Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp, phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong Hệ thống Thi hành án dân sự, nhất là các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương cũng còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, chậm được khắc phục, làm ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh, uy tín, vị thế của Hệ thống Thi hành án dân sự và niềm tin của Nhân dân đối với hoạt động của Hệ thống, như:
- Nhận thức của các cơ quan thi hành án địa phương về tầm quan trọng của công tác báo chí nói chung, công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nói riêng còn chưa đầy đủ; việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong công tác phát ngôn còn yếu, tính trách nhiệm trong phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí chưa cao.[1] Việc phát ngôn và cung cấp thông tin trong nhiều trường hợp còn thiếu tính chính xác, tính chuẩn mực, tính nghiêm túc.[2]
- Công chức cơ quan thi hành án địa phương còn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng giao tiếp, còn thiếu tính chuyên nghiệp trong công tác phối hợp, trao đổi thông tin báo chí; các quy định pháp luật về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí còn chưa được quán triệt đầy đủ hoặc còn được thực hiện chưa nghiêm túc; việc phản ứng, đăng ý kiến phản hồi trước thông tin báo chí còn chậm, thiếu hiệu quả.[3]
- Chưa có một quy chế, quy trình, cơ chế khoa học, cụ thể, thống nhất về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để các cơ quan Thi hành án địa phương thực hiện. Điều 2, Điều 5 và các điều liên quan của Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (ban hành kèm theo Quyết định số 25/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ) đều quy định thẩm quyền phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của “Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước” nhưng việc các Cục trưởng, Chi cục trưởng thực hiện nhiệm vụ này như thế nào? Các bước phối hợp, trao đổi với cơ quan báo chí như thế nào? Quy trình cung cấp thông tin cho báo chí? Trách nhiệm trả lời báo chí đến đâu?… còn là những vấn đề cần được quy định rõ.
- Công tác đối thoại, cung cấp thông tin một cách đầy đủ, đa chiều, toàn diện cho các cơ quan báo chí còn chưa được quan tâm đúng mức. Trong một số trường hợp, báo chí còn một chiều, nặng về phản ánh những tiêu cực, tồn tại, hạn chế mà thiếu thông tin phản ánh, tôn vinh những đóng góp của Hệ thống, những tấm gương tận tụy, mẫu mực của cán bộ làm công tác thi hành án. Vì vậy, thông tin đến với người dân về Hệ thống còn tương đối phiến diện, một chiều.
Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên là do Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự còn chưa có một Quy chế hướng dẫn thống nhất, cụ thể công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đối với Hệ thống Thi hành án dân sự, đặc biệt là đối với các cơ quan thi hành án địa phương. Các quy định hiện hành của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí còn chưa bao quát, cụ thể, chưa phản ánh được đầy đủ yêu cầu thực tiễn, đặc thù và yêu cầu về tính linh hoạt trong công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Hệ thống cũng như sự quan tâm của dư luận xã hội đối với công tác thi hành án dân sự.[4] Tham khảo một số cơ uan, đơn vị, Tổng cục thấy rằng việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã được thực hiện ở nhiều hệ thống, địa phương trong thời gian qua.[5]
Với những lập luận nêu trên, để nâng cao kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan thi hành án dân sự trong công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; đồng thời để chủ động cung cấp đầy đủ thông tin của Hệ thống đến với Nhân dân thông qua các cơ quan truyền thông, báo chí thì việc trình Bộ trưởng xem xét, cho phép ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong Hệ thống Thi hành án dân sự là rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Về những nội dung cơ bản của Quy chế.
- Cơ sở pháp lý và thẩm quyền ban hành Quy chế: Căn cứ Điều 9 Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (ban hành kèm theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ), việc ban hành những quy định cụ thể về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong Hệ thống Thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
- Về đối tượng, phạm vi áp dụng: Quy chế điều chỉnh công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong Hệ thống Thi hành án dân sự, đặc biệt là đối với cơ quan Thi hành án dân sự các địa phương.
- Về thẩm quyền phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tại các cơ quan thi hành án dân sự: Làm rõ trách nhiệm của Cục trưởng, Chi cục trưởng trong công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; xác định rõ các trường hợp phát ngôn nhân danh cơ quan nhà nước và phát ngôn mang tính chất cá nhân.
- Về cơ chế, hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí: Xác định rõ việc cung cấp thông tin định kỳ thông qua Trang Thông tin điện tử của Cục và thông tin trong các trường hợp đột xuất, bất thường thông qua Trang Thông tin điện tử, văn bản hoặc trực tiếp trả lời báo chí. Xác định cơ chế chuyên môn hóa tổ chức bộ máy giúp Cục trưởng, Chi cục trưởng, đặc biệt cần tiếp tục nâng cao vai trò của Văn phòng, công chức làm công tác văn phòng thực hiện nhiệm vụ này.
- Quy trình chuẩn bị thông tin cung cấp cho báo chí: Xác định rõ quy trình chuẩn bị thông tin cung cấp cho báo chí, đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, đầy đủ, chính xác và kịp thời.
- Các trường hợp từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí: Xác định rõ các căn cứ, trường hợp cơ quan thi hành án dân sự địa phương được quyền từ chối, không thông tin cho báo chí như các vụ việc đang trong quá trình thanh tra, những vấn đề còn có sự mâu thuẫn, tranh chấp, chưa thống nhất giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết…
- Trao đổi, xác minh làm rõ thông tin được báo chí phản ánh; đăng tải ý kiến phản hồi thông tin báo chí: Quy định trách nhiệm của Cục trưởng, Chi cục trưởng các cơ quan thi hành án địa phương trong việc yêu cầu báo chí đăng tải ý kiến phản hồi hoặc cải chính thông tin theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức thực hiện, kiểm tra, báo cáo, xử lý vi phạm: Xác định rõ trách nhiệm của Cục trưởng, Chi cục trưởng trong việc tổ chức thực hiện, quán triệt các quy định, thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát, chế độ báo cáo, thông tin và việc xử lý các trường hợp có sai phạm.
- Các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện: Xác định rõ trách nhiệm của Cục trưởng, Chi cục trưởng, nguồn lực tổ chức bộ máy, hỗ trợ tài chính… để đảm bảo triển khai nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tại các cơ quan, đơn vị./.
Ths.Nguyễn Xuân Tùng - Chánh Văn phòng - Người phát ngôn của Tổng cục Thi hành án dân sự
[1] Như: Trường hợp Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Lạt - Lâm Đồng, bài “Thi hành án giao nhà đất cho Phương Trang: Chờ chỉ đạo của Bộ trưởng Tư pháp”, Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh ngày 31/3/2015.
[2] Như: Trường hợp Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Tiền Hải - Thái Bình, bài “Chi cục muốn “đè ngửa” thi hành, Phó Chủ tịch huyện bảo tạm dừng!”, Báo Giáo dục Việt Nam điện tử ngày 6/3/2015.
[3] Như: Trường hợp Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Hòa - Phú Yên, bài “Vụ Cụ bà tự thiêu tại sảnh Tòa án: Kỷ luật Chi cục trưởng Thi hành án”, báo Người lao động ngày 26/7/2013 hay trường hợp cán bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Phước, bài “Bình Phước: Cán bộ chửi dân vô duyên”, báo Người lao động ngày 11/9/2014.
[4] Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-BTP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp); Quy trình xử lý thông tin báo chí tại Tổng cục Thi hành án dân sự (ban hành kèm theo Quyết định số 833/QĐ-TCTHADS ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự).
[5] Như: Quyết định số 221/QĐ-TCT ngày 10 tháng 02 năm 2015 ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Tổng cục Thuế.