Chính quyền cấp cơ sở có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các quyền và lợi ích của người dân tại địa phương; là đầu mối để các cơ quan, ban ngành triển khai các hoạt động của mình tới cơ sở, cũng là đầu mối giải quyết các công việc của các cơ quan, tổ chức và cá nhân ngoài phạm vi của địa phương, góp phần bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy nhà nước từ trung ương tới cơ sở.
Từ quy định của Luật thi hành án dân sự
Trong Luật Thi hành án dân sự, khác với quy định về vai trò của Ủy ban nhân cấp huyện và cấp tỉnh là vai trò chỉ đạo thì vai trò của Ủy ban cấp xã và chính quyền cấp cơ sở là vai trò phối hợp. Tại các Điều 38, 42, 44, 44a, 72, 88, 117, 120 và Điều 175 của Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định vai trò, nhiệm vụ của chính quyền cấp cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là thực hiện phối hợp trong các hoạt động gồm thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ khác về thi hành án dân sự trên địa bàn.
Đến vai trò và hiệu quả trong thực tiễn
Mặc dù quy định của Luật Thi hành án chỉ có một số quy định về vai trò, nhiệm vụ, thẩm quyền và sự tham gia của chính quyền cấp cơ sở trong việc tổ chức thi hành án dân sự như nêu trên, nhưng thực tế phản ánh, chính quyền cấp cơ sở luôn thường trực và các nhiệm vụ của chính quyền cấp cơ sở là xuyên suốt cả quá trình thi hành án. Có thể nói, chính quyền cấp cơ sở xuất hiện từ đầu hoạt động thi hành án cho đến khi kết thúc. Vì vậy, việc hỗ trợ của chính quyền cấp cơ sở trong hoạt động thi hành án dân sự là thường xuyên, liên tục trong quá trình tổ chức thi hành án. Chính quyền cấp cơ sở tham gia phối hợp bằng nhiều cách, như cử công chức tham gia cùng với Chấp hành việc trong hoạt động thông báo, xác minh, cưỡng chế; cung cấp thông tin; xác nhận vào các biên bản làm việc; giáo dục công dân trên địa bàn nhận thức và chấp hành các yêu cầu hợp pháp của cơ quan thi hành án dân sự.v.v.
Nhiều trường hợp khi tiến hành xác minh, người phải thi hành án cố tình trốn tránh, từ chối không làm việc, không tiếp xúc, thậm chí còn có hành vi chống đối, đe dọa Chấp hành viên hoặc người làm công tác thi hành án. Tuy nhiên, khi thành phần tham gia đoàn làm việc có đại diện chính quyền địa phương và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc cấp phó thì kết quả hoàn toàn khác, vì họ là những người gần nhất và thường xuyên tiếp xúc, hiểu rõ hoàn cảnh, có tình làng nghĩa xóm, hàng xóm láng giềng hoặc có khi có họ hàng với đương sự, tạo ra sự gần gũi, cảm thông, thấu hiểu và tạo được không khí làm việc thoải mái để đương sự có sự hợp tác tốt nhất, góp phần tạo sự thuận lợi, hiệu quả trong công tác thi hành án. Có những vụ việc thuộc loại khó khăn, phức tạp, có bức xúc, khiếu kiện kéo dài nhưng nhờ có sự vận động, thuyết phục, giải thích và vào cuộc tích cực của chính quyền cấp cơ sở mà đương sự đã tự nguyện thi hành án, vụ việc được giải quyết dứt điểm.
Trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án, nhất là đối với những vụ việc cưỡng chế có huy động lực lượng, việc vào cuộc của chính quyền địa phương đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Chính quyền cấp cơ sở chính là đơn vị đầu tàu, đứng mũi chịu sào trong việc tập hợp, thống nhất ý trí, tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân tại địa phương. Chính quyền cấp cơ sở cũng là người nắm bắt, cung cấp thông tin, diễn biến tâm lý, hoàn cảnh và các điều kiện khác của đối tượng bị cưỡng chế để Chấp hành viên và cơ quan thi hành án có cơ sở, thông tin xây dựng kế hoạch, tổ chức cưỡng chế. Chính quyền cấp cơ sở trực tiếp tham gia tổ chức cưỡng chế và cuối cùng là người trực tiếp hoặc gián tiếp giải quyết các công việc tiếp theo sau khi việc cưỡng chế thi hành án và việc tổ chức thi hành án án kết thúc như bảo vệ người được giao nhà, giao tài sản, bảo vệ an ninh, trật tự địa phương sau cưỡng chế, xem xét hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản.v.v.
Thực tế cho thấy ở địa phương nào cơ quan thi hành án hoặc Chấp hành viên có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp cơ sở thì ở đó công tác tổ chức thi hành án được thực hiện đầy đủ, chặt chẽ thủ tục, đạt hiệu quả cao, bền vững và ngược lại.
Do đó, thiết nghĩ, các cơ quan thi hành án và Chấp hành viên cần đưa nội dung tăng cường sự phối hợp với chính quyền cấp cơ sở là một trong các biện pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự./.
Lê Tập