Sign In

Chấp hành viên “chây ỳ”, kiện được không?

28/08/2012

Nhiều vụ việc có đủ điều kiện thi hành án nhưng cơ quan thi hành án lại không làm tròn trách nhiệm, gây thiệt thòi cho đương sự. Ngoài việc khiếu nại, có chuyên gia cho rằng người được thi hành án còn có thể khởi kiện hành chính…

Theo bản án phúc thẩm hồi tháng 4-2011 của TAND tỉnh Tiền Giang, mẹ con bà H. phải liên đới trả nợ cho bà ĐTTN gần 700 triệu đồng và trả một lần ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Đủ điều kiện, không chịu thi hành

Do mẹ con bà H. không chịu trả nợ, bà N. đã làm đơn yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cai Lậy tổ chức thi hành án, đồng thời cung cấp thông tin về tài sản là một lô đất của gia đình bà H. và yêu cầu kê biên, cưỡng chế thi hành án.

Tuy nhiên, Chi cục Thi hành án huyện có thông báo rằng không thể kê biên lô đất trên vì hai lý do: Thứ nhất, gia đình bà H. đã mang lô đất thế chấp ngân hàng từ trước thời điểm tòa xét xử. Thứ hai, qua xác minh thấy rằng lô đất trên cấp cho hộ bà H. (chồng bà đứng tên), trong khi theo bản án thì chồng bà H. không phải là người phải thi hành án.

Do có nhiều khiếu nại từ phía bà N., UBND huyện Cai Lậy đã lập tổ thanh tra. Theo báo cáo của Phòng TN&MT gửi UBND huyện, hai lý do mà Chi cục Thi hành án đưa ra để từ chối kê biên, cưỡng chế thi hành án lô đất của hộ gia đình bà H. là sai. Cụ thể, thực tế Phòng TN&MT đã xóa thế chấp lô đất của hộ gia đình bà H. theo xác nhận của ngân hàng từ tháng 8-2010. Cạnh đó, theo pháp luật về thi hành án, cơ quan thi hành án vẫn có thể kê biên, cưỡng chế tài sản chung của hộ gia đình.

1

Dựa vào đó, UBND huyện Cai Lậy đã ra thông báo hướng dẫn bà N. là có thể liên hệ với Chi cục Thi hành án huyện để xác định phần tài sản của mẹ con bà H., nếu phù hợp pháp luật thì yêu cầu đưa vào để thi hành án. Dù vậy, cho đến nay, Chi cục Thi hành án huyện vẫn chần chừ không chịu tiến hành các bước thi hành án tiếp theo.

Kiện chấp hành viên?

Theo Thẩm phán Nguyễn Huy Hoàng (TAND quận Gò Vấp, TP.HCM), cơ quan thi hành án có quyền kê biên, cưỡng chế thi hành án với tài sản chung của hộ gia đình. Trong vụ này, bà H. và con có nghĩa vụ trả nợ, dù đất đứng tên chồng bà H. nhưng phần sở hữu của bà H. và con có giá trị gấp đôi người đứng tên. Do đó, việc Chi cục Thi hành án huyện nại lý do không thể kê biên được đất cấp cho hộ gia đình là hoàn toàn sai.

Vậy bà N. sẽ phải làm sao nếu phía cơ quan thi hành án vẫn chây ỳ, không chịu thực thi nhiệm vụ? Theo luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), bên cạnh con đường khiếu nại lên các cơ quan chức năng như thông thường, bà N. vẫn có thể lựa chọn con đường khởi kiện hành chính. Ở đây, bà có thể khởi kiện chấp hành viên, người chịu trách nhiệm trực tiếp với vụ việc của bà về hành vi không thi hành bản án của tòa.

Năm năm không chịu cưỡng chế thi hành án

Ông D. (huyện Châu Thành, Tiền Giang) kiện đòi hai ông B. và T. trả lại nhà cho mượn. Tháng 9-2006, TAND huyện Châu Thành xử sơ thẩm đã tuyên chấp nhận yêu cầu của ông D. Sau đó, TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm cũng giữ nguyên án sơ thẩm.

Năm 2007, ông D. làm đơn yêu cầu thi hành án. Dù đã thụ lý nhưng từ đó đến nay, Chi cục Thi hành án huyện Châu Thành vẫn án binh bất động. Lý do Chi cục Thi hành án huyện đưa ra là đã nhiều lần… động viên, thuyết phục hai người phải thi hành án nhưng họ không hợp tác vì không đồng tình với hai bản án của tòa. Cạnh đó, có một tổ chức khác lại khiếu nại rằng trước đó UBND huyện đã lấy đất của họ cấp cho ông D. (trong khi tổ chức này không liên quan gì đến nội dung tranh chấp và các bản án của tòa) nên chưa thể cưỡng chế thi hành án (!?).

Mới đây, ông D. đã gửi đơn đến Cục Điều tra của VKSND Tối cao tố cáo chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành về hành vi cố tình không thi hành án.

Cưỡng chế tài sản thuộc sở hữu chung

Trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế.

Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc chấp hành viên có quyền yêu cầu tòa xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án.

Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày phần sở hữu được chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

(Trích khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự)

SONG NGUYỄN

Nguồn tin: phapluattp.vn

Các tin đã đưa ngày: