Sign In

Hội thảo “Thực tiễn thi hành Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành: Định hướng hoàn thiện”

26/02/2019

Sáng ngày 21/02/2019, tại Hà Nội, Tổng cục Thi hành án dân sự và dự án JICA đồng tổ chức Hội thảo “Thực tiễn thi hành Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành: Định hướng hoàn thiện” cho các tỉnh khu vực phía Bắc. Tham dự hội thảo, đồng chí Lê Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai nêu sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm và phạm vi hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự.
Định hướng nội dung hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự:
1. Mở rộng phạm vi thi hành án dân sự đối với hợp đồng có công chứng, chứng thực và biên bản hòa giải thành: Theo đó, bên có quyền được yêu cầu thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự đối với hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực, biên bản hòa giải thành mà khi hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ nhưng bên có nghĩa vụ không tự nguyện thực hiện. Hợp đồng và biên bản hòa giải thành nêu trên được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự thì cũng tương đồng với pháp luật về thi hành án dân sự Việt Nam hiện nay là thi hành quyết định của Trọng tài thương mại và Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và cũng tương đối giống với thi hành dân sự ở Nhật Bản.
2. Nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự. Theo đó, trao mạnh hơn quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị cho hệ thống thi hành án dân sự bằng các quy định về mở rộng chủ thể có quyền thi hành án dân sự quy định ở Trung ương cũng có cơ quan thi hành án dân sự, nghĩa là trao quyền cho Tổng cục thi hành án dân sự có thẩm quyền trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự và bổ nhiệm Chấp hành viên ở Tổng cục thi hành án dân sự để tiến hành thi hành án đối với những vụ việc có giá trị rất lớn, có yếu tố nước ngoài, liên quan đến nhiều địa phương. Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý thống nhất về công tác thi hành án dân sự trong phạm vi toàn quốc. Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên để kịp thời trấn áp, xử lý hành vi chây ỳ, chống đối thi hành án, như: quyền ra quyết định bắt giữ người, khám xét địa điểm, phương tiện liên quan đến việc thi hành án.
Mặt khác, quy định chức danh Thẩm phán thi hành án để hỗ trợ Chấp hành viên trong thi hành án dân sự, trao cho Thẩm phán thi hành án một số quyền hạn trong thi hành án dân sự, gắn kết chặt chẽ trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án dân sự. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác thi hành án dân sự.
3. Xác định thi hành án dân sự là thủ tục tố tụng thi hành các bản án, quyết định và văn bản khác về dân sự theo quy định của pháp luật. Vì thế, phải hoàn thiện trình tự, thủ tục thi hành án với các giai đoạn, các bước chặt chẽ, khuôn mẫu mang tính mực thước, từ khởi động đến tiến hành, dừng, thay đổi và kết thúc tiến trình thi hành án.
4. Quy định cụ thể các biện pháp hỗ trợ thi hành án dân sự, như chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm thi hành án dân sự. Thủ tục buộc người phải thi hành án tập trung lao động bắt buộc và tính toán tiền công cho phạm nhân khi họ tập trung cải tạo. Cơ chế ưu tiên cho người bị cưỡng chế giao nhà, trả nhà không có nơi ở được mua, thuê nhà ở xã hội. Hợp tác quốc tế về thi hành án dân sự.
5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự. Theo đó, quy định hình thức thông báo về thi hành án trên phương tiện thông tin điện tử (Cổng, Trang, Báo điện tử), kể cả mạng xã hội của cơ quan thi hành án tạo lập. Cơ chế thu chi, thanh toán tiền thi hành án bằng giao dịch điện tử; hiệu lực của văn bản sử dụng chữ ký số đối với cá nhân, tổ chức ngoài cơ quan thi hành án. Kết nối liên thông chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử giữa các cơ quan, tổ chức, nhất là Tòa án, Ngân hàng với cơ quan thi hành án dân sự. Sử dụng hồ sơ thi hành án điện tử; tăng cường các phần mềm; xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về thi hành án dân sự.
Hà Minh

Các tin đã đưa ngày: