Sign In

TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

17/11/2015

         Công tác thi hành án dân sự là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, gắn công tác thi hành án dân sự với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội và an ninh trật tự ở từng địa phương. Đây là nhiệm vụ được xác định trong Chỉ thị số 50-CT/TU ngày 11/9/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
         Thời gian vừa qua, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được cấp ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) trong tỉnh quan tâm chỉ đạo. Khi mới được tái lập năm 2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 18/10/2004 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức đối với công tác thi hành án dân sự. Tiếp đó, ngày 12/10/2006 UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 14/2006/CT-UBND về việc tăng cường chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Thực hiện Công văn số 156-CV/BCS ngày 25/12/2014 của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp về việc đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc trung ương phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, ngày 11/9/2015 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang ban hành Chỉ thị số 50-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
         Từ năm 2004 đến nay cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành về công tác thi hành án dân sự, đội ngũ công chức làm công tác thi hành án dân sự ngày càng được bổ sung và hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành án dân sự vẫn còn gặp nhiều khó khăn, sự phối hợp trong thi hành án dân sự giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan có lúc, có nơi chưa tốt, thiếu chặt chẽ.
         Để khắc phục những khó khăn trên và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 187/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang yêu cầu:
         1. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo về hoạt động của Cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp. Lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; tạo điều kiện để cơ quan Thi hành án dân sự hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên trong công tác quản lý, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng công chức ngành thi hành án. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cấp ủy đảng, đảng viên trong cơ quan Thi hành án dân sự.
         2. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh quan tâm lãnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự hai cấp; hỗ trợ kinh phí đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, nhất là xây dựng kho vật chứng.
         3. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân hai cấp và các tổ chức, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật.
         4. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể cùng nhân dân tăng cường công tác giám sát đối với công tác thi hành án dân sự; chú trọng giám sát việc chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của Chấp hành viên, công chức và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác thi hành án dân sự.
         5. Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật và các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật có liên quan nhất là Luật Thi hành án dân sự đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức đầy đủ về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công tác thi hành án dân sự.
         6. Cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trực tiếp là Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự hai cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thi hành án.
         Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn giao Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy, Cục Thi hành án dân sự tỉnh theo dõi, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện định kỳ 6 tháng báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy./.
                                                                                                       Trúc Ly - VP Cục THADS tỉnh Hậu Giang

Các tin đã đưa ngày: