Sign In

Bình chọn các sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành Tư pháp

13/12/2024

Bình chọn các sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành Tư pháp

Bình chọn các sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành Tư pháp

1. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp và có nhiều chỉ đạo quan trọng về công tác tư pháp và pháp luật trong Kỷ nguyên mới
Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024, Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp nhằm đánh giá toàn diện công tác tư pháp và định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Tại buổi làm việc, Đồng chí Tổng Bí thư ghi nhận, đánh giá cao vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật. Trước những cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đồng chí Tổng Bí thư đã đưa ra một số nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể mà Bộ, ngành Tư pháp phải tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm xây dựng hệ thống pháp luật vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, góp phần đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Buổi làm việc thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác tư pháp và pháp luật, tiếp tục khẳng định hoàn thiện thể chế, pháp luật là một trong ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đồng thời là sự định hướng để toàn Ngành tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu, kết hợp với đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ được giao.
 
2. Công tác xây dựng pháp luật có nhiều đổi mới, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực để phát triển
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6, Khóa XIII về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" đặt ra yêu cầu  “Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.  
Năm 2024, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở đổi mới tổ chức và hoạt động của Tổ công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban Chỉ đạo do đồng chí Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban). Bộ, ngành Tư pháp đã chủ trì nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật đã được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội Khóa XV; đồng thời đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương rà soát các văn bản pháp luật, xác định vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật, trong đó chú trọng vào lĩnh vực pháp luật về phân cấp, ủy quyền, cắt giảm thủ tục hành chính và một số lĩnh vực quan trọng khác. Trên cơ sở kết quả rà soát, Ban Chỉ đạo đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành văn bản phù hợp, hiệu quả để xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, ngày 29/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua 03 dự án luật sửa đổi, bổ sung 13 luật thuộc lĩnh vực tài chính, kế hoạch và đầu tư từ chính kết quả rà soát văn bản QPPL do Ban Chỉ đạo tham mưu, đề xuất. Kết quả rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản QPPL được Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ ghi nhận và được các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hoan nghênh, đánh giá tích cực.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ đề xuất đưa vào Chương trình, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua 30 dự án luật, dự thảo nghị quyết tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong đó có nhiều dự án luật, nghị quyết được xây dựng theo tinh thần, tư duy đổi mới, bám sát thực tiễn phát triển của Việt Nam, kịp thời thể chế hóa kịp thời những chủ trương mới của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Để triển khai các luật, pháp kệnh, nghị quyết trên, lần đầu tiên, Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ tổ chức thành công 02 Hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8 Quốc hội khoá XV. Hội nghị là một trong những giải pháp cụ thể trong việc triển khai thực hiện yêu cầu trong các nghị quyết của Đảng về “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”.
Năm 2024 cũng là năm ghi dấu sự nỗ lực vượt bậc của Bộ, ngành Tư pháp trong việc thẩm định các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Với trọng tâm nâng cao chất lượng, đảm bảo tính khách quan và giá trị thực tiễn, công tác thẩm định đã đạt được những kết quả ấn tượng, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước. Cụ thể, Bộ Tư pháp đã thẩm định 152 đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định là 222 văn bản; các Sở Tư pháp thẩm định 2.069 văn bản và các Phòng Tư pháp thẩm định là 1.124 văn bản.
Những kết quả nêu trên không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn mà còn khẳng định vai trò nòng cốt của Bộ, ngành Tư pháp trong việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Sự ghi nhận tích cực từ lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cộng đồng xã hội chính là động lực để Bộ tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
 
3. Đội ngũ cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng được củng cố, phát triển; được ghi nhận và thể hiện vị thế, vai trò quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đội ngũ cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ; được củng cố, kiện toàn, được quan tâm quy hoạch, bố trí vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở Trung ương và địa phương. Trong đó đặc biệt là việc giới thiệu, bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiện toàn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thông qua chức danh pháp chế viên tại các tổ chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương. 
Tại Thông báo kết luận số 108-TB/VPTW ngày 18/11/2024, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu cần phải quan tâm đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao và có cơ chế điều động, luân chuyển cán bộ, công chức của Bộ, ngành Tư pháp đi địa phương để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời  yêu cầu các cấp ủy địa phương quan tâm phân công cấp ủy viên phụ trách công tác tư pháp và cơ cấu Giám đốc Sở Tư pháp tham gia cấp ủy cấp tỉnh.
Những bước phát triển mới trong công tác cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp chính là tiền đề quan trọng, khẳng định sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí Tổng Bí thư đối với vai trò và đóng góp của cán bộ tư pháp. Đây vừa là nguồn động viên to lớn nhưng cũng là vinh dự, trách nhiệm của mỗi cán bộ ngành Tư pháp để tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu trong công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng và thi hành pháp luật; đóng góp chung vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của từng địa phương và cả nước.
 
4. Bộ Tư pháp đứng đầu chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ
Theo công bố của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ vào ngày 17/4/2024, Chỉ số Cải cách hành chính của Bộ Tư pháp trở lại xếp thứ 01/17 bộ. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp, Bộ Tư pháp duy trì Top 02 Bộ dẫn đầu về Chỉ số Cải cách hành chính cấp bộ. Kết quả trên là sự ghi nhận cho nỗ lực của Bộ trong việc đẩy mạnh đổi mới, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu và thực hiện Dịch vụ công trực tuyến, cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Theo Quyết định số 565/QĐ-BTP ngày 03/4/2024, toàn ngành Tư pháp đã có 54 Thủ tục hành chính có thể thực hiện Dịch vụ công trực tuyến toàn trình; trong đó có nhiều thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như cấp Phiếu lý lịch tư pháp, trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử. Đặc biệt, từ ngày 01/10/2024, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến trên ứng dụng VneID, chấm dứt việc người dân phải xếp hàng, chờ đợi để lấy Phiếu lý lịch tư pháp.
Kết quả này cũng tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp trong việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ thực hiện cải cách thể chế - một trong ba đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
 
5. Công tác thi hành án dân sự đạt toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trọng tâm, kết quả cao nhất từ trước đến nay 
Năm 2024, công tác thi hành án dân sự tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức khi số việc và số tiền thụ lý mới tiếp tục tăng cao (tăng 71.511 việc, tương ứng với 11,23% và trên 80.188 tỷ đồng, tương ứng với 48,51% về tiền), tính chất ngày càng phức tạp, nhiều vụ việc có số tiền và số người được thi hành án đặc biệt lớn (như vụ Tân Hoàng Minh với tổng số bị hại là 6.630 người; đã chi trả 6.492 bị hại với số tiền hơn 8.600 tỷ đồng). Trong bối cảnh đó, bám sát sự lãnh đạo của Đảng; Quốc hội; sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Hệ thống THADS trong triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt các giải pháp. Kết quả thi hành án tăng đều trên tất cả các phương diện với tổng số thi hành hơn 1 triệu việc (trong đó số có điều kiện thi hành hơn 739.000 việc, toàn hệ thống đã thi hành xong hơn 620.000 việc đạt tỷ lệ gần 84%, thu, xử lý hơn 116.000 tỷ đồng đạt tỷ lệ gần 52%; thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng hơn 30.544 tỷ đồng; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực với hơn 22.177 tỷ đồng; cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 896/1.973 bản án, quyết định hành chính, tăng 314 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2023).
 
6. Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 được tổ chức thành công, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp"
Với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng Doanh nghiệp; nhằm đổi mới hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, Bộ Tư pháp đã chủ động tham mưu, đề xuất Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương đã tổ chức Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”. Diễn đàn được tổ chức vào ngày 09/10/2024 với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương. Tại Diễn đàn, Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lắng nghe các ý kiến phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia nhằm nắm bắt, nhận diện những vướng mắc pháp lý, khó khăn, cản trở từ quá trình tổ chức thực hiện; đồng thời giải đáp, trả lời và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Diễn đàn đã thu hút hơn 3.700 người tham dự.  
Ngay sau Diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, xử lý các vấn đề vướng mắc pháp lý thực tiễn mà cộng đồng Doanh nghiệp đã phản ánh; tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trong thời gian tới. Diễn đàn là một trong những dấu ấn nổi bật của ngành Tư pháp trong năm 2024, là điểm nhấn của công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, tích cực hưởng ứng Ngày Doanh nhân Việt Nam, Ngày Pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, thông qua Diễn đàn đã lan toả nội dung, tinh thần ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh làm giàu chính đáng, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
 
7. Công bố Bộ pháp điển Việt Nam 
Ngày 05/11/2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức công bố Bộ pháp điển Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Nhà nước ta có Bộ pháp điển và là thành quả, sự quyết tâm, chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và Bộ Tư pháp trong hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012 và Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển. 
Bộ Pháp điển gồm 45 chủ đề, với 271 đề mục, được tập hợp, sắp xếp, cập nhật chính xác, khoa học, kịp thời các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành theo các nhóm quan hệ xã hội, lĩnh vực (dưới hình thức các chủ đề, đề mục) và truyền tải trên phương tiện điện tử, Bộ pháp điển giúp các cơ quan, tổ chức và cá nhân dễ dàng, thuận tiện trong việc quản lý, tiếp cận, tra cứu, tìm kiếm, áp dụng các quy định của pháp luật một cách hệ thống, toàn diện, chính xác, góp phần tích cực nâng cao tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật Việt Nam. Mặt khác, thông qua việc thực hiện pháp điển và cập nhật các QPPL vào Bộ pháp điển, các cơ quan nhà nước ở Trung ương có ý thức thường xuyên hơn về việc nhận diện, kiểm soát các văn bản QPPL thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của mình, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời những bất cập, hạn chế trong các quy định pháp luật.
Bộ pháp điển Việt Nam là sản phẩm chính thức của Nhà nước, do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý và được khai thác, sử dụng miễn phí trên Cổng thông tin điện tử pháp điển dưới dạng điện tử (phapdien.moj.gov.vn). Việc công bố và đưa Bộ Pháp điển vào cuộc sống là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh truyền thông chính sách pháp luật, tăng cường ý thức thượng tôn pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng các quy định pháp luật và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn phát triển hiện mới của đất nước. 
 
8. Triển khai cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến trên phạm vi toàn quốc qua ứng dụng VNEID
Ngày 24/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 656/TTg-KSTT ngày 24/8/2024 về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc từ ngày 01/10/2024 tới 30/6/2025. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở kết quả thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID của thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an rà soát, hoàn thiện và ban hành Quy trình số 570/TTLLTPQG-QLHC ngày 20/9/2024. Với sự đồng lòng, quyết tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, đến nay, 63/63 Sở Tư pháp đã thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên địa bàn tỉnh/thành phố và người dân trên cả nước đều đã được tiếp cận, sử dụng dịch vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.
Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID đã tạo ra nhiều tiện ích, thuận lợi cho cả người dân và cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp. Theo đó, quy trình thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp hoàn toàn trên môi trường điện tử, người dân có thể đề nghị yêu cầu cấp Phiếu mọi lúc, mọi nơi thông qua điện thoại thông minh; thủ tục và thành phần hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp được đơn giản hóa tối đa, chỉ bao gồm Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, trong đó thông tin nhân thân đã được xác thực và điền tự động, người dân chỉ phải điền hoặc tích một vài thông tin và nộp phí theo hình thức trực tuyến. Thời gian thực hiện thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp chỉ trong vòng khoảng 5 phút. Với kết quả nhận được là Phiếu lý lịch tư pháp điện tử, người dân có thể sử dụng nhiều lần để thực hiện các thủ tục hành chính khác, không cần phải cung cấp bản giấy, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian. Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp cũng được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 03 ngày làm việc. Có thể nói, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trong toàn quốc là một giải pháp đột phá, thay đổi mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Phiếu Lý lịch tư pháp, tạo thêm sự lựa chọn mới thuận lợi cho người dân có yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước hiện tại về lý lịch tư pháp. 
 
9. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện theo hướng xã hội hoá mạnh mẽ, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp 
Năm 2024, công tác xây dựng văn bản trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được đặt làm nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp, theo đó, Bộ đã tập trung xây dựng và trình cấp có thẩm quyền thông qua 02 Luật, cụ thể như sau:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 27/6/2024 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, với tỷ lệ 100% đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, là Luật có tỷ lệ số phiếu tán thành tuyệt đối và cao nhất từ trước đến nay của Bộ, ngành Tư pháp. Luật đã sửa đổi, bổ sung 43 điều, bổ sung 02 điều mới, bãi bỏ 02 điều và một số điểm, khoản của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, trong đó tập trung vào ba nhóm chính sách lớn, cụ thể là: (i) sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu giá viên và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản điều kiện phát triển số lượng, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đấu giá, thúc đẩy hoạt động đấu giá tài sản theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội; (ii) sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, bổ sung một số quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù là quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, đồng thời, khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản; (iii) sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm người có tài sản, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu giá tài sản, trong đó bổ sung chế tài cấm tham gia đấu giá có thời hạn đối với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá bị huỷ.
Với những điểm mới quan trọng nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã tiếp tục thể chế hoá đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá tài sản; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Luật Công chứng được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 26/11/2024 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Luật Công chứng gồm 8 Chương, 76 Điều (giảm bớt 02 Chương, 05 Điều so với Luật Công chứng năm 2014) với nhiều quy định mới về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, thủ tục công chứng… để khắc phục những điểm bất cập, hạn chế của Luật Công chứng năm 2014, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát sinh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch. 
Luật Công chứng năm 2024 đã khẳng định rõ công chứng là dịch vụ công do công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Đồng thời, lần đầu tiên Luật Công chứng có quy định về giao dịch phải công chứng  nhằm xác định rõ tiêu chí đối với các giao dịch phải công chứng, đồng thời quy định Bộ Tư pháp rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng, chứng thực trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc xác định các giao dịch phải công chứng, tăng tính minh bạch trong quá trình áp dụng pháp luật. 
Bên cạnh đó, các quy định mới của Luật Công chứng năm 2024 về tiêu chuẩn, điều kiện, quyền, nghĩa vụ và quản lý nhà nước đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, hành nghề công chứng và thủ tục công chứng đã tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; phù hợp với chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo đảm phân cấp, phân quyền hợp lý; tiếp tục xã hội hóa, giảm tải cho bộ máy nhà nước, tạo cơ chế hoạt động minh bạch; đơn giản thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trong xã hội; đề cao trách nhiệm và vai trò đóng góp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đối với xã hội, đồng thời tiếp tục xác định công chứng không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần mà là một nghề bổ trợ tư pháp; hoạt động công chứng phải góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, nhất là giao dịch về bất động sản, phòng ngừa tranh chấp, khiếu kiện, hỗ trợ hoạt động xét xử; tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và xã hội, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
 
10. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Bộ Tư pháp được vinh danh là cơ quan chuyển đổi số xuất sắc
Với “quyết tâm thực hiện chuyển đổi số toàn diện, sâu rộng, thực chất và hiệu quả”, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới chuyển đổi số trong hoạt động chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ; phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tiêu biểu là lĩnh vực Đăng ký biện pháp bảo đảm với Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản. Từ năm 2021, lĩnh vực này đã đạt yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình từ việc tiếp nhận, giải quyết đến ký số và trả kết quả. Tính đến ngày 30/11/2024, tỷ lệ đăng ký trực tuyến đã đạt 87,5%. Đặc biệt, số lượng hồ sơ Dịch vụ công đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản luôn chiếm 98% số lượng hồ sơ đối với toàn bộ các Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tư pháp; hệ thống đăng ký trực tuyến đang trực tiếp phục vụ hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin cho hơn 10.900 tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân khác với hơn 8.333.218 hồ sơ đăng ký trong CSDL về biện pháp bảo đảm, trung bình mỗi ngày có hơn 3.300 yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin, hơn 1.500 văn bản thông báo thế chấp phương tiện giao thông được gửi tới cơ quan đăng ký quản lý phương tiện và hơn 10.000 lượt tra cứu, tìm kiếm thông tin được thực hiện trên Hệ thống đăng ký trực tuyến.
Ngày 05/10/2024, Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản đã được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024 ở hạng mục cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc năm 2024. Đây là giải thưởng tôn vinh những thành tựu chuyển đổi số xuất sắc của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và cá nhân, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Giải thưởng được tổ chức thường niên dưới sự chủ trì của Hội Truyền thông số Việt Nam và sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Năm 2024 là năm thứ 7 Giải thưởng được tổ chức và tiếp cận hơn 16.000 lượt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước, thu hút hơn 2.000 hồ sơ tham dự; vinh danh gần 400 cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc và các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu.
Với Hệ thống đăng ký trực tuyến, người dân, doanh nghiệp có thể trực tiếp truy cập và thực hiện thao tác đăng ký ở bất kỳ nơi nào có kết nối internet và nhận được kết quả sớm mà không phải chờ đợi lâu hoặc phải đến trực tiếp trụ sở của cơ quan đăng ký. Đồng thời, Hệ thống đăng ký trực tuyến cũng giúp ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực có thể phát sinh do việc cán bộ đăng ký tiếp xúc trực tiếp với khách hàng gây ra. Nhờ đó, việc đăng ký biện pháp bảo đảm của các tổ chức, cá nhân được thực hiện chính xác, nhanh chóng, thuận lợi, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội, thúc đẩy hoạt động tín dụng phát triển. Hiện tại, quá trình giải quyết hồ sơ tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm chỉ thực hiện trung bình trong  khoảng 10 - 15 phút (giai đoạn 2002 - 2012 mất trung bình 30 - 45 phút) để người yêu cầu nhận được kết quả đăng ký là văn bản chứng nhận kết quả đăng ký được ký số và gửi qua thư điện tử; thời gian để thực hiện 1 phiếu yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm (1 TTHC) đã rút ngắn lại còn 1 giờ (bao gồm tất cả các công đoạn từ nhập thông tin vào phiếu đến gửi, nhận kết quả), giảm 4 giờ so với việc thực hiện theo phương thức trực tiếp đã giúp tiết kiệm tối đa thời gian cho các tổ chức, cá nhân và cơ quan cung cấp dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm, giảm 7 giờ so với quy định chung về thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký (1 ngày làm việc, trường hợp có lý do chính đáng thời gian giải quyết hồ sơ không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ).
Việc cung cấp dịch vụ công toàn trình về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản qua Hệ thống đăng ký trực tuyến đã góp phần nâng cao tính minh bạch về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm, giảm thiểu rủi ro cho các bên tham gia giao dịch dân sự, kinh tế; tạo tiền đề hoàn thiện hành lang pháp lý về chuẩn mực giám sát các khoản nợ có bảo đảm, tài sản bảo đảm và giao dịch khác liên quan; tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm, từ đó khuyến khích sự lưu thông của nguồn vốn, giúp thị trường hoạt động hiệu quả, sản xuất - kinh doanh phát triển.
Việc được vinh danh Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030; Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/04/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Giải thưởng “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” được trao cho Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm với sản phẩm: “Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản” là kết quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ trong quá trình tổ chức triển khai chuyển đổi số đối với lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm nói riêng, cũng như các lĩnh vực khác của Bộ, ngành Tư pháp nói chung. Đây cũng chính là kết quả của quá trình thực hiện những nhiệm vụ cụ thể theo chủ trương, đường lối của Đảng, chương trình, kế hoạch của Chính phủ và Bộ Tư pháp thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, góp phần không nhỏ vào cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, khách quan và công bằng; qua đó thúc đẩy thị trường tài chính tiền tệ, thị trường vốn phát triển an toàn và bền vững.
 
11. Phát huy vai trò của cơ quan truyền thông chủ lực về chính sách, pháp luật; lần đầu tiên Bộ, ngành Tư pháp phát động Giải Báo chí toàn quốc ngành Tư pháp 
- Với khẩu hiệu “Vì Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, Báo Pháp luật Việt Nam đã bám sát tôn chỉ, mục đích, khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ, ngành Tư pháp. Năm 2024, Báo đã cho ra mắt các Chuyên mục mới như: “Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, “Thể chể trong kỷ nguyên mới”, “Gương sáng pháp luật” và triển khai nhiều đợt cao điểm, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục nhằm tuyên truyền sâu rộng nội dung của Nghị quyết vào cuộc sống, từ đó lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; tin tưởng vào chủ trương, đường lối và sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời khơi dậy khát vọng cống hiến của mọi người dân trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các tuyến bài của Báo Pháp luật Việt Nam vừa góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam, vừa bình luận, phân tích, diễn giải, thông tin về các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác hoàn thiện pháp luật, xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị trên cả nước.
Đặc biệt, bám sát tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí..., bên cạnh việc đẩy mạnh các tuyến bài (bài phản ánh, phỏng vấn, bài đặt các chuyên gia), Báo PLVN đã tổ chức nhiều Tọa đàm, Talk show với sự tham dự của nhiều chuyên gia pháp lý, nhiều nhà khoa học để khai thác các khía cạnh về lý luận và thực tiễn trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật. Các tọa đàm: “Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới” (tổ chức trong tháng 8 và tháng 11/2024) đã để lại hiệu ứng tốt, nhận được sự quan tâm của dư luận. Thông qua những phân tích, luận giải, các đại biểu tham dự Tọa đàm đã hiến kế cho Đảng, Nhà nước nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình giải quyết vấn đề; đồng thời truyền tải ý nghĩa sâu sắc, thiết thực và lan tỏa tinh thần, tư tưởng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến mọi người dân để cùng hệ thống chính trị xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
- Hướng đến Kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống của ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2025) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI..., lần đầu tiên, Bộ Tư pháp đã phát động Giải Báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất, giao Báo Pháp luật Việt Nam là Cơ quan thường trực tổ chức Giải. Việc tổ chức Giải báo chí nhằm khẳng định vị trí, vai trò, những đóng góp to lớn của Bộ, ngành Tư pháp trong 80 năm xây dựng và trưởng thành đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhất là dấu ấn của Bộ, Ngành trong công tác hoàn thiện thể chế, thi hành pháp luật, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; việc triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. 
Đồng thời, Giải báo chí cũng góp phần phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, những người làm công tác báo chí trong việc phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình hay, sáng kiến tốt trong công tác tư pháp; những cống hiến ghi dấu ấn mạnh mẽ của những người làm công tác tư pháp, pháp chế trên cả nước, nhất là công tác tư pháp, pháp chế ở cơ sở; qua đó tạo động lực tinh thần, cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành phát huy truyền thống; tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và trí tuệ, lan tỏa những thông điệp tích cực đến người dân, xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, xây dựng ngành Tư pháp ngày càng vững mạnh. Thông qua Giải báo chí, tích cực phản ánh thông tin toàn diện về các lĩnh vực hoạt động của ngành Tư pháp nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với việc thực hiện nhiệm vụ công tác của Bộ, ngành Tư pháp. 
 
12. Luật Thủ đô năm 2024 được ban hành với nhiều chính sách đột phá đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội
Luật Thủ đô được xây dựng nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan. 
Ngày 28/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (Luật số 39/2024/QH15) với tỷ lệ thống nhất cao; đây là đạo luật quan trọng, quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố Hà Nội, gắn phân quyền với tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của Thành phố; cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật. 
Trên cơ sở kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô; đồng thời, từ tổng kết thực tiễn và nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; Luật Thủ đô 2024 đã quy định các cơ chế, chính sách, đặc thù vượt trội cho Thủ đô. So với Luật Thủ đô năm 2012 và quy định của hệ thống pháp luật, Luật Thủ đô quy định nhiều cơ chế, chính sách mới, vượt trội trên tất cả các lĩnh vực như: Tổ chức chính quyền Thủ đô, thẩm quyền đầu tư, ưu đãi, thu hút đầu tư, cơ chế đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD, về phát triển nông nghiệp, nông thôn; về phát triển y tế; về an sinh xã hội; thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình mới. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung toàn diện những nội dung đã quy định trong Luật Thủ đô năm 2012 về: tài chính - ngân sách; quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị; khoa học công nghệ, phát triển văn hóa, giáo dục đào tạo, xử lý vi phạm hành chính; nâng cấp một chương riêng về liên kết, phát triển vùng...; phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô đối với hoạt động quản lý, điều hành mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô. 
Việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô là sự kiện quan trọng đối với Bộ Tư pháp và Thành phố Hà Nội. Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực phối hợp với Thành phố Hà Nội, các cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo, trình thông qua Luật Thủ đô, qua đó, tạo lập một văn bản pháp lý quan trọng giúp cho Thủ đô có được thể chế thuận lợi nhằm khai thác và phát huy tốt nhất những tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của Thủ đô, để xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
 
13. Số vụ việc trợ giúp pháp lý trong tố tụng cho người nghèo, người yếu thế, đối tượng chính sách đạt mốc cao nhất từ trước đến nay
Hoạt động trợ giúp pháp lý đã kết hợp nhiều giải pháp với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ban ngành, các cơ quan tiến hành tố tụng, sự nỗ lực đồng lòng của cả hệ thống trợ giúp pháp lý đặc biệt là 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý trên toàn quốc.
Trong năm 2024, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác trợ giúp pháp lý, việc triển khai thực hiện Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành đạt được nhiều kết quả; Đồng thời, Bộ Tư pháp thực hiện tốt các nhiệm vụ triển khai nội dung “kết nối, đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình, chính sách về an sinh xã hội” được giao cho Bộ Tư pháp tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; triển khai, đề xuất các nội dung TGPL trong 05 Chương trình mục tiêu quốc gia  (trong đó triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, và đề xuất nội dung trợ giúp pháp lý trong Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 vừa được Quốc hội thông qua tháng 11/2024).
Công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, điển hình là việc triển khai Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về việc người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án , việc phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự 24/24 giờ trên toàn quốc  và triển khai phiên tòa trực tuyến. Tính đến ngày 31/10/2024, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ký kết chương trình/kế hoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh và hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký kết chương trình/kế hoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh. Các Chương trình phối hợp này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân biết và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý, sớm tiếp cận với trợ giúp pháp lý ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng. Việc thực hiện chỉ tiêu của trợ giúp viên pháp lý đạt kết quả tích cực... 
Để nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng xã hội đối với người yếu thế, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững của Nhà nước “không một ai bị bỏ lại phía sau”, công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý tiếp tục quan tâm chú trọng, các hình thức truyền thông đã đa dạng hơn với các phương thức khác nhau.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống, số lượng vụ việc tham gia tố tụng trong năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 và đạt mốc cao nhất từ trước đến nay, góp phần kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền công bằng trong tiếp cận công lý và công bằng trong xét xử. Trợ giúp viên pháp lý là đội ngũ nòng cốt cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người dân. Cụ thể: số vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành là 30.538 vụ việc (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023) . Tất cả các vụ việc thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên, không có vụ việc nào không đạt chất lượng. Nhiều vụ việc được đánh giá là thành công, hiệu quả. Đặc biệt, có những vụ việc được bào chữa giảm hình phạt, được chuyển tội danh nhẹ hơn (trong lĩnh vực hình sự) hoặc thắng kiện, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình (trong lĩnh vực dân sự và hành chính). Nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý đã được đài truyền hình VTV, truyền thanh và báo chí đưa tin. Hàng trăm vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội được Cục Trợ giúp pháp lý kịp thời nắm bắt thông tin, chỉ đạo và các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chủ động tiếp cận người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, xác minh hoặc cử Trợ giúp viên pháp lý để bảo chữa/bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Có thể khẳng định trợ giúp pháp lý đã thể hiện rõ nét chức năng xã hội của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, phòng chống oan sai; góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thực hiện chính sách an sinh xã hội, phát triển sinh kế, giảm nghèo bền vững… Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, được các cơ quan, tổ chức, Nhân dân hoan nghênh và đánh giá tích cực.
14. Thể chế về công tác pháp chế tiếp tục được đổi mới và lần đầu tiên quy định về chính sách đối với pháp chế viên
 
Ngày 18/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Nghị định số 56/2024/NĐ-CP được ban hành đã tháo gỡ cơ bản được một số vướng mắc tồn tại đã lâu trong thực tiễn thi hành. Bên cạnh hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, lần đầu tiên chức danh pháp chế viên với các ngạch pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp được quy định đối với công chức làm công tác pháp chế ở bộ, ngành, địa phương. Quy định về tiêu chuẩn ngạch pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp đã chuẩn hóa được chất lượng đội ngũ người làm công tác pháp chế, nâng cao vị thế, vai trò, bản lĩnh chính trị của người làm công tác pháp chế, thể hiện được tính chất đặc thù của công tác pháp chế. Quy định đã thể chế hóa được chủ trương của Đảng về “Củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, tổ chức làm công tác pháp luật; nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật” tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên, công chức làm công tác pháp chế ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được hưởng mức hỗ trợ được hưởng chế độ hỗ trợ ngoài lương với mức hỗ trợ là 60.000 đồng/ngày làm việc đối với công chức làm công tác pháp chế ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, và mức hỗ trợ là 40.000 đồng/ngày làm việc ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Chế độ hỗ trợ này được áp dụng cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Quy định về chế độ, chính sách này đã thể hiện sự quan tâm, động viên, khuyến khích của Đảng, nhà nước đối với đội ngũ công chức làm pháp chế; thu hút những người có năng lực, trình độ, nhiệt huyết và giữ chân những chuyên gia pháp chế giỏi tại các tổ chức pháp chế trong bối cảnh công việc giao cho pháp chế ngày càng nhiều, càng khó và đòi hỏi tính trách nhiệm cao trong tham mưu những vấn đề pháp lý; góp phần nâng cao chất lượng công tác pháp chế trong giai đoạn tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững của đất nước.
 
15. Hợp tác quốc tế về pháp luật đóng góp nhiều kết quả quan trọng khẳng định vai trò, vị thế của Bộ, ngành Tư pháp 
Quan hệ với các quốc gia láng giềng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc sang thăm và làm việc với Bộ Tư pháp Việt Nam, ký Thỏa thuận giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp CHND Trung Hoa về Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ nhất, mở ra cơ chế hợp tác pháp luật và tư pháp chưa từng có giữa hai bên; hợp tác với các Bộ Tư pháp Lào và Campuchia được tăng cường, củng cố thông qua việc ký kết chương trình hợp tác và tiếp xúc cấp Lãnh đạo Bộ nhân chuyến thăm 2  nước của Chủ tịch nước Tô Lâm; hợp tác song phương với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện tiếp tục được chú trọng, thúc đẩy, chủ đề hợp tác pháp luật là một trong những nội dung và chương trình làm việc của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong các chuyến thăm chính thức. Thông qua các chuyến thăm này, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã ký, trao văn kiện dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta và nguyên thủ nước bạn và gặp song phương với Lãnh đạo Bộ Tư pháp các nước như Úc, Mông Cổ, Pháp, Ấn Độ, Ai len, Quatar, Ả rập Xê út… hợp tác đa phương tích cực triển khai thực hiện nhiều hoạt động hợp tác về pháp luật và tư pháp trong khối ASEAN, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN ngày càng phát triển theo hướng hiệu quả và thiết thực, hợp tác với Liên minh châu Âu đạt nhiều kết quả tích cực, khả quan,… thể chế về quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật được hoàn thiện căn bản, các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật tiếp tục bám sát nguyên tắc, định hướng của Đảng, quy định pháp luật, đi đúng quỹ đạo, góp phần tích cực phục vục các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp, nâng cao vị thế, vai trò của Bộ Tư pháp trong hệ thống chính trị Việt Nam và trên trường quốc tế.


Theo Cổng TTĐT Bộ Tư pháp

Các tin đã đưa ngày: