Sign In

Xử lý tài sản đảm bảo qua thi hành án: Còn nhiều khó khăn

10/08/2017

Thời gian qua, việc xử lý thành công tài sản đảm bảo qua thi hành án đã giúp các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thu hồi được hàng chục tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài do nhiều nguyên nhân.

Tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh, hồ sơ liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo cho khoản nợ ngân hàng (NH) của một công ty về chế biến, xuất khẩu thủy sản ở TP. Cam Ranh dày 2 gang tay, khoản nợ lên tới hơn 63 tỷ đồng. Tuy nhiên, tài sản thế chấp để đảm bảo khoản nợ là máy móc, thiết bị chế biến thủy sản đã giảm giá đến lần thứ 9, chỉ còn hơn 1,6 tỷ đồng nhưng vẫn không có người mua. Đây chỉ là một trong số những vụ, việc xử lý tài sản đảm bảo của NH chưa giải quyết được và kể cả khi giải quyết xong tài sản thế chấp thì số tiền NH thu hồi được cũng chẳng còn bao nhiêu so với số tiền nợ.

 

Quang cảnh 1 vụ cưỡng chế thi hành án liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng. (Ảnh do đơn vị cung cấp)

Quang cảnh 1 vụ cưỡng chế thi hành án liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng

 

Tại buổi làm việc định kỳ 6 tháng đầu năm của  Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo các NH trên địa bàn tỉnh mới đây, đồng chí Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: Về xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu, các NH lựa chọn những vụ, việc có khả năng thu hồi để kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ NH giải quyết…

Theo NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, đến cuối tháng 6-2017, nợ xấu của các NH trên địa bàn tỉnh là 402 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 0,71%, trong ngưỡng an toàn.

Theo ông Nguyễn Hữu Anh - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, hiện nay, các vụ, việc liên quan đến tín dụng, NH ngày càng nhiều và số tiền ngày càng tăng gây áp lực lớn cho ngành Thi hành án. Ví dụ như vụ Công ty Đầu tư và Phát triển Cát Trắng phải thi hành án, thu hồi số tiền lên đến hơn 194 tỷ đồng. Trong quá trình thi hành án, còn nhiều vụ, việc tồn đọng, kéo dài do nhiều nguyên nhân. Ông Nguyễn Hữu Anh lý giải, trong quá trình tiến hành thủ tục thế chấp cho vay, nhiều trường hợp NH không xác định rõ nguồn gốc, hiện trạng tài sản thế chấp, không xác định được vị trí, diện tích đất nên đến giai đoạn thi hành án rất khó do không xác minh được mốc giới. Do đó, cơ quan thi hành án phải phối hợp với NH và các cơ quan khác xác minh ranh giới, trên cơ sở đó mới tiến hành kê biên tài sản. Vướng mắc lớn thứ hai là tài sản thế chấp đã kê biên, thẩm định bán đấu giá không có người đăng ký mua, dù phải giảm giá nhiều lần. Thậm chí có vụ giảm giá tài sản 23 lần vẫn không có người mua. Ví dụ vụ Công ty TNHH Hoàn Hảo phải trả nợ cho Agribank Khánh Hòa hơn 2,4 tỷ đồng nhưng tài sản thế chấp đã kê biên đấu giá 23 lần chưa có người đăng ký mua, hay vụ Công ty TNHH Hoàng Hà trả nợ NH Liên Việt số tiền hơn 3,4 tỷ đồng, tài sản thế chấp đã kê biên, đấu giá 15 lần vẫn chưa có người đăng ký mua…


Ông Nguyễn Hữu Anh cho biết, để đẩy mạnh tiến độ giải quyết các vụ, việc phải thi hành án trong lĩnh vực tín dụng, NH, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã chỉ đạo các chi cục thi hành án dân sự và văn phòng cục nhanh chóng tiến hành xác minh kê biên, thẩm định và bán đấu giá tài sản thế chấp. Đối với những vụ, việc còn vướng mắc về mốc giới sẽ phối hợp với NH cùng các ngành tháo gỡ để xác định mốc giới, tiến hành kê biên, thẩm định và đưa ra bán đấu giá. Những vụ, việc thi hành án có tài sản phải tiến hành kê biên, xử lý ngay; đồng thời, tổ chức bán đấu giá để giải quyết dứt điểm án có điều kiện giải quyết để góp phần tăng cường xử lý nợ xấu cho NH.


Theo NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, đến ngày 28-2, các chi nhánh tổ chức tín dụng đã phối hợp với cơ quan thi hành án giải quyết xong 73 vụ việc, thu hồi được 42,3 tỷ đồng nợ xấu; còn tồn đọng 345 vụ việc với số tiền phải thi hành án là 418 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên địa bàn triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 của các tổ chức tín dụng trên địa bàn theo chỉ đạo và hướng dẫn của NH Nhà nước. Đồng thời, áp dụng các biện pháp tại Nghị quyết 42 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu; thanh tra, giám sát việc thực hiện của các chi nhánh tổ chức tín dụng bảo đảm việc thực hiện đúng quy định. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt các nội dung tại Quy chế phối hợp giữa NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa và Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong công tác thi hành án dân sự; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, NH trên địa bàn. Bên cạnh đó, tổng hợp một số khoản nợ xấu tồn đọng khó thu hồi báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan phối hợp xử lý.


N.D

 


Theo lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, kết quả tổ chức thi hành án các quyết định, bản án của tòa án liên quan đến các tổ chức tín dụng, NH từ ngày 1-10-2016 đến ngày 31-7-2017: tổng số phải thi hành là 546 việc, chiếm 4,5% tổng số việc phải thi hành, tăng 66 việc so với cùng kỳ; tương ứng với số tiền hơn 923 tỷ đồng, chiếm 55,7% tổng số tiền phải thi hành án. Trong đó, 102 việc chưa có điều kiện thi hành, tương ứng số tiền hơn 97 tỷ đồng; 355 việc có điều kiện giải quyết, tương ứng số tiền hơn 668 tỷ đồng.


Kết quả: đã giải quyết 89 việc, đạt 25% trên số việc có điều kiện giải quyết; tương ứng số tiền hơn 157 tỷ đồng, đạt 23,5% trên số tiền có điều kiện giải quyết.

 


Theo Báo Khánh Hòa điện tử

Các tin đã đưa ngày: