Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương IV khóa XI, đồng thời triển khai Nghị quyết quan trọng này; Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành kế hoạch số 179/KH-VKSTC-V9 về việc triển khai cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, KSV trong ngành kiểm sát nhân dân “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, ký cương và trách nhiệm”.
Các KSV làm bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi tuyển chọn KSV giỏi 2012 VKSND tỉnh Lai Châu
Ngày 08 tháng 3 năm 2012, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao ký quyết định số 56/QĐ- VKSTV-V9 quy định tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi, Điều tra viên giỏi, Kiểm sát viên tiêu biểu, Điều tra viên tiêu biểu trong ngành kiểm sát. Đây là sự chuyển biến tích cực có ý nghĩa cả bề rộng lẫn chiều sâu; nhằm tạo nên diện mạo mới của ngành kiểm sát nhân dân.
Song với trách nhiệm là cán bộ làm nghiệp vụ kiểm sát thi hánh án dân sự, xin góp ý kiến hầu mong được chỉnh sửa một số tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi, Điều tra viên giỏi.
Như chúng ta đã biết công tác kiểm sát thi hành án dân sự nói chung rất phức tạp, đầy những vướng mắc, trong tay họ có phương tiện Luật tổ chức viện kiểm sát, Luật thi hành án dân sự và một số Nghị định, thông tư hướng dẫn về thi hành án dân sự. Những nội dung của Luật và những văn bản trên không thể bao quát và chi tiết hết được những vấn đề của thực tiễn. Do vậy, đòi hỏi cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự nói riêng, ngoài phẩm chất công minh, nhiệt tình, yêu nghề, cần phải nhạy bén để xử lý giải quyết trôi chảy công việc thường nhật. Tiêu chí này là mặt bằng chung cho mọi cán bộ kiểm sát viên làm nhiệm vụ kiểm sát thi hành án dân sự. đặc biệt riêng đối với Kiểm sát viên giỏi, Điều tra viên giỏi không những thực thi nhiệm vụ như trên mà tiêu chí đặt ra yêu cầu phải cao hơn, thực sự điển hình, có tính thuyết phục, được mọi người trong ngành nể phục, được quần chúng nhân dân tín nhiệm, quý trọng về nghiệp vụ chuyên môn và nhân cách.
Đối chiếu với tiêu chuẩn nêu tại mục 5 của quy định đối với Kiểm sát viên làm nhiệm vụ kiểm sát thi hành án dân sự, nên chỉnh sửa những tiêu chí sau đây cho phù hợp với điều luật quy định:
Thứ nhất: - “Thụ lý đầy đủ, chính xác không để sai lọt số việc phải thi hành án”. Căn cứ khoản 2 điều 12 luật thi hành án dân sự năm 2008 thì: “Viện kiểm sát các cấp trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự”. Như vậy việc thụ lý việc thi hành án không thuộc Viện kiểm sát, hay cụ thể không thuộc trách nhiệm của Kiểm sát viên, mà thuộc về Chấp hành viên thi hành án dân sự.
Thứ hai: - “Kiểm sát chặt chẽ các bản án, quyết định của Tòa án nhằm thúc đẩy việc thi hành bản án, quyết định được kịp thời đầy đủ chính xác”.
Theo khoản 4 điều 5 quy chế số 312/QĐ-VKSTC-V10 ngày 10 tháng 4 năm 2012 về việc ban hành quy chế kiểm sát thi hành án dân sự “ yêu cầu tòa án chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án đến Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và các tổ chức cá nhân có liên quan đầy đủ, đúng thời gian luật định.
Tiêu chí trên quy định như vậy chưa chuẩn, nếu không nói là nhầm lẫn bởi vì quyền kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án thuộc về Kiểm sát viên làm công tác xét xử án dân sự. Đối với Kiểm sát viên kiểm sát thi hành án dân sự chỉ yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và những bản án, quyết định được thi hành ngay theo quy định của pháp luật.
Thứ ba: “ Kiểm sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục các vi phạm về tổ chức thi hành án, thời gian thủ tục, thẩm quyền, nội dung biện pháp thi hành án của Tòa án, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác thi hành án”.
Lại một sự nhầm lẫn ở chỗ: Tòa án là cơ quan chỉ chuyên xét xử, việc tổ chức hay “biện pháp thi hành án” là của cơ quan thi hành án, sao lại lấn sân vô lý vậy?
Thứ tư: “ Đề xuất việc hoãn hoặc tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo đúng quy định của pháp luật”.
Căn cứ điều 48,49,50 luật thi hành án dân sự năm 2008 việc đề xuất hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật thuộc về Chấp hành viên có trách nhiệm đề xuất thủ trưởng cơ quan thi hành án, chứ không thuộc trách nhiệm của Kiểm sát viên kiểm sát thi hành án dân sự. Kiểm sát viên chỉ có quyền kiểm sát việc hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ có đúng quy định của pháp luật hay không?
Với trách nhiệm và tâm huyết xây dựng ngành kiểm sát đổi mới chất lượng, tôi trao đổi những vấn đề nêu trên mong được sự chỉnh sửa phù hợp. Nhằm có những tiêu chí chuẩn mực để cán bộ, Kiểm sát viên, Điều tra viên toàn ngành soi rọi vào đó để rèn luyện phấn đấu tiến bộ; đồng thời làm cơ sở để hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi, Điều tra viên giỏi tuyển chọn bảo đảm đúng chất lượng, góp phần quan trọng vun trồng vườn hoa kiểm sát rộ lên những bông hoa thắm sắc, đậm hương của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng.