Sign In

Một số vướng mắc khi ra quyết định thi hành án

28/09/2021

Quyết định thi hành án có vai trò đặc biệt quan trọng, khởi động toàn bộ quá trình thi hành án. Việc ra quyết định thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 23, Điều 36 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014(Luật THADS), Điều 6, Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP); Điều 1 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC và Thông tư số 01/2016/TT-BTP quy định về hệ thống biểu mẫu nghiệp vụ THADS.
Căn cứ theo quy định tại Điều 36 Luật THADS, Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành đối với các phần bản án, quyết định sau: Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án; Trả lại tiền, tài sản cho đương sự; Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước ( Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP, các khoản thu khác cho Nhà nước thuộc diện cơ quan THA chủ động ra quyết định THA quy định tại điểm c khoản 2 Điều 36 Luật THADS bao gồm: khoản truy thu thuế; khoản viện trợ cho Nhà nước; khoản bồi thường cho Nhà nước, cơ quan Nhà nước hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng; khoản thu nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước); Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
Theo khoản 1 Điều 36 Luật THADS, thi hành ánthi hành ánthi hành án thi hành án
Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định tương đối cụ thể về việc ra quyết định thi hành án, tuy nhiên trong thực tiễn việc lựa chọn loại quyết định thi hành án chủ động hay theo yêu cầu vẫn còn gặp phải một số vướng mắc, dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau. Dưới đây là một số tình huống phát sinh trong thực tiễn liên quan đến vấn đề này.
Bản án số 411/2020/HSST ngày 15/5/2020 của Tòa án nhân dân thành phố X tuyên: Ông Lại Văn T phải bồi thường trả cho Ngân hàng V số tiền 83.512.000đ, xác nhận bị cáo đã bồi thường số tiền: 57.424.000đ, bị cáo còn phải bồi thường số tiền còn thiếu 26.088.000đ.
-Trả cho Ngân hàng V số tiền 57.424.000đ
(Toàn bộ số vật chứng nêu trên Cục THADS thành phố X đang quản lý, theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 20/02/2020, còn số tiền theo UNC tại Kho bạc nhà nước Quận H quản lý ngày 10/2/2020)
Đối với trường hợp này, quan điểm thứ nhất cho rằng:  Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 36 Luật THADS Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án đối với các phần bản án, quyết định về “trả lại tiền, tài sản cho đương sự”. Đây là khoản tiền bản án đã tuyên trả lại cho Ngân hàng V, do đó cơ quan THADS ra quyết định chủ động thi hành án đối với khoản tiền trả lại này. Đối với khoản tiền bồi thường còn thiếu 26.088.000đ, khi nào Ngân hàng V có yêu cầu thi hành án, cơ quan THADS sẽ ra quyết định thi hành án theo yêu cầu đối với số tiền bồi thường còn thiếu này. Theo quan điểm này, khoản 2 Điều 36 Luật THADS đã xác định rất cụ thể: Thủ trưởng cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành án đối với phần bản án, quyết định “trả lại tiền, tài sản cho đương sự” theo đó, điều luật không quy định phân biệt nguồn tiền, tài sản nộp, thu giữ cũng như đối tượng được trả, được nhận...thuộc các bản án, quyết định khác nhau. Khoản 3, Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền: Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó”. Quá trình điều tra, xét xử thu giữ, tự nguyện nộp tiền, vật chứng...đều là đối tượng phải xử lý triệt để khi xét xử. Do đó bản án đã tuyên rõ khoản phải thi hành ở đây là “trả cho Ngân hàng”, cơ quan THADS căn cứ vào đó để tổ chức thi hành là đúng quy định và phù hợp. Mặt khác, cách tòa án tuyên “Trả cho, trả lại…” đối với khoản tiền mà bản chất là bồi thường nhưng đương sự đã tự nguyện nộp trước khi xét xử là văn minh, tiến bộ, phù hợp với tinh thần nhân đạo của Pháp luật nước ta. Vì nếu xem đây là khoản theo yêu cầu (đương sự phải yêu cầu thi hành án cơ quan THADS mới tổ chức thi hành) phần nào cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên đương sự; mặt khác còn liên quan đến thời hiệu yêu cầu thi hành án, (trong khi số tiền đó đã được bồi thường). Hơn nữa, đây là khoản tiền hiện đang do cơ quan THADS quản lý. Do đó, cơ quan THADS phải ra quyết định thi hành án chủ động để tổ chức thi hành án đối với trường hợp này.
Bên cạnh đó, có quan điểm lại cho rằng: Bản án đã tuyên: “trả cho Ngân hàng V số tiền 57.424.000đ”, khoản “Trả cho” ở đây không được hiểu là “ Trả lại” . Đây là khoản tiền bồi thường cho công dân, cơ quan, tổ chức, do đó không thuộc trường hợp cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành án. Trường hợp này, cơ quan thi hành án cần thông báo cho ngân hàng V làm đơn yêu cầu thi hành án đối với khoản tiền bồi thường này.
Mặt khác, quan điểm thứ hai cũng đặt ra vấn đề là có thu phí thi hành án đối với số tiền trên hay không. Theo Điều 60 Luật THADS và Điều 6 Thông tư 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 quy định “Người được thi hành án phải nộp phí THADS”; Các trường hợp không phải chịu phí thi hành án bao gồm: “7. Tiền, tài sản được trả lại cho đương sự trong trường hợp chủ động thi hành án quy định tại điểm b khoản 2 Điều 36 Luật THADS; 8.Trường hợp  tiền, tài sản mà đương sự tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định tại Điều 45[1] Luật THADS”. Mặc dù Tổng cục THADS đã có hướng dẫn không thu phí đối với trường hợp đương sự tự nguyện nộp tiền trước khi xét xử[2]. Tuy nhiên về lâu dài cần bổ sung quy định về việc không thu phí thi hành án đối với khoản tiền đương sự nộp trước khi xét xử vào các văn bản hướng dẫn thi hành để việc thực hiện được thống nhất.
Do còn có nhiều quan điểm chưa thống nhất trong việc lựa chọn quyết định thi hành án chủ động hay theo yêu cầu đối với các trường hợp như trên nên việc thi hành án còn gặp nhiều khó khăn. Đề nghị cần tiếp tục có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.
 
Ths. Hoàng Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên
 

[1]Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhân đượcquyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án”

[2] Tông cục THADS, tài liệu tập huấn nghiệp vụ Thi hành án năm 2018; xem thêm : Nguyễn Đức Hiếu; Về việc thu phí thi hành án hay không thu phí đối với khoản tiền có trước khi xét xử; https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/lists/tuthuctien/view_detail.aspx?itemid=575; ngày đăng: 30/8/2018

 

Các tin đã đưa ngày: