Vai trò của công tác thi hành án dân sự trong đời sống xã hội

15/04/2015
Hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động thực thi phán quyết của Tòa án liên quan đến các vấn đề về tài sản và nhân thân, trong các bản án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình...có thể nói hoạt động thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng. Để bản án, quyết định của Tòa án được thực thi trên thực tế, công tác thi hành án dân sự đóng vai trò rất quan trọng, đăc biệt trong điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực, chính vì thế các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động, thương mại ngày càng gia tăng, tính chất vụ việc phức tạp, gây nhiều khó khăn cho hoạt động thi hành án dân sự. Cùng là hoạt động thi hành án, song hoạt động thi hành án hình sự liên quan trực tiếp đến đối tượng là những con người hiện hữu, cụ thể; hệ thống trại giam, trại tạm giam được đầu tư, trang bị từ trung ương đến địa phương rất kiên cố; bộ máy, trang thiết bị quản lý các đối tượng phạm tội cũng được đầu tư chính quy, hiện đại do vậy hoạt động thi hành án hình sự có những thuận lợi nhất định. Khác với hoạt động thi hành án hình sự, hoạt động thi hành án dân sự đối tượng liên quan đến thi hành án lại là tài sản, nhân thân, trong đó tài sản có tài sản vô hình, tài sản hữu hình, tài sản cố định và tài sản có thể dịch chuyển được; tài sản có thể ở nhiều địa bàn, nhiều địa phương khác nhau; tài sản có tài sản thuộc sở hữu chung, tài sản thuộc sở hữu riêng; có loại tài sản phân chia được, có loại tài sản không thể phân chia, tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau.


Do tính chất của hoạt động thi hành án dân sự, trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến Bản án, Quyết định thi hành án, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi lĩnh vực đều có những quy định riêng, đặc thù. Để xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án là việc làm không đơn giản đối với các Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự, chưa kể đến những khó khăn từ phía các đương sự, do những đối tượng này không cộng tác đối với các Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự, như tẩu tán, che giấu tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, thậm chí là chống đối Chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp. Mặt khác kết quả của hoạt động thi hành án dân sự, không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự mà còn lệ thuộc rất nhiều vào hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, vai trò của cơ quan điều tra Công an, chức năng kiểm tra, giám sát của Viện kiểm sát các cấp, chất lượng xét xử của Thẩm phán. Một bản án không nghiêm minh, không đúng pháp luật, chưa thấu tình đạt lý thì hậu quả giải quyết ở giai đoạn thi hành án dân sự vô cùng khó khăn, phức tạp; ngoài ra hiệu quả hoạt động còn phụ thuộc cả vào sự phối của các cấp, các ngành hữu quan, sự đồng tâm, hợp lực của cả hệ thống chính trị, cần thiết phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, thì công tác Thi hành án dân sự mới thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, xứng đáng với sự mong đợi của toàn xã hội.

Trước năm 1993 hoạt động thi hành án dân sự chỉ là một trong số hoạt động của Tòa án, hiệu quả hoạt động không cao, bởi một cơ quan vừa tham gia hoạt động xét xử, vừa tham gia hoạt động thực thi bản án do chính cơ quan Tòa án ban hành, tính độc lập, khách quan, trong hoạt động xét xử và thi hành án dân sự không được đảm bảo, cũng khác với hoạt động thi hành án hình sự, mặc dù Quyết định thi hành án hình sự do cơ quan Tòa án ban hành, tuy nhiên hoạt động thực thi phần hình sự trong bản án, quyết định của Tòa án được giao cho cơ quan Công an đảm nhiệm, vì thế vẫn đảm bảo tính khách quan của sự việc. Trước yêu cầu cấp thiết của xã hội, hoạt động thi hành án dân sự nhất thiết phải tách ra khỏi hoạt động xét xử của Tòa án. Sau thời điểm năm 1993 công tác thi hành án dân sự được chuyển giao từ Tòa án sang cơ quan thuộc Chính phủ, một bộ phận cán bộ Tòa án được chuyển sang làm công tác thi hành án dân sự, số khác được tuyển dụng bổ sung, số lượng công chức thi hành án dân sự thời kỳ đầu còn rất hạn chế; văn bản pháp lý cao nhất đối với công tác thi hành án dân sự thời kỳ này là Pháp lệnh thi hành án dân sự do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành.

Đến năm 2004 sau hơn 10 năm thực thi Pháp lệnh thi hành án, công tác thi hành án dân sự cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, các quy định đối với công tác thi hành án dân sự trước đây đã không còn phù hợp. Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh thi hành án dân sự, thay thế Pháp lệnh 1993, chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/2004, Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 đã có nhiều đổi mới, tiến bộ để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên giai đoạn này mô hình tổ chức các cơ quan Thi hành án dân sự được thực hiện theo Quyết định số 1148/2005/QĐ-BTP ngày 18 tháng 5 năm 2005, về việc ban hành Quy chế uỷ quyền quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thi hành án huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cho Giám đốc Sở Tư pháp, việc thực hiện quy định này cũng tồn tại những hạn chế, bất cập. Đối với các cơ quan Thi hành án dân sự điạ phương, độc lập chỉ mang tính tương đối, việc chỉ đạo, điều hành các hoạt động thi hành án có lúc, có nơi không kịp thời, hạn chế tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động công vụ, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương hoạt động thiếu hiệu quả, vai trò của cơ quan Thi hành án dân sự mờ nhạt, nhiều cá nhân, tổ chức chưa biết đến chức năng, nhiệm vụ và vị trí của cơ quan Thi hành án dân sự trong hệ thống chính trị. Kết quả thi hành án dân sự hàng năm không cao, tỷ lệ án tồn đọng về việc, về tiền còn lớn.

Mô hình tổ chức các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương thực sự thay đổi, khi Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị định 74 năm 2009 có hiệu lực thi hành. Các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương trong phạm vi toàn quốc, hoạt động thống nhất theo hệ thống ngành dọc từ trung ương đến địa phương; ở trung ương có Tổng cục thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Cục thi hành án dân sự; cấp huyện có các Chi cục thi hành án dân sự trực thuộc Cục thi hành án dân sự tỉnh. Công tác thi hành án dân sự kể từ thời điểm có Luật thi hành án đến nay đã có sự chuyển biến rất tích cực về mọi mặt, cơ cấu tổ chức, bộ máy được kiện toàn từ trung ương đến địa phương, công chức thi hành án thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; kết quả thi hành án dân sự (về việc, về tiền) hàng năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, đại bộ phận các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đều hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu do Quốc hội, Bộ tư pháp, Tổng cục Thi hành án giao, hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả. Nhiều việc thi hành án khó khăn phức tạp tồn đọng, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, thành tích trong công tác thi hành án dân sự đã được các cấp chính quyền và người dân ghi nhận, vị thế của cơ quan Thi hành án dân sự đã được đặt ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ. Ngày 5/3/2013 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 397/QÐ-TTg lấy ngày 19/7 hàng năm là "Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự", đó chính là niềm cổ vũ, động viên rất lớn đối với cán bộ, công chức Thi hành án dân sự toàn quốc, khích lệ công chức toàn ngành vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao.

Tuy vậy nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự vẫn còn hết sức nặng nề, do điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ việc thi hành án có số tiền, tài sản phải thi hành đặc biệt lớn, khả năng thu hồi rất khó khăn; chỉ tiêu quốc hội và ngành dọc cấp trên giao đang ở mức cao, áp lực của xã hội với công tác thi hành án dân sự không hề nhỏ, số tiền, tài sản phải thi hành tồn đọng vẫn ở mức cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động thi hành án dân sự chưa thực sự quyết liệt, một bộ phận trong xã hội chưa hiểu hết những khó khăn để sẵn sàng chia sẻ đối với công tác thi hành án. Mặt khác số ít Chấp hành viên, công chức Thi hành án dân sự chưa tận tụy với công việc được giao, năng lực công tác còn hạn chế; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tại một số cơ quan, đơn vị cơ sở đối với công tác thi hành án chưa sâu sát, thường xuyên, việc tuyên truyền chủ trương, chính sách và các văn bản liên quan đến công tác thi hành án đối với người dân còn hạn chế.  

 Không ai khác mỗi cán bộ, công chức Thi hành án dân sự phải không ngừng nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân và toàn xã hội các quy định về thi hành án, để chia sẻ và cùng thực hiện với phương châm “Mỗi Chấp hành viên, công chức thi hành án là một tuyên truyền viên pháp luật về thi hành án”, khẳng định vai trò, vị thế của cơ quan Thi hành án dân sự trong đời sống, xã hội; là nhân tố không thể thiếu trong hệ thống chính trị.

ĐB