Sign In

Một số điểm mới quan trọng của Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự

28/09/2015

Một số điểm mới quan trọng của Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự
Ngày 18/7/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi là Nghị định số 62/2015/NĐ-CP). Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2015 và thay thế Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự; Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự; Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP.
Mục tiêu của việc thu hút 03 Nghị định trên thành 01 Nghị định chung hợp nhất quy định chi tiết các vấn đề trong Luật Thi hành án dân sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự là nhằm giảm số lượng văn bản hướng dẫn thi hành, thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật. Bài viết này sẽ tổng hợp một số điểm mới của Nghị định 62/2015/NĐ-CP so với các quy định trước đây như sau:

1. Về thành lập Ban chỉ đạo thi hành án (Điều 3)

Về việc thành lập Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện, khoản 2 Điều 3 Nghị định không quy định việc Ủy ban nhân dân các cấp phải thành lập Ban chỉ đạo thi hành án như quy định tại Nghị định 74/2009/NĐ-CP trước đây mà quy định chỉ thành lập trong trường hợp cần thiết, do đó, tùy thuộc ở từng địa phương, có thể thành lập hoặc không thành lập nếu thấy không cần thiết. Đây là một điểm mới của Nghị định sau khi tiếp thu các ý kiến của thành viên Chính phủ.

2. Về trình tự, thủ tục nhận lại đơn yêu cầu thi hành án trong trường hợp đã trả đơn yêu cầu thi hành án trước ngày 01/7/2015 (Điều 4)

Quá trình thực hiện Luật thi hành án dân sự năm 2008 có nhiều trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã trả đơn yêu cầu thi hành án. Do Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự đã bỏ cơ chế trả đơn yêu cầu thi hành án nên đương sự có thể sẽ thực hiện quyền yêu cầu thi hành án trở lại. Để đảm bảo quyền của người được thi hành án, khoản 5 Điều 4 Nghị định quy định đối với trường hợp đã trả đơn yêu cầu thi hành án trước ngày 01/7/2015 mà đương sự yêu cầu thi hành án trở lại thì cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trả đơn phải ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án.

3. Về thỏa thuận thi hành án (Điều 5)

Luật Thi hành án dân sự đã ghi nhận đương sự có quyền thỏa thuận trong thi hành án. Trên thực tế, sau khi có bản án, quyết định của Tòa án, các đương sự có thể thỏa thuận việc thi hành án với nhau mà chưa cần thiết phải nộp đơn đến cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, việc các đương sự thỏa thuận với nhau và tự thực hiện thỏa thuận đó cần có một hành lang pháp lý cụ thể để trong trường hợp không thực hiện đúng nội dung thỏa thuận thì các bên có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án tiếp tục tổ chức thi hành án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Việc các bên đương sự thỏa thuận với nhau trong quá trình tổ chức thi hành án được nhà nước khuyến khích nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật và không gây thiệt hại cho người thứ ba. Để thỏa thuận đó thực sự có hiệu quả trong việc thi hành án thì khi thỏa thuận các bên phải thấy rõ được hậu quả pháp lý nếu thực hiện không đúng nội dung thỏa thuận thì các bên có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án tiếp tục tổ chức thi hành án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Do đó, Điều 5 Nghị định đã bổ sung, làm rõ quy định về việc thỏa thuận theo nguyên tắc:
- Việc thỏa thuận phải được lập thành văn bản ghi rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký của các bên tham gia thỏa thuận.
- Trường hợp không thực hiện đúng thỏa thuận thì có quyền yêu cầu thi hành án đối với các nghĩa vụ của bản án, quyết định chưa được thi hành.

4. Về ra quyết định thi hành án (Khoản 3, Điều 6)

Nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và hạn chế việc trong một số vụ án kinh tế, tham nhũng tài sản của nhà nước mà các cơ quan hoặc tổ chức quản lý tài sản của nhà nước không làm đơn yêu cầu thi hành án dẫn đến bản án mặc dù đã có hiệu lực pháp luật nhưng tài sản nhà nước không được thu hồi hoặc một số vụ án mà bị cáo phải nộp trả nhà nước tiền thuế. Việc chậm hoặc không làm đơn yêu cầu thi hành án nên không có căn cứ ra quyết định thi hành án, tạo điều kiện cho người phải thi hành án tẩu tán tài sản. Do đó, để tránh việc thất thoát tài sản nhà nước đối với các khoản tiền của nhà nước đã giao cho các cơ quan, tổ chức quản lý hoặc làm đại diện thì khi có bản án, quyết định của Tòa án thì cần quy định cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án mà không phụ thuộc vào đơn yêu cầu thi hành án.
Do đó, Nghị định đã bổ sung quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án đối với các khoản thu khác cho Nhà nước quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự thuộc diện chủ động ra quyết định thi hành án bao gồm khoản truy thu thuế; khoản viện trợ cho Nhà nước và các khoản bồi thường cho Nhà nước trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; các khoản thu khác nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước.

5. Về xác minh điều kiện thi hành án (Điều 9)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự bỏ quy định trách nhiệm của người được thi hành án phải xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án mà Chấp hành viên phải chịu trách nhiệm tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của nguời phải thi hành án. Để việc xác minh đạt hiệu quả và đảm bảo tính khách quan, Nghị định đã bổ sung quy định người phải thi hành án có trách nhiệm kê khai tài sản, kể cả số tiền mà người phải thi hành án hiện có theo yêu cầu của Chấp hành viên và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình. Đây là quy định mới nhằm rằng buộc trách nhiệm của người phải thi hành án đối với hoạt động thi hành án và có khả năng giảm bớt việc tẩu tán tài sản trong thi hành án.
Luật sửa đổi, bổ sung cũng bỏ cơ chế trả đơn yêu cầu thi hành án mà trong trường hợp khi kết quả xác minh người phải thi hành án không có tài sản điều kiện để đảm bảo việc thi hành án Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án. Để đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án theo quyết định của Tòa án, tránh tình trạng việc Chấp hành viên chưa làm hết trách nhiệm của mình khi tiến hành xác minh, trong trường hợp cơ quan thi hành án đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án nhưng người được thi hành án cung cấp thông tin điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải tiến hành xác minh lại nội dung mà đương sự đã cung cấp để có căn cứ tổ chức thi hành án.
Bên cạnh đó, để có khắc phục tình trạng khi cơ quan thi hành án ủy thác việc thi hành án đến địa phương khác nhưng cơ quan thi hành án nơi nhận ủy thác thực hiện việc xác minh thì người phải thi hành án không cư trú hoặc không có tài sản ở địa phương mình dẫn đến tình trạng hồ sơ bị đùn đẩy từ cơ quan thi hành án này sang cơ quan thi hành án khác, Khoản 2 Điều 9 Nghị định đã bổ sung quy định về “ủy quyền xác minh”. Mục đích của ủy quyền xác minh là làm rõ thông tin về tài sản, nơi cư trú … của người phải thi hành án hoặc các thông tin liên quan đến việc thi hành án, trên cơ sở đó làm căn cứ để cơ quan thi hành án thực hiện việc ủy thác thi hành án hoặc tổ chức thi hành án được chính xác hơn.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự cũng đã bổ sung quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án. Đây là quy định mới của Luật Thi hành án dân sự, vì vậy, để đảm bảo việc thực hiện quy định trên của cơ quan thi hành án được chính xác và không xảy ra tiêu cực trong quá trình tổ chức thi hành án, Khoản 5, Khoản 6 Điều 9 Nghị định đã quy định điều kiện cơ quan thi hành án chuyển sang sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện thi hành án và cơ quan thi hành án phải tổ chức thi hành án khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án trở lại.

6. Về yêu cầu thay đổi Chấp hành viên (Điều 10)

Để đảm bảo quyền của các đương sự trong hoạt động thi hành án, đương sự có quyền thay đổi Chấp hành viên trong một số trường hợp sau:
-  Thuộc trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 21 Luật Thi hành án dân sự;
-  Chấp hành viên đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng trong cùng vụ án đó;
-  Chấp hành viên giải quyết vụ việc cố tình kéo dài thời gian thi hành án không đúng quy định của pháp luật;
-  Có căn cứ khác cho rằng Chấp hành viên không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

7. Về công khai thông tin của người phải thi hành án (Điều 11)
           
Điều 106 Hiến pháp năm 2013 quy định “Bản án và quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Do đó, sau khi ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án để đảm bảo người phải thi hành án không trốn tránh nghĩa vụ thi hành án hoặc tẩu tán tài sản thì cơ quan thi hành án sẽ thực hiện việc đăng tải thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác minh để niêm yết. Do đó, Nghị định quy định sau khi ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án, cơ quan thi hành án thực hiện việc đăng tải thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác minh để niêm yết. Việc đăng tải thông tin của người phải thi hành án trên trang thông tin điện tử thực hiện theo nguyên tắc:
- Chỉ được đăng tải thông tin của người phải thi hành án sau khi đã có quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án;
- Khi xác định được thông tin về sự thay đổi tên, địa chỉ, nghĩa vụ và điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải bổ sung, sửa đổi thông tin và công khai nội dung thay đổi.
- Khi người thi hành án đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án hoặc việc thi hành án đã được đình chỉ thì phải chấm dứt việc đăng tải thông tin của người phải thi hành án.

8. Về chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án cho người thứ ba (Khoản 2 Điều 15)

Để hướng dẫn nội dung Luật thi hành án dân sự quy định các đương sự thỏa thuận việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ về thi hành án cho người thứ ba thì người thứ ba có quyền, nghĩa vụ của đương sự, trong điều kiện hiện nay nhà nước đã thành lập công ty mua bán nợ để thực hiện việc mua bán các khoản nợ liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng, Nghị định quy định việc chuyển giao quyền nghĩa vụ thi hành án theo nguyên tắc:
- Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án phải đúng quy định của Bộ luật Dân sự và không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;
- Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký của các bên.

9. Về trách nhiệm của người thứ ba giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án (Điều 23)

Để có biện pháp tăng cường trách nhiệm của người thứ ba đang giữ tiền và tài sản của người thi hành án, tránh trường hợp người thứ ba giúp người phải thi hành án tẩu tán tiền, tài sản, khoản 2 Điều 23 Nghị định đã bổ sung quy định nếu người thứ ba không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên mà dẫn đến cơ quan thi hành án không thể tổ chức thi hành án được thì họ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

10. Về kê biên tài sản để thi hành án (Điều 24)

Khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự quy định Chấp hành viên chỉ được kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án. Để hạn chế đương sự tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, tạo hành lang pháp lý rõ ràng về trình tự thủ tục thi hành án dân sự và tạo cơ chế phối hợp liên ngành trong quá trình xét xử thi hành án, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, Khoản 1, Điều 6, Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã quy định:
Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án.
Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án”.
Quy định trên đã hạn chế rất nhiều tình trạng người phải thi hành tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành, góp phần giúp cơ quan thi hành án có cơ sở pháp lý để xử lý tài sản của người phải thi hành án đã chuyển nhượng sau khi có án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy định trên cũng bộc lộ một số hạn chế. Theo quy định tại Điều 692 Bộ Luật dân sự năm 2005 thì “Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai”. Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”; Khoản 3 Điều 188 Luật Thi hành án dân sự quy định: “ Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điêm đăng ký vào sổ địa chính”. Căn cứ các quy định trên, nếu người phải thi hành án chuyển nhượng tài sản của mình cho người khác thông qua hình thức phù hợp với quy định pháp luật thì tài sản đó không thuộc sở hữu của người phải thi hành án. Mặt khác, theo quy định tại Điều 71, Luật Thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án chỉ có thể kê biên, xử lý tài sản thuộc sở hữu của người phải thi hành án để đảm bảo việc thi hành án. Do đó, quy định tài sản chuyển dịch sau khi có bản án sơ thẩm mà không thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự vẫn bị kê biên đã xâm phạm, gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình.
Trong thực tế, khi thực hiện quy định này, cơ quan thi hành án đều hướng dẫn người thứ ba khởi kiện nhưng đa số họ đều không thực hiện việc khởi kiện với lý do giữa người mua tài sản và người bán không có tranh chấp; trường hợp người được thi hành án khởi kiện thì Tòa án không thụ lý vì đương sự không cung cấp được các tài liệu chứng minh để có căn cứ cho Tòa thụ lý như mục đích chuyển nhượng là nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Thực tế xảy ra trường hợp hết thời hiệu khởi kiện, cơ quan thi hành án tiến hành xử lý tài sản, thực hiện việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua trúng đấu giá hoặc người nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án nhưng khi họ đến làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất thì cơ quan đăng ký từ chối với lý do họ đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người thứ ba, việc cấp giấy chứng nhận không có vi phạm nên không có cơ sở để xem xét thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cấp mới cho người mua trúng đấu giá. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan thi hành án gây thiệt hại cho người mua trúng đấu giá.
Khoản 32 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự đã quy định trong trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án hoặc tự mình yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch đó là vô hiệu. Đối với việc chuyển dịch và thế chấp sau khi có án phúc thẩm, tức là sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì hành vi tẩu tán và trốn tránh nghĩa vụ thi hành án cơ bản rõ ràng hơn. Do đó, Điều 24 Nghị định đã thu hút, sửa đổi, bổ sung mới quy định tại Khoản 1, Điều 6, Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, theo đó, kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho hoặc bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cầm cố cho người khác thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án.
Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự.

11. Về bán đấu giá và xử lý kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án (Điều 27)

Để xác định thời điểm tiền bán đấu giá tài sản được coi là tiền thi hành án để thực hiện chi trả cho người được thi hành án, Điều 27 Nghị định quy định:
- Người mua được tài sản bán đấu giá sẽ thực hiện nộp tiền mua tài sản vào tài khoản của cơ quan thi hành án;
- Xác định thời hạn người mua phải nộp tiền mua tài sản;
- Xác định thời hạn cơ quan thi hành án phải giao tài sản cho người mua đấu giá;
- Cách thức xử lý khi người mua không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình;   
- Thời điểm xác định tiền bán tài sản là tiền thi hành án để thực hiện việc thanh toán tiền cho người được thi hành án kể từ ngày giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá.

12. Về đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (Điều 28)

Việc kê biên quyền sử dụng đất thường là biện pháp cuối cùng mà Chấp hành viên áp dụng, người phải thi hành án thường chống đối quyết liệt, không hợp tác, không tự nguyện nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cơ quan thi hành án làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nhận tài sản. Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 không có quy định hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khác. Điều 106 Luật Đất đai năm 2013 quy định đính chính, thu hồi giấy chứng nhận đã cấp thì không có trường hợp nào liên quan đến hoạt động kê biên cưỡng chế thi hành án nên khi cơ quan thi hành án dân sự không thu hồi được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của họ. Do đó, Điều 28 Nghị định quy định theo nguyên tắc: trong trường hợp Chấp hành viên kê biên quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành án mà không thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cơ quan thi hành án có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy giấy chứng nhận đã cấp và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới cho người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án.     

13. Về nguyên tắc miễn, giảm phí thi hành án trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (Điểm c Điều 48)

Để khuyến khích người được thi hành án thi hành án tích cực, chủ động trong việc cung cấp thông tin, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, khi người được thi hành án cung cấp thông tin điều kiện về tài sản của người phải thi hành án mà cơ quan thi hành án có thể tiến hành xử lý tài sản đó để đảm bảo việc thi hành án cho người được thi hành án thì họ sẽ được miễn, giảm phí thi hành án tương ứng với số tiền hoặc tài sản thu được từ thông tin mà họ cung cấp cho cơ quan thi hành án. Để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật về miễn, giảm phí thi hành án trong trường hợp này, Điều 48 của Nghị định đã quy định nguyên tắc áp dụng việc miễn, giảm phí thi hành án cho người được thi hành án.
- Việc miễn phí thi hành án cho người được thi hành án được áp dụng khi đủ 02 điều kiện:
+ Cơ quan thi hành án đã có quá trình tổ chức thi hành án và đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo quy định tại Khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự;
+ Người được thi hành án cung cấp được tài sản của người phải thi hành án mà cơ quan thi hành án xử lý được tài sản để đảm bảo thi hành án.
- Việc giảm một phần phí thi hành án cho người được thi hành án được áp dụng khi đủ 02 điều kiện:
+ Trong trường hợp họ cung cấp được các điều kiện thi hành án của người phải thi hành án;
+ Cơ quan thi hành án dựa trên các thông tin đó đã xử lý được tài sản để tổ chức thi hành án thành công. Mức giảm phụ thuộc vào việc thông tin cung cấp có giúp cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án được ngay hay phải áp dụng biện pháp cưỡng chế có huy động lực lượng.

14. Về mức phí, cách tính phí thi hành án (Điều 46)

Điều 46 Nghị định đã quy định mới về mức phí, cách tính phí thi hành án, theo đó, mức phí thi hành án thấp nhất là 3% trên số tiền, giá trị tài sản thực nhận, nhưng có các bước tính lũy tiến phụ thuộc vào số tiền, giá trị tài sản được nhận tăng lên theo từng mức tiền, giá trị tài sản thực nhận.  

15. Về việc xuất cảnh của người phải thi hành án (Điều 51)

Điều 28 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh khi đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định, bản án của Tòa án. Ngoài ra, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 50 Luật Tương trợ tư pháp, người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam có thể được chuyển giao cho nước ngoài để thi hành hình phạt tù khi đã thực hiện xong phần trách nhiệm dân sự, hình phạt bổ sung là phạt tiền, tịch thu tài sản và các trách nhiệm pháp lý khác trong bản án v.v… Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện cho thấy, người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam thường không có tài sản, không có việc làm, hoàn cảnh gia đình ở nước họ mang quốc tịch cũng khó khăn nên không có khả năng thực hiện nghĩa vụ dân sự. Ngay cả trường hợp đã chấp hành xong hình phạt tù cũng ít có khả năng tìm việc làm, có thu nhập tại Việt Nam để thi hành nghĩa vụ dân sự, đồng thời cũng không được xuất cảnh về nước nên khó có thể thực hiện việc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
Mặt khác, có một số trường hợp người phải thi hành án bị ốm đau nếu không cho họ về nước chữa bệnh có thể gây nguy hại đến tính mạng sức khỏe của họ. Do đó trong một số trường hợp Bộ Tư pháp đã phải phối hợp với Bộ Công an, Cục Lãnh sự và một số cơ quan để xem xét giải quyết cho họ về.
Do đó, để tạo điều kiện cho việc xuất cảnh đối với một số trường hợp đặc biệt, Nghị định bổ sung quy định mới về việc xuất cảnh trong một số trường hợp đặc biệt, người phải thi hành án có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh khi:
- Có đủ tài sản để thực hiện nghĩa vụ và đã ủy quyền cho người khác, ủy quyền có công chứng và không được hủy ngang.
- Đã ủy quyền cho người khác mà người đó có đủ tài sản, có cam kết thi hành thay nghĩa vụ
- Có sự đồng ý của người được thi hành án.
  - Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án mà không có căn cứ chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn;
 - Là người nước ngoài phạm tội ít nghiêm trọng đang bị bệnh hiểm nghèo hoặc không có tài sản, thu nhập tại Việt Nam, có đơn cam kết thực hiện nghĩa vụ sau khi về nước.

16. Về tuyển chọn và bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển (Điều 63).

Nghị định quy định việc tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, không phải là đơn vị thủ phủ của tỉnh, có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,3 trở lên, thuộc vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Tại Phụ lục của Nghị định đã xác định toàn quốc có 32 tỉnh và 171 cơ quan thi hành án dân sự thuộc diện được tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển.
- Người được tuyển chọn để bổ nhiệm Chấp hành viên có đơn cam kết tình nguyện công tác tại cơ quan thi hành án dân sự nêu trên từ 05 năm trở lên;
- Thời gian áp dụng quy định trên kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020.

17. Về điều động, luân chuyển, biệt phái Chấp hành viên, Thẩm tra viên (Điều 70)

Để giúp cơ quan quản lý có thể điều động, luân chuyển, biệt phái công chức từ địa phương ít việc sang địa phương nhiều việc; tăng cường công chức cho các cơ quan thi hành án nhiều việc mà không làm tăng biên chế và kinh phí của nhà nước, giúp các công chức thi hành án tích lũy được nhiều kinh nghiệm và giảm tải áp lực công việc cho công chức ở một số địa bàn nhiều việc, Khoản 1 Điều 70 Nghị định quy định cụ thể thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự và Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự trong việc điều động, luân chuyển, biệt phái Chấp hành viên, Thẩm tra viên.
Trên đây là một số điểm mới của Nghị định 62/2015/NĐ-CP so với các quy định cũ được tác giả tổng hợp lại, hy vọng sẽ góp phần giúp các Chấp hành viên, cơ quan thi hành án lưu ý áp dụng Nghị định trong quá trình tổ chức thi hành án.
Nguyễn Thị Nhàn
Vụ Nghiệp vụ 1 – Tổng cục THADS


Theo Trang Thông Tin Thi hành án dân sự

Các tin đã đưa ngày: