Sign In

Tự hào 70 năm truyền thống ngành Tư pháp

13/07/2015

       Hòa chung với không khí thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngành truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945 - 28/8/2015) và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ IV, cùng với các cơ quan Tư pháp trong cả nước, cán bộ công chức, người lao động Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
       Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền". Vì vậy, chỉ 10 ngày sau khi giành được độc lập (ngày 19/8/1945), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 8 năm 1945, Bộ Tư pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã được thành lập, đánh dấu chặng đường xây dựng và trưởng thành của ngành Tư pháp. Người từng viết: “Cán bộ Tư pháp phải tuyệt đối trung thành”, “các bạn là những người phụ trách thi hành luật pháp, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao tấm gương “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo” (*). Những lời dạy của Bác đã đi theo những thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp, nhắc nhở chúng ta không ngừng nỗ lực học tập phấn đấu góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự ‘của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.
 

       Cùng với sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của ngành Tư pháp, Thi hành án dân sự nói chung và cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai nói riêng đã trải qua những dấu mốc quan trọng của lịch sử, bộ máy tổ chức từng bước được kiện toàn.

       Năm 1993, ngay sau khi Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 ra đời và có hiệu lực thi hành, cơ quan Thi hành án dân sự được tách từ Tòa án nhân dân sang cơ quan Chính phủ, là bước ngoặt lịch sử, là mốc thời gian quan trọng đánh dấu sự hình thành và phát triển hoạt động thi hành án dân sự. Đây là văn bản pháp luật quan trọng cho việc xây dựng hệ thống cơ quan thi hành án dân sự độc lập với hệ thống Tòa án nhân dân, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, thúc đẩy công tác thi hành án dân sự ngày càng hoàn thiện. Việc chuyển giao công tác Thi hành án dân sự từ Tòa án nhân dân sang Sở Tư pháp cấp tỉnh, Phòng Tư pháp cấp huyện được triển khai thực hiện đồng bộ, nhanh chóng, ổn định tổ chức, nơi làm việc và kịp thời triển khai nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn mọi mặt như biên chế mỏng, cở sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai còn hết hết sức khó khăn do tỉnh mới được chia tách, theo đó việc bố trí sắp xếp nơi làm việc cho cơ quan THADS rất tạm bợ, trang thiết bị, phương tiện làm việc hầu như không có gì, Phòng Thi hành án dân sự được bố trí trụ sở làm việc chung với Sở Tư pháp, các Đội Thi hành án dân sự được bố trí 01 phòng làm việc trong trụ sở UBND cấp huyện. Đến năm 2004 trong bối cảnh nền kinh tế xã hội có sự chuyển đổi mạnh mẽ, lúc này công tác thi hành án dân sự đòi hỏi phải thực sự đáp ứng yêu cầu trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ trật tự an ninh xã hội. Trên cơ sở thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng và qua tổng kết thực tiễn 10 năm công tác Thi hành án dân sự, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 14/01/2004 với nhiều đổi mới quan trọng về trình tự, thủ tục cũng như về tổ chức cán bộ của các cơ quan THADS, với cơ chế pháp lý khá chặt chẽ và hiệu quả hơn nên công tác thi hành án dân sự lúc này tương đối thuận lợi, các quy định về thủ tục cưỡng chế, kê biên, đấu giá, xử phạt, hỗ trợ tài chính... đã tạo hành lang pháp lý rất thuận lợi, hiệu quả công tác thi hành án dân sự từng bước được nâng cao, nhiều vụ án phức tạp, tồn đọng được tổ chức thi hành dứt điểm, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho nhà nước và công dân. Vai trò quản lý Nhà nước đối với công tác THADS ở địa phương tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, bước đầu hình thành cơ chế phối hợp giữa các ngành hữu quan. Cơ sở vật chất tiếp tục được Bộ Tư pháp quan tâm, UBND các cấp tạo điều kiện thuân lợi để các cơ quan THADS trong tỉnh có địa điểm xây dựng trụ sở làm việc. Cùng với đó công tác tổ chức cán bộ từng bước được kiện toàn, đội ngũ Chấp hành viên, cán bộ thi hành án được tăng cường, bộ máy cơ quan THADS được củng cố từ cấp tỉnh đến cấp huyện, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức được đảm bảo.

       Năm 2008, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực Tư pháp, phù hợp với mục tiêu của chiến lược hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan Tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 26/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020, ngày 14/11/2008 Quốc hội khóa XII thông qua Luật Thi hành án dân sự 2008, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2009. Đây là văn bản Luật quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác Thi hành án dân sự cũng như chiến lược cải cách Tư pháp. Theo đó, hệ thống tổ chức ngành Thi hành án dân sự có bước thay đổi quan trọng, vị trí của cơ quan thi hành án được xác định theo mô hình quản lý tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương gồm Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố và Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện. Luật Thi hành án dân sự quy định tương đối toàn diện về các vấn đề liên quan đến hệ thống tổ chức Thi hành án dân sự và Chấp hành viên, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thi hành án dân sự.

 

       Đến nay, hệ thống cơ quan THADS tỉnh Lào Cai được thành lập và kiện toàn với Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh (với 04 phòng chuyên môn: Văn phòng, Phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án, Phòng Kiểm tra và GQKNTC, Phòng Tổ chức cán bộ) và 09 Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thành phố. Đội ngũ cán bộ, công chức thi hành án phát triển cả về số lượng và chất lượng với 107 biên chế hiện có, về trình độ có 02 Thạc sĩ, 84 Đại học; 21 Cao đẳng và trung cấp. Các đơn vị đã kiện toàn đủ các chức danh lãnh đạo phục vụ yêu cầu công tác quản lý, điều hành (Tại Cục: 01 Cục trưởng, 02 Phó Cục trưởng, 04 Trưởng phòng và 04 Phó trưởng phòng chuyên môn; Tại chi cục: 9 Chi cục trưởng, 11 Phó Chi cục trưởng).

       Cùng với việc củng cố, kiện toàn về bộ máy, tổ chức cán bộ, công tác thi hành án dân sự trong những năm qua đã thu được những thành tựu đáng tự hào. Kết quả thi hành án các năm từ 2009 đến năm 2014 đều đạt và vượt các chỉ tiêu được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao. Nhất là năm 2014, tỷ lệ thi hành xong về việc đạt 95%, tỷ lệ thi hành xong về tiền đạt 93%; các vụ án tồn đọng nhiều năm trước đã được giải quyết; thường xuyên rà soát, xác minh, phân loại án và tổ chức các đợt cao điểm giải quyết việc thi hành án tồn đọng làm giảm dần số việc tồn đọng đạt chỉ tiêu hằng năm. Công tác chỉ đạo, phối hợp trong hoạt động thi hành án dân sự đã được tăng cường đạt hiệu quả cao, đảm bảo các bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật đều được đưa ra thi hành nghiêm minh và đúng quy định về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự; quyền, lợi ích hợp pháp của các bên được đảm bảo, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn trật tự kỷ cương pháp luật của Nhà nước và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

       Năm 2014, với yêu cầu sửa đổi Luật thi hành án dân sự để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn thi hành án dân sự trong giai đoạn hiện nay, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIII thông qua vào ngày 25/11/2014, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015, tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, tạo cơ sở pháp lý cho sự chuyển biến cơ bản, bền vững, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, theo đó bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tộn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Đây là một bước tiến quan trọng đối với ngành Thi hành án dân sự. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã sửa đổi 55/183 điều so với Luật Thi hành án dân sự hiện hành, trong đó sửa đổi 47 điều; bãi bỏ 06 điều; bãi bỏ một phần của 2 điều; bổ sung 03 điều. Theo đó, cơ chế thi hành án được đảm bảo theo hướng thuận lợi hơn cho đương sự, khắc phục tình trạng lỏng lẻo của công tác xác minh hiện nay, đảm bảo hiệu quả công tác phối hợp trong THADS, quy định chặt chẽ hơn nội dung phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, nâng cao vai trò của UBND, TAND, VKSND trong công tác thi hành án dân sự... Sự thay đổi này cũng đòi hỏi cơ quan, công chức thi hành án dân sự phải không ngừng kiện toàn, nâng cao trình độ để ngày càng đáp ứng trước tình hình mới.

        Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai đã triển khai đồng bộ các mặt công tác, từ công tác chuyên môn đến các phong trào thi đua, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác; đúc kết kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp tổ chức, chỉ đạo đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, thiết thực hướng tới Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ IV và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX để từ đó nâng cao nhận thức, niềm tin, tinh thần phấn khởi, tự hào về ngành; tạo động lực tinh thần, cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, người lao động trong toàn ngành phát huy truyền thống, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và trí tuệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, xây dựng ngành Tư pháp nói chung và thi hành án dân sự nói riêng ngày càng vững mạnh, thực hiện thắng lợi yêu cầu nhiệm vụ nặng nề của toàn ngành trong giai đoạn mới, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thi đua lập thành tích chào mừng những sự kiện chính trị đặc biệt của đất nước trong năm 2015. 

       Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ngành Tư pháp (28/8/1945 - 28/8/2015) các thế hệ cán bộ, công chức Ngành thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai có quyền tự hào về những tháng năm vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ của thế hệ cha anh và viết tiếp những trang rạng ngời truyền thống Ngành Tư pháp nói chung và Thi hành án dân sự nói riêng ./.

(*):Thư gửi Hội nghị công tác tư pháp tháng 02 năm 1948
 
Lê Văn Thông - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Lào Cai

Các tin đã đưa ngày: