Sign In

Phí thi hành án dân sự, một số bất cập trong thực tiễn thi hành

02/10/2012

I. Phí thi hành án dân sự.
Hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền nhằm đưa bản án, quyết định của Tòa án ra thi hành trên thực tế. Đây là những hoạt động đã hình thành từ rất sớm. Tuy nhiên, những quy định về phí thi hành án thì chỉ mới ra đời từ khi có Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 (PLTHADS) và đến khi Thông tư liên tịch số 43/2006/TTLT-BTC-BTP ngày 19/5/2006 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án có hiệu lực thi hành, thì việc thu phí thi hành án dân sự mới chính thức đi vào cuộc sống. Từ đó cho đến nay, các quy định của pháp luật về phí thi hành án dân sự đã có nhiều thay đổi như mức phí phải thu, đối tượng phải nộp (Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 quy định người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án phải nộp phí thi hành án đối với khoản thi hành án có giá ngạch tính trên giá trị tài sản mà người đó thực nhận), cơ quan thu phí (Hiện nay Văn phòng Thừa phát lại cũng có thẩm quyền thu phí trong trường hợp Văn phòng tổ chức thi hành án).
Chính những yếu tố cơ bản về phí thi hành án đã và đang trong quá trình thay đổi, chưa được định hình bền vững vì vậy mà vẫn chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh về phí thi hành án dân sự. Tuy nhiên, hiện nay căn cứ theo định nghĩa về phí và lệ phí được nêu ra tại Điều 2 Pháp lệnh về phí và lệ phí năm 2001 “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này” và Điều 60 Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định “Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự”. Từ những quy định này chúng ta có thể hiểu: phí thi hành án dân sự là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được thi hành án. Đây có thể xem là cách hiểu chung, mang tính khái quát, còn để đi tìm một định nghĩa cụ thể rõ ràng về phí thi hành án dân sự là điều khó có thể đạt được. Bởi vì, nó liên quan đến các vấn đề phức tạp như đối tượng nộp phải nộp, cơ quan thu phí, đồng thời về mặt lý luận phải lý giải được một cách tương đối rõ ràng về cơ sở đối với những trường hợp thu phí, không thu phí và trường hợp miễn giảm phí thi hành án.
1.   Bản chất của phí thi hành án dân sự.
Trước hết để hiểu rõ bản chất của phí thi hành án dân sự, thì phải nắm được bản chất của phí. Vì phí thi hành án dân sự là một loại phí trong lĩnh vực Tư pháp được ban hành kèm theo Pháp lệnh về phí và lệ phí năm 2001. Theo định nghĩa tại Pháp lệnh này thì “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này”.
Như vậy bản chất của phí là khoản tiền để bù đắp một phần chi phí đầu tư, quản lý của tổ chức, cá nhân đã cung cấp dịch vụ cho người thụ hưởng. Nó khác với thuế, cơ sở để thu phí là việc chủ thể được nhận phí đã cung cấp cho chủ thể nộp phí một lợi ích nhất định thông qua dịch vụ của mình. Trong khi đó thuế được hiểu là khoản trích nộp bằng tiền mà các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước, nhằm mục đích tạo nguồn thu ngân sách, thiết lập công bằng xã hội và định hướng tiêu dùng.
Việc thu phí mang tính hoàn trả trực tiếp, ngang giá (Mức phí cũng như lệ phí có thể được coi là một loại giá cả đặc biệt do Nhà nước quy định nhưng không có sự mặc cả như hàng hóa trên thị trường) và thường gắn với mục tiêu chi cụ thể cho một hoạt động phục vụ cụ thể của nhà nước. Thu phí có đối khoản rõ ràng và thường thể hiện ngay ở tên gọi của một loại phí cụ thể. Thí dụ: Viện phí dùng để chi trả cho các khoản liên quan đến khám chữa bệnh; Phí giao thông dùng để duy tu, sửa chưa đường sá...
Từ những đặc điểm chung của phí như trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy bản chất của khoản phí thi hành án dân sự là một khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi được nhận các lợi ích vật chất từ hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự. Ở đây cần lưu ý là chỉ khi nào người được thi hành án nhận được các lợi ích vật chất, lợi ích này phải định lượng được bằng tiền thì mới phải nộp phí, chứ không phải là những lợi ích chung chung không có khả năng định lượng. Nhìn từ góc độ thu phí, thì cơ quan thi hành án dân sự là chủ thể cung cấp dịch vụ, còn đương sự là người thụ hưởng dịch vụ đó. Đây cũng chính là một trong những cơ sở quan trọng để chúng ta tiến hành xã hội hóa công tác thi hành án dân sự theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW đã khẳng định: “Từng bước thực hiện việc xã hội hoá và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”.
2.   Cơ sở pháp lý của việc thu phí thi hành án dân sự
Cơ sở pháp lý quan trọng của việc thu phí thi hành án dân sự là quy định về phí thi hành án của Luật THADS. Cụ thể Điều 60 quy định: “Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự.
Chính phủ quy định mức phí thi hành án dân sự, thủ tục thu nộp, quản lý, sử dụng phí thi hành án dân sự”
Quy định trên được cụ thể hóa trong Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự.
Theo đó thì Điều 33 quy định về Mức phí là 3% (ba phần trăm) trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng/01 đơn yêu cầu thi hành án, khi chi trả tiền hoặc tài sản cho người được thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan ra quyết định thu phí để thực hiện việc thu phí thi hành án. Nếu người được thi hành án không nộp phí thi hành án thì cơ quan thu phí có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu.
Ngoài ra Điều 34 của nghị định cũng quy định cụ thể những trường hợp không phải chịu phí thi hành án gồm các trường hợp sau:
1. Tiền cấp dưỡng; tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tiền lương, tiền công lao động; tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động;
2. Khoản kinh phí thực hiện chương trình chính sách xã hội của Nhà nước xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các khoản kinh phí trực tiếp phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục của nhân dân không vì mục đích kinh doanh mà người được thi hành án được nhận;
3. Hiện vật được nhận chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi;
4. Số tiền hoặc giá trị tài sản theo các đơn yêu cầu thi hành án không vượt quá hai lần mức lương tối thiểu chung do nhà nước quy định;
5. Khoản thu hồi nợ vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội”.
Bên cạnh các quy định trên, thì pháp luật về thi hành án dân sự cũng quy định tương đối cụ thể về những trường hợp được miễn giảm và mức miễn giảm phí thi hành án cũng như chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án.
3.   Đối tượng nộp phí thi hành án dân sự
Trước đây đối tượng phải nộp phí thi hành án dân sự được quy định rõ tại Điều 20 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 là: “Người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án phải nộp phí thi hành án đối với khoản thi hành án có giá ngạch trên giá trị tài sản mà người đó thực nhận”.
Như vậy, theo quy định này thì chỉ có người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mới là đối tượng phải nộp phí. Tuy nhiên, tại điểm c Khoản 2 Mục II Thông tư 68/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 21 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ (thay thế Thông tư 43/2006/TTLT-BTC-BTP ngày 19/5/2006) quy định chi tiết chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án có quy định: “Đối với các vụ việc chia tài sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản được thi hành án (chỉ cần một trong các bên có đơn yêu cầu thi hành án), người nhận tài sản phải nộp phí thi hành án tương ứng với giá trị tài sản thực nhận tính trên tổng số tiền phí thi hành án phải nộp của các bên”. Theo quy định trên thì sẽ có trường hợp người được thi hành án chưa làm đơn hoặc không làm đơn yêu cầu thi hành án nhưng vẫn phải nộp phí thi hành án. Quy định này rõ ràng là trái với quy định tại Điều 20 Pháp lệnh thi hành án dân sự, bởi vì theo quy định tại Điều 20, thì chỉ người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mới phải chịu phí thi hành án. Trong khi đó đối tượng phải nộp phí thi hành án theo hướng dẫn của Thông tư trên lại rộng hơn. Đây là một trong những vấn đề vướng mắc về đối tượng nộp phí thi hành án khi chúng ta thực hiện Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004. Vấn đề này đã được giải quyết khi Luật thi hành án dân sự ra đời.
Luật thi hành án dân sự năm 2008 không quy định cụ thể những đối tượng phải nộp phí thi hành án, mà chỉ quy định chung là: người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự. Ở đây người được thi hành án” là một khái niệm tương đối rộng. Người này có thể là người làm đơn hoặc không làm đơn yêu cầu thi hành án, nhưng phải là người được nhận lợi ích vật chất từ việc thi hành án. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/9/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự như sau:
- Người được thi hành án khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định của tòa án thì phải nộp phí thi hành án, kể cả trường hợp người được thi hành án không phải là người đã nộp đơn yêu cầu thi hành án.
- Đối với các vụ việc chia tài sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản được thi hành án (chỉ cần một trong các bên có đơn yêu cầu thi hành án), người nhận tài sản phải nộp phí thi hành án tương ứng với giá trị tài sản thực nhận tính trên tổng số tiền phí thi hành án phải nộp của các bên.
- Trường hợp các bên đương sự tự nguyện thi hành án với nhau mà không yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành thì không phải nộp phí thi hành án.
- Người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án đối với các khoản tiền, tài sản nhận được thuộc các trường hợp quy định tại Điều 34 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009.
Những quy định này cho thấy đối tượng phải nộp phí thi hành án theo quy định của Luật  thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn đã có sự thống nhất. Bên cạch việc mở rộng và quy định thống nhất về đối tượng phải nộp phí thi hành án, thì pháp luật về thi hành án dân sự hiện nay cũng quy định khá cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản phí này. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành cũng còn bộc lộ một số khó khăn, bất cập mà chúng ta cần phải nghiên cứu, sửa đổi để ngày càng hoàn thiện hơn các quy định về phí thi hành án nói riêng và các quy định về thi hành án dân sự nói chung.
II.    Một số bất cập trong việc thu, nộp và miễn, giảm phí thi hành án.
1. Hiện nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau tranh luận về việc có thu phí thi hành án không đối với việc thi hành án thuộc diện chủ động như: trả lại tiền, tài sản do cơ quan điều tra thu giữ, tạm giữ.
Ý kiến thứ nhất, cho rằng cần phải thu phí thi hành án đối với các trường hợp trên vì: căn cứ theo quy định tại Điều 60 Luật thi hành án dân sự  thì người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự và Điều 1 Thông tư số 144/2010/TTLT-BTC-BTP qui định người được thi hành án khi nhận được tiền, tài sản theo Bản án, Quyết định của Tòa án thì phải nộp phí thi hành án, kể cả trường hợp người được thi hành án không phải là người nộp đơn yêu cầu thi hành án. Hơn nữa, nó không thuộc một trong những trường hợp không phải chịu phí thi hành án theo quy định tại Điều 34 Nghị định 58/2009/NĐ-CP, cũng không thuộc trường hợp được miễn giảm phí thi hành án theo quy định tại Điều 5 Thông tư 144 nói trên.
Ý kiến thứ hai, đây là ý kiến của đa số lại cho rằng không thu phí đối với việc thi hành án thuộc diện chủ động như: trả lại tiền, tài sản do cơ quan điều tra thu giữ, tạm giữ. Vì đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc trả lại tài sản đã thu giữ, tạm giữ. Hơn nữa những khoản tiền, tài sản này không phát sinh trong quá trình giải quyết việc thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự.
Theo quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ ý kiến thứ hai, không thu phí thi hành án đối với việc thi hành án thuộc diện chủ động. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh áp dụng pháp luật thì cách hiểu của ý kiến thứ nhất mới đúng. Bởi vì, rõ ràng hiện nay pháp luật về thi hành án dân sự không có một quy định nào phân biệt việc thu phí thi hành án trong trường hợp theo đơn yêu cầu và theo diện chủ động và cũng không có bất cứ một quy định nào chỉ ra rằng chỉ thu phí thi hành án trong trường hợp thi hành theo đơn yêu cầu. Cùng với những lập luận ở ý kiến thứ nhất, thì có thể thấy nếu cơ quan thi hành án dân sự tiến hành thu phí đối với việc thi hành án thuộc diện chủ động như: trả lại tiền, tài sản do cơ quan điều tra thu giữ, tạm giữ cho đương sự là đúng pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, hầu hết các cơ quan thi hành án dân sự đều không thu phí đối với các vụ việc thuộc diện thi hành án chủ động.
Chúng tôi cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập như trên. Thứ nhất, về mặt khách quan là do hiện nay quy định về thu phí thi hành án dân sự còn có điểm chưa rõ ràng, cụ thể. Thứ hai, về mặt chủ quan là do chúng ta làm việc thiên về kinh nghiệm và cảm tính. Do đó, khi pháp luật có sự thay đổi nhưng chưa rõ ràng thì chúng ta không dám mạnh dạn áp dụng. Đối với việc thu phí thi hành án dân sự, chúng ta đã bị chi phối bởi quán tính được hình thành từ quá trình thi hành Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004. Điều 20 của Pháp lệnh quy định “người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án phải nộp phí thi hành án đối với khoản thi hành án có giá ngạch tính trên giá trị tài sản mà người đó thực nhận”. Theo quy định này thì rõ ràng chỉ có trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu và chỉ có người có đơn yêu cầu mới phải chịu phí thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, khi Pháp lệnh thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành ra đời thay thế cho Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, thì các quy định về phí thi hành án dân sự đã có sự thay đổi cơ bản và đối tượng phải nộp phí đã được mở rộng. Mặc dù vậy, vấn đề thu phí đối với diện chủ động thi hành vẫn chưa được quy định một cách rõ ràng, cụ thể. Hơn nữa, các quy định có liên quan lại chỉ hướng đến việc thu phí đối với trường hợp thi hành theo đơn yêu cầu.
Thí dụ: tại Khoản 1 Điều 33 Nghị định 58 quy định “Mức phí thi hành án là 3% (ba phần trăm) trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng/01 đơn yêu cầu thi hành án”.
Có thể nói quy định này là cơ sở cho quan điểm không thu phí đối với các khoản thuộc diện chủ động. Tuy nhiên, xét về mặt lý luận thì quy định “không vượt quá 200 triệu đồng/01 đơn yêu cầu thi hành án” không mang ý nghĩa loại trừ các trường hợp không có đơn yêu cầu thi hành án (diện chủ động). Cho nên chúng ta không thể suy diễn từ căn cứ tại khoản 1 Điều 33 Nghị định 58 để cho rằng không phải thu phí đối với các khoản thuộc diện chủ động thi hành án.
Từ những nguyên nhân trên mà hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc thu hay không thu phí thi hành án đối với các khoản thi hành án theo diện chủ động. Nhưng trên thực tế thì hầu hết các cơ quan thi hành án dân sự đều thống nhất không tiến hành thu phí đối với khoản thi hành án chủ động. Trong khi không có bất cứ một căn cứ pháp lý để giải thích cho cách giải quyết này. Đây là một vấn đề bất cập khá nghiêm trọng cần sớm được giải quyết trong thời gian tới.
2.   Thu phí thi hành án dân sự trong trường hợp chia tài sản chung, chia thừa kế mà có nhiều người cùng được thi hành án không phù hợp với thực tiễn.
Để cụ thể hóa các đối tượng phải nộp phí thi hành án theo quy định của Điều 60 Luật thi hành án dân sự, tại khoản 2, 3 Điều 1 Thông tư 144 quy định: “Người được thi hành án khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định của tòa án thì phải nộp phí thi hành án, kể cả trường hợp người được thi hành án không phải là người đã nộp đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp các bên đương sự tự nguyện thi hành án với nhau mà không yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành thì không phải nộp phí thi hành án.
Người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án đối với các khoản tiền, tài sản nhận được thuộc các trường hợp quy định tại Điều 34 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009”
Ngoài ra tại khoản 2 Điều 2 Thông tư trên còn hướng dẫn rõ “Đối với các vụ việc chia tài sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản được thi hành án (chỉ cần một trong các bên có đơn yêu cầu thi hành án), người nhận tài sản phải nộp phí thi hành án tương ứng với giá trị tài sản thực nhận tính trên tổng số tiền phí thi hành án phải nộp của các bên”.
Như vậy, có thể thấy đối tượng phải nộp phí thi hành án theo những quy định này là rộng và thống nhất hơn so với những quy định trước đây của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế vẫn phát sinh một số vướng mắc, bất cập gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan thi hành án cũng như chấp hành viên trực tiếp giải quyết việc thi hành án. Để tiếp cận vấn đề một cách dễ hiểu nhất, chúng ta xem xét hai ví dụ minh họa sau:
VD 1: Bản án tuyên ông A, ông B và bà C được thừa kế căn nhà tại địa chỉ D có giá trị là 1,2 tỷ đồng. Ông A được quyền sở hữu căn nhà và phải trả cho ông B và bà C mỗi người 400 triệu đồng. Bản án đã có hiệu lực pháp luật và bà C làm đơn yêu cầu thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền đã thụ lý và ra quyết định thi hành án buộc ông A phải trả cho bà C số tiền 400 triệu đồng. Trong quá trình giải quyết vụ việc ông A và ông B cho biết: ông B đã đồng ý cho ông A số tiền 400 triệu đồng (không yêu cầu ông A phải trả).
VD 2. Bản án tuyên ông N, ông M, ông H và bà P mỗi người được thừa kế 100m2 đất tại địa chỉ K có tổng diện tích là 400m2 hiện đang do ông N quản lý sử dụng. Sau khi án có hiệu lực pháp luật ông N ông H và bà P đã tự thỏa thuận với nhau, ông N đã giao đất trên thực địa cho ông H, bà P và hai người này đã làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận. Riêng phần đất của ông M giáp với đất và nhà của ông N đang ở, thì ông N đã không đồng ý giao cho ông M sử dụng và làm giấy tờ. Do đó, ông M đã làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành. Trong quá trình giải quyết việc thi hành án ông N cũng không tự nguyện thi hành, do đó cơ quan thi hành án đã phải tiến hành cưỡng chế giao quyền sử dụng đất cho ông N theo đúng quy định của pháp luật.
Hai ví dụ minh họa trên đều là những trường hợp đã xảy ra trên thực tế và cả hai trường hợp đều gây lúng túng cho Chấp hành viên khi tiến hành thu phí thi hành án vì sự bất cập của các quy định pháp luật về thu phí thi hành án trong những trường hợp này. Sau đây chúng tôi sẽ phân tích (đối tượng phải nộp và mức phí thi hành án) từng ví dụ để thấy rõ những điểm bất cập đó.
Ở ví dụ 1, khi tiến hành thu phí thi hành án sẽ xuất hiện vấn đề là phải thu phí của những ai và mức thu bao nhiêu?
Để xác định đối tượng và mức phí thi hành án phải nộp trong trường hợp cụ thể này có ba quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: sẽ thu phí của cả ba người và thu trên số tiền thực nhận của mỗi người (400 triệu đồng). Quan điểm này căn cứ vào khoản 2 Điều 2 Thông tư 144 vì cho rằng mặc dù chỉ có một mình bà C làm đơn yêu cầu thi hành án nhưng cả ông A và ông B đều được nhận tài sản theo bản án. Còn việc ông B tự nguyện không yêu cầu ông A phải thi hành là việc riêng của hai bên, nhưng nó không thuộc “Trường hợp các bên đương sự tự nguyện thi hành án với nhau mà không yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành thì không phải nộp phí thi hành án” theo cách hiểu thông thường thì đây là trường hợp không ai trong vụ án yêu cầu thi hành, còn trong ví dụ 1 thì đã có bà C yêu cầu. Do đó, nếu ông A tự nguyện nộp thay phần phí thi hành án cho ông B thì cơ quan thi hành án thu, còn không thì cơ quan thi hành án phải tiến hành thu phí từ  ông B mà không buộc ông A phải nộp thay.
Quan điểm thứ hai: chỉ thu phí thi hành án của ông A và bà C. Tuy nhiên, mức thu của ông A là tính trên tổng số tài sản mà ông được nhận trên thực tế. Nghĩa là, cả phần của ông được nhận theo bản án và cả phần ông được ông B cho (không yêu cầu trả). Quan điểm này cũng có cùng căn cứ là khoản 2 Điều 2 Thông tư 144, chỉ khác quan điểm 1 ở chỗ quan điểm 2 cho rằng ông B đã cho ông A phần của mình, do đó ông A mới là người được thực nhận cả hai phần thừa kế nên ông phải nộp phí thi hành án cho cả hai phần đó.
Quan điểm thứ ba: đối tượng thu phí cũng giống như quan điểm thứ hai, chỉ thu phí thi hành án của ông A và bà C. Nhưng khác quan điểm thứ hai ở chỗ là chỉ thu phí của ông A trên phần tài sản mà ông được nhận theo bản án mà không thu phí đối với phần thừa kế của ông B. Quan điểm này cho rằng việc giải quyết của cơ quan thi hành án dân sự chỉ liên quan đến quyền và lợi ích của ông A, bà C mà không liên quan gì đến ông B nên không thu phí của ông B.
Đối với ví dụ 2, liên quan đến đối tượng và mức phí thi hành án phải nộp có hai quan điểm khác nhau như sau:
Quan điểm thứ nhất: phải thu phí của cả bốn người căn cứ trên giá trị tài sản mà họ được nhận theo bản án đã tuyên. Quan điểm này cũng giống như quan điểm thứ nhất trong ví dụ 1, đó là căn cứ vào khoản 2 Điều 2 Thông tư 144 “Đối với các vụ việc chia chia thừa kế chỉ cần một trong các bên có đơn yêu cầu thi hành án, người nhận tài sản phải nộp phí thi hành án tương ứng với giá trị tài sản thực nhận tính trên tổng số tiền phí thi hành án phải nộp của các bên”. Như vậy cơ quan thi hành án phải tính tổng số tiền phí trên giá trị tài sản thừa kế là 400m2 đất tại địa chỉ K và chia tỉ lệ phần trăm số tiền phí mà các bên phải nộp theo ví dụ hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư 144.
Quan điểm thứ hai: chỉ thu phí đối với ông M và ông N. Quan điểm này giống với quan điểm thứ ba trong ví dụ 1.
Từ các ví dụ minh họa trên cho thấy cùng một vụ việc nhưng có nhiều quan điểm giải quyết khác nhau về cách xác định đối tượng và mức phí thi hành án phải thu. Do đó, sự lúng túng của cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên trong quá trình giải quyết là điều không thể tránh khỏi.
Nguyên nhân của tình trạng bất cập trên, theo chúng tôi là do sự mâu thuẫn giữa pháp luật thực định về phí thi hành án với lý luận về phí thi hành án. Chính do sự mâu thuẫn này đã tạo ra nhiều quan điểm khác nhau về cách giải quyết vấn đề của một vụ việc. Trong hai ví dụ trên nếu chúng ta căn cứ vào các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự hiện nay đối với vấn đề thu phí thi hành án, thì chỉ có một đáp án đúng cho cả hai trường hợp. Đó là quan điểm thứ nhất, thu phí của cả ba người đối với ví dụ 1 và thu phí cả bốn người đối với ví dụ 2. Căn cứ pháp lý cho quan điểm này được thể hiện rõ trong quy định tại Điều 1, 2 Thông tư 144. Tuy nhiên, trong thực tế thi hành, khi giải quyết như quan điểm thứ nhất, chúng ta sẽ thấy không thỏa đáng và bất cập. Bởi vì, khi làm như vậy thì chúng ta đã thu phí thi hành án của những người (ông B ở VD1, ông H, bà P ở VD2) mà thực tế họ không nhận được lợi ích vật chất (dịch vụ) gì từ hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự. Cách hiểu này chính là vì chúng ta đã sử dụng lý luận về phí thi hành án để xem xét một vụ việc cụ thể. Lý luận về phí thi hành án đã chỉ ra rằng: chỉ khi nào chủ thể được nhận các lợi ích vật chất từ hoạt động của cơ quan thi hành án thì mới phải nộp phí thi hành án. Như vậy, rõ ràng khi chúng ta áp dụng các quy định tại Điều 1, 2 Thông tư 144 vào giải quyết vụ việc cụ thể như hai ví dụ minh họa trên, thì không phù hợp, vì nó trái với nhận thức lý luận. Do đó, đã dẫn đến sự xuất hiện các quan điểm khác nhau. Thực chất của các quan điểm này là sự suy diễn vừa theo căn cứ pháp lý vừa theo nhận thức lý luận, hoặc đơn thuần là nhận thức lý luận. Do đó, để thống nhất về cách hiểu và cách giải quyết vấn đề, thì điều đầu tiên phải làm đó là rút ngắn khoảng cách, làm cho thống nhất giữa các quy định của pháp luật thực định với nhận thức lý luận. Điều này có nghĩa là chúng ta phải sửa đổi các quy định của pháp luật sao cho phù hợp với thực tế, phù hợp với bản chất các mối quan hệ xã hội.
3.   Quy định miễn phí thi hành án đối với trường hợp Tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử, như trường hợp đòi nhà cho thuê, đòi nhà cho ở nhờ không hợp lý.
Một số quan điểm cho rằng nên thu phí đối với một số trường hợp Tòa án xác định không có giá ngạch như trường hợp đòi nhà cho thuê, đòi nhà cho ở nhờ … Vì trong thực tế thi hành, để giải quyết những vụ việc đòi nhà cho thuê, đòi nhà cho ở nhờ thì cơ quan thi hành án - Chấp hành viên phải tốn không ít công sức. Thậm chí, có những vụ việc phải tiến hành cưỡng chế thì còn phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí của cả cơ quan thi hành án và các cơ quan hữu quan. Trong khi đó pháp luật lại quy định miễn thu phí thi hành án đối với các trường hợp này.
Tuy nhiên, nếu giả sử chúng ta tiến hành thu phí thi hành án bình thường như những trường hợp khác, thì cũng sẽ nảy sinh những vấn đề bất hợp lý khác. Một điều có thể dễ nhận thấy nhất, đó là hầu hết các trường hợp đòi nhà cho thuê, cho ở nhờ thì lợi ích vật chất mà người cho thuê, cho ở nhờ thu được so với giá trị tài sản của họ là rất nhỏ.
Ví dụ: bà A có nhà đất trị giá khoảng 1,5 tỉ đồng bà cho ông B thuê mỗi tháng 3 triệu đồng. Sau 05 tháng thuê nhà ông B chỉ trả được 01 tháng đầu còn 04 tháng sau không trả tiền và cũng không trả lại nhà để bà A cho người khác thuê. Do đó, bà A đã khởi kiện buộc ông B phải trả lại nhà và tiền thuê nhà 04 tháng. Tòa án đã xét xử và buộc ông B phải trả lại nhà cho bà A và trả số tiền thuê nhà chưa trả là 12 triệu đồng. Án có hiệu lực pháp luật nhưng ông B không tự nguyện thi hành nên bà A đã làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành.
Trong ví dụ này, nếu thu phí trên giá trị tài sản họ được nhận thì số phí này (45.000.000đ) lại lớn hơn rất nhiều so với số tiền họ có thể nhận được từ việc cho thuê, cho ở nhờ. Điều này rõ ràng là không phù hợp và sẽ gây ra sự bất bình, phản ứng của người được thi hành án.
Như vậy, chúng ta thấy đối với một số trường hợp Tòa án xác định không có giá ngạch như trường hợp đòi nhà cho thuê, cho ở nhờ thì việc pháp luật quy định miễn thu phí thi hành án như hiện nay hoặc là sẽ quy định thu phí như những trường hợp khác cũng sẽ nảy sinh những bất cập trong thực tế. Vậy giải pháp nào cho những bất cập này?. Theo chúng tôi để giải quyết những bất cập này trước hết chúng ta phải xem xét vấn đề xuất phát từ thực tiễn và dựa vào bản chất của việc thu phí thi hành án.
4. Thủ tục xét miễn, giảm phí thi hành án phải làm nhiều lần gây phiền hà cho đương sự, tốn thời gian công sức của Chấp hành viên nhưng không có giá trị thực tiễn.
Điều 5 Thông tư 144 quy định những trường hợp sau đây được miễn, giảm phí thi hành án:
- Giảm 80% phí thi hành án đối với người được thi hành án là người có khó khăn về kinh tế. Người có khó khăn về kinh tế được giảm phí thi hành án là người thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Miễn phí thi hành án đối với các đối tượng được quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Miễn phí thi hành án đối với người được thi hành án là người thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Miễn phí thi hành án đối với trường hợp Tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử (như trường hợp đòi nhà cho thuê, đòi nhà cho ở nhờ…).
Cũng tại Điều 5 quy định thủ tục xét miễn giảm phí thi hành án như sau: “Để được miễn, giảm phí thi hành án, đương sự phải làm đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án theo mẫu 1 ban hành kèm theo Thông tư này (kèm theo các tài liệu có liên quan nếu có) có xác nhận của một trong những cơ quan, đơn vị là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú, sinh sống, làm việc hoặc có xác nhận của bệnh viện, cơ quan y tế cấp huyện trở lên (đối với trường hợp ốm đau kéo dài). Đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án (kèm theo các tài liệu có liên quan nếu có) được nộp cho cơ quan thu phí. Thủ trưởng cơ quan thu phí nơi nhận đơn xem xét, ra quyết định việc miễn hoặc giảm phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này.
Trường hợp người làm đơn không được miễn hoặc giảm phí thi hành án thì cơ quan thu phí phải có thông báo cho đương sự biết và nêu rõ lý do về việc không được miễn hoặc giảm phí thi hành án. Thời gian xem xét việc miễn hoặc giảm phí thi hành án không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án.
Như vậy, theo quy định hiện nay, thì thủ tục xét miễn giảm phí thi hành án có vẻ như đơn giản cho cả Cơ quan thi hành án và đương sự. Người nộp phí chỉ cần làm đơn có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, còn cơ quan thi hành án thì căn cứ vào đơn và các trường hợp được miễn giảm theo quy định trên để ra quyết định miễn giảm phí thi hành án. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành thì thủ tục này đã bộc lộ một số bất cập, gây phiền hà cho đương sự và tốn thời gian công sức của Chấp hành viên. Một số bất cập đó là:
Thứ nhất, hiện nay pháp luật về thi hành án dân sự không quy định cụ thể số lần tiến hành xét miễn giảm phí thi hành án đối với mỗi vụ việc. Hơn nữa, cũng không quy định việc xét miễn giảm được tiến hành trước hay sau khi tiến hành chi trả tiền, tài sản cho đương sự. Do đó, đối với những trường hợp thi hành án theo nhiều đợt, đương sự trả thành nhiều lần, thì mỗi lần chi trả tiền, tài sản cho đương sự cơ quan thi hành án phải ra một quyết định thu phí. Điều này đồng nghĩa với việc nếu đương sự thuộc trường hợp được xét miễn giảm phí thi hành án, thì mỗi lần thu phí cơ quan thi hành án phải tiến hành xét miễn giảm và phải ra một quyết định miễn giảm còn người phải nộp phí thì mỗi lần như vậy sẽ phải làm một đơn xin miễn giảm và phải đi xác nhận ở cơ quan có thẩm quyền. Vì hiện nay theo mẫu quyết định miễn giảm phí thi hành án ban hành kèm theo Thông tư số 09/2011/TT-BTP ngày 30  tháng 5  năm 2011 của  Bộ Tư pháp (mẫu C 44-THA) cũng như mẫu đơn xin miễn, giảm phí thi hành án ban hành kèm Theo thông tư 144 thì trong quyết định miễn, giảm và trong đơn này phải ghi rõ số tiền miễn giảm, mà số tiền này chỉ biết được khi cơ quan thi hành án tiến hành chi trả tiền, tài sản cho đương sự. Như vậy, chúng ta hình dung quy trình giải quyết sẽ được diễn ra theo các bước (việc chia thành các bước này chỉ mang tính tương đối) như sau:
Bước 1: Sau khi đã thu được tiền, tài sản do người phải thi hành án nộp Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án đến nhận tiền hoặc tài sản. Nếu Chấp hành viên cẩn thận, thì thông báo luôn cho đương sự biết số tiền, giá trị tài sản được nhận số phí thi hành án phải nộp và thủ tục miễn giảm phí thi hành án (nếu có);
Bước 2: Cơ quan thi hành án ra quyết định thu phí thi hành án
Bước 3: Đương sự tiến hành làm đơn đề nghị được miễn giảm phí thi hành án và đi xin xác nhận tại cơ quan có thẩm quyền (trong đơn phải ghi rõ số tiền phí thi hành án phải nộp và số phí đề nghị được miễn giảm);
Bước 4: Nộp đơn đề nghị được miễn giảm phí thi hành án cho cơ quan thi hành án;
Bước 5: Cơ quan thi hành án nhận đơn và xét miễn giảm (thời gian xét không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn);
Bước 6: Cơ quan thi hành án ra quyết định miễn giảm phí thi hành án hoặc thông báo lý do không được miễn giảm.
Đối với những vụ việc mà phải thanh toán trong nhiều đợt, thì quy trình trên sẽ phải lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy. Quy trình xét miễn giảm phí thi hành án này cho ta thấy những điểm bất cập và bất hợp lý sau:
Một là, về mặt thời gian để tiến hành thanh toán, trả tài sản cho đương sự sẽ bị kéo dài do thủ tục xét miễn giảm gây ra, nên khó có thể đảm bảo thời hạn thanh toán theo quy định tại khoản 5 Điều 47 Luật thi hành án dân sự (Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này).
Hai là, về mặt thủ tục, việc yêu cầu đương sự phải làm đơn đề nghị được miễn, giảm phí thi hành án nhiều lần với cùng một nội dung xác nhận của cùng một cơ quan có thẩm quyền là điều rất vô lý, gây phiền hà cho đương sự (vì như đã trình bày, mẫu đơn hiện nay buộc đương sự phải ghi rõ số tiền đề nghị được miễn, giảm. Do vậy về mặt lý thuyết thì đơn này chỉ có hiệu lực cho một lần xét miễn, giảm).
Ba là, xét về tính hiệu quả trong giải quyết việc thi hành án là hoàn toàn không có. Vì thực ra đối tượng được miễn giảm phí thi hành án và mức miễn giảm đã được quy định rõ. Do đó, đơn đề nghị của đương sự chỉ có hai ý nghĩa cơ bản, đó là thể hiện ý chí muốn được xét miễn, giảm và xác nhận tình trạng nhân thân. Trong thực tế giải quyết việc thi hành án dân sự cho thấy có rất nhiều vụ việc cơ quan thi hành án phải tiến hành thanh toán tiền, trả tài sản cho đương sự trong nhiều lần và số phí thi hành án phải thu mỗi lần cũng rất ít, thậm chí có nhiều vụ việc mà mỗi lần thu phí chỉ có 15 ngàn đồng. Do đó, việc lặp lại quy trình trên hoàn toàn chỉ mang tính hình thức, gây phiền hà cho đương sự và tốn công sức, thời gian của Chấp hành viên mà lại không có ý nghĩa thực tiễn.
Thứ hai, theo quy định về thủ tục xét miễn giảm phí thi hành án, thì bất cứ trường hợp miễn giảm nào đương sự cũng phải làm đơn đề nghị được miễn giảm phí thi hành án và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Cá nhân tôi cho rằng quy định này là quá nguyên tắc và không cần thiết. Vì hầu hết các trường hợp được miễn giảm phí thi hành án cũng đều là những trường hợp được xét miễn giảm án phí ở giai đoạn xét xử. Do đó, ở giai đoạn xét xử họ đã phải làm các thủ tục như làm đơn xin xác nhận đối tượng khó khăn về kinh tế, có công với Cách mạng, người neo đơn…. Như vây, đến giai đoạn thi hành án họ phải làm lại các thủ tục trên ít nhất là một lần nữa. Đặc biệt, khi xét miễn giảm phí thi hành án đối với trường hợp Tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử, thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xác nhận nội dung gì trong đơn đề nghị được miễn giảm phí thi hành án? Không lẽ xác nhận ông bà này có trú tại địa phương hay xác nhận trường hợp này Tòa án xác định không có giá ngạch là đúng! Riêng trong trường hợp này thì xác nhận của cơ quan có thẩm quyền không có giá trị gì về mặt pháp lý. Hơn nữa, các trường hợp này trong quá trình xét xử thường ít đề cập đến giá trị của tài sản. Ví dụ: trường hợp đòi lại nhà cho thuê cho ở nhờ thì Tòa án sẽ không làm thủ tục định giá tài sản là nhà cho thuê, cho ở nhờ. Do đó, khi ra quyết định thu phí và hướng dẫn đương sự làm đơn đề nghị xét miễn phí thi hành án thì phải căn cứ vào đâu để biết số tiền phí phải nộp?. Hay cơ quan thi hành án phải tiến hành định giá tài sản để cho đương sự biết số phí phải nộp và để làm căn cứ ra quyết định thu phí? Vì vậy, pháp luật về thi hành án dân sự nên quy định những trường hợp đã được Tòa án xét miễn giảm án phí và đã thể hiện rõ trong bản án, quyết định của Tòa án thì đương sự chỉ cần làm đơn mà không cần xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Vấn đề này sẽ có quan điểm cho rằng Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự là hai cơ quan độc lập hai quá trình khác nhau. Do đó, về nguyên tắc không thể lấy kết quả của giai đoạn này làm cơ sở giải quyết cho giai đoạn kia. Chúng tôi đồng ý về mặt nguyên tắc là như vậy. Tuy nhiên, đối với một số thủ tục nếu về bản chất không có gì khác nhau, thì việc tạo ra một cơ chế liên thông giữa các cơ quan với nhau mà không giây ra thiệt hại cho các bên liên quan hơn nữa còn có lợi cho người dân thì chúng ta nên làm. Điều này không phải chúng ta coi nhẹ mặt hình thức, nhưng trong bất cứ một hoạt động nào, thì tính hiệu quả mới là điều mọi người hướng tới.
Tóm lại, các quy định về thủ tục thu, nộp, xét miễn giảm phí thi hành án hiện nay còn mang nặng tính hình thức, thủ tục gây phiền hà cho đương sự và bất cập trong thực tiễn thi hành. Đặc biệt, các thủ tục này còn đi ngược lại với tiến trình cải cách hành chính mà các cơ quan, tổ chức trong bộ máy Nhà nước chúng ta đang ra sức thực hiện. Do vậy, cần phải có nhiều hơn nữa các ý kiến đóng góp về những vấn đề này để trong thời gian tới chúng ta có được những quy định sửa đổi bổ sung kịp thời phù hợp với thực tiễn hơn nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
III. Một số đề xuất hướng hoàn thiện các quy định về phí thi hành án.
- Cần quy định rõ không thu phí thi hành án đối với các khoản thi hành án chủ động.
Như đã trình bày ở phần trước, hiện nay đối với các khoản mà Thủ trưởng cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành thì hầu hết các cơ quan thi hành án dân sự không thu phí. Tuy nhiên, về căn cứ pháp lý cụ thể thì vẫn không có. Do đó, pháp luật về thi hành án dân sự cần sửa đổi bổ sung theo hướng quy định rõ không thu phí thi hành án đối với những khoản Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành theo quy định tại khoản 1 Điều 36 LTHADS. Như vậy, sẽ chấm dứt được tình trạng pháp luật quy định một đằng còn thực tế thi hành thì suy diễn theo một cách khác gây ra nhiều quan điểm khác nhau như hiện nay.
- Đối với vấn đề thu phí thi hành án dân sự trong trường hợp chia tài sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản được thi hành án.
Đây là vấn đề bất cập mà trong thực tiễn thi hành đã xảy ra tương đối nhiều và gây ra không ít khó khăn, lúng túng cho Chấp hành viên trực tiếp giải quyết. Đặc biệt, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích vật chất của đương sự nên rất dễ dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo đối với cơ quan thi hành án và Chấp hành viên, làm cho thời gian giải quyết việc thi hành án bị kéo dài.
Vì vậy, theo chúng tôi để phù hợp với bản chất của phí thi hành án, thì pháp luật về thi hành án dân sự nên sửa đổi và quy định rõ: Trường hợp chia tài sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản được thi hành án, thì phần nghĩa vụ, các khoản mà các bên đã tự thi hành với nhau và không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành thì không phải nộp phí thi hành án. Điều này có nghĩa là chỉ những ai được nhận những lợi ích vật chất do hoạt động thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự mang lại thì mới phải chịu phí thi hành án tính trên giá trị vật chất đó. Quy định như vậy thì mới phù hợp với bản chất của việc thu phí nói chung và phí thi hành án nói riêng đó là tính “hoàn trả trực tiếp, ngang giá”.
- Nên quy định một mức phí chung cho các trường hợp Tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử, như trường hợp đòi nhà cho thuê, đòi nhà cho ở nhờ…
Việc thu một khoản phí để bù đắp một phần chi phí đầu tư, quản lý của cơ quan thi hành án dân sự là cần thiết. Hơn nữa, việc quy định các trường hợp này thuộc diện miễn phí thi hành án như hiện nay là không hợp lý, không đúng với bản chất của việc miễn “một nghĩa vụ”. Cơ sở cho việc quy định miễn một nghĩa vụ nào đó thường phải căn cứ vào tình trạng nhân thân của đối tượng chứ không căn cứ theo hình thức, thủ tục bên ngoài. Trong các trường hợp này cơ quan thi hành án cũng đã thực hiện việc cung cấp dịch vụ và người được thi hành án cũng đã được thụ hưởng những lợi ích nhất định từ dịch vụ này. Do đó, chúng tôi cho rằng quy định thu một khoản phí chung cho các trường hợp Tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử, như trường hợp đòi nhà cho thuê, đòi nhà cho ở nhờ… là hợp lý. Còn để giải thích tại sao lại quy định một mức phí chung cho các trường hợp này mà không phải là căn cứ vào giá trị tài sản?. Đây là một vấn đề tương đối phức tạp liên quan đến nội dung quyền tài sản trong các vụ án. Vì vậy, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một bài viết khác.
-    Rút gọn thủ tục thu, nộp và xét miễn giảm phí thi hành án.
Việc xét miễn, giảm phí thi hành án nên quy định rõ chỉ xét một lần cho mỗi vụ việc thi hành án. Theo đó, thì phải sửa đổi lại mẫu đơn đề nghị xét miễn, giảm phí thi hành án theo hướng không cần ghi cụ thể số tiền đề nghị xét miễn, giảm vào đơn. Vì thực ra đơn này chủ yếu chỉ mang ý nghĩa để xác định tình trạng nhân thân của đương sự làm căn cứ cho việc xét miễn, giảm mà thôi. Còn đối với trường hợp Tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử (nếu không quy định mức phí chung như đề xuất ở trên), thì đơn đề nghị miễn không cần có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Vì như đã trình bày, việc xác nhận này không có giá trị pháp lý. Đồng thời, trong trường hợp này nên ra quyết định miễn phí thi hành án trực tiếp mà không phải ra quyết định thu phí trước khi ra quyết định miễn như hiện nay.
Trên đây là một số vấn đề cơ bản và một số hạn chế, bất cập trong quy định về phí thi hành án của pháp luật về thi hành án dân sự hiện nay mà người viết nhận thấy và cũng đã gặp phải trong thực tiễn tác nghiệp của mình. Rất mong nhận được sự chia sẻ và bổ sung thêm của quý đồng nghiệp cũng như những ai quan tâm đến công tác thi hành án dân sự.
Hồ Quân Chính
Chi cục THADS quận Thủ Đức

Nguồn tin: www.moj.gov.vn

Các tin đã đưa ngày: