Sáng 23/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Trong đó, một trong những chỉ tiêu được Quốc hội giao là công tác Thi hành án dân sự ngày càng có chuyển biến tích cực.
Tập trung thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng
Nhìn lại giai đoạn 2016-2020, công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính tiếp tục nhận được sự quan tâm và chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và cấp uỷ, chính quyền các cấp, qua đó tạo sự ổn định và phát triển bền vững trên tất cả các hoạt động. Các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án được hoàn thiện theo các yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Theo đó, Hệ thống THADS được kiện toàn, đội ngũ công chức được củng cố, ngày càng hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, theo hướng chuyên nghiệp; vị thế của các cơ quan THADS trong hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước ngày càng được nâng lên. Công tác phối hợp liên ngành trong THADS được chú trọng và phát huy hiệu quả. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động được quan tâm, tăng cường đáng kể, bảo đảm tốt hơn cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ.
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi hành án dân sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 về việc tăng cường công tác THADS; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 về tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính (THAHC).
Trong 5 năm qua, Bộ Tư pháp và các địa phương đã tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm và các vụ việc liên quan đến thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, khoản nợ của các tổ chức tín dụng (như: vụ Vinalines, vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Phạm Công Danh...). Nhiều biện pháp giải quyết việc thi hành án tồn đọng đã được Bộ Tư pháp và các địa phương áp dụng, thực hiện trong suốt nhiệm kỳ 2016-2020.
Về cơ bản, kết quả THADS năm sau cao hơn năm trước, đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao. Trong nhiệm kỳ 2016-2020, các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 2,8 triệu việc (tăng 20,33% so với nhiệm kỳ trước), thu được số tiền hơn 205 nghìn tỷ đồng (tăng 56% so với nhiệm kỳ trước).
Trong đó, riêng năm 2020 (đến ngày 30/9/2020), mặc dù trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, cụ thể: Số việc phải thi hành là 885.833 việc, trong đó số việc có điều kiện thi hành là 708.674 việc; đã thi hành xong 576.933 việc (giảm 2.323 việc) so với cùng kỳ năm 2019, đạt tỉ lệ 81,41% (tăng 2,82% so với cùng kỳ), vượt chỉ tiêu được giao là 1,41%.
Số tiền phải thi hành là 264.707 tỷ 535 triệu đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là 132.905 tỷ 418 triệu đồng, đã thi hành xong là 53.750 tỷ 695 triệu đồng (tăng 1.035 tỷ 43 triệu đồng, tăng 1,96% so với năm 2019).
Tổng cục THADS đón nhận cờ thi đua tại Lễ tổng kết năm 2020.
Nhiều khó khăn trong thi hành án hành chính
Trong đó, công tác đôn đốc thi hành án hành chính trong nhiệm kỳ qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong việc giám sát chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND. Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tiến hành các cuộc kiểm tra liên ngành, làm việc trực tuyến về tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và THAHC tại các địa phương.
Riêng năm 2020, tổng số việc mà cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành là 830 việc (kỳ trước chuyển sang 339 việc; phát sinh trong kỳ 491 việc), tăng 03 lần so với năm đầu nhiệm kỳ (274 việc). Kết quả: Các cơ quan THADS đã ra 572 văn bản thông báo tự nguyện thi hành án; đăng tải công khai 201 quyết định buộc thi hành án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án 318 việc; có 103 văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với vụ việc do vi phạm nghĩa vụ thi hành án. Các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đã tập trung thi hành xong 363/830 việc (đạt tỉ lệ 43,73%).
Tuy nhiên, từ thực tế thi hành án, Bộ Tư pháp cũng chỉ rõ những khó khăn, hạn chế đối với công tác này, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân và nghiêm minh của pháp luật để công tác THADS đạt kết quả tốt hơn trong giai đoạn tới.
Đó là, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng còn thấp so với yêu cầu; số việc chuyển sang kỳ sau giảm, nhưng lại tăng về tiền so với năm 2019. Tiếp tục có nhiều vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá nên chưa thể xử lý dứt điểm được vụ việc thi hành án (năm 2020, toàn quốc còn 614 vụ việc đấu giá thành với số tiền trên 2 nghìn tỷ đồng nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá). Đây tiếp tục là vấn đề tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Tỉ lệ thi hành án hành chính đạt thấp (mới đạt 43,73%).
Qua theo dõi, cả nước còn còn 467 vụ việc thi hành án hành chính chưa được thi hành xong (tăng 128 vụ việc so với năm 2019), trong đó nhiều nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai.
Phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu THADS năm 2021
Về chiến lược, giải pháp của công tác THADS và THAHC giai đoạn tới, Hệ thống THADS tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế sau khi được ban hành. Phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu THADS được Quốc hội giao năm 2021. Bảo đảm 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ án hành chính được theo dõi thi hành theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong kê biên, phong tỏa tài khoản, truy tìm tài sản bảo đảm cho công tác thi hành án, nhất là trong các vụ việc kinh tế, tham nhũng.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện văn bản pháp luật về THADS; xây dựng và ban hành Đề án đổi mới công tác kiểm tra trong hệ thống THADS. Nghiên cứu, tham mưu ban hành hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành quy trình đảm bảo tính đặc thù trong thi hành các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nhằm đảm bảo việc thu hồi tài sản thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. Ban hành cơ chế phối hợp liên ngành trong truy nguyên, truy tìm tài sản do phạm tội mà có để tạm giữ, kê biên, phong tỏa phục vụ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế từ giai đoạn điều tra đến khi kết thúc thi hành án.
Đặc biệt, Hệ thống THADS cả nước phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu THADS năm 2021. Tập trung chỉ đạo thi hành các vụ việc trọng điểm, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các vụ việc tín dụng, ngân hàng; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm hoặc có vi phạm, thiếu sót trong tổ chức thi hành án. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn hệ thống THADS.
Hệ thống THADS tiếp tục rà soát, đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương; ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất các Quy chế phối hợp liên ngành; chủ động tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, bộ, ngành liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong THADS.
Theo: baochinhphu.vn