt việc cưỡng chế thi hành án.
       Từ đầu năm công tác đến nay, Chi cục Thi hành án dân sự huyện An Lão đã vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện và thỏa thuận thi hành án được 05 vụ với số tiền 4.039.437.000đ, trong đó thi hành xong 3.450.150.000đ, đình chỉ 589.281.000đ. Đặc biệt là vụ chia di sản thừa kế đối với ông Đặng Văn Hài, bà Trịnh Thị Khoắn ở xã Trường Thành phải giao diện tích đất gần 300 m2 có giá trị trên 2 tỷ đồng và được nhận về trên 300 triệu đồng, nhưng không tự nguyện giao tài sản, buộc Chi cục Thi hành án phải ra quyết định cưỡng chế. Với kinh nghiệm, sự nhiệt tình, Chấp hành viên đã không ngừng vận động, thuyết phục, giải thích nên đến ngày 06/5/2020 đương sự đã tự nguyện giao tài sản và nhận tiền.
 

Chấp hành viên Chi cục đang hướng dẫn, thuyết phục đương sự
       Từ thực tiễn trên, bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác vận động, thuyết phục đương sự trong tổ chức thi hành là:
       Thứ nhất, Chấp hành viên, công chức cơ quan thi hành án cần phải am hiểu các nội dung về pháp luật hiện hành và pháp luật quốc tế có liên quan đến công tác thi hành án dân sự; áp dụng thành thạo các nguyên tắc,  thủ tục về nghiệp vụ thi hành dân sự. Bên cạnh đó, Chấp hành viên cũng cần có sự am hiểu về phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa của địa phương; tranh thủ tốt sự ủng hộ của các Trưởng tộc, Trưởng họ, Trưởng thôn, khu dân cư...để việc vận động, thuyết phục đạt hiệu quả.
       Thứ hai: Khi được phân công tổ chức thi hành vụ việc thì bản thân Chấp hành viên cần nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của Toà án, tìm hiểu rõ nhân thân, quan hệ gia đình, xác định thái độ của đương sự; mối quan hệ xã hội của các đương sự để tìm ra cách vận động, thuyết phục hiệu quả nhất. Cụ thể:  
      + Tìm hiểu điều kiện kinh tế, khả năng thực hiện nghĩa vụ của đương sự, xem xét và cân nhắc đến khả năng đương sự có thể thực hiện được hay không để sớm có kế hoạch xử lý hoặc đưa ra phương án thuận lợi nhất cho đương sự trong việc thực hiện nghĩa vụ.
      + Tìm hiểu các mối quan hệ bên ngoài xã hội của đương sự qua Bản án, quyết định của Toà án hoặc các kênh thông tin khác nhau, chọn lọc và tác động đến những người có ảnh hưởng lớn đối với đương sự, giúp đương sự nhận thức và tự nguyện thực hiện nghĩa vụ.
      + Tìm hiểu các vấn đề khác có liên quan đến đương sự. Tuỳ thuộc vào từng loại vụ việc, từng đương sự sẽ có những đặc điểm khác nhau mà Chấp hành viên cần tinh ý, linh hoạt, khéo léo để có thể xác định cần thu thập những thông tin nào phục vụ cho việc vận động, thuyết phục và phân tích mọi khía cạnh, tìm được giải pháp thuận lợi nhất để thuyết phục đương sự tự nguyện.
       Thứ ba: Tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của huyện và chính quyền, cấp ủy các xã, thị trấn tăng cường vận động, đôn đốc thuyết phục đương sự. Thường xuyên thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Thi hành án dân sự và các văn bản liên quan đến thi hành án dân sự.


Theo Trần Minh Đức - Chi cục THADS huyện An Lão

Các tin đã đưa ngày: