Sign In

THỰC TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC KIỂM TRA TẠI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TP

28/04/2022

THỰC TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC KIỂM TRA TẠI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TP
Thời gian qua, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã chú trọng thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra. Công tác kiểm tra trong THADS được thực hiện ngày càng bài bản, hoàn thiện dần cơ sở pháp lý về quy trình kiểm tra. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TCTHADS ngày 03/12/2020 phê duyệt Đề án “Đổi mới  và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra trong Hệ thống Thi hành án dân sự”, Quyết định số 196/QĐ-TCTHADS ngày 03/03/2021 của Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Quy chế kiểm tra trong thi hành án dân sự, ngoài ra còn có rất nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai thực hiện.
          Nghiêm túc và bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, căn cứ vào Kế hoạch công tác trọng tâm, Kế hoạch kiểm tra năm, Phòng Kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã tham mưu Cục trưởng quyết định: 100% cán bộ, công chức, các đơn vị tiến hành tự kiểm tra; Kiểm tra toàn diện đối với 1/3 Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện; Kiểm tra chuyên đề từ 2 đến 3 Chi cục Thi  hành án dân sự quận, huyện; Kiểm tra nội bộ từ 1 đến 2 Phòng chuyên môn thuộc Cục; Kiểm tra công vụ gắn với các đợt kiểm tra toàn diện và kiểm tra đột xuất. Ngoài kiểm tra theo kế hoạch căn cứ vào tình hình thực tế, trên cơ sở tham mưu, đề xuất của các phòng chuyên môn, Cục trưởng quyết định kiểm tra đột xuất đối với 01 đơn vị hoặc công việc cụ thể. Kết thúc năm công tác, Cục Thi hành án có báo cáo tổng hợp các vi phạm sau kiểm tra, kiểm sát nhằm chấn chỉnh rút kinh nghiệm chung trong tất cả các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố.
          Trong công tác kiểm tra, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, qua đó đã thu được những kết quả đáng khích lệ: 100% chỉ đạo của cấp trên được triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả; Nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, tác dụng của công tác kiểm tra đối với cán bộ công chức thi hành án dân sự trong đó đặc biệt là lãnh đạo của các đơn vị được nâng cao; Công tác kiểm tra có nhiều đổi mới trong phương pháp thực hiện, đáp ứng điều kiện dịch bệnh Covid 19 và đòi hỏi ngày càng cao của công tác quản lý điều hành; Qua công tác kiểm tra    phát hiện nhiều bất cập trong quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị lãnh đạo có biện pháp khắc phục, phát hiện, ngăn ngừa xử lý vi phạm; …
          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra tại các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp tháo gỡ. Sau đây là một số đề xuất cụ thể:
          - Theo chỉ tiêu kiểm tra Tổng cục giao cho Cục Thi hành án dân sự thành phố tiến hành kiểm tra đối với Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện là khá nhiều (kiểm tra toàn diện 1/3 (tương đương 5/15) Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện); Kiểm tra của Tổng cục (nếu có); kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất;... Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân thành phố tiến hành kiểm sát trực tiếp 03/15 Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện; Phúc tra việc thực hiện kết luận kiểm sát 03/15 Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện; Kiểm sát trực tiếp hàng năm của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Có thể nói, số lượng kiểm tra, kiểm sát trong năm theo kế hoạch (chưa kể kiểm tra đột xuất) là khá lớn. Trong khi số lượng cán bộ công chức các cơ quan Thi hành án dân sự tại thành phố có định mức và kiêm nhiệm nhiều mảng công tác khác, đặc biệt là tập trung hoàn thành chỉ tiêu nghiệp vụ tổ chức thi hành án. Mặt khác, các Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện không đồng đều về số lượng vụ việc phải tổ chức thi hành án, có đơn vị lượng án phải tổ chức thi hành án lớn, nhiều vụ việc phức tạp (Thủy Nguyên, Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, An Dương) nhưng cũng có đơn vị lượng việc phải tổ chức thi hành án ít hơn (Bạch Long Vỹ, Đồ Sơn, Cát Hải,…). Do đó việc giao chỉ tiêu kiểm tra cao dẫn đến việc gây sức ép hoàn thành chỉ tiêu kiểm tra nhưng làm mất tính chủ động của Cục Thi hành án dân sự thành phố. Kiến nghị, chỉ tiêu kiểm tra nên quy định tạo tính chủ động của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương theo hướng: gắn trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị trong công tác kiểm tra, kiểm tra thực sự là công cụ hữu hiệu của lãnh đạo trong công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra theo kế hoạch giảm bớt, tăng cường kiểm tra đột xuất.
Đồng thời, kiến nghị Kế hoạch kiểm tra hàng năm của Tổng cục làm căn cứ ban hành Kế hoạch kiểm tra năm của các Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh nên ban hành ngay từ đầu năm công tác hoặc các Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh căn cứ vào chỉ tiêu công tác năm được phê duyệt (trong đó có chỉ tiêu công tác kiểm tra) để chủ động ban hành Kế hoạch kiểm tra năm của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương và triển khai thực hiện ngay từ đầu năm công tác. Điều này sẽ trách tình trạng kiểm tra theo kế hoạch dồn vào 06 tháng cuối năm công tác.
          - Năm 2022, là năm thứ 02 thực hiện Quy chế kiểm tra trong thi hành án dân sự (được ban hành kèm theo Quyết định số 196/QĐ-TCTHADS ngày 03/03/2021 của Tổng cục Thi hành án dân sự) với rất nhiều điểm mới: khái niệm, phương pháp tiến hành, biểu mẫu,…Với các quy định mới này thì công tác kiểm tra trong thi hành án dân sự được nâng lên một bước về tính chuyên nghiệp, rõ ràng, cụ thể, chi tiết hơn. Tuy nhiên, với nhiều quy định mới nhưng chưa được tập huấn dẫn đến khi áp dụng có cách hiểu và thực hiện còn nhiều lúng túng, không thống nhất, bị rối, nhầm lẫn,…Do đó, kiến nghi cấp trên tổ chức lớp tập huấn thực hiện Quy chế kiểm tra trong thi hành án dân sự đối với tất cả các cơ quan Thi hành án dân sự toàn quốc. Tập huấn kỹ năng chuyên sâu đối với cán bộ công chức  làm công tác kiểm tra chuyên trách.
          - Đối với công tác tự kiểm tra được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Đảm bảo chỉ tiêu 100% cán bộ công chức, cơ quan Thi  hành án dân sự tiến hành tự kiểm tra, kỳ kiểm tra 01 năm công tác, phạm vi tự kiểm tra là toàn diện, kết quả tự kiểm tra là một trong những căn cứ lãnh đạo quyết định thành lập đoàn kiểm tra khác (kiểm tra nội bộ, kiểm tra đột xuất, kiểm tra cấp trên, cấp dưới,..). Ý nghĩa của công tác tự kiểm tra nhằm giúp mỗi cán bộ công chức, cơ quan Thi hành án dân sự xem xét, kiểm tra, đánh giá lại chính công việc của mình được giao, từ đó tự phát hiện sai phạm để khắc phục rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, vướng mắc: Mỗi cán bộ công chức phải kiêm nhiệm nhiều mảng công tác, do đó phiếu tự kiểm tra mỗi cán bộ phải lập khá nhiều (đặc biệt đối với chấp hành viên thì mỗi hồ sơ thi hành án là 01 Phiếu kiểm tra Mẫu số 06/Quy chế) do đó, việc thực hiện mất không ít thời gian. Một số mẫu phiếu kiểm tra chưa phù hợp với thực tế ví dụ mẫu Phiếu kiểm tra hồ sơ số 06 các mục của phiếu quá phức tạp đối với hồ sơ đơn giản nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu đối với những hồ sơ phức tạp. Nhiều nội dung kiểm tra không có mẫu Phiếu kiểm tra, theo quy định sử dụng mẫu Phiếu kiểm tra số 36, tuy nhiên sự tùy nghi này khó khăn trong việc tự ghi chép, thiếu thống nhất nên khó cho việc tổng hợp kết quả tự kiểm tra. Mặt khắc, Phiếu tự kiểm tra ngoài việc ghi chép lại kết quả tự kiểm tra cũng chưa có quy định việc sử dụng cụ thể trong các trường hợp khác như: phục vụ công tác kiểm tra khác (kiểm tra cấp trên cấp dưới, kiểm tra nội bộ, kiểm tra đột xuất, lưu hồ sơ kiểm tra), lưu hồ sơ công việc như thế nào, sử dụng kết quả tự kiểm tra, sử dụng lại kết quả tự kiểm tra, …
Mặt khác, kỳ tự kiểm tra gối theo năm công tác, từ 01/4 năm trước đến 30/3 năm sau. Để đảm bảo cho công tác chỉ đạo điều hành, công tác thống kê, báo cáo,..nên chăng kỳ tự kiểm tra sẽ gối ngày trong quý 01 của năm công tác. Các vi phạm phát hiện sau tự kiểm tra theo đó sẽ được khắc phục ngay từ đầu năm.
          - Đối với công tác kiểm tra nội bộ: Có sự trùng lắp giữa tự kiểm tra một đơn vị với kiểm tra nội bộ, kiểm tra nội bộ của Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện vấn đề này cần quy định rõ ràng. Thành viên đoàn kiểm tra nội bộ của Cục đối với một Phòng chuyên môn thuộc Cục cần được hướng dẫn cụ thể. Bởi lẽ, các phòng chuyên môn của Cục có tính chất chuyên môn, chuyên nghiệp cao. Do đó, nếu thành viên Đoàn kiểm tra mà không là cán bộ của chính phòng được kiểm tra thì việc kiểm tra rất khó khăn.
Do đó, kiến nghị Tổng cục tổ chức tổng hợp ý kiến phản hồi của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương để có sự sơ kết, sửa đổi, bổ sung Quy chế để phù hợp với thực tiễn hơn.
          - Sự quan tâm, chú trọng của một số cán bộ công chức, đặc biệt là lãnh đạo một số đơn vị đối với công tác kiểm tra nói chung (tự kiểm tra nói riêng) chưa cao, xem nhẹ, kiểm tra làm cho có, đối phó và hình thức. Do đó, dù tiến hành tự kiểm tra nhưng các vi phạm không được phát hiện. Mặt khác, khi đã có kết luận kiểm tra, các vi phạm đã được chỉ rõ nhưng chậm khắc phục, thậm chí không khắc phục, tình trạng dạng vi phạm kéo dài qua các năm. Do đó, kiến nghị thủ trưởng đơn vị cần sự quan tâm đúng mức đối với công tác kiểm tra. Đề nghị Tổng cục bổ sung trong Quy chế kiểm tra về hình thức “hậu kiểm”, quy định rõ trách nhiệm của cán bộ công chức, thủ trưởng đơn vị không khắc phục vi phạm hoặc để tái phạm tương tự các vi phạm đã chỉ ra trong kết luận kiểm tra.
          - Thành phần các Đoàn kiểm tra của Cục đối với Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện là cán bộ công chức các phong chuyên môn thuộc Cục. Do đó ngoài việc kiểm tra phát hiện vi phạm thì qua công tác kiểm tra cũng là một kênh trực tiếp để các phòng chuyên môn nắm được tình hình của các đơn vị theo lĩnh vực phòng phụ trách. Do đó, đề nghị lãnh đạo Cục có quy định gắn trách nhiệm của thành viên Đoàn kiểm tra đối với kết quả kiểm tra và công tác tham mưu chỉ đạo điều hành theo lĩnh vực được phân công.
           Với sự quan tâm của lãnh đạo Cục, sự trách nhiệm cao của cán bộ công chức, tin tưởng công tác kiểm tra của các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố sẽ ngày càng đi vào nền nếp, bài bản, chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển bển vững của thi hành án dân sự thành phố./.


Theo Đỗ Thị Thanh Thủy- Trưởng Phòng KT&GQKNTC

Các tin đã đưa ngày: