Sign In

Thế nào là bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản?

28/08/2012

Hiện tình trạng vay, mượn tiền rồi không trả, chây ỳ và cố tình lánh mặt chủ nợ rất phổ biến.

Thế nào là bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản?

Không đòi được, chủ nợ đến tố cáo với công an là mình “bị lừa”. Nhưng sau khi xác minh cơ quan điều tra không thể khởi tố vụ án hình sự được vì cho rằng người vay không bỏ trốn.

Nhưng thế nào là bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản thì còn ý kiến khác nhau; nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng rất lúng túng, không xác định được người bị tố cáo có “bỏ trốn” hay không nên không dám khởi tố. Người bị mất tiền, tài sản bức xúc nên tổ chức người nhà hoặc thuê đầu gấu siết nợ, có trường hợp gây án mạng.

Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự (BLHS), vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi bỏ trốnđể chiếm đoạt tài sản là hành vi phạm tội. Tuy nhiên, việc xác định một người bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản là một việc không đơn giản.

về pháp lý có hai trường hợp bỏ trốn:

Trường hợp thứ nhất: Người đã thực hiện hành vi phạm tội (đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm) mà bỏ trốn thì hành vi bỏ trốn này là trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật; hành vi bỏ trốn không phải là dấu hiệu cấu thành tội phạm, mà chỉ gây khó khăn cho việc xử lý vụ án. Ví dụ: Sau khi giết người, A đã bỏ trốn để tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Trường hợp thứ hai: Hành vi “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, tức là nếu chưa bị coi là “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” thì chưa cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Nếu vì một lý do nào đó mà phải bỏ trốn nhưng không phải là để chiếm đoạt tài sản thì hành vi bỏ trốn cũng chưa phải là dấu hiệu cấu thành tội phạm. Ví dụ: A cho B vay 500 triệu đồng, hết hạn A đòi nhiều lần nhưng B không trả được vì số tiền vay B đã đầu tư vào việc nuôi tôm nhưng sắp đến kỳ thu hoạch, tôm chết hết. Không đòi được tiền, A hăm dọa B và thuê người tìm B đánh. Do sợ bị đánh, B phải bỏ trốn nhưng vẫn gọi điện thoại cho A và hứa sẽ trả tiền cho A. Tuy nhiên, trong thực tế không phải bao giờ cũng rõ ràng như vậy mà không ít trường hợp lúc đầu bỏ trốn vì sợ bị đánh nhưng sau khi bỏ trốn thì trốn luôn không liên hệ gì với chủ nợ với mục đích không trả số tiền vay. Trường hợp này phải coi việc bỏ trốn là để chiếm đoạt tài sản.

Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản không nhất thiết phải bỏ trốn khỏi địa phương như trường hợp bỏ trốn để tránh sự trừng phạt của pháp luật. Người vay tiền có thể vẫn ở nơi cư trú nhưng dùng mọi thủ đoạn để người cho vay không thể liên lạc được với mình như: Bỏ ra khỏi nhà, không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn, thay số điện thoại, thay đổi chỗ ở mà không thông báo cho người cho vay biết… Tuy nhiên, cũng có trường hợp người vay tiền chưa đến hạn trả nợ hoặc đến hạn nhưng không trả được nợ mà bỏ trốn khỏi địa phương như trường hợp bỏ trốn để tránh sự trừng phạt của pháp luật để không phải trả nợ thì cũng coi là bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản.

Hành vi bỏ trốn được coi là dấu hiệu cấu thành tội phạm theo Điều 140 BLHS là hành vi trốn tránh người cho vay, chứ không trốn tránh cơ quan điều tra hay với người khác. Thời gian mất liên lạc này dài ngắn không phải là căn cứ xác định có bỏ trốn hay không, có thể là một tuần, một tháng, một năm... Tuy nhiên, nếu người vay tiền đã thông báo cho chủ nợ biết lý do của việc phải vắng mặt tại địa phương một thời gian thì không coi việc vắng mặt đó là hành vi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản. Nhưng nếu sau đó người vay bỏ trốn luôn, chủ nợ không liên lạc được với người vay nữa thì hành vi bỏ trốn này được coi là dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Dấu hiệu “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” tại Điều 140 BLHS là dấu hiệu định tội nhưng là dấu hiệu khó xác định. Nếu không hướng dẫn thì việc áp dụng sẽ không thống nhất, dễ dẫn đến oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Tác giả bài viết: ĐINH VĂN QUẾ

Nguồn tin: phapluattp.vn

Các tin đã đưa ngày: