Thứ nhất, về hình thức tuyển dụng công chức
Theo quy định tại Luật cán bộ công chức hiện hành (sau đây gọi là Luật năm 2008), thì việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển. Hình thức xét tuyển áp dụng đối với: Người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 (sau đây gọi là Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì ngoài hình thức tuyển dụng thông qua thi tuyển, xét tuyển còn có hình thức tiếp nhận vào làm công chức.
Việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển áp dụng đối với 02 nhóm đối tượng: (1) Người cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (2) Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học. Bỏ quy định áp dụng xét tuyển đối với: Người kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Thứ hai, về loại công chức và ngạch công chức
Theo quy định của Luật năm 2008 thì công chức có 04 loại (loại A, loại B, loại C, loại D); ngạch công chức có 05 ngạch (Chuyên viên cao cấp và tương đương; Chuyên viên chính và tương đương; Chuyên viên và tương đương; Cán sự và tương đương; Nhân viên).
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì bổ sung thêm 01 loại công chức và 01 ngạch công chức.
Thứ ba, về việc nâng ngạch công chức
Theo quy định của Luật năm 2008, công chức được nâng ngạch công chức thông qua hình thức thi nâng ngạch. Tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch quy định chung chung.
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì công chức được nâng ngạch thông qua hình thức thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch.
Điều kiện dự thi nâng ngạch: (1) Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật này (2) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn (3) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ của ngạch công chức đăng ký dự thi (4) Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu đối với từng ngạch công chức
Điều kiện xét nâng ngạch: (1) Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận (2) Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.
Những người thuộc các trường hợp sau đây không được dự thi nâng ngạch: (1) Bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực (2) Bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực (3) Đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử - Điều 82.
Thứ tư, về xếp loại chất lượng công chức
Theo quy định của Luật năm 2008, công chức được xếp loại theo 04 mức:
(1) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (2)
Hoàn thành tốt nhiệm vụ (3) Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (4)
Không hoàn thành nhiệm vụ.
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019, công chức cũng được xếp loại theo 04 mức, tuy nhiên ở mức (3) bỏ cụm từ “nhưng còn hạn chế về năng lực” thành Hoàn thành nhiệm vụ. Bổ sung thêm quy định: Kết quả xếp loại chất lượng công chức được thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác.
Thứ năm, về kỷ luật công chức
Theo quy định của Luật năm 2008, thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm; thời hạn xử lý kỷ luật không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng.
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019, thời hiệu xử lý kỷ luật tùy thuộc vào hành vi vi phạm, có hành vi vi phạm có thời hiệu và có hành vi vi phạm không có thời hiệu. Thời hiệu xử lý kỷ luật, quy định như sau: (1) 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách (2) 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách (3) Các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật: Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.
Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019, bổ sung thêm quy định: Công chức bị Tòa án kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
Trên đây là một số điểm mới liên quan đến công chức trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020).
Trần Thị Lành, Thẩm tra viên chính Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục THADS