Về phía cơ quan thi hành án sau khi xác minh và làm việc trực tiếp với ông P và bà T yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thi hành án thì ông P, bà T chây ỳ không chịu thực hiện, Chấp hành viên cũng nhiều lần vận động gia đình bố, mẹ ruột của ông P ,bà T thực hiện thay nghĩa vụ cho đương sự nhưng bố, mẹ ông P, bà T đưa ra lý do là tuổi già, gia cảnh khó khăn nên không thực hiện thay nghĩa vụ thi hành án cho con.
Từ những lý do trên, căn cứ vào điểm a, khoản 1 điều 44a Luật thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014, Chi cục thi hành án dân sự huyện Đạ Huoai đã ra Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án.
Tuy nhiên, qua công tác xác minh để kiểm sát hoạt động thi hành án, kiểm sát viên đã làm việc với mẹ ruột của ông P, bà T thì mẹ của ông P,bà T có cam kết với kiểm sát viên là sẽ nộp dần thay nghĩa vụ cho ông P,bà T mổi tháng là 1.000.000 đồng. Căn cứ vào cam kết này, Viện kiểm sát đã kiến nghị yêu cầu Chi cục thi hành án dân sự huyện Đạ Huoai xếp vụ việc này vào án có điều kiện thi hành và yêu cầu đưa vụ việc ra tiếp tục thi hành ( kiến nghị số 01/ KN - VKS ngày 07/04/2020 ) . Từ kiến nghị này Viện kiểm sát đã gây khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự vì những nguyên nhân sau:
Thứ nhất: Việc Chi cục thi hành án huyện Đạ Huoai ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án như trên đối với ông P và bà T là hoàn toàn đúng quy định của Pháp Luật. Việc xác định điều kiện thi hành án là xác định đối với người phải thi hành án ( Ông P, bà T ) chứ không phải xác định đối với người thân của họ.
Thứ hai: Trong trường hợp mẹ của ông P, bà T thực hiện đúng cam kết của mình nộp mỗi tháng 1.000.000 đồng để trả thay nghĩa vụ cho các con thì việc đưa ra tiếp tục thi hành án là hợp lý; nhưng trường hợp mẹ của ông P,bà T không chấp hành cam kết của mình thì cơ quan thi hành án phải tiếp tục đưa vụ việc xếp vào loại chưa có điều kiện thi hành, như vậy cơ quan thi hành án phải thực hiện nhiều thủ tục lặp đi lặp lại không cần thiết.
Xuất phát từ ví dụ và việc phân tích như trên theo quan điểm cá nhân tôi xác định như sau:
1.Luật thi hành án dân sự đã quy định các điều kiện để xác định về trường hợp chưa có điều kiện tại điều 44a, nếu đúng điều kiện đó thì phải xác định là việc chưa có điều kiện thi hành; không phải cứ có người thân nộp thay một ít tiền, hay cam kết nộp thay là buộc cơ quan thi hành án dân sự phải xác định vụ việc trở thành có điều kiện thi hành ( Chỉ trừ trường hợp người thân nộp thay toàn bộ nghĩa vụ thi hành án ).
2.Việc tổ chức thi hành án là công việc của chấp hành viên chứ không phải của kiểm sát viên, do đó khi đi xác minh để kiểm sát hoạt động thi hành án kiểm sát viên nên xác minh các điều kiện của người phải thi hành án xem có đúng căn cứ quy định tại điều 44a hay không, từ đó xác định xem việc ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án của cơ quan thi hành án có đúng pháp luật hay không, chứ không phải đến để vận động đôn đốc việc thi hành án thay cho cơ quan thi hành án.
Trên đây là nội dung phân tích một trường hợp chưa hợp lý trong kiến nghị của viện kiểm sát đối với việc kiến nghị yêu cầu Cơ quan thi hành án xếp loại vụ việc từ việc chưa có điều kiện thành có điều kiện để tiếp tục thi hành, xin nêu ra để chúng ta nghiên cứu tham khảo.
Phạm Quốc Thành – Chi cục THADS huyện Đạ Huoai