Một là, Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, công tác hoàn thiện thể chế về THADS, xây dựng đề án, các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS, thi hành án hành chính. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả những văn bản đã có hiệu lực pháp luật.
Hai là, Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, tạo sự đột phá trong công tác THADS; bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; ra Quyết định đúng thời hạn đối với bản án, quyết định của Tòa án về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật; phân loại chính xác việc, tiền có điều kiện thi hành, chưa có điều kiện thi hành; khắc phục thiếu sót về trình tự, thủ tục trong THADS, đề xuất những chính sách, giải pháp mới mang tính đột phá trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và các năm tiếp theo.
Ba là, Tổ chức thực hiện đúng quy định của pháp luật việc theo dõi thi hành đối với 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi; tiếp tục thực hiện tốt các Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự đã ký kết với các cơ quan liên quan; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thi hành án.
Bốn là, Tiếp tục đổi mới công tác tổ chức cán bộ, cụ thể hóa và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ và nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ đảm bảo sự phát triển và chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương và củng cố, kiện toàn về công tác cán bộ; thực hiện chế độ chính sách cho công chức, viên chức, người lao động kịp thời, đúng theo quy định, đảm bảo quyền lợi cho công chức, viên chức, người lao động.
Năm là, Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng dẫn nghiệp vụ, quan tâm chỉ đạo việc tổ chức thi hành án đối với các đơn vị, địa phương có nhiều án, án phức tạp, những đơn vị có nhiều hạn chế, yếu kém; kịp thời có giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, trả lời kịp thời gian và bảo đảm chất lượng đối với những văn bản xin ý kiến của cấp dưới; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chậm trả lời các kiến nghị, thỉnh thị của cấp dưới và chấp hành không đúng ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Sáu là, Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phấn đấu giải quyết triệt để đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật; tiếp tục rà soát những vụ việc phức tạp, kéo dài để tập trung chỉ đạo giải quyết; cơ bản giải quyết dứt điểm đơn, thư khiếu nại, tố cáo bức xúc tồn đọng, kéo dài.
Bảy là, Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng, quyết toán tài chính, tài sản và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc để phục vụ tốt cho hoạt động của Hệ thống, đảm bảo sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.
Tám là, Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, thống kê THADS, đảm bảo chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động THADS.
Bên cạnh đó Hệ thống Thi hành án dân sự luôn gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ là các phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, phong trào thi đua “Cán bộ Tư pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2020, phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành Tư pháp thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025”; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai; thường xuyên chăm lo, giúp đỡ cán bộ, công chức trong Hệ thống, đơn vị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Để đạt được các nội dung, nhiệm vụ nêu trên, Hệ thống Thi hành án dân sự xác định và quyết tâm thực hiện tốt một số giải pháp như:
Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Bộ, Ngành Tư pháp về công tác thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, tư tưởng của các cấp uỷ đảng, chính quyền, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong triển khai công tác thi đua, khen thưởng. Đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp.
Xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong toàn Hệ thống theo tinh thần chỉ đạo chung của Ngành Tư pháp, phù hợp với Luật thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn về thi đua, khen thưởng cho công chức, viên chức và người lao động trong toàn Hệ thống.
Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, đổi mới phương thức đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua đảm bảo thực chất, hiệu quả trên cơ sở bám sát nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, Bộ Tư pháp, Hệ thống THADS hàng năm và trong cả giai đoạn 2021-2025; phát huy tinh thần sáng tạo, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, thực chất; huy động sự tham gia đông đảo, hưởng ứng tích cực của toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị trong toàn Hệ thống. Tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.
Tiếp tục thực hiện tốt chính sách khen thưởng, bảo đảm đúng quy định, kịp thời, công khai, minh bạch; khen thưởng phải phù hợp với thành tích và kết quả đạt được. Tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, nỗ lực, phấn đấu, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; chú trọng khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất; tạo sự chuyển biến rõ nét trong khen thưởng đối với công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, người lao động trực tiếp. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, khen thưởng, tổng kết nhân rộng các điển hình tiên tiến. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến.
Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền các phong trào thi đua; quan tâm phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, nhằm thúc đẩy, cổ vũ phong trào thi đua, để những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt, những tấm gương tiêu biểu được lan tỏa sâu rộng trong đơn vị, toàn Hệ thống THADS và cộng đồng.
Thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể và cá nhân làm công tác thi đua, khen thưởng ở từng cơ quan, đơn vị.
Đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng của toàn Hệ thống; đảm bảo nguồn lực phù hợp cho tổ chức thực hiện hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng của Hệ thống cũng như của từng cơ quan, đơn vị.
Thanh Hà