Sign In

Đề xuất thông báo các văn bản trong lĩnh vực thi hành án dân sự qua VNeID

31/03/2025

Ngày 28-3, Trường Đại học Luật TPHCM phối hợp với Cục Thi hành án dân sự (THADS) TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thi hành án dân sự năm 2025.
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các đại biểu góp ý, đề xuất hoàn thiện Dự thảo Luật Thi hành án dân sự năm 2025 theo định hướng của Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Bà Đặng Thị Thương Hoài, đại diện Cục THADS TPHCM cho biết, ngành THADS TPHCM đang tích cực thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về tinh gọn bộ máy và Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Vì vậy, tinh thần của luật cũng cần phản ánh đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng.
 

Bà Đặng Thị Thương Hoài, đại diện Cục THADS TPHCM phát biểu tại hội thảo
 
Đại diện Cục THADS TPHCM kiến nghị, cần bổ sung thêm hình thức thông báo điện tử trong THADS. Theo đó, bên cạnh các hình thức thông báo trực tiếp, niêm yết công khai và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nên quy định thông báo qua ứng dụng VNeID. Đây là ứng dụng định danh công dân trên môi trường kỹ thuật số, cung cấp các tiện ích phát triển công dân số, chính phủ số, xã hội số, đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực.

Theo ông Nguyễn Tiến Pháp, Phó Chủ tịch Hội Thừa phát lại TPHCM, trong bối cảnh sắp xếp bộ máy, việc xã hội hóa công việc này là một xu thế tất yếu. Dự thảo Luật THADS trao cho Thừa phát lại vai trò quan trọng trong việc tổ chức thi hành án, với các quyền hạn và trách nhiệm tương tự như Chấp hành viên, đồng thời quy định rõ về tổ chức và hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại.

Ông Pháp đề xuất bổ sung quy định về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan THADS và Văn phòng Thừa phát lại; quy định về cơ chế phối hợp, trách nhiệm của cơ quan hữu quan trong việc phối hợp cùng Thừa phát lại để tổ chức thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, cần quy định bổ nhiệm ngay những Chấp hành viên đã học qua khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thừa phát lại mà không phải qua thi tuyển nghiệp vụ, để tạo cơ chế để thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ Thừa phát lại.

Kết luận hội thảo, GS.TS. Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM phân tích, việc xây dựng luật phải vì lợi ích của dân chứ không phải vì cơ quan thi hành án hay cơ quan chức năng nào khác. Bên cạnh đó, ông Đại cũng cho rằng, cùng các giải pháp trên, cần nghiên cứu cơ chế, chế tài để thúc đẩy đương sự tự nguyện thi hành án.
 
THÀNH CHUNG
https://www.sggp.org.vn


Theo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG ONLINE

Các tin đã đưa ngày: