Tiếp tục những kết quả của cuộc cải cách tư pháp năm 1950, năm 1958, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa I đã quyết định thành lập Tòa án nhân dân tối cao và Viện công tố trung ương, coi như là những cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, đứng ngoài và độc lập với Bộ Tư pháp.
Hơn một năm sau, Hiến pháp năm 1959 quy định thành lập hệ thống cơ quan xét xử của Nhà nước đứng đầu là Tòa án nhân dân tối cao và hệ thống cơ quan kiểm sát đứng đầu là Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cả hai cơ quan tư pháp tối cao này đều trực tiếp chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội, không còn chịu sự lãnh đạo của Hội đồng Chính phủ như giai đoạn trước đó.
Ngày 26/7/1960, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ nước và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Điều 3 Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ quy định danh sách các Bộ, cơ quan ngang Bộ nhưng trong đó không có Bộ Tư pháp. Ủy ban pháp chế mãi sau này mới được thành lập theo Nghị quyết ngày 14-9-1972.
Trong hoạt động thi hành án dân sự, Điều 24 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 quy định: “Tại các Tòa án nhân dân địa phương có nhân viên chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định về dân sự, những khoản xử về bồi thường và tài sản trong các bản án và quyết định hình sự. Cơ quan công an có nhiệm vụ thi hành những khoản hình phạt trong những bản án và quyết định về hình sự, trừ những khoản phạt tiền”. Như vậy, việc Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 ghi nhận hoạt động thi hành án dân sự đã khẳng định rõ nét việc chuyên môn hóa, đồng thời đề cao vị trí, vai trò của nhân viên chấp hành án, tạo cơ sở pháp lý quan trong cho hoạt động THADS.
Trên cơ sở đó, ngày 13/10/1972, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 186/TC về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên. Theo đó, Chấp hành viên các Tòa án cấp huyện có nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định của Tòa án mình và của Tòa án cấp trên hoặc của Tòa án khác ủy thác. Chấp hành viên các Tòa án cấp tỉnh thi hành những bản án, quyết định có nhiều khó khăn như các vụ việc liên quan đến bí mật quốc gia, có yếu tố quốc tế hoặc tài sản thi hành nằm ở nhiều địa phương khác nhau. Tên gọi “Chấp hành viên” đã ra đời và tồn tại từ đó cho đến ngày nay.
Sau khi các cơ quan THADS được tổ chức thành một hệ thống riêng, độc lập thì Chấp hành viên luôn được xác định là người giữ vị trí, vai trò trung tâm, quyết định trong hoạt động THADS. Điều 17, Điều 20 Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) khẳng định Chấp hành viên có nhiệm vụ kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công, thi hành đúng nội dung bản án, quyết định, áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên./.
Ths. Nguyễn Xuân Tùng Chánh Văn phòng Tổng cục THADS
Tài liệu tham khảo:
1. Văn phòng Ủy ban thường vụ Quốc hội (1976), Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
2. Tìm hiểu Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1976), Nxb Sự thật.
Theo Cổng TTĐT Bộ Tư pháp