Sign In

Bán tài sản theo quyết định của Tòa án để trả nợ, người mua tài sản đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu tài sản vẫn bị kê biên để thi hành án. Đã đúng pháp luật quy định?

07/07/2015

Trên trang thông tin điên tử của Tổng cục Thi hành án dân sự, ngày 13/6/2015 chúng tôi có bài “Từ một bài báo, nghĩ về một quyết định của Tòa án”. Nội dung bài viết, chúng tôi muốn trao đổi một quyết định của Tòa án, chúng tôi cho rằng, đây là một quyết định “khó thi hành”. Tuy nhiên, cơ quan Thi hành án dân sự vẫn đưa ra tổ chức thi hành, đã bị khiếu nại gay gắt. Có các quan điểm giải quyết khác nhau, đến nay chưa giải quyết được.
Ở bài này, chúng tôi muốn trao đổi: Người phải thi hành án đã bán tài sản của mình để trả nợ theo quyết định của Tòa án. Việc mua bán ngay tình, cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu tài sản cho người mua. Cơ quan Thi hành án dân sự cưỡng chế, kê biên tài sản của người mua đã đúng pháp luật quy định?
Với mong muốn việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn công tác thi hành án dân sự được chính xác, có căn cứ, hiểu và áp dụng pháp luật được chính thống. Để tiện theo dõi, chúng tôi xin nêu lại quyết định của Tòa án và việc tổ chức thi hành án.
Quyết định của Tòa án đã tuyên
Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 60/2014/QĐST-DS ngày 11/7/2014 của Tòa án nhân dân (TAND) thành phố KT, xử: Bà Hồ Thị Như L phải trả cho bà Dương Thị Thu Tr số tiền 3.200.000.000 đồng (ba tỉ, hai trăm triệu đồng), như sau: Trả 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng), trả vào ngày 18/7/2014 (bà Tr phải có trách nhiệm đề nghị Tòa án mở phong tỏa tài sản để bà L bán trả nợ số tiền trên). Trả 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) tiếp theo, trả vào ngày 18/9/2014 (trong thời hạn 02 tháng từ ngày 18/7/2014 đến ngày 18/9/2014 bà L bán được tài sản đứng tên bà L thì bà L trả cho bà Tr số tiền trên). Số tiền còn lại 2.200.000.000 đồng (hai tỷ, hai trăm triệu đồng), bà L trả dần trong thời hạn 44 tháng, mỗi tháng trả 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng), bắt đầu từ tháng 10/2014 trả vào ngày 18 hàng tháng. (Trong thời gian trả nợ bà Hồ Thị Như L bán được tài sản đứng tên bà L thì bà L sẽ trả cho bà Tr 10% giá trị tài sản bán được). Bà L phải trả cho bà Tr tiền lãi là 1,125%/tháng số tiền chậm trả tại thời điểm trả nợ.
Kể từ thời điểm các đương sự thỏa thuận và bà Dương Thị Thu Tr có đơn yêu cầu thi hành án mà bà Hồ Thị Như L chưa trả đủ số tiền nêu trên thì bà Hồ Thị Như L còn trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán”.
Nhưng trước đó, ngày 03/7/2014 (trước 07 ngày) Tòa án ra Quyết định số 336/2014/QĐ-BPKCTT, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 277/2014/QĐ-BPKCTT ngày 30/5/2014 của Tòa này.
Sau khi được Tòa án ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Vợ chồng bà L đã bán tài sản của mình là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, số phát hành BK 128772, thuộc thửa số 192, tờ bản đồ số 9, diện tích 67,5 m2, địa chỉ 108 Lê Hồng Phong, thành phố KT (gọi tắt là: nhà đất tại 108 Lê Hồng Phong), mang tên bà Hồ Thị Như L và ông Lưu Văn Đ (nhà, đất đã bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định số 277/2014/QĐ-BPKCTT ngày 30/5/2014 của TAND TP KT), cho vợ chồng bà Bùi Thị Thanh H và ông Võ Văn M. Hợp đồng chuyển nhượng, công chứng ngày 30/7/2014, UBND thành phố KT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BR 133153 cho vợ chồng bà Bùi Thị Thanh H và ông Võ Văn M vào ngày 11/9/2014.
Tổ chức thi hành án
Ngày 06/10/2014  bà Tr ủy quyền cho chồng là ông Đỗ Văn H toàn quyền thực hiện việc được thi hành án. Ông H có đơn yêu cầu THA đề ngày 07/10/2014, yêu cầu thi hành: Bà L phải trả bà Tr 500.000.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án. Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố KT ra Quyết định thi hành án theo đơn số 60/QĐ-CCTHA ngày 09/10/2014, cho thi hành: Buộc bà Hồ Thị Như L phải trả cho bà Dương Thị Thu Tr số tiền 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) và lãi suất chậm thi hành án và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành.
Ngày 10/10/2014 cơ quan Thi hành án dân sự nhận đơn đề nghị áp dụng biện pháp bảo đảm của ông H. Lý do ông H đề nghị: Bà L đã chuyển nhượng nhà đất 108 Lê Hồng Phong cho người khác vào ngày 30/7/2014, nhưng không trả tiền. Cùng ngày CHV ra quyết định số 01/QĐ-CCTHA, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với bà Hồ Thị Như L là: Toàn bộ quyền sử dụng đất theo "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, số phát hành BK 128772, thuộc thửa số 192, tờ bản đồ số 9, diện tích 67,5 m2, địa chỉ 108 Lê Hồng Phong, thành phố KT, mang tên bà Hồ Thị Như L và ông Lưu Văn Đ vào ngày 27/8/2014".
Sau khi áp dụng biện pháp bảo đảm, chấp hành viên tiến hành xác minh. Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết: Tài sản nêu trên bà L đã chuyển nhượng cho vợ chồng bà H vào ngày 27/8/2014. Được UBND thành phố KT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BR 133153 cho vợ chồng bà Bùi Thị Thanh H và ông Võ Văn M.
Tiếp đến, chấp hành viên ra quyết định số 04/QĐ-CCTHA ngày 27/10/2014,  cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản đối với bà Hồ Thị Như L là nhà, đất tại 108 Lê Hồng Phong, để thi hành án. Chấp hành viên xác định nhà, đất tại 108 Lê Hồng Phong là tài sản chung của vợ chồng bà L và ông Đ. Ra Thông báo số 88/TB-THA ngày 28/10/2014, về việc xác định phần sở hữu chung tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình. Tại thông báo này, chấp hành viên phân chia ông Đ được hưởng ½ giá trị tài sản, nếu không đồng ý, trong thời hạn 30 ngày ông bà có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia.
Ngày 30/10/2014 bà L có đơn trình bày gửi cơ quan Thi hành án dân sự, cho biết ngày 18/7/2014 bà L đã trả bà Tr số tiền 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) như thỏa thuận. Tại đơn này bà L khảng định: “.. sau ngày 30/7/2014 tôi không còn là chủ quyền sở hữu ngôi nhà 108 Lê Hồng Phong, thành phố KT”. Bà L còn viện dẫn quyết định của Tòa án: “Bà L trả cho bà Tr 500.000.000 đồng vào ngày 18/7/2014 (bà Tr phải có trách nhiệm đề nghị Tòa án mở phong tỏa tài sản để bà L bán trả nợ số tiền trên) và trả 500.000.000 đồng vào ngày 18/9/2014 (trong thời hạn 02 tháng từ ngày 18/7/2014 đến ngày 18/9/2014 bà L bán được tài sản đứng tên bà L thì bà L trả cho bà Tr số tiền trên”. Bà L còn quả quyết: “Hiện nay tôi rất có thiện chí trả các khoản nợ và tôi còn có nhiều tài sản khác đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ. Điều này được thể hiện tại biên bản làm việc ngày 03/10/2014 giữa tôi với chấp hành viên ĐTT, biên bản ghi rõ ý kiến của tôi”.
Sau khi biết được cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định cưỡng chế kê biên nhà đất 108 Lê Hồng Phong. Bà Bùi Thị Thanh H khiếu nại, cho rằng: Khi mua, vợ chồng bà được bà L cho biết: Vợ chồng bà L bán ngôi nhà này để trả nợ theo quyết định của Tòa án. Nhà, đất vợ chồng bà mua của vợ chồng bà L là ngay tình, hợp pháp, đúng trình tự, thủ tục pháp luật qui đinh. Cơ quan có thẩm quyền đã cấp quyền sở hữu cho vợ chồng bà. Vợ chồng bà H không liên quan đến việc thi hành án. Cơ quan Thi hành án dân sự kê biên tài sản của vợ chồng bà là xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp của công dân. Vì thế bà H yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự trả lại tài sản cho vợ chồng bà.
Tổ chức thi hành án đã đúng pháp luật qui định?
Tại quyết định giải quyết khiếu nại, thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự thành phố cho rằng: Việc chuyển nhượng nhà, đất sau ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Bà L không dùng 10% số tiền tài sản bán được để trả nợ cho bà Tr như đã thỏa thuận. Chấp hành viên ra quyết định số 01/QĐ-CCTHA, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với bà Hồ Thị Như L là phù hợp với qui định tại khoản 1, khoản 2 Điều 66 Luật Thi hành án dân sự và quyết định số 04/QĐ-CCTHA ngày 27/10/2014, cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản đối với bà Hồ Thị Như L là nhà, đất tại 108 Lê Hồng Phong đã chuyển nhượng cho vợ chồng bà Bùi H để thi hành án là đúng qui định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT/BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010. Nên không chấp nhận đơn khiếu nại của bà H.
Không đồng ý quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự thành phố, bà H khiếu nại lên Thủ trưởng Thi hành án dân sự tỉnh yêu cầu giải quyết. Đến đây, có hai quan điểm khác nhau về giải quyết vụ việc.
Quan điểm thứ nhất đồng tình với việc giải quyết khiếu nại của Chi cục trưởng Thi hành án dân sự thành phố KT. Tức là việc áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của chấp hành viên là đúng quy định của pháp luật.
Quan điểm khác cho rằng tài sản đã chuyển nhượng theo quyết định của Tòa án. Người mua đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu tài sản. Tài sản không còn sở hữu của người phải thi hành án kể từ khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu tài sản cho người mua. Chấp hành viên ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế như vậy là không đúng pháp luật, xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp của công dân.
Chúng tôi thấy, quan điểm nào đi chăng nữa cũng phải có căn cứ, đúng pháp luật qui định. Đối với vụ việc này, trước hết phải xem quyết định của Tòa án tuyên đã rõ ràng, chính xác, đúng thực tế hay không? Như viện dẫn ở trên, rõ ràng Quyết định của Tòa án, xử bà L phải trả cho bà Tr số tiền 3.200.000.000 đồng, được chia làm ba lần, hạn cuối cùng là ngày 18/5/2017. Nhưng ở đoạn dưới lại ghi: "Trong thời gian trả nợ bà Hồ Thị Như L bán được tài sản đứng tên bà L thì bà L sẽ trả cho bà Tr 10% giá trị tài sản bán được".
Vậy, bà L phải trả cho bà Tr số tiền 3.200.000.000 đồng, làm ba lần như đoạn văn trên, hay phải trả cho bà Tr 10% giá trị tài sản bán được, như đoạn văn dưới?  
Về lãi suất chậm thi hành án, Quyết định của TA ghi: "Bà L phải trả cho bà Tr tiền lãi là 1,125%/tháng số tiền chậm trả tại thời điểm trả nợ".
Nhưng đoạn dưới liền kề ghi: "Kể từ thời điểm các đương sự thỏa thuận và bà Dương Thị Thu Tr có đơn yêu cầu thi hành án mà bà Hồ Thị Như L chưa trả đủ số tiền nêu trên thì bà Hồ Thị Như L còn trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà Nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán".
Tuyên như vậy, bà L phải trả lãi suất chậm thi hành án 1,125%/tháng, hay theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà Nước công bố?
Điều đáng bàn, là Đơn yêu cầu thi hành án đề ngày 07/10/2014, của ông H, nội dung yêu cầu: Bà L phải trả bà Tr 500.000.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án. Vậy, yêu cầu Bà L phải trả bà Tr 500.000.000 đồng lần đầu vào ngày 18/7/2014 hay lần tiếp theo vào ngày 18/9/2014?  Về “lãi suất chậm thi hành án”, không liên quan đến nội dung quyết định của Tòa án, nói đúng hơn là không đúng quyết định của Tòa án đã tuyên. Bởi, về lãi suất do chậm trả nợ quyết định của Tòa án không có dòng nào tuyên: “lãi suất chậm thi hành án”, mà tuyên: “Bà L phải trả cho bà Tr tiền lãi là 1,125%/tháng số tiền chậm trả tại thời điểm trả nợ”. Và “Kể từ thời điểm các đương sự thỏa thuận và bà Dương Thị Thu Tr có đơn yêu cầu thi hành án mà bà Hồ Thị Như L chưa trả đủ số tiền nêu trên thì bà Hồ Thị Như L còn trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà Nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán”.
Như đã phân tích, đơn yêu cầu thi hành án của ông H không đúng với quyết định của Tòa án đã tuyên. Thế nhưng cơ quan Thi hành án dân sự vẫn nhận đơn và ra Quyết định thi hành án. Ra quyết định thi hành án như vậy đã đúng pháp luật quy định?
Trở lại việc tổ chức thi hành án của chấp hành viên, Chúng tôi thấy, Quyết định của TA có đoạn tuyên: (bà Tr phải có trách nhiệm đề nghị Tòa án mở phong tỏa tài sản để bà L bán trả nợ số tiền trên). Sao ông H còn đề nghị cơ quan Thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm? Yêu cầu này có đúng thỏa thuận của đôi bên đã được Tòa án ra quyết định công nhận? Theo đơn trình bày của bà L, sau khi bán được tài sản bà L đã trả bà Tr 500 triệu đồng. Đơn đề nghị áp dụng biện pháp bảo đảm của ông H, đưa ra lý do bà L bán tài sản không trả. Vậy, lý do ông H đã trung thực? Sao không được chấp hành viên làm rõ?
Tuy vậy, cùng ngày chấp hành viên ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, như vậy có vội vàng? Đúng pháp luật qui định? Tại khoản 1 Điều 66 Luật Thi hành án dân sự, qui định: "… áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án…". Tức là, khi người phải thi hành án đang còn tài sản, chưa "tẩu tán, hủy hoại tài sản" của mình. Phát hiện có dấu hiệu "tẩu tán, hủy hoại" mới áp dụng biện pháp bảo đảm, nhằm ngăn chặn việc "tẩu tán, hủy hoại" tài sản để đảm bảo việc thi hành án. Nếu đã tẩu tán, hủy hoại hoàn thành thì không thể áp dụng biện pháp bảo đảm. Bởi, có áp dụng cũng không có khả thi, không có hiệu lực trên thực tế.
Ở đây, bà L bán tài sản của mình theo sự thỏa thuận của bà Tr, được Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận. Việc mua bán đã hoàn tất, tài sản thuộc sở hữu của người mua, đâu còn tài sản của người phải thi hành án mà áp dụng biện pháp bảo đảm? Hơn nữa, bà L bán tài sản theo quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Chấp hành viên ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm như vậy không có hiệu quả, chưa đúng pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của vợ chồng bà H.
Theo qui định của pháp luật, ông H yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng qui định. Ông H phải chịu hậu quả theo khoản 2 Điều 66 luật Thi hành án dân sự quy định: "Người yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường".
Tại quyết định giải quyết khiếu nại, thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự thành phố cho rằng: Việc chuyển nhượng nhà, đất sau ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Bà L không dùng 10% số tiền tài sản bán được để trả nợ cho bà Tr như đã thỏa thuận.
Đương nhiên, việc chuyển nhượng nhà, đất sau ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Bởi quyết định của Tòa án tuyên: “bà Tr phải có trách nhiệm đề nghị Tòa án mở phong tỏa tài sản để bà L bán trả nợ số tiền trên”. Tòa án đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, bà L mới dám bán tài sản của mình theo quyết định của Tòa án để trả nợ. Còn việc bà L không dùng số tiền bán được tài sản để trả nợ là lỗi của bà L, không liên quan đến vợ chồng bà H. Kể từ ngày vợ chồng bà H đăng ký quyền sở hữu tài sản theo qui định tại khoản 1 Điều 168 Bộ luật Dân sự năm 2005. Tài sản thuộc quyển sử dụng, sở hữu hợp pháp của vợ chồng bà H, không còn là sở hữu của vợ chồng bà L. Sao không có biện pháp gì để xử lý bà L? Mà kê biên tài sản hợp pháp của vợ chồng bà H?
Tại hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Vợ chồng bà L bán nhà, đất tại 108 Lê Hồng Phong cho vợ chồng bà H với giá 700.000.000 đồng (bảy trăm triệu đồng). Nếu bà L dùng 10% số tiền tài sản bán được để trả nợ cho bà Tr như đã thỏa thuận, thì số tiền phải trả là 70 triệu đồng. Theo đơn trình bày của bà L gửi cơ quan Thi hành án dân sự, thì bà L đã trả bà Tr 500 triệu đồng sau khi bán được tài sản (gấp hơn 7 lần 10% số tiền tài sản bán được). Quyết định giải quyết khiếu nại của Chi cục trưởng cho rằng Bà L không dùng 10% số tiền tài sản bán được để trả nợ cho bà Tr như đã thỏa thuận, là không đúng.
Chúng tôi thấy, Điều 106 Hiến pháp năm 2013, qui định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.
Điều 19 Bộ luật Tố tụng dân sự cũng qui định: “Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được mọi công dân, cơ quan, tổ chức tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Toà án phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Toà án nhân dân và các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Toà án phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó”.
Việc bà L bán tài sản của mình theo quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để trả nợ là hoàn toàn đúng pháp luật quy định. Cơ quan Thi hành án dân sự phải căn cứ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để tổ chức thi hành.
Khoản 1, Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT/BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự, quy định về kê biên, xử lý tài sản để thi hành án:
"Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. …".
Điều luật này qui định nhằm xử lý người phải thi hành án có hành vi tẩu tán tài sản sau khi Bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp pháp luật qui định khác. Vậy, pháp luật qui định khác như thế nào? Hơn ai hết, những người làm công tác thi hành án dân sự phải biết. Như chúng ta đều biết, Luật Thi hành án dân sự là luật hình thức, qui định trình tự, thủ tục thi hành án dân sự. Còn các qui định khác đã có ngành luật tương ứng điều chỉnh. Như quy định về tài sản quyền sử dụng, sở hữu tài sản; Căn cứ xác lập quyền sở hữu; Căn cứ chấm dứt quyền sở hữu; Bảo vệ quyền sở hữu; … đã có luật nội dung quy định, điều chỉnh, như Bộ luật Dân sự và các luật khác liên quan.
Ở trường hợp cụ thể này, người phải thi hành án bán tài sản của mình để trả nợ theo quyết định của Tòa án (cũng là trường hợp pháp luật qui định khác). Người mua tài sản thiết lập quyền sở hữu tài sản theo Bộ luật dân sự, luật Đất đai quy định (cũng là pháp luật quy định khác). Theo chúng tôi, cơ quan Thi hành án dân sự thành phố hiểu và áp dụng Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT/BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010, như vậy là chưa chính xác, đầy đủ.
Chấp hành viên vẫn cho rằng , nhà, đất tại 108 Lê Hồng Phong thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bà L và ông Đ. phân chia ông Đ được hưởng ½ giá trị tài sản, ngày 28/10/2014 ra Thông báo, nếu không đồng ý, trong thời hạn 30 ngày ông bà có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia.
Tại đơn trình bày, bà L đã khảng định: “.. sau ngày 30/7/2014 tôi không còn là chủ quyền sở hữu ngôi nhà 108 Lê Hồng Phong, thành phố KT”. Đương nhiên ông Đ không giám nhận ½ giá trị tài sản mà Chấp hành viên chia cho ông. Vợ chồng bà L không bao giờ khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia. Bởi theo pháp luật qui định không còn tài sản của mình nữa.
Như phân tích ở trên, qua vụ việc này chúng tôi thấy từ việc nhận đơn yêu cầu thi hành án, ra quyết định thi hành án và quá trình tổ chức thi hành án chưa chặt chẽ, chưa đúng pháp luật. Theo chúng tôi, để giải quyết dứt điểm vụ việc này, căn cứ vào qui định của pháp luật:
- Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án;
- Có văn bản giải thích cho người được thi hành án biết lý do thu hồi quyết định thi hành án (theo chúng tôi lý do quyết định của Tòa án “khó thi hành”, dẫn đến ra quyết định thi hành án không đúng quyết định của Tòa án như phân tích ở trên);
- Có văn bản yêu cầu người có thẩm quyền xem xét lại Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 60/2014/QĐST-DS ngày 11/7/2014 của TAND thành phố KT theo trình tự giám đốc thẩm theo qui định của pháp luật;
- Có biện pháp xử lý ông H về hành vi yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng, gây thiệt hại cho vợ chồng bà H (nếu có) theo qui định tại khoản 2 Điều 66 luật THADS qui định.
- Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thu hồi Quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản số 04/QĐ-CCTHA ngày 27/10/2014 của CHV. Yêu cầu CHV ra quyết định giải tỏa kê biên trả lại tài sản cho vợ chồng bà H theo pháp luật qui định.
Chúng tôi căn cứ vào các qui định của pháp luật, để phân tích một việc thi hành án đang bị khiếu nại. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quí độc giá, nhất là những người làm công tác thi hành án dân sự để vụ việc được giải quyết đúng pháp luật, thấu tình đạt lý, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự nhất là hiểu và áp dụng pháp luật được chính các, đúng đắn, chính thống.
Phạm Công Ý


Theo Trang Thông Tin Thi hành án dân sự

Các tin đã đưa ngày: