Thông cáo báo chí phục vụ 72 năm Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự và giao ban công tác thi hành án dân sự Quý III/2018
Ngày 19 tháng 7 năm 2018, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) tổ chức buổi Tọa đàm Kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống THADS (19/7/1946 - 19/7/2018) và giao ban công tác THADS Quý III/2018, Tổng cục thông tin một số nội dung sau:
I. Kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự (19/7/1946 - 19/7/2018)
Ghi nhận thành tích vẻ vang của ngành THADS và động viên các thế hệ cán bộ, công chức và người làm công tác THADS tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, ngày 5/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 397/QÐ-TTg lấy ngày 19/7 hàng năm là "Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự", đánh dấu chặng đường lịch sử hình thành và phát triển của ngành THADS.
Trải qua 72 năm xây dựng và phát triển, Hệ thống THADS đã có sự lớn mạnh vượt bậc, với một diện mạo mới, được tổ chức tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, với Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp ở Trung ương, 63 Cục THADS được tổ chức ở cấp tỉnh và 710 Chi cục THADS được tổ chức ở cấp huyện và gần một vạn cán bộ, công chức, viên chức THADS, tương xứng với nhiệm vụ chính trị được giao và phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp. Thời gian qua, Hệ thống THADS đã và đang trực tiếp bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ngày 19/7/2018 là dịp quan trọng để các thế hệ cán bộ, công chức và người làm công tác THADS trên phạm vi cả nước tổ chức ôn lại truyền thống vẻ vang và động viên khích lệ cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, tiếp thu, kế thừa và phát huy truyền thống, đề ra những phương hướng, giải pháp mới, sáng tạo, hiệu quả nhằm xây dựng ngành THADS đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
II. Một số kết quả thi hành án dân sự nổi bật 9 tháng đầu năm 2018
1. Kết quả thi hành án dân sự
- Về việc, các cơ quan THADS đã thụ lý 787.187 việc. Tổng số phải thi hành là 778.434 việc, trong đó, số có điều kiện thi hành là 601.170 việc (chiếm 77,23% trong tổng số phải thi hành). Kết quả: thi hành xong là 389.293 việc, đạt tỉ lệ 64,76%.
- Về tiền, tổng số thụ lý là 184.016 tỷ 953 triệu 904 nghìn đồng. Tổng số phải thi hành là 171.711 tỷ 190 triệu 560 nghìn đồng, trong đó, số có điều kiện thi hành là 101.534 tỷ 270 triệu 652 nghìn đồng (chiếm 59,13% trong tổng số phải thi hành). Kết quả: thi hành xong là 19.878 tỷ 145 triệu 009 nghìn đồng, đạt tỉ lệ 19,58%.
2. Công tác xây dựng đề án, văn bản
Hệ thống THADS đã ban hành được 02 văn bản: (i) Nghị quyết số 31-/NQ-BCSĐ ngày 05/4/2018 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm THADS, thi hành án hành chính giai đoạn 2018 - 2021; (ii) Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 12/6/2018 quy định việc phối hợp trong thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản (có hiệu lực từ 01/8/2018). Hiện Tổng cục đang tập trung xây dựng Đề án giải quyết việc THADS không có điều kiện thi hành đã tồn đọng trong nhiều năm; sửa đổi Thông tư thay thế Thông tư số 08/2015/TT-BTP ngày 26/6/2015 về thống kê THADS; Thông tư sửa đổi Thông tư số 02/2017/TT-BTP ngày 23/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức THADS.
3. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin
Triển khai thực hiện thí điểm phần mềm quản lý THADS tại 15 địa phương, trên cơ sở đó toàn Hệ thống triển khai chính thức từ 01/8/2018. Từ tháng 6/2018, toàn Hệ thống đã thực hiện chế độ báo cáo trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục THADS; các cơ quan THADS trong toàn Hệ thống đã tăng cường sử dụng chữ ký số, sử dụng văn bản điện tử, qua đó đã giảm tải được khối lượng lớn văn bản giấy, tiết kiệm chi phí. Tiếp tục xây dựng phần mềm hỗ trợ trực tuyến THADS; phối hợp triển khai truyền hình trực tuyến đến cấp Chi cục. Tổng cục đang thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam nhằm triển khai thực hiện Quyết định 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích trong lĩnh vực THADS.
III. Một số khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hệ thống THADS phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, cụ thể:
- Một số vụ việc trọng điểm, phức tạp đã kéo dài nhiều năm trong khi điều kiện kinh tế, xã hội và các quy định của pháp luật liên quan có nhiều thay đổi so với thời điểm giải quyết vụ việc, cần phải có sự phối hợp, chỉ đạo thống nhất của nhiều cấp, nhiều ngành.
- Điều kiện thi hành án trong những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án; đương sự đang phải chấp hành án phạt tù không có tài sản để thi hành án; nhiều vụ án tài sản phân tán ở nhiều địa phương khác nhau, tình trạng pháp lý không rõ ràng, khiến cho việc thi hành gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, cơ chế quản lý, kiểm soát thu nhập cá nhân còn chưa hoàn thiện, cá nhân phần lớn sử dụng tiền mặt khiến cho việc xác minh, nắm bắt thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đáng kể kết quả thi hành án.
- Trong giai đoạn thẩm định cho vay, các tổ chức tín dụng chưa chặt chẽ trong việc xác định ranh giới đất, định giá chênh lệch nhiều so với giá thẩm định lúc cho vay dẫn đến cơ quan THADS kê biên thường có khiếu nại, khởi kiện tranh chấp tài sản hoặc bán đấu giá tài sản nhiều lần nhưng không có người mua. Một số Ngân hàng có tâm lý bảo vệ khách hàng, ngại cung cấp tài khoản, tài sản thế chấp của người phải thi hành án, dẫn đến một số vụ việc tồn đọng chưa có hướng giải quyết.
- Việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng qua gần 01 năm thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ như: chưa có sự thống nhất thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán; chưa có hướng dẫn về các khoản thuế, phí mà người phải thi hành án còn nợ, các khoản thuế liên quan đến chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chưa được thanh toán; nhiều vụ việc cơ quan THADS phải chờ kết quả bán nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của các tổ chức tín dụng.
- Một số vụ việc chưa thể thi hành do trong quá trình tổ chức thi hành án, các cơ quan THADS nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc đang kiến nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với Bản án, có Quyết định hủy toàn bộ bản án phúc thẩm, sơ thẩm đang trong quá trình chờ xét xử lại, khó khăn trong quá trình liên quan đến ủy thác tư pháp do đương sự đang cư trú ở nước ngoài dẫn đến kéo dài thời gian thi hành án.
- Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao, phần lớn người phải thi hành án thường tìm cách trì hoãn, kéo dài việc thi hành án, thậm chí có những trường hợp chống đối quyết liệt, đặc biệt là trong quá trình cưỡng chế giao tài sản trúng đấu giá hoặc lợi dụng quyền công dân, phương tiện thông tin đại chúng để khiếu nại nhiều lần, khiếu nại vượt cấp, gửi đơn đến nhiều cơ quan, ban ngành với nội dung không chính xác để kéo dài tiến độ giải quyết án, trong khi chưa có cơ chế chấm dứt giải quyết, gây dư luận không tốt trong xã hội; chế tài hành chính, hình sự chưa đủ mạnh để để răn đe đối với các trường hợp này.
Trên đây là thông tin Tổng cục THADS cung cấp liên quan đến một số kết quả công tác THADS 09 tháng đầu năm 2018. Trong thời gian tới, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, Tổng cục THADS rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan, ban, ngành; đặc biệt là các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc chia sẻ những khó khăn của Hệ thống THADS, tiếp tục tăng cường truyền thông về lĩnh vực THADS, thi hành án hành chính qua đó góp phần nâng cao ý thức của cá nhân, tổ chức đối với việc chấp hành bản án, quyết định của Tòa án; lên án, phê phán hiện tượng chây ỳ, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án; tạo sự quan tâm, đồng thuận của xã hội đối với công tác thi hành án.
TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ