Theo Cục THADS tỉnh, 6 tháng đầu năm, đơn vị tiếp nhận và thụ lý thi hành hơn 8.200 việc, thụ lý về tiền hơn 2.800 tỉ đồng. Với lượng án về việc và tiền lớn, nhiều vụ việc phức tạp nhưng đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ phải ra quyết định cưỡng chế 31 trường hợp. Kết quả này một phần là nhờ vào hiệu quả từ công tác vận động, tổ chức thi hành án một cách khoa học.
Theo ông Lê Phước Toàn, Cục trưởng Cục THADS tỉnh, để làm tốt công tác THADS, trước hết đòi hỏi cán bộ phải nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của tòa, tìm hiểu thông tin, nhân thân và mối quan hệ giữa các đương sự để có thể tìm ra biện pháp phù hợp, tránh phải áp dụng đến biện pháp cưỡng chế làm phát sinh các tình huống phức tạp. Đồng thời phải kiên trì vận động, giải thích cho đương sự và gia đình thấy rõ trách nhiệm của mình.
Vừa qua, Chi cục THADS thành phố Vị Thanh tiến hành bàn giao thành công tài sản là quyền sử dụng đất cho người được thi hành án mà trước đó có thể gọi là khó khăn.
Cụ thể, khi Bản án số 10 ngày 8-6-2023 của Tòa án nhân dân tỉnh có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án là bà T. có đơn yêu cầu Chi cục THADS thành phố buộc ông M. giao phần đất có diện tích 3.407,1m2, tọa lạc tại ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, cho mình sử dụng.
Quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên tích cực xác minh, làm rõ thông tin thửa đất, điều kiện thi hành án và nhân thân của đương sự. Tiếp đó, tiến hành vận động, thuyết phục, giải thích, giúp đương sự hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của bản thân.
Sau thời gian kiên trì tiếp xúc, bằng sự khéo léo, chấp hành viên đã thuyết phục thành công ông M. tự nguyện giao đất mà không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Ông Trần Thanh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố, cho biết: “Trong công tác thi hành án thì việc đối thoại, tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, chia sẻ tâm tư, hoàn cảnh đương sự là rất quan trọng. Tại chi cục, đối với mỗi hồ sơ khi thụ lý đều được bàn bạc kỹ lưỡng trước khi phân công cho chấp hành viên. Đơn vị luôn xem công tác dân vận trong thi hành án có vai trò vô cùng quan trọng, được dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện của đôi bên, cưỡng chế chỉ là biện pháp cuối cùng”.
Song song đó, công tác tiếp công dân, giải thích pháp luật đối với công dân cũng được ngành đặc biệt quan tâm.
Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Phi Long, ngụ xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, là người được thi hành án - cho rằng bản án chậm thi hành nên yêu cầu cục xem xét.
Tiếp ông, bộ phận tiếp công dân Cục THADS tỉnh nghiêm túc lắng nghe, nắm tâm tư, nguyện vọng, tiến hành giải thích, hướng dẫn rõ các quy định pháp luật và nguyên nhân khách quan, chủ quan trong quá trình tổ chức thi hành. Qua buổi làm việc, ông Long hài lòng về thái độ tiếp công dân cũng như được hướng dẫn, giải thích tận tình.
Ngoài tiếp công dân, ngành cũng tăng cường kiểm tra đối với công tác này về giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các chi cục; định kỳ cục phối hợp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trao đổi, rà soát đối với các đơn thư của dân gửi hoặc của ban, ngành chuyển đến.
Ông Lê Phước Toàn cho biết thêm: “Ngành THADS tỉnh luôn lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến phản ánh của dân; quá trình thi hành án, đơn vị luôn tìm giải pháp vận động đương sự bàn bạc, thống nhất tự nguyện thi hành. Điều này vừa làm cho mối quan hệ hai bên không căng thẳng, vừa giúp cơ quan chức năng giảm thời gian xác minh, kê biên, nhất là hạn chế được phát sinh khiếu nại, tố cáo”.
Bài, ảnh: B.B
Theo Hậu Giang Online