Thi hành án dân sự là một hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của người được thi hành án và người phải thi hành án. Chính vì vậy, để giải quyết một việc thi hành án dân sự xong, thì trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên phải áp dụng nhiều biện pháp tác nghiệp khác nhau, trong đó biện pháp vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thỏa thuận thi hành án hoặc tự nguyện thi hành án là biện pháp hữu hiệu nhất, đảm bảo quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án là một trong những khâu quan trọng và là kỹ năng mềm trong việc gặp gỡ, trao đổi, giải thích các quy định của pháp luật phù hợp với người được, người phải thi hành án hoặc người có liên quan. Đây là việc làm tốt nhất để tuyên truyền về công tác thi hành án, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi công dân, tổ chức. Để có một sự thay đổi từ không hợp tác sang thái độ tự nguyện của đương sự là cả một quá trình kiên trì, khéo léo và thật sự nỗ lực rất nhiều trong công tác thuyết phục, vận động đương sự của Chấp hành viên, công chức thi hành án. Việc vận động, thuyết phục trong giai đoạn thi hành án dân sự không chỉ giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà còn giúp cho Chấp hành viên rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc và hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự.
Trong tháng 4/2024, Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Nha Trang qua quá trình làm việc với người phải thi hành án là ông Nguyễn Tường Tam và bà Nguyễn Thị Phê và nhiều lần, động viên, giải thích, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án giao tài sản (là nhà, đất tại số N.11 tờ bản đồ MBQH khu nhà ở Thánh Gia, số 71, đường số 4 nay đổi thành số nhà 75 Tân Trào, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang) để cơ quan thi hành án xử lý tài sản tiến hành kê biên (ban đầu qua sự vận động, thuyết phục đồng thời giải thích quyền, nghĩa vụ của Chấp hành viên, người phải thi hành án đã đồng ý phối hợp với cơ quan thi hành hành trong việc xử lý tài sản để thi hành án. Tuy nhiên đến khi tiến hành xử lý tài sản tiến hành kê biên thì ông Tam, bà Phê đã cố tình chây ỳ, không hợp tác, không tự nguyện thi hành án).
Nội dung vụ việc thi hành theo Quyết định số 14/2022/QĐST-DS ngày 25/7/2022 của Tòa án thành phố Nha Trang: Buộc ông Nguyễn Trường Tam và bà Nguyễn Thị Phê phải trả cho ông Nguyễn Văn Quý và bà Tô Thị Ngọc Anh số tiền 500.000.000đ (Năm trăm triệu đồng) và lãi phát sinh do chậm trả được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 568 Bộ luật dân sự năm 2015; Buộc ông Nguyễn Tường Tam và bà Nguyễn Thị Phê phải trả cho ông Nguyễn Văn Quý và bà Tô Thị Ngọc Anh số tiền 1.662.230.000đ (Một tỷ sáu trăm sáu mươi hai triệu hai trăm ba mươi nghìn đồng) và lãi phát sinh do chậm trả được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 568 Bộ luật dân sự năm 2015
Chấp hành viên đã tiến hành đầy đủ các thủ tục thi hành án cho các bên đương sự theo quy định pháp luật và xác định đây là vụ việc có điều kiện thi hành án, tạo điều kiện cho bên được thi hành án và bên phải thi hành án thỏa thuận nghĩa vụ trả nợ nhưng do ông Tam và bà Phê nhiều lần vi phạm thời hạn trả nợ (người phải thi hành án có điều kiện thi hành án) nên Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản và tiến hành bán đấu giá tài sản theo quy định. Sau nhiều lần Chấp hành viên làm việc động viên, phân tích Nguyễn Tường Tam và bà Nguyễn Thị Phê đã tự nguyện phối hợp với cơ quan thi hành án giao tài sản là nhà, đất tại số N.11 tờ bản đồ MBQH khu nhà ở Thánh Gia, số 71, đường số 4 nay đổi thành số nhà 75 Tân Trào, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang) cho người được thi hành án là ông Nguyễn Văn Quý và bà Tô Thị Ngọc Anh và ký vào biên bản giao tài sản theo quy định.
Trên thực tế hiện nay tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa, các cơ quan Thi hành án đang phải thi hành nhiều vụ việc có liên quan đến việc cưỡng chế, kê biên tài sản đển thi hành án, tháo dỡ, di dời tài sản để giao trả lại quyền sử dụng đất, trong đó có một vài vụ việc đã kéo dài nhưng chưa thi hành được do tính chất phức tạp (số lượng người phải thi hành án nhiều, cố tình chống đối quyết liệt…), do đó giải pháp để vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án đối với các vụ việc có điều kiện thi hành án là rất cần thiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc áp dụng biện pháp cưỡng chế (được xác định là phải huy động lực lượng nhiều để thi hành) để giảm thiểu chi phí, thời gian, công sức đối với cơ quan thi hành án và các bên đương sự trong việc thi hành án.
Qua công tác vận động, phân tích giáo dục, thuyết phục trong thi hành án dân sự của Chấp hành viên, công chức nói riêng và cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa nói chung đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao của đơn vị, qua đó cũng giúp Chấp hành viên nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật đến các đương sự, người dân và các doanh nghiệp. Phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện các hoạt động tuyên truyền về các quy định pháp luật về THADS và các quy định pháp luật khác có liên quan; tăng cường công tác phối hợp đặc biệt với chính quyền địa phương trong quá trình thuyết phục, vận động thi hành án. Mặt khác, qua việc vận động, phân tích giáo dục giúp Chấp hành viên, công chức thi hành án rèn luyện kỹ năng về nghiệp vụ thi hành án, về đạo đức, tác phong trong quá trình thực thi công vụ đáp ứng nhu cầu công việc trong thời gian tới.